Những câu chuyện trên đường

Đời mấy lần được làm theo trái tim

Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:55
Đôi khi tôi nghĩ, chúng ta luôn có rất nhiều lý do hợp lý để từ chối hành động giúp đỡ một ai đó đang gặp nguy khốn mà chúng ta vô tình nhìn thấy trên đường.


1. Mấy hôm trước, tôi có viết bài báo ngắn cho một tờ báo online, tựa “Sáng hôm ấy, không chiếc xe nào dừng lại phố Ái Mộ”, trích “Năm năm trước, rất đông cư dân mạng tại Việt Nam đã lên tiếng bỉ bai người Trung Quốc vô tâm, vô nhân đạo khi để mặc cháu bé Yue Yue (cháu bé 2 tuổi bị TNGT) nằm vật vã trong đau đớn trên hè phố. Năm năm sau, những người tham gia lưu thông ngang đoạn đường xảy ra tai nạn đã không dừng lại dẫu nhận được tín hiệu cầu xin giúp đỡ. 

Ngay cả nhiều người chứng kiến ở hiện trường vụ việc cũng dửng dưng trước cánh tay đưa lên cầu cứu của cháu bé gặp nạn. Có khác gì “cơn bão lòng người Yue Yue” năm nào ở Trung Quốc đâu.

Tôi không dám khẳng định nếu có người điều khiển phương tiện giao thông dừng lại để đưa cháu đi cấp cứu, cháu sẽ được cứu sống. Mặc dù biết đâu đấy nếu được đưa đến bệnh viện “giờ vàng cấp cứu” cháu sẽ có cơ hội tăng thêm hy vọng được nhìn thấy mặt trời mỗi sớm mai.

Tôi lại hoàn toàn không có ý định phê phán những cá nhân lướt xe qua vụ tai nạn bất chấp nhận được tín hiệu xin giúp đỡ từ người chứng kiến. Bởi, chúng ta thường sợ rầy rà đến pháp luật, sợ tốn thời gian lôi thôi cho những thứ không liên quan đến mình. Và cứ như vậy, chúng ta chấp nhận nhắm mắt lướt qua một thân phận, lướt qua một cá nhân bé nhỏ đang cần sự giúp đỡ.

Thật ra thì tai nạn của người này, sự không may mắn của người này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Không ai tư duy thiển cận theo lối “nhà tôi có chuyện buồn, tôi yêu cầu nhà anh phải vặn nhỏ nhạc”. Nhưng, sự chia sẻ đồng cảm trước những buồn thương bắt buộc phải tồn tại trong một cá thể người.

Minh họa: Hữu Khoa.

Đời sống đô thị có thể tiêu diệt cảm xúc cá nhân, sự rắc rối pháp lý có thể triệt tiêu lòng tốt, nhưng nước mắt trước người không may là điều mà cá nhân không được phép đánh mất, không được phép từ chối. Tuy nhiên, tôi biết làm sao được khi mà tôi không thể nhân danh bất cứ điều gì để phản ứng với những người điều khiển xe qua hiện trường vụ tai nạn thảm khốc và tìm mọi cách đào thoát trước lời khẩn cầu. Ngoài nỗi buồn ra, tôi chẳng còn gì cả. Tôi không có thói quen rao giảng đạo đức, lại càng không có thói quen ép người khác thực hiện theo quan điểm cá nhân.

Chỉ là tôi muốn hỏi: “Làm người như vậy, đành lòng sao?”. Hỏi không cần trả lời đâu, vì trên thực tế, đã không có chiếc xe nào dừng lại tại vụ tai nạn trên phố Ái Mộ sáng ấy”.

Sau bài viết ấy, đã có một cuộc tranh luận khởi phát. Có ý kiến nói rằng đám đông đang vô cảm, lại có ý kiến cho rằng không nên tham gia giúp đỡ nếu không biết cách sơ cứu vì sẽ làm xấu thêm tình hình của nạn nhân… Tôi hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh luận này, bởi tự xưa đến nay tôi vẫn giữ quan điểm mỗi cá nhân có một tư duy và góc nhìn riêng, miễn sao tư duy và góc nhìn ấy không ảnh hưởng đến đạo đức, quy chuẩn hay luật định.

Tuy nhiên, có vài điều tôi nghĩ.

2. Chúng ta luôn miệng nói, phải có kỹ năng sơ cứu khi tham gia cứu hộ cứu nạn. Nếu không, bạn chỉ làm xấu thêm tình hình của người bị nạn. Về lý thuyết, bạn đã nói đúng rồi. Lại càng đúng hơn ở một xã hội tiên tiến, nơi bạn gọi số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát hay bệnh viện, nhân viên công vụ lập tức xuất hiện.

Bạn cũng nói đúng luôn chuyện nếu đưa nạn nhân đến bệnh viện, bạn sẽ bị cật vấn về viện phí, về mối quan hệ với nạn nhân. Đó là chưa kể, nếu là một vụ tai nạn nghiêm trọng, bạn còn phải cung cấp thông tin không khác nào bị hỏi cung với điều tra viên. Thêm tài sản của nạn nhân bị mất cắp và bạn nằm trong diện tình nghi. Khả dĩ, xui rủi hơn, bạn còn bị người nhà nạn nhân tẩn cho một trận vì họ nghĩ bạn là kẻ gây tai nạn.

Và còn những tình huống khác khiến bạn bị lôi vào mớ lằng nhằng, phức tạp chỉ bởi lòng tốt. Những lý do bạn đưa ra, đều chính xác cả, đều đã từng đơn lẻ xảy ra trong thực tế.

Nhưng có một nguyên nhân chính hơn hết mà bạn không thừa nhận hoặc không muốn thừa nhận, “Bạn hoàn toàn không có ý định giúp đỡ người bị tai nạn?”.

3. Như tôi vẫn thường viết, thẳm sâu trong mỗi con người là mầm thiện. Mầm thiện ấy tồn tại song song cùng bản năng, tuyệt đối không hề mất đi chỉ là bị che chấp bởi những toan tính do đời sống tạo thành.

Chúng ta đừng vin vào những điều không đáng để che giấu thiện tâm của mình, bởi thiện tâm cũng như mầm cây, phải gieo đất tốt, phải chăm sóc, nuôi dưỡng.

Một vài người bạn kể với tôi về những rắc rối mà họ từng gặp phải khi giúp đỡ người bị tai nạn. Bản thân tôi cũng từng vướng vào tình huống ấy.

Có lần, cô gái điều khiển xe gắn máy trên đường Võ Thị Sáu bị va quệt, ngã xuống đường. Tôi tấp xe vào lề, đỡ xe cho cô gái. Việc đầu tiên là cô vùng dậy, rút phăng chìa khóa xe và nhìn tôi đầy giận dữ. Lúc đấy cũng sốc,  cũng buồn. Huống hồ những cá nhân vì giúp người mà lại bị đánh, bị vu là kẻ gây tai nạn, bị gieo điều tiếng… 

Tuy nhiên, không sao cả đâu vì vấn đề lớn nhất là bạn đã cảm thấy bình an trong khoảnh khắc mà bản năng cảm xúc của con người được khơi dậy, và bạn làm đúng theo trái tim của bạn mách bảo. Chúng ta sinh ra trên đời này, không nhiều lần lắm được hành động theo trái tim, toàn là lý trí.

Thêm nữa, có phải những hàm oan đều được nhanh chóng tháo gỡ hay không?

Ngô Nguyệt Lãng
.
.