Điện ảnh Jane Campion: Khi tính nữ lâm nguy

Thứ Năm, 21/04/2022, 14:15

“Tôi chẳng thuộc về câu lạc bộ nào, tôi không ưa mọi loại câu lạc bộ tinh thần, kể cả là chủ nghĩa nữ quyền – dẫu cho tôi quả có liên hệ tới mục tiêu và quan điểm nữ quyền”, Jane Campion, nữ đạo diễn người New Zealand, nói vào 30 năm trước.

Đó cũng là thời điểm khi bộ phim “The Piano” giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes. Đó rõ ràng là một bộ phim đầy tính nữ, nhưng nếu bảo phân loại nó vào đâu trong những lý thuyết nữ quyền thì ta loay hoay không biết trả lời sao. Lý thuyết về sự vật hóa và tình dục hóa ư? Cũng đúng nhưng không hẳn. Lý thuyết về phân tâm học nữ quyền ư? Chắc là không phải.

piano.jpg -0
Cảnh trong phim “The Piano” (1993). Ngoài giải Cành Cọ Vàng tại Cannes, phim đoạt 3 giải Oscar 1994 bao gồm Kịch bản gốc xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc và Nữ diễn viên phụ xuất sắc

Bộ phim đầu tiên tôi xem của Campion thật ra là một phim ngắn mà bà làm khi học năm thứ hai đại học, “Peel”. Phim dài vỏn vẹn 8 phút, nội dung hết sức cô đọng, chỉ là một gia đình ba người gồm ông bố, đứa con trai và bà cô (em gái ông bố) đang lái ôtô đi đâu đó. Cậu bé con ăn quýt và ném vỏ xuống đường, bố nó dừng xe và bắt nó nhặt lên. Và rồi tiếp theo là những tiểu đoạn khi mọi người mắng mỏ, ra lệnh, thậm chí quát thét vào mặt nhau.

Có một cảnh khi thằng bé bắt chước người lớn, ra lệnh cho bà cô nhặt vỏ quýt mà bà cô vứt xuống đất, rồi nó chăm chăm nhìn vào mắt người phụ nữ, rồi lại chăm chăm nhìn vào mắt bố mình. Ba đôi mắt khi nhìn cận cảnh giống nhau tới lạ lùng. Cả nước da lấm chấm tàn nhang và mái tóc đỏ của họ cũng thậm giống nhau. Chúng ta giống nhau hơn chúng ta tưởng: dù là nam hay nữ, già hay trẻ, chúng ta đều có mong muốn thao túng và đều có khả năng áp đặt quyền lực của mình lên kẻ khác.

Và quan trọng hơn, bộ phim này ra đời từ năm 1982! Thậm chí đến thời điểm này, chỉ ai đặt khá nhiều tâm tư vào vấn đề giới chứ không chỉ hùa theo những phong trào rầm rộ được gắn hashtag trên twitter thì mới có thể ngẫm ra được ý này. Hãy nhớ rằng đến tận năm 2020, chúng ta vẫn nhiệt liệt tán thưởng “Promising young woman” của nữ đạo diễn Emerald Fennell, bộ phim thẳng tay đấm vào mặt giống đực, giương ngón tay thối về phía nam giới, phủ nhận sự tử tế của từng cá thể đàn ông, và làm thỏa lòng phụ nữ bằng cách dúi vũ khí vào tay họ khiến lũ đàn ông sợ “vãi ra quần”.

Đàn ông trong tác phẩm của Jane Campion có tốt không? Không hề. Nhưng thay vì giản lược mối quan hệ nam – nữ về kẻ áp đặt và kẻ bị áp đặt, Campion chọn làm công việc đòi hỏi nhiều sự động não nghiêm túc hơn, bà quan sát và mô tả những khía cạnh độc hại nhất nhưng cũng bí ẩn nhất của mối quan hệ ấy.

“The Piano” lấy bối cảnh thế kỷ 19 và xoay quanh Ada, một góa phụ mắc chứng câm chọn lọc được cha bán làm vợ cho một người đàn ông sống trên đảo New Zealand. Tất cả những gì cô mang theo chỉ là đứa con gái từ cuộc hôn nhân trước và một cây đàn piano xinh đẹp. Trong một lần nhờ vả George Baines, một tay thủy thủ mù chữ về hưu đã hòa nhập với người bản địa Maori để đưa cây đàn lớn bị kẹt trên bãi biển về nhà, Ada vô tình khiến Baines say mê ngón đàn của mình. Y bày ra âm mưu mua lấy cây piano từ người chồng của Ada, rồi yêu cầu cô dạy gã chơi đàn, nhưng thật ra là muốn cô bán thân cho y để chuộc lấy cây đàn. Cô mặc cả giá với hắn: mỗi buổi “học” cô sẽ lấy được một phím đàn.

Vậy là trong tiếng piano thánh thót vang lên giữa vùng đất ẩm ướt sình lầy và dường như không bao giờ có nắng, mỗi ngày Baines lại đi xa hơn, từ được nhìn cô, được chạm vào cô, đến được nhìn gáy cô, được nhìn thân thể cô, được ve vuốt cô, được chiếm đoạt cô.

Điện ảnh Jane Campion: Khi tính nữ lâm nguy -0
Hai nhân vật trung tâm của “The Power of The Dog” là nam giới, nhưng toàn bộ câu chuyện lại gợi ra nhiều suy nghĩ về tính nữ hơn nhiều tác phẩm nữ quyền tự xưng

Mối quan hệ giữa Ada và Baines rõ ràng là mối quan hệ nơi quyền lực giữa hai giới bị mất cân bằng. Baines là kẻ đi săn, Ada bị săn. Baines là ông chủ, Ada là kẻ phục tùng. Y nguy hiểm, lấn lướt, chèn ép. Cô lẩn tránh, yếu nhược, phụ thuộc. Nhưng cuối cùng cô đem lòng yêu y. Việc kẻ bị cưỡng bức đem lòng yêu kẻ cưỡng bức có thể khiến không ít những nhà nữ quyền hiện đại giận dữ, song hội chứng Stockholm ấy có thật. Cảnh Ada viết lên chiếc phím piano bị đập vỡ rằng “George thân yêu, anh sở hữu tim em” là hiện thân cho sự khó dò của trái tim con người, sự nhập nhằng giữa tình yêu và quyền lực – có một tình yêu nào mà không có chút ít gì dấu vết của quyền lực mỗi kẻ đặt lên đối phương hay sao? Có tình yêu nào không vấy những khát khao độc hại?

Và cảnh cuối khi Ada lên thuyền cùng George giong buồm tìm cuộc sống mới, cô đề nghị ném cây đàn piano xuống biển, cây đàn mà cô từng đánh đổi cả thân xác để lấy lại, từng đánh mất cả một ngón tay vì nó. Sợi dây nịt đàn vướng vào chân kéo cô xuống nước, và tại đây diễn ra hai cái kết: cái kết thực trong đó Ada tháo bỏ chiếc giày và ngoi lên, cái kết trong tâm tưởng khi cô chọn ở lại mãi mãi dưới đáy biển như một trái bóng bay giữa đại dương thăm thẳm. Dù ở lại hay rũ bỏ cây đàn, ta cảm thấy cô cũng đã, cuối cùng, hạnh phúc và tự do theo cách nào đó, vì điều quan trọng là cô đã ra khơi. 

Có thể nói hàng trang về cây đàn piano trong bộ phim này. Cây đàn ấy là biểu tượng cho một tính nữ thanh thoát mà nặng nề, vừa khó dịch chuyển vừa dễ giải phóng. Cây đàn ấy liên tục bị mắc kẹt - trên bờ biển, trong nhà Baines, dưới đáy biển - như tính nữ không lối thoát, nhưng mắc kẹt ở đâu thì nó cũng phát ra những âm thanh đẹp tuyệt, ngay cả sự im lặng cũng là bài ru êm dịu nhất. Chính nó đem lại bất hạnh cho đời Ada nhưng cũng là nó hé lộ cảm thức yêu nơi cô. Ta có thể ném nó xuống biển nhưng sau rốt, nó vẫn neo ta dưới vực sâu của đáy những giấc mơ.

Và biểu tượng cây đàn piano ấy sau 30 năm lại một lần nữa trở lại trong một đỉnh cao điện ảnh khác của Jane Campion, “The Power of the Dog”, bộ phim giúp bà giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Oscar 2022.

Ban đầu, đó là một bộ phim khác hẳn. Nhân vật trung tâm là Phil, một người đàn ông, cụ thể hơn, một cao bồi – còn gì nam tính hơn một cao bồi? Nếu có gì giống với “The Piano” thì chỉ ở hai chi tiết, một là bộ “The Power of the Dog” cũng diễn ra trong một bối cảnh ban đầu tưởng như bao la hùng vĩ - miền Tây nước Mỹ - nhưng rốt cuộc là tách biệt, cô lập, và vì thế mà chật chội. Hệt như các nhân vật trong “The Piano” cặm cụi trong cái thị trấn bé nhỏ bao quanh bởi biển. Sự o ép về không gian khiến những con người này không còn nơi nào để trốn, họ buộc phải liên tục đối diện với tất cả những gì trong mình – khao khát, hận thù, đố kỵ, khủng hoảng. Hai là “The Power of the Dog” có Rose, một người đàn bà chơi piano và cô lại là một bà góa. Khác với Ada, Rose chỉ là một nghệ sĩ xoàng xoàng.

Rose kết hôn với George, em trai của Phil. Phil cho rằng cô chỉ yêu tiền. Gã làm nhục thể diện của cô bằng chính cây đàn piano mà cô sở hữu, mỗi khi cô vấp váp tập nhạc, gã ở trên tầng cao lại điêu luyện chơi banjo, huýt sáo, như nhạo cợt tài năng khiêm tốn của cô. Cây đàn piano ở đây lại là tình yêu (món quà người chồng tặng Rose) và cũng lại là nạn nhân của quyền lực (công cụ để Phil áp bức Rose). Rose dần trở thành con nghiện rượu. Ngược lại, mối quan hệ giữa Phil và cậu con trai Peter có vẻ ngoài ẻo lả của Rose đi từ sự ghét bỏ rồi ngày một gắn kết hơn sau khi cậu phát hiện ra Phil là người đồng tính. Cả Phil và Peter là những con lắc liên tục chuyển động giữa nam tính và nữ tính. Phil thủ dâm với chiếc khăn tay của người bạn tình cũ rồi sau đó lại cầm dao thiến một con bò. Peter mặc áo hồng đội mũ rộng vành nhưng cầm dao phẫu thuật phanh thây một chú thỏ để làm thí nghiệm. Bộ phim dao động giữa sự mềm mỏng và sự tàn bạo, nhưng ngày sự tàn bạo càng lấn át, đến đỉnh điểm là khi Phil bất thần qua đời, và người giết y, ở những phút cuối cùng phim mới tiết lộ, chính là Peter.

Càng xem, “The Power of the Dog” lại càng gợi nhớ “The Piano”, cả hai đều đẩy tính nữ tới đường cùng để thử thách nó. Thử thách trong “The Power of the Dog” còn khắc nghiệt hơn. Hai nhân vật chiếm thời lượng nhiều nhất trong phim là hai người đàn ông, tính nữ trong phim hoàn toàn bị lép vế, thậm chí là một tính nữ bị chấn thương tới gốc rễ - Rose suy nhược và bị phá huỷ từ bên trong, cô sắp phát điên - thế nhưng bằng cách áp dụng chiến lược tâm lý “nói đừng nghĩ về kẹo bông, và ta sẽ nghĩ ngay đến kẹo bông”, Jane Campion đã mô tả chính sự thiếu vắng tính nữ để thôi thúc ta nghĩ về khoảng trống mà nó để lại.

Phil luôn nói rằng sự ẻo lả của Peter là di sản từ mẹ cậu, và khi Peter giết Phil, đó rõ ràng là hành động trả thù cho người mẹ đã bị y hành hạ tinh thần tới ngã quỵ, nhưng đồng thời, nó cũng là sự vứt bỏ di sản ấy. Nghịch lý nằm ở đây: để trả thù cho tính nữ, Peter đã đánh mất tính nữ trong cậu.

Tôi đã nghĩ đến chi tiết này ngay lập tức khi trên sân khấu lễ trao giải Oscar hôm ấy, nam diễn viên Will Smith gây ra vụ việc đáng hổ thẹn khi thẳng tay tát Chris Rock vì câu nói đùa có chút vô duyên của Chris Rock dành cho vợ của Will. Will tưởng như đã nhân danh tình yêu để làm điều đó, nhưng có lẽ anh không nghĩ rằng, anh không thể bảo vệ tình yêu bằng một hành động phi tình yêu. Cũng như Peter vậy, làm sao cậu có thể bảo vệ tính nữ khi đến chính cậu cũng không cưu mang nổi nó?

Tựa đề “The Power of the Dog” lấy từ một dòng trong Kinh Thánh: “Đưa linh hồn ta ra khỏi thanh gươm; đưa người ta yêu ra khỏi sức mạnh của loài chó”. Ở đoạn cuối phim, Peter đã đọc dòng ấy lên, có lẽ cậu hiểu câu này theo nghĩa mẹ cậu chính là người cậu yêu, Phil chính là loài chó, và cậu phải cứu lấy mẹ mình. Nhưng trong những diễn giải tôn giáo, “người ta yêu” chính là nhân loại, “sức mạnh loài chó” là sức mạnh của quỷ, và câu này nói về sự hy sinh của Jesus với con người. Nhưng tất nhiên, Jesus đã không đàn áp kẻ đàn áp, Jesus chỉ giao nộp chính mình.

Mọi tội lỗi nhân danh sự cứu chuộc đều vẫn cứ là tội lỗi.

Hiền Trang
.
.