Đoạn tuyệt với dạy thêm?
Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc thông qua một quy định mà trong đó, các hoạt động dạy thêm có lợi nhuận sẽ bị cấm kể từ tháng 1-2022, gây ra một cú sụp đổ dây chuyền.
Từ chuyện cấm dạy thêm ở Trung Quốc
Trước đó, ngành công nghiệp giáo dục ngoài giờ của Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 2 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,1 triệu ngàn tỷ đồng), với 10 triệu người lao động. Bây giờ, nó rơi vào sự hỗn loạn, với hàng triệu người mất việc và gia đình mất một khoản thu đáng kể.
Các công ty giáo dục lần lượt bị đóng cửa và nhiều giáo viên đột ngột bị sa thải. Truyền thông Trung Quốc ước tính rằng hàng trăm ngàn người trong ngành giáo dục đã mất việc từ đầu tháng 8 và trong tháng 10, nhiều công ty cung cấp gia sư lớn đã đóng cửa hoàn toàn chỉ sau một đêm.
Việc đóng cửa nhiều trung tâm gia sư cũng khiến phụ huynh thiệt hại hàng tỷ nhân dân tệ do không nhận được tiền hoàn trả. Nhiều cha mẹ đã trả trước số tiền tương đương hàng ngàn đô-la để đăng ký các khóa học thêm cho con mình, thậm chí, một số trường hợp đã chi trả chỉ vài ngày trước khi các trung tâm đóng cửa.
Làn sóng bất ổn sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, khi phần còn sống sót của giáo dục dạy thêm cũng trải qua sự chuyển đổi chưa từng có. Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho tất cả các trung tâm gia sư phải ngừng hoạt động hoặc chuyển thành các công ty phi lợi nhuận vào cuối năm nay.
Mặc dù lệnh cấm dạy thêm đã được ban ra nhưng một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 8 với nhiều phụ huynh ở Thượng Hải và Bắc Kinh cho thấy hơn 90% cha mẹ muốn con họ tiếp tục được dự các lớp học thêm. Nhu cầu học thêm vẫn tăng cao dẫn đến sự ra đời của nhiều trung tâm dạy thêm không phép và nhiều gia sư vẫn tiếp tục hành nghề bất chấp rủi ro.
Thầy giáo Jennie Shi (24 tuổi) dạy tiếng Anh tiểu học tại một trung tâm gia sư ở Bắc Kinh được khoảng 2 năm. Tuy nhiên, anh đã mất việc khi trung tâm này đóng cửa vào tháng 6. Shi cho biết hiện anh vận hành một cơ sở dạy thêm không giấy phép: “Nhiều cha mẹ đang cầu xin tôi tiếp tục dạy học vì họ không thể tìm được ai khác phù hợp với thói quen học tập của con mình” - Shi nói trên NBC News. Anh tính phí dạy lên đến 30 đô-la một giờ, mức cắt cổ so với 12 đô-la của các trung tâm nhưng khẳng định rằng “phụ huynh không bao giờ phàn nàn về mức giá đó”. Shi thậm chí còn không sợ bị tố cáo, bởi “nếu hàng xóm của các học sinh biết tôi dang dạy chui, họ thậm chí còn đến và hỏi xem con họ có thể cùng tham gia học hay không”.
Đấy không phải chuyện ngày một ngày hai. Vào giữa năm nay, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số thí sinh đăng ký dự kỳ thi đại học toàn quốc (Gaokao - cao khảo) năm 2021 lên đến 10,78 triệu người, tăng 70 ngàn người so với kỳ thi trước đó, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chỉ có 2% trong số này có cơ hội vào đại học, tức là 1 chọi 50 người.
Không thể nào bình chân như vại trong nền giáo dục kiểu cạnh tranh: các học sinh và phụ huynh phải tự tìm ra lợi thế của họ và cách để gia tăng đòn bẩy nhanh chóng nhất là học thêm. Đấy không chỉ là câu chuyện của giáo dục mà đã thành một mô hình kinh tế có tăng trưởng và doanh thu khổng lồ, với hàng triệu người tham gia mà sự thiếu vắng nó có thể là một mất mát lớn với kinh tế gia đình họ, lẫn hy vọng cạnh tranh sau này của con cái họ, trong một xã hội mà việc kiếm tiền lẫn địa vị ngày càng khốc liệt hơn.
Fred Mednick, giáo sư về khoa học giáo dục tại Đại học Vrije Brussel (Bỉ) nói trên NBC News rằng đây là “một hệ thống giáo dục hướng tới sự giàu có, nơi nhiều thứ được hy sinh vì nó”. Dạy thêm là một mô-đun của hệ thống kiểu này, chứ không phải nguyên nhân.
Cạnh tranh và gánh nặng
Đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn Quốc hội và khẳng định rằng sẽ thanh, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng dạy thêm. Chính một đại biểu Quốc hội khác đã đặt ngược lại vấn đề sau khi nghe câu trả lời: cấm việc dạy thêm chưa phải là căn nguyên của vấn đề. Thậm chí, ông tiết lộ rằng “con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng chứ không phải không”.
Nếu một đại biểu Quốc hội cũng xác nhận như thế thì không còn nghi ngờ gì cả: việc các giáo viên dạy thêm để kiếm sống và phụ huynh cho con đi học thêm hoàn toàn là một nhu cầu có thật, sinh ra từ động lực bên trong của nền giáo dục theo mô hình cạnh tranh và đánh giá bằng điểm số. Cần phải thành thật với nhau, chúng ta đa số đi học với cái đích quan trọng nhất là kiếm được một việc làm tốt sau này.
Chính tôi và nhiều bạn học đã từng trải qua những năm tháng sơ khai của mô hình này vào cuối những năm 90 thế kỷ trước: học thêm là chuyện đương nhiên, với các môn chính. Vào thời đó, dạy thêm là một mô hình kinh doanh giáo dục nho nhỏ. Thầy/cô giáo sẽ thuê lại một căn phòng đủ rộng để kê bàn ghế, sau đó vận động học sinh đi học. Tiền đóng học thêm và hỗ trợ của phụ huynh sẽ dùng để trang trải các chi phí đã bỏ ra cho thuê mặt bằng. Một số giáo viên dùng luôn nhà mình để làm lớp bán trú và học thêm.
Cũng có vài câu chuyện đau lòng nho nhỏ xảy ra. Một số bạn học của tôi, vì kinh tế, mà không thể đi học thêm. Sau đó, bạn nhận những điểm số lẹt đẹt hơn trước, trong một thời gian rất dài, đặc biệt ở các môn xã hội, dù có cố gắng đến đâu đi nữa. Đấy dường như là một bi kịch vô hình: bạn không thể cắt nghĩa, cũng không thể đổ lỗi cho giáo viên. Có những kiến thức thật sự chỉ được chia sẻ ở lớp học thêm. Và, cơ hội không chia đều cho tất cả.
Các phụ huynh không có cách nào khác phải trang bị bảo hiểm cho con cái trong một mô hình giáo dục mà điểm số quyết định thăng tiến và tương lai. Ai có con cái chắc cũng đã từng bực bội khi con mình phải học quá nhiều, hay thấy thương thương khi nhìn chúng mang cái cặp to tướng đầy sách vở bước vào cổng trường mỗi sáng. Nhưng, rất thành thật thì, tôi cũng không dám mạo hiểm để chúng học sách giáo khoa đơn thuần, bởi vì xung quanh là một cuộc chạy đua khốc liệt, vào trường chuyên lớp chọn, các trung tâm gia sư và các loại sách bồi dưỡng lẫn nâng cao đủ thể loại trên trời dưới bể.
Các kỳ thi hẳn nhiên vẫn có giá trị nhưng chúng đang là những gánh nặng khổng lồ, với nhà trường dần trở thành nơi luyện gà nòi, cố gắng dạy học sinh vượt qua thi cử, chứ không thực sự dạy học sinh tư duy độc lập. Trong niềm háo hức muốn biến trường học thành động cơ tạo ra năng suất kinh tế, chúng ta đã quên mất rằng giáo dục là một quá trình triết học. Nó bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, tiến hành tìm hiểu và chuyển dần sang hướng cố hiểu sâu vấn đề hơn. Hành trình tìm hiểu được hỗ trợ bởi phản ánh và thảo luận. Nó không dẫn đến những câu trả lời cuối cùng, mà là sự đánh giá cao hơn giới hạn kiến thức của chúng ta, cả về thế giới xung quanh và bản thân bí ẩn của chính chúng ta.
Chính việc biết rõ hơn giới hạn đấy là điều mà triết gia Socrates gọi là “sự khôn ngoan”. Ông đã cố gắng khuyên giải các thần dân Athen bắt đầu suy nghĩ về bản thân bằng cách chất vấn họ, qua đó làm họ hiểu được sự thiếu vắng tư duy của mình về những ý tưởng quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như công lý và lòng dũng cảm. Tư biện kiểu Socrates trở thành điểm khởi đầu cho chúng ta trên con đường mở rộng sự hiểu biết của mình. Nó cũng có thể tạo ra sự khiêm tốn và cởi mở với ý tưởng của người khác.
Nếu các trường học thực hiện tốt chức năng của mình, họ không thể bỏ qua chiều hướng triết học này của việc học. Họ cần nhìn nhận bản thân không chỉ đơn giản là người cung cấp kiến thức cần thiết để thành công trong thế giới công việc, mà còn kiến tạo một cộng đồng tư duy, trong đó học trò có thể khám phá ra ý nghĩa của những gì các em học được và tự suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống tốt.
Nhưng, một hệ thống giáo dục chỉ tập trung vào cạnh tranh điểm số và thành tích sẽ không còn thời gian cho việc đặt câu hỏi. Nó chỉ nhét vào tay học sinh những câu trả lời và mẹo mực chóng vánh, thông qua việc khai thác cạn kiệt thời gian và sự vui thích với việc học. Dạy thêm không phải là động cơ của hệ thống kiểu này, mà chỉ là hệ quả tất yếu khi nhu cầu chạy đua là quá lớn.
Khi chính các phụ huynh, những người vẫn chỉ trích sự nặng nề của chương trình học hiện tại, cũng không đủ can đảm dù chỉ để buông ra vài mi-li-mét lợi thế cạnh tranh của con em mình, thì mọi cải cách vẫn phải dừng lại, trước khi nó nhận được những tín hiệu thực sự rằng mọi người đã sẵn sàng.