Định hình trạng thái cân bằng mới

Thứ Năm, 25/01/2024, 08:40

Ngay những ngày đầu năm 2024, trong khi nước Nga chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) thì Brazil cũng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Thông qua những bước khởi đầu này, thế giới hứa hẹn sẽ chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ, trên tiến trình tái định hình một trật tự thế giới mới, giàu tính chất đa phương hóa hơn và cân bằng hơn.

5-1.jpg -0
Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tiếng vọng phương Nam

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn là thiết chế quyền lực kinh tế số 1 hành tinh vào thời điểm hiện tại. Song, ở rất nhiều khía cạnh, BRICS đang “phả vào gáy” G7 những luồng hơi nóng hầm hập. Bởi, đến cuối năm 2023, tỷ lệ GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) của BRICS (32%) đã vượt qua cả G7 (30%).

Và, từ ngày 1/1/2024, với việc chính thức mở rộng quy mô, đón chào 5 thành viên mới (Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất/UAE và Ethiopia) gia nhập cùng 5 thành viên ban đầu (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi), chắc chắn, vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của BRICS - đại diện cho làn sóng các nền kinh tế đang phát triển, cũng như các quốc gia ở Nam bán cầu - sẽ càng ngày càng trở nên quan trọng đối với hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu.

Với những thành viên mới được kết nạp, BRICS sẽ chiếm tới 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, nghĩa là gần như hoàn toàn có khả năng kiểm soát “mạch máu” của guồng máy sản xuất - kinh tế quốc tế. Và, kể cả khi chưa kết nạp thêm những cường quốc dầu mỏ như Saudi Arabia, UAE hay Iran, chúng ta đã thấy “quyền lực mềm” của BRICS - thể hiện qua việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) đồng thuận cắt giảm sản lượng, bất chấp mọi tác động từ phương Tây - giàu sức nặng đến thế nào.

Còn hiện tại, với 10 thành viên, chiếm tới 42% dân số thế giới và 25% GDP toàn cầu, sự mở rộng mang tính lịch sử của BRICS cũng đang được kỳ vọng trở thành khởi đầu mới cho đoàn kết và hợp tác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế, phục vụ lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Theo Điện Kremlin, chủ đề Năm Chủ tịch BRICS 2024, năm đầu tiên trên chặng đường phát triển mới của khối, được nước Nga lựa chọn là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì an ninh và phát triển toàn cầu công bằng”, theo đó BRICS tập trung thúc đẩy hợp tác tích cực và mang tính xây dựng với tất cả các nước liên quan. Trong thông điệp ngày 1/1 về định hướng hợp tác BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: Việc mở rộng thành viên cho thấy uy tín gia tăng của BRICS và vai trò của nhóm trong các vấn đề quốc tế. Nga sẽ đóng góp bằng nhiều cách để phát huy vai trò của BRICS, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS năm 2024, như nhà lãnh đạo nước Nga cho biết, sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác đổi mới giai đoạn 2021-2024 và Chiến lược đối tác kinh tế BRICS đến năm 2025; tăng cường phối hợp chính sách tại các diễn đàn quốc tế, hợp tác về các vấn đề chống khủng bố, rửa tiền, an ninh thông tin và trí tuệ nhân tạo. Một hướng ưu tiên khác là tăng cường vai trò của các nước BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, phát triển hợp tác liên ngân hàng và tăng cường thanh toán bằng đồng tiền của các nước thành viên.

Bên cạnh đó, như giới quan sát quốc tế đều thấy rõ, châu Phi càng lúc càng được nhìn nhận rõ hơn là tâm điểm, trong chiến lược đối ngoại của Moscow nói riêng, cũng như khối BRICS nói chung. Thật dễ hiểu, Lục địa Đen, với tất cả những tiềm năng về tài nguyên, thị trường và sức bật, xứng đáng với một vị thế khác trong kỷ nguyên mới. Và, họ nhận thấy rằng, vị thế đó được khối các quốc gia đang phát triển quan tâm nhiều hơn, thông qua những dự án hợp tác Nam - Nam, so với những nước phát triển phương Tây.

5-2.jpg -0
Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng, thế giới cần một mô hình toàn cầu hóa mới.

G20 - chiếc gạch nối quan trọng

Tính cạnh tranh đa chiều giữa G7 với BRICS là không thể phủ nhận, trong bối cảnh thế giới năm 2024. Song, cũng chính vì thế, G20 lại trở thành diễn đàn cực kỳ quan trọng, nhằm truyền tải các thông điệp từ hai phía, hướng đến kiến tạo nền tảng phát triển chung cho toàn thế giới cũng như chung tay xử lý các thách thức toàn cầu (mà không ai có thể chọn đứng bên lề, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thảm họa nhân đạo).

Tuy nhiên, ngay trong những  ngày đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của cơ chế đa phương có tầm ảnh hưởng hàng đầu, với quy mô 60% dân số thế giới ấy, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã tuyên bố: “Chúng ta cần một mô hình toàn cầu mới, để chống lại tình trạng bất bình đẳng”.

Tháng 12/2023, tại Hội nghị quan chức cấp cao (Sherpa) của G20 tổ chức tại Brasilia, ông cũng hé lộ 3 ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế của tổ chức này năm 2024 sẽ bao gồm: Hòa nhập xã hội và chống nạn đói; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu. Ở mục tiêu thứ ba, nhà lãnh đạo Brazil kêu gọi tăng cường đại diện của các nước đang phát triển và mới nổi trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cơ sở nền móng của định hướng mà Brazil đưa ra, trên cương vị mới, là gì? Đầu tiên, đó là những thách thức to lớn vẫn đang bao trùm lên toàn nhân loại nói chung, cũng như các chuyển động kinh tế quốc tế nói riêng. Thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang đối diện những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19, tình trạng căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang ở nhiều nơi, đà phục hồi kinh tế đang chậm lại, biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và áp lực nợ tại nhiều quốc gia. Xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những cú sốc nghiêm trọng, đặc biệt, tình trạng mất an ninh lương thực đã ở mức độ khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, tối ưu nguồn sức mạnh của các tổ chức đa phương được xem là giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi các nguy cơ và tạo dựng những triển vọng hồi phục.

Kế đó, theo quan điểm của Brazil (cũng như của BRICS), đông đảo đại diện các nước đang phát triển cần phải (và cũng đang đòi hỏi) có tiếng nói trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Bản thân trật tự thế giới đang trong quá trình tái định hình và G20 cũng cần bắt kịp xu thế. Do vậy, cần có sự đại diện lớn hơn của các nước Nam bán cầu trong G20, qua đó đóng góp nhiều hơn vào việc tạo ra một hệ thống thương mại mới.

Ở một trục ưu tiên khác, Tổng thống Lula da Silva đề xuất xem xét “nghiêm túc” về tính lỗi thời của các thể chế quản trị toàn cầu. Ông cho rằng: Bất bình đẳng là nguyên nhân của mọi vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, vì vậy thế giới cần một mô hình toàn cầu hóa mới. Ông bày tỏ quan ngại khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới đạt khoảng 100.000 tỷ USD/năm, nhưng vẫn có tới 735 triệu người thiếu ăn và 8% dân số thế giới sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Trong những giai đoạn trước, ít khi nhóm các cộng đồng dễ bị tổn thương này được chú ý, đúng với mức độ nhân bản xứng đáng. Song, hiện tại, Brazil đã đi đầu với khẩu hiệu “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững". Người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ khẳng định: Brazil sẽ nỗ lực để tạo ra những thay đổi sâu sắc phục vụ phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, thịnh vượng và môi trường bền vững cho tất cả các công dân trên thế giới, cũng như thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp trên toàn cầu và cuộc cách mạng kỹ thuật số. Không còn nghi ngờ gì nữa, các quốc gia đã và đang bị bỏ lại phía sau trong quá khứ, như ở châu Phi, Nam Á hay Mỹ Latin có đầy đủ lý do để nhiệt thành ủng hộ những ngọn gió đổi thay này.

Tuy nhiên, dù muốn hay không, Nam bán cầu vẫn cần đến nguồn hỗ trợ tài chính cũng như các dự án chuyển giao công nghệ từ các nước công nghiệp phát triển. Thêm vào đó, những yếu tố tiên quyết tạo nên hòa bình, ổn định để trở thành bệ phóng cho phát triển vẫn luôn là đối thoại, chứ không phải đối đầu. Cuối cùng, mọi cuộc đàm phán sẽ chỉ có thể thành công nếu nghệ thuật thỏa hiệp lên tiếng, giữa những khác biệt hay mâu thuẫn quan điểm. Do đó, trong thế giới đang phân hóa sâu sắc hiện tại, sự cân bằng sẽ được quyết định rất nhiều, tại những cuộc thảo luận trong khuôn khổ G20.

Đông Phong
.
.