Đỉnh cao của chiến tranh công nghệ hay tội phạm khủng bố?

Thứ Tư, 25/09/2024, 09:48

Lebanon và Syria những ngày qua rung chuyển khi hàng loạt thiết bị thông tin liên lạc được cho là do các thành viên của tổ chức Hezbollah sử dụng đã đồng loạt phát nổ, gây ra thương vong lớn. Vụ việc hoàn toàn bất ngờ, cả về hình thức, cách thức diễn ra và số lượng người bị ảnh hưởng, đồng thời làm nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm về an ninh và công nghệ trong hoạt động tình báo hiện đại.

Ngày kinh hoàng

Khoảng 15h30 ngày 17/9/2024, giờ địa phương, hàng nghìn máy nhắn tin do các thành viên Hezbollah mang theo đã phát nổ gần như cùng lúc, khiến ít nhất 12 người tử vong, trong đó có 2 trẻ em và khoảng 2.800 người bị thương. Hôm sau, ngày 18/9, bộ đàm cùng nhiều thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời cùng lúc phát nổ tại thủ đô Beirut và những khu vực lân cận ở Lebanon làm hơn 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương.

Hezbollah nhanh chóng lên tiếng cáo buộc Israel đứng sau các vụ tấn công, cho rằng đây là tội ác chiến tranh và đe dọa trả đũa. Phía Israel giữ im lặng trong khi cộng đồng quốc tế đặt ra nhiều dấu hỏi.

Đỉnh cao của chiến tranh công nghệ hay tội phạm khủng bố?  -0
Cấp cứu người bị thương vì máy nhắn tin phát nổ tại bệnh viện ở Beirut, Lebanon, ngày 17/9.

Ngay sau sự kiện ngày 17/9, tờ New York Times nhanh chóng dẫn các nguồn tin, trong đó có giới chức Mỹ, tiết lộ những chiếc máy nhắn tin phát nổ được đặt hàng từ nhà sản xuất Gold Apollo của Đài Loan. Một tài liệu chỉ ra rằng khoảng 3.000 máy nhắn tin đã được đặt hàng, chủ yếu là mẫu AR924. Tuy nhiên, Công ty Gold Apollo sau đó đã lên tiếng xác nhận họ chỉ cho phép sử dụng thương hiệu của mình trên các sản phẩm AR-924, còn việc sản xuất và bán hàng do một công ty khác có tên BAC thực hiện.

Hai giả thuyết đang được nhắc đến nhiều là cuộc tấn công mạng với các phần mềm độc hại khiến pin lithium của máy nhắn tin quá nóng rồi phát nổ; khả năng thứ hai là một chiến dịch được lên kế hoạch bài bản, thậm chí là rất tinh vi để xâm nhập chuỗi cung ứng và cài đặt chất nổ vào các thiết bị trước khi chúng được giao đến Lebanon. Những người đứng đằng sau vụ việc có thể đã tiếp cận chuỗi cung ứng, xâm nhập vào quá trình sản xuất, thêm vào một thành phần nổ và cơ chế kích hoạt từ xa vào máy nhắn tin mà không gây nghi ngờ.

Thực tế, khi quá nóng, pin lithium có thể bốc khói và bốc cháy, tạo ngọn lửa lên đến 590°C. Tuy nhiên, máy nhắn tin có kích thước nhỏ, do đó pin có lẽ cũng khó có thể phát nổ và gây ra các vụ nổ sát thương nghiêm trọng, nhất là xảy ra hàng loạt và cùng lúc như ở Lebanon. Khi phân tích các video về vụ nổ, nhiều chuyên gia chung nhận định cho rằng một lượng nhỏ chất nổ - có thể chỉ bằng cỡ một cục tẩy bút chì - đã được cài đặt vào các thiết bị trước khi giao hàng. Truyền thông phương Tây dẫn một số nguồn tin cho biết cơ chế kích nổ có thể liên quan đến một thông báo lỗi được gửi đến tất cả các thiết bị, khiến chúng rung lên và buộc người dùng phải nhấn nút để dừng rung.

Thao tác kết hợp này đã kích hoạt một lượng nhỏ chất nổ được giấu bên trong khi đảm bảo rằng người dùng có mặt tại địa điểm vụ nổ xảy ra. Việc lực lượng Hezbollah sử dụng máy nhắn tin thay vì điện thoại di động là chủ trương của tổ chức để tránh bị theo dõi và nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, lựa chọn từng được cho là một biện pháp an ninh rõ ràng đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Dù ai đứng đằng sau vụ việc này thì điều khiến dư luận bàng hoàng bởi họ có thể cài đặt chất nổ vào hàng nghìn thiết bị mà không bị phát hiện, một khả năng đáng kinh ngạc trong việc xâm nhập và thao túng chuỗi cung ứng liên quan. Thêm vào đó, các vụ nổ xảy ra đồng thời và chủ yếu nhắm vào các thành viên Hezbollah cho thấy mức độ chính xác và kiểm soát đặc biệt đáng chú ý.       

Vùng nước xoáy

Những hình ảnh kinh hoàng và con số thương vong trực tiếp lớn, các vụ tấn công về cơ bản là cú sốc tâm lý cho cả Hezbollah và những người ủng hộ tổ chức này, ít nhiều xói mòn niềm tin vào khả năng bảo vệ và đảm bảo an toàn của họ. Chiến lược truyền thông của Hezbollah sau vụ việc này sẽ khó tránh khỏi những thách thức và đòi hỏi cải tổ bởi rõ ràng việc từ bỏ công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh để chuyển sang các máy nhắn tin cổ điển và thiết bị thô sơ hoàn toàn không mang lại an toàn như mong đợi.

Vụ tấn công làm dấy lên lo ngại về một cuộc leo thang căng thẳng mới giữa Israel và Hezbollah. Nhiều người gọi đây là “tội ác chiến tranh”, khi nhiều nạn nhân thiệt mạng hoặc gặp thương tích đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có nhiều trẻ em. Những thiết bị phát nổ như nhắn tin được cho là thuộc về các thành viên của Hezbollah, tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng họ là người cầm khi chúng phát nổ. Trong những người thiệt mạng ngày 17/9, có 2 nhân viên y tế.

Vụ việc cũng xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hezbollah, đặc biệt là ở biên giới Israel-Lebanon kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 dẫn đến cuộc chiến ở Gaza. Ngay trước khi xảy ra vụ nổ máy nhắn tin, cơ quan an ninh nội bộ Israel tuyên bố đã ngăn chặn một âm mưu của Hezbollah nhằm ám sát cựu quan chức an ninh cấp cao của Israel bằng thiết bị nổ có thể kích hoạt từ xa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng trọng tâm của cuộc xung đột đang chuyển từ Gaza sang phía Bắc Israel và thời gian cho một giải pháp ngoại giao với Hezbollah cạn dần. Vùng nước xoáy ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro sau vụ việc vừa qua, với nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Hezbollah trong tương lai gần.

Những cuộc chiến mới

Vụ tấn công nhắm vào Hezbollah là một ví dụ điển hình về việc áp dụng công nghệ trong hoạt động tình báo và phản gián hiện đại, cho thấy cả những tiến bộ đáng kể trên nhiều khía cạnh công nghệ, và tất nhiên đi kèm với những thách thức mới trong lĩnh vực này.

Khả năng cài đặt một lượng chất nổ cực nhỏ vào các thiết bị điện tử mà vẫn đảm bảo chức năng hoạt động bình thường của chúng cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ vi mạch và vật liệu nổ. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature Communications vào tháng 3/2024, các nhà khoa học đã phát triển được loại vật liệu nổ có kích thước nano, có thể được tích hợp vào các vi mạch điện tử mà không ảnh hưởng đến chức năng của chúng. Đây là những cảm biến nano có kích thước chỉ vài nanomét, có thể được tích hợp vào hầu hết các thiết bị điện tử mà không ảnh hưởng đến chức năng của chúng. Những cảm biến này có khả năng thu thập và truyền dữ liệu về vị trí, âm thanh và thậm chí cả hình ảnh.

Đỉnh cao của chiến tranh công nghệ hay tội phạm khủng bố? -0
Hình ảnh lan truyền trên mạng về một máy nhắn tin phát nổ (CNN).

Tháng 2/2024, Tạp chí Science công bố nghiên cứu chứng minh khả năng sử dụng máy tính lượng tử để phá vỡ một số thuật toán mã hóa phổ biến chỉ trong vài giờ. Sau vụ việc tại Lebanon, đã có ý kiến đề cập khả năng vượt qua các hệ thống bảo mật vận dụng tiến bộ trong lĩnh vực máy tính lượng tử và mật mã học lượng tử. Thêm vào đó, nhìn vào thực tế những kẻ đứng sau vụ tấn công có thể kích hoạt đồng thời hàng nghìn thiết bị nổ từ xa, công nghệ truyền tin mã hóa và hệ thống điều khiển, chẳng hạn như hệ thống kích hoạt từ xa dựa trên công nghệ blockchain cũng là một khả năng có thể tính đến.

Trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ngày càng chứng minh rằng chúng còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, người ta khó có thể không nghĩ đến việc vận dụng những công nghệ kiểu này cho những chiến dịch nhắm mục tiêu chính xác vào các thành viên Hezbollah ở phạm vi lớn trong vụ việc vừa qua. Các thuật toán trí tuệ nhân tạo đã cho thấy chúng có sức ảnh hưởng và vai trò quan trọng trong việc xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra các dự đoán và quyết định chính xác.

Bài toán công nghệ này càng nhấn mạnh vấn đề an ninh an toàn trong chuỗi cung ứng là điều cần sự quan tâm đặc biệt. Khả năng can thiệp vào quá trình sản xuất và vận chuyển hàng nghìn thiết bị điện tử mà không bị phát hiện cho thấy một mức độ tinh vi cao trong hoạt động tình báo. Điều này đòi hỏi không chỉ khả năng kỹ thuật mà còn cả việc xây dựng mạng lưới tình báo nhân sự rộng khắp và lâu dài. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel (INSS) năm 2023 chỉ ra rằng khoảng 60% các vụ tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng trong năm 2022 liên quan đến việc khai thác các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, việc các tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả các công ty tư nhân có thể sẽ có khả năng tiếp cận và sử dụng các công nghệ tình báo tiên tiến, làm thay đổi cán cân quyền lực truyền thống. An ninh chuỗi cung ứng nhiều khả năng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và tổ chức. Việc kiểm soát và bảo vệ toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối các thiết bị công nghệ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Với thực tế những gì đã diễn ra, không thể phớt lờ lời cảnh báo về một cuộc chạy đua công nghệ trong lĩnh vực tình báo ngày càng gay gắt. Các quốc gia và tổ chức chắc chắn sẽ còn đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như AI, máy tính lượng tử, và công nghệ nano để duy trì lợi thế.

Ranh giới giữa tình báo truyền thống và tác chiến an ninh mạng cũng sẽ ngày càng mờ nhạt. Các hoạt động tình báo trong tương lai sẽ là sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố vật lý, kỹ thuật số, và tâm lý. Vụ tấn công vừa qua tại Lebanon không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn tạo ra tác động tâm lý lớn. Một mặt nó thể hiện khả năng tiếp cận sâu rộng vào mạng lưới của đối phương, gây hoang mang, mặt khác xói mòn niềm tin vào hệ thống an ninh của tổ chức.

Nhìn từ góc độ này, vấn đề đạo đức và pháp lý trong hoạt động tình báo sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi khả năng thu thập dữ liệu và can thiệp vào đời sống cá nhân gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định và giám sát chặt chẽ hơn.

Những diễn biến vừa qua đang khắc họa rõ nét hơn tương lai đầy thách thức và cả cơ hội trong lĩnh vực tình báo, nơi công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình cục diện an ninh toàn cầu.

Thái Hân
.
.