Điện ảnh Đông Nam Á: Đừng để bị cướp đoạt vàng!
Đạo diễn người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul kể lại rằng, nhiều năm trước, trong một lần quay phim cho một dự án ở sở thú Bangkok, ông bắt gặp hai cô bé thiếu niên bị cảnh sát còng tay bắt đi, sau đó ông biết được họ là hai người Miến Điện di cư trái phép, và ông tự hỏi mình rằng: "Những cô gái Miến Điện này có tận hưởng khung cảnh của sở thú như những người khác không, trước khi họ bị bắt vào chiều nay?".
Câu hỏi ấy đã dẫn đường để ông làm nên bộ phim dài đầu tay, “Blissfully Yours”, một bộ phim kỳ lạ, gần như không có cốt truyện, kể về một chàng trai Miến Điện tị nạn không có giấy tờ tùy thân và một cô gái Thái chán ngán công việc ở xưởng gốm. Họ cùng đi vào sâu trong một khu rừng và có buổi picnic ở đó.
“Blissfully Yours” trở thành một hiện tượng kỳ lạ, nó nhận được giải cao nhất ở hạng mục Un Certain Regard của Liên hoan phim Cannes năm 2002. Nhưng khi đem về trình chiếu tại quê nhà, bộ phim bị cắt khoảng 10 phút những cảnh được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trong đó có một cảnh một người đàn ông tồi tàn và một người đàn bà tồi tàn làm tình trong bụi rậm, và một cảnh chân thật khi cô gái Thái cùng chàng trai Miến Điện nằm sưởi nắng bên nhau, và cô gái luồn tay vào quần chàng trai, lôi bộ phận sinh dục của anh ra và bắt đầu mân mê.
Trong một lớp học điện ảnh của Phan Đăng Di, anh từng chia sẻ rằng lần gần nhất có một đạo diễn thực sự tạo nên đột phá trong nền điện ảnh thế giới, theo anh là Apichatpong Weerasethakul. Weerasethakul đi ngược lại tất cả những tiêu chuẩn thẩm mỹ của điện ảnh: diễn viên ông chọn luôn xấu xí, những góc quay không trau chuốt, màu phim luôn đạm bạc. Những cảnh làm tình trong “Blissfully Yours” tất nhiên không có vẻ gì "nghệ thuật". Đúng hơn, nó phi nghệ thuật một cách có chủ đích. Bộ phim gây chia rẽ với khán giả, người coi nó là một kiệt tác "đi thẳng vào tinh thần con người", người đánh giá nó chỉ ở tầm phim tốt nghiệp, chê bai nó "tẻ nhạt, giả bộ, chậm chạp" (vâng, người ta thường mỉa mai nghệ thuật là thứ làm bộ làm tịch, nhưng khi tác giả không thèm tỏ ra nghệ thuật thì họ cũng bị coi là làm bộ làm tịch), và chấm điểm 1 sao.
Những năm gần đây, các liên hoan phim quốc tế đặc biệt dõi mắt về nền điện ảnh Đông Nam Á, một nền điện ảnh từng nằm ngoài mọi radar quan sát. Trong khi những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc dường như đã đi vào công thức - và đồng nghĩa với công thức là lối mòn - thì những nền điện ảnh Đông Nam Á còn đang trong quá trình thể nghiệm và định hình. Chúng đầy tươi mới và hồn nhiên. Các nhà làm phim nơi đây đến với điện ảnh với toàn bộ sự trong trắng và "trinh bạch", chưa bị cuốn vào dây chuyền sản xuất, hệ thống công nghiệp điện ảnh và dòng tiền tư bản. Vậy mà, chính tại quê nhà họ lại vấp phải quá nhiều rào cản.
Sự kiện “Blissfully Yours” tuy đã xảy ra 20 năm trước song đến hôm nay, các tác phẩm của Weerasethakul vẫn chịu kiểm duyệt gắt gao mỗi khi đem về Thái Lan, bất chấp địa vị danh giá của ông lúc này, bản thân ông từng giành giải Cành Cọ Vàng, một vài phim của ông nằm trong danh sách phim hay nhất của thế kỷ 21 (tất nhiên, do giới phê bình phương Tây bình chọn). Mọi thứ bị quy là nhạy cảm đều bị cắt: cảnh một nhà sư chơi guitar, cảnh các bác sĩ uống whiskey, cảnh những người lính rơi vào chứng ngủ bí hiểm,… - tất cả bị phiên dịch thành những ngụ ý chính trị/văn hóa suy đồi. Vào năm 2006, Weerasethakul nhượng bộ cắt 6 cảnh trong phim “Syndromes of a century” nhưng những cảnh bị xóa được thay bằng màn hình đen vừa đúng với thời gian cắt, như một cách phản đối và cho khán giả biết phim đã bị vày vò ở đâu. Nhưng đến năm 2015, quá chán với cuộc chiến trường kỳ cùng các nhà kiểm duyệt, ông nói không muốn chiếu “Cemetary of Splendour” ở quê nhà nữa và đó cũng sẽ là phim cuối cùng của ông ở Thái Lan: "Sau vài năm, tôi cảm thấy bị ngộp thở bởi sự hạn chế này".
Ngay cả với Singapore, quốc gia mà nhiều người ngưỡng mộ và lấy làm hình mẫu có phải là môi trường tuyệt vời để sáng tạo? Đáng buồn là không. Con rồng châu Á nổi tiếng với nền kinh tế vượt bậc, môi trường sạch sẽ, người dân lịch thiệp, nhưng điện ảnh Singapore ư? Bạn biết bao nhiêu tác phẩm hay từ nền điện ảnh này?
Mọi quốc gia đều có những điểm nhạy cảm của riêng mình. Singapore có thể không nhạy cảm với cảnh làm tình của một người đàn ông da màu và một phụ nữ trung niên da vàng, nhưng họ lại nhạy cảm với những thứ khác.
Vào năm ngoái, trên Youtube xuất hiện bộ phim “King of Fury”, bộ phim được coi là phim võ thuật đầu tiên và duy nhất tại Singapore. Đó là bản phim cuối cùng còn sót lại từ năm 1973, được nam diễn viên chính Peter Chong cất giữ trong… tủ lạnh. 45 năm trước, bộ phim bị cấm chiếu. Lí do? Rất đơn giản, phim kể về một người bán mì học kung fu để trả thù một nhóm xã hội đen nguy hiểm và tàn ác. "Đó là câu chuyện có thật về Singapore những năm 60 khi còn rất nhiều băng nhóm bắt người dân nộp tiền cho chúng", Peter Chong chia sẻ. Nếu bạn xem thử, bạn sẽ thấy bản thân bộ phim rất bình thường, như bao phim kung fu Trung Hoa mà bạn đã từng xem, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhưng theo các nhà kiểm duyệt thời ấy, bộ phim "mô tả chủ nghĩa băng đảng và chủ nghĩa hiệp sĩ đường phố mà Singapore đang quyết liệt tẩy sạch khỏi hình ảnh quốc gia".
Nhưng chuyện ấy xưa rồi, Singapore giờ hẳn đã khác? Có lẽ. Quy luật chung là xã hội sẽ ngày một cởi mở, nhưng chỉ là trước đây nhà làm phim bị xích cả chân cả tay, nay họ được nới xích ở tay. Các tác phẩm kiểu như “King of Fury” được cấp phép chiếu, nhưng có thay đổi được gì? Ai sẽ xem những bộ phim cũ kỹ ấy trừ những nhà nghiên cứu? Còn các tác phẩm hiện đại hơn thì sao? Năm 2014, bộ phim “To Singapore, with love” của đạo diễn Tan Pin Pin, một phim tài liệu được quỹ Điện ảnh Châu Á của Liên hoan phim Busan đầu tư và đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, bị cấm tại quê hương. Bộ phim là tư liệu phỏng vấn những nhà hoạt động xã hội bị buộc tội không qua xét xử nên đành phải vượt biên khỏi đất nước vào những năm 60-80. Họ vẫn còn yêu Singapore, vẫn nấu những món ăn Singapore, vẫn có khao khát cho con cái họ được mang quốc tịch Singapore, nhưng không thể được. Tên phim dịch ra nghĩa là "Gửi đến Singapore, với tình yêu", nhưng có lẽ tình yêu đã không tìm ra địa chỉ.
Trong số những nền điện ảnh Đông Nam Á, dễ thở hơn cả có lẽ là Philippines. Indonesia hay Malaysia với dân số lớn theo đạo Hồi thì càng khe khắt, trong khi những nền điện ảnh như Lào, Campuchia lại quá non nớt. Phải một nền điện ảnh có đủ sự phóng khoáng như vậy mới tạo nên một bậc thầy như Lav Diaz, một Dostoevsky trong phim ảnh của Đông Nam Á, tác giả những bộ phim dài từ 4-8 tiếng xoáy kính hiển vi vào tội ác, động cơ của tội ác và những hoài nghi về đức tin. Ông có khả năng tạo nên những phút thịnh nộ bí hiểm không kém chi những nhân vật trong “Lũ người quỷ” ám hay “Tội ác và hình phạt”. Tất nhiên, Philippines trong ông không bao giờ tươi sáng hay le lói dù chỉ chút ít hy vọng mà luôn là một sử thi của nỗi buồn, sự tù đọng, sự khắc khoải, sự khốn khổ, sự bần cùng nơi một vùng đất hậu thuộc địa - điều rất có thể gây cản trở cho một đạo diễn nếu sinh ra ở một quốc gia khác trong Đông Nam Á. Trả lời một cuộc phỏng vấn, Lav Diaz nói rằng kiểm duyệt chưa bao giờ là vấn đề với ông, nhưng không phải vì chính sách kiểm duyệt mở mà vì chính quyền không quan tâm mấy tới các nghệ sĩ như ông, cho rằng chẳng ai xem những tác phẩm khó hiểu ấy cả. Điểm này, chính quyền đúng! Lav Diaz thừa nhận phim ông chỉ trụ được một tuần ở rạp chiếu bóng Manila, mỗi suất chiếu có độ 5-10 người xem là cùng.
Tuy nhiên, Philippines cũng vẫn còn những giới hạn. Bộ phim “Serbis” của đạo diễn Brillante Mendoza từng tranh giải Cành Cọ Vàng năm 2008 từng bị cắt hai cảnh "nuy". Nhưng xét đến nội dung câu chuyện xoay quanh một gia đình sở hữu rạp chiếu phim "con heo" kiêm mại dâm trá hình nằm trên một con phố lao động ồn ào, bừa bộn, bẩn thỉu với những con người suy tàn giữa một đô thị lớn đang phát triển thì xem ra, chỉ riêng việc chấp nhận một cốt truyện như vậy cũng đã là rất tiến bộ ở Đông Nam Á.
Apichatpong Weerasethakul kể lại rằng, khi ông bày tỏ mong muốn làm phim ở các nước khác, Béla Tarr (một đạo diễn lớn người Hungary) đã khuyên ông đừng rời bỏ Thái Lan. Bất chấp can ngăn ấy, Weerasethakul vẫn rời bỏ. Bộ phim mới của ông tranh giải ở Cannes năm nay được làm tại Colombia - cách Thái Lan nửa vòng trái đất - với sự tham gia của một ngôi sao Hollywood. Colombia lập tức chọn bộ phim đại diện tranh giải phim nước ngoài xuất sắc của Oscar. Câu chuyện này làm ta nhớ đến những người Anh-điêng xưa kia, họ không thể hiểu tại sao dân Tây Ban Nha mê cuồng vàng tới thế mà người Anh-điêng thì sẵn sàng đổi vàng lấy những món đồ chơi vớ vẩn từ bên kia Đại Tây Dương. Thật đáng tiếc khi Đông Nam Á liên tục tự đánh mất vàng mà mình có sẵn cho phương Tây, và bạn biết kết cục của thổ dân châu Mỹ là gì rồi. Chúng ta đâu muốn bị phụ thuộc về văn hóa?