Diana- Kẻ điên và nữ hoàng của thế hệ Gen Z

Thứ Sáu, 17/12/2021, 21:18

Công nương Diana qua đời năm 1997. Người ta vẫn thường tính Gen Z là những người ra đời từ năm 1997 đổ đi. Tức là về lý thuyết mà nói, Gen Z sống trong một thế giới hậu Diana...

Hoàng tử Charles cùng vị hôn thê Diana đứng trước vô vàn những chiếc máy ảnh chĩa vào họ. Hôm nay, họ tuyên bố đính hôn. Một vị phóng viên lên tiếng hỏi liệu hai người có thể chia sẻ về lễ cưới chính thức của mình. “Chà, thực ra chúng tôi cũng chưa tính xa đến thế nhưng hiện giờ thì hai chúng tôi rất vui, thật đó”, Charles đáp lời. Còn Diana, trên tay đeo chiếc nhẫn sapphire lộng lẫy, dáng vẻ vẫn thanh lịch và say đắm lòng người như mọi khi, nhướn ánh mắt nửa sắc sảo khêu gợi, nửa ngầm nổi loạn và có phần khó ở của mình trước đám ký giả.

Đó thực ra chỉ là ánh mắt của nàng Diana do nữ diễn viên Emma Corrin thủ vai trong series phim “The Crown” gây sốt của Netflix. Buổi gặp gỡ giới truyền thông ấy của Diana vẫn còn được giữ lại và trong đời thật, Diana mang ánh mắt ấm áp hơn nhiều, nụ cười của nàng cũng thật vô tư. Nhưng, sau cơn sốt “The Crown”, với nhiều khán giả trẻ thì Diana chính là Diana của Corrin và chỉ với một ánh mắt được kịch tính hóa theo đúng kiểu phim ảnh ấy, nàng công nương trở thành nữ hoàng của thế hệ Gen Z.

Diana- Kẻ điên và nữ hoàng của thế hệ Gen Z -0
Phân cảnh viral của nàng Diana trong “The Crown” đã được chế thành hàng trăm, hàng ngàn meme trên internet.

Công nương Diana qua đời năm 1997. Người ta vẫn thường tính Gen Z là những người ra đời từ năm 1997 đổ đi. Tức là về lý thuyết mà nói, Gen Z sống trong một thế giới hậu Diana. Nàng chết đi và họ sinh ra, họ không có ký ức nào trực tiếp về nàng cả. Ký ức của họ là một ký ức được phục dựng, một Diana của cơn sốt làm phim về hoàng gia Anh mấy năm qua, một Diana của những nhà sáng tạo, một Diana của những thêu dệt và một Diana của những hình ảnh chế trên internet - những “meme”.

Nếu như các thế hệ trước yêu nàng công nương xứ Wales như “một hơi thở tươi tắn”, một hình mẫu hoàn hảo cho mọi phụ nữ, một nhà nhân văn chủ nghĩa, một nữ anh hùng rơi vào thảm kịch, một vị thánh với tình yêu cao thượng, bất chợt ôm chầm một cậu bé da đen mắc căn bệnh AIDS vào thời mà người ta còn niềm tin AIDS có thể lây qua cái bắt tay. Họ yêu nàng vì nàng nhân hậu, cao vời, tinh khiết, là sự kết hợp của một Mẹ Teresa và một biểu tượng thời trang thì Gen Z lại yêu Diana như một gương mặt đại diện cho chính cuộc sống hiện đại. Cách đôi mắt nàng nhướn lên đầy biểu cảm trong “The Crown” được cộng đồng mạng ghép với đủ các tình huống hài hước: “Tôi khi đang họp Zoom và giả vờ như mình không ngắm nghía bản thân trong camera”, “tôi hồi bé khi đi nhầm vào khu bán đồ lót nam trong Walmart”, “tôi khi ngồi trên xe buýt và tưởng tượng mình là nhân vật chính”... Gen Z yêu tiếng cười, những tiếng cười tinh ranh nhưng vô hại, nghịch ngợm nhưng nhẹ bẫng và Diana có thể giúp họ làm được điều đó.

Song, cơn sốt với Diana của thế hệ Gen Z có lẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa đông này, khi một trong những tác phẩm được ngợi khen đặc biệt tại Liên hoan phim Venice vừa qua, “Spencer” - bộ phim tiểu sử về nàng Diana của nhà làm phim Pablo Larraín ra mắt. Nàng Diana của Larraín, giấu sau vẻ ngoài cổ điển, thực sự mang cái zeitgeist (tinh thần thời đại) của Gen Z.

Nàng Diana của Larraín xuất hiện lần đầu trong Spencer khi đang một mình lái chiếc xe mui trần trên con đường nước Anh dài bất tận về dinh thự Sandringham của nữ hoàng để mừng Giáng sinh cùng hoàng tộc. Đó là mùa đông năm 1991, cuộc hôn nhân giữa nàng và Charles đã trên bờ vực đổ vỡ. Diana đi lạc và bắt gặp mình ở giữa một chốn thôn quê xa lạ. Câu thoại đầu tiên của nàng là một lời độc thoại: “Where the fuck am I?”, Mình đang ở chỗ chết tiệt nào thế này? 

Fuck là một từ tiếng lóng trong tiếng Anh, một từ chửi tục. Ta khó có thể nghĩ nó lại thoát ra từ miệng một vị công nương dường như luôn trang trọng, luôn đẹp, luôn ưu nhã. Và cách nàng nói trơn tru dường như cho thấy nàng không chỉ nói từ đó vì bực bội, mà có vẻ như đằng sau ống kính, nàng đã nói điều đó rất nhiều lần. Điều lạ là, ta không thấy có gì lạ.

Đã từng có thời, những từ ngữ tục tĩu bị coi là hạ đẳng, là tội lỗi, là mất tư cách đạo đức. Cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” chỉ vì dùng từ “fuck” mà gây ra những cuộc bút chiến dằng dai. Danh hài George Carlin đã liệt ra danh sách 7 từ ngữ không bao giờ được dùng trên truyền hình. Nhưng, những năm gần đây, khi văn hóa đường phố như rap trở thành dòng chính, những từ ngữ ấy bị lạm dụng tới mức bị là phẳng như một cách biểu lộ cảm xúc bình thường. Người ta sẽ thấy Kendrick Lamar vào Nhà Trắng hát cho Obama với những ca khúc toàn từ lóng và hoàng tử William thì vui vẻ đi nghe biểu diễn của Kanye West, mà mật độ nói bậy trong ca từ âm nhạc của West chắc còn đông hơn mật độ dân số ở London. Bởi vậy, có lẽ nếu Spencer phát hành 10-20 năm trước, hẳn người ta sẽ rụt rè: Làm sao Diana vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa của chúng ta lại có thể buông ra một từ thô thiển như thế mà không ngượng miệng, kể cả nàng chỉ có một mình chăng nữa? Nhưng, đã năm 2021 rồi và khán giả Gen Z sẽ không bao giờ chất vấn Diana vì vậy. Họ bắt sóng được nàng.

Đó sẽ không phải lần duy nhất Diana của Larraín buông ra một từ ngữ thô thiển trong “Spencer”. Ở đoạn cao trào, nàng đuổi một người hầu ra khỏi phòng, nói với cô ta nàng muốn ở một mình, để “thủ dâm”. Thực ra thì nàng chỉ muốn ở một mình, muốn tự do nhưng nàng lại không ngần ngại đánh đổi điều đó bằng một câu nói có thể hủy hoại hình tượng nàng mãi mãi. Hình tượng ấy quả có thể bị hủy hoại trong mắt cô hầu kia và với cả hoàng tộc. Nhưng, một lần nữa, Gen Z, thế hệ đã bình thường hóa tất cả những vấn đề này, lại thấy nàng đồng hội đồng thuyền với họ.

Và nàng Diana của Larraín không phải là nàng Diana của những chuyến đi từ thiện, của những buổi tiếp đón báo chí, của những bữa tiệc tùng. Khi ăn tiệc, nàng gặp ảo giác thấy mình đánh rơi chuỗi vòng ngọc trai mà Charles mua tặng vào liễn súp. Rồi một trường đoạn thật điên rồ diễn ra, nàng lấy thìa múc súp còn lẫn những viên ngọc trai long lanh như những miếng cá tuyết viên, đưa vào miệng và nhai rồm rộp. Phải, Diana của Larraín là một bệnh nhân trầm cảm.

Diana- Kẻ điên và nữ hoàng của thế hệ Gen Z -0
Minh tinh queer Kristen Stewart nhập vai một nàng Diana bị ma ám, trầm cảm, biếng ăn, điên rồ, phát điên trong “Spencer”. Vai diễn dự đoán sẽ mang tới cho Stewart đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.

Câu thoại đầu tiên gần như gói gọn trạng thái của Diana trong toàn bộ bộ phim: “Mình đang ở chỗ chết tiệt nào thế này?”. Vẫn là Diana của những bộ cánh thanh lịch, xinh đẹp đến nao lòng, xinh đẹp trong mọi hoàn cảnh dù tồi tệ nhất nhưng nàng vật vờ, thất thần trong cõi ảo ảnh của riêng mình và gần như không thể kiểm soát bản thân. Ở một cảnh, Diana tự lấy kìm nhéo đứt một mẩu thịt trên cánh tay thì giống như một người đang mơ tự nhéo bản thân để bật tỉnh và chuồi khỏi cơn ác mộng. Một cảnh khác, giữa đêm đen, khoác chiếc váy đuôi cá bồng bềnh cùng chiếc áo khoác đen trong ngôi nhà tuổi thơ đã sập nát, nàng òa khóc như một bóng ma đã bị giam cầm đến chết trong oán ức, mãi mãi không siêu độ. Và có cả một chuỗi những cảnh nàng đi giữa hành lang lâu đài vắng hoe, một mình khiêu vũ, đích thực giống hệt kiểu bóng ma ám lấy những lâu đài cổ xưa trong những truyền thuyết rùng rợn nhất. Cách mà Larraín quay một cảnh bán khóa thân của Diana đã nói rõ những gì ông muốn làm: Diana cũng có da thịt như chúng ta, có máu như chúng ta, nàng không phải thánh, nàng là con người và nỗi đau của nàng không phải nỗi đau biểu tượng, đó là cơn trầm cảm với hình hài trần trụi mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được, chạm vào được, sờ thấy được. Và, ý thức sâu sắc với trầm cảm, đó cũng là một đặc tính của Gen Z, thế hệ của những khuyết tật tâm lý.

Bình thường hóa tiếng lóng, thẳng thắn với trầm cảm và những hội chứng tâm thần nhưng chưa hết, nàng Diana của Larraín còn là một biểu tượng “queer”. Xuyên suốt Spencer, nàng gần như bị cô lập cùng những bộ đồ đẹp thướt tha. Nàng bước vào một bữa tiệc như một kẻ vô hình. Tri kỷ duy nhất của nàng là Maggie, người phụ trách trang phục hoàng gia. Maggie là một phụ nữ và trong khung cảnh bình yên nhất cả bộ phim, trên một bãi lau nhìn ra biển, Maggie thừa nhận cô yêu Diana, theo nghĩa đen của từ yêu và cô nghĩ về những gì lần từng thấy Diana khỏa thân, nói đến đó thì cả hai bật cười khúc khích. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Larraín đã chọn Kristen Stewart cho vai diễn nàng Diana, bởi Stewart không chỉ có vẻ đẹp bất kham một cách thanh lịch như Diana, nàng còn có viền mắt hơi trũng sâu như một bệnh nhân mất ngủ cùng một nếp nhăn trên khóe miệng trái khiến gương mặt nàng kể cả khi cười tươi nhất cũng luôn chùng xuống buồn bã mà khinh khi, và nàng, trên hết, cũng là một biểu tượng queer ngoài đời với phong cách lưỡng tính. Stewart cũng từng có mối tình dị tính với nam tài tử Robert Pattinson, một mối tình đẹp như mơ chẳng khác chi Diana và Charles của Hollywood, thế rồi như Diana, nàng cũng bị tình yêu làm cho thất vọng, nàng tìm đến tình yêu đồng tính và giờ thì nàng hạnh phúc.

Gen Z là thế hệ đầu tiên được tận hưởng một thế giới nơi LGBTQ+ được phổ biến hóa, nơi những xu hướng giới tính khác được đặt cạnh nam và nữ như một lẽ dĩ nhiên, nơi queer không còn là kỳ quặc. Từ queer vốn có nghĩa là kỳ quặc, về sau có thêm nghĩa chỉ những người thuộc cộng đồng đa dạng tính dục, nơi “come out” không còn là dấu chấm hết cho một cuộc đời đàng hoàng trong xã hội, nơi cả Chúa cũng phải chấp nhận queer. Vậy nên, để nàng Diana đón nhận một tình yêu đồng tính, dù là một tình yêu đơn phương từ phía Maggie thì đó chẳng khác chi phút đăng quang của một nữ hoàng vương quốc Gen Z.

Cũng trong khi tâm tình với Maggie, Diana tự hỏi rằng liệu sẽ ra sao nếu nàng trở thành nữ hoàng, khi ấy người ta sẽ gọi nàng là gì? Người ta đã gọi Elizabeth là Trinh Nữ, còn nàng thì sao? Nàng bảo có lẽ người ta sẽ gọi nàng là Kẻ Điên. Với một thế hệ nào khác, có lẽ “nữ hoàng” và “kẻ điên” là hai danh từ đối lập nhưng với Gen Z, cái thế hệ không sợ sự điên rồ, không e dè những cú sốc và những niềm tin lập dị, hứng thú với sự thất thường và quái đản, thì có lẽ “nữ hoàng” hay “kẻ điên” cũng chỉ là một mà thôi.

Hiền Trang
.
.