Đi tìm chìa khoá cho trật tự năng lượng thế giới
Cuộc đua năng lượng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động mạnh vào bối cảnh thế giới. Trong khi Bắc Kinh đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo để nâng cao vị thế công nghệ và giảm thiểu phụ thuộc nhập khẩu, Mỹ chọn con đường ngược lại - tận dụng ưu thế dầu mỏ để duy trì ảnh hưởng địa chính trị.
Trung Quốc dẫn đầu điện sạch
Năng lượng không chỉ là điện cho nhà máy, nước nóng cho các căn hộ và nhiên liệu để xe cộ vận hành, nó từ lâu được xem là nền tảng của sức mạnh quốc gia; và an ninh năng lượng là vấn đề sống còn. Theo New York Times, là nước không nằm trong top đầu về trữ lượng tài nguyên dầu khí, Trung Quốc nhập khẩu nhiều triệu USD năng lượng mỗi ngày.
Bắc Kinh nhận thức rõ thách thức từ thực tế đó, rằng việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu khiến họ dễ bị tác động trước các biến động địa chính trị, như xung đột Trung Đông hay bất ổn tại eo biển Hormuz. Từ đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã quyết tâm đầu tư vào năng lượng tái tạo như một chiến lược dài hạn để đảm bảo 3 mục tiêu: an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng công nghệ cao và mở rộng vị thế toàn cầu.

Dù Trung Quốc tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới, tốc độ chuyển dịch sang năng lượng sạch của nước này rất nhanh. Trung Quốc hiện thống trị các ngành công nghiệp pin, tuabin gió, xe điện và pin mặt trời, chiếm 80% sản lượng pin mặt trời, 60% thị phần tuabin phát điện gió. Các công ty công nghệ của Bắc Kinh gần đây giới thiệu hệ thống sạc xe điện chỉ trong 5 phút, tương đương thời gian nạp xăng. Trung Quốc cũng dẫn đầu với gần 700.000 sáng chế liên quan đến năng lượng sạch, chiếm hơn 50% toàn cầu.
Jian Pan, đồng Chủ tịch của CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, mô tả: "Trung Quốc ít theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Nhưng, khi đã cam kết với một mục tiêu thì toàn xã hội, từ chính phủ, doanh nghiệp, kĩ sư và người dân, sẽ cùng hướng về mục tiêu đó". Trong 2 thập kỉ qua, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách, rót nhiều tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện, năng lượng gió, mặt trời. Ở thời điểm sơ khai, nguồn điện giá rẻ từ các nhà máy nhiệt điện than, dù tác động tiêu cực đến môi trường, cho phép Trung Quốc vận hành các nhà máy luyện nhôm và sản xuất polysilicon (thành phần chính của pin mặt trời) với chi phí thấp. Bắc Kinh cũng khéo léo dựng và duy trì vị thế gần như độc quyền đối với chuỗi cung ứng toàn cầu các nguyên liệu thô thiết yếu để sản xuất pin như coban. Năm 2008, Mỹ là quốc gia sản xuất một nửa polysilicon của thế giới, còn năm 2025, Trung Quốc chiếm 90% thị phần.
Bắc Kinh cũng đầu tư nhiều hơn phần còn lại của thế giới vào nghiên cứu và đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng cao. Những chính sách dài hơi đã tạo ra nền tảng giúp các doanh nghiệp năng lượng sạch Trung Quốc hưởng lợi. Để cắt giảm chi phí, tăng ưu thế cạnh tranh, các nhà máy Trung Quốc đã được tự động hóa mạnh mẽ. Từ 2021-2023, Trung Quốc lắp đặt nhiều robot công nghiệp hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, gấp 7 lần Mỹ.
Eric Luo, Phó Chủ tịch LONGi Green Energy tiết lộ, Trung Quốc còn gặt hái thành công khi theo đuổi mô hình "sản xuất theo cụm". "Chỉ cần lái xe 3-4 giờ, bạn có thể tiếp cận mọi thứ: nguyên vật liệu, nhà cung ứng, nhân công kỹ thuật cao. Không nơi nào khác trên thế giới có được điều đó", ông nói.

Bên cạnh lợi thế về công nghệ và sản xuất, Trung Quốc thực hiện một chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch khổng lồ. Tháng 6/2024, trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới tại Tân Cương đã đi vào hoạt động. Quy mô của trang trại đủ để cung cấp lượng điện vượt mức tiêu dùng của một quốc gia nhỏ. Hiện, 10 trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều đặt tại Trung Quốc.
Mỹ đặt niềm tin vào giá trị truyền thống
Trung Quốc tiến nhanh, nhưng Mỹ là những người đầu tiên trên thế giới tạo ra các tế bào quang điện silicon vào thập niên 1950. Năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã lắp các tấm pin mặt trời trên nóc Nhà Trắng. "Tuy nhiên, Mỹ đã ngủ quên. Bạn có thể phát minh ra công nghệ tuyệt vời nhất, nhưng nếu không sản xuất nó, điều đó chẳng ý nghĩa gì", Michael Carr, cựu nhân viên của Ủy ban Năng lượng Thượng viện Mỹ, nói.
Theo New York Times, có nhiều lí do dẫn đến việc Mỹ đánh rơi ưu thế. Hai trong số đó là ảnh hưởng chính trị của ngành dầu khí và nỗi sợ thất bại sau sự cố công ty pin mặt trời Solyndra phá sản năm 2011. Trước khi phá sản, Solyndra nhận được bảo lãnh cho khoản vay 528 triệu USD, dẫn đến việc Chính phủ Mỹ trả nợ thay. Một thập kỷ trôi qua, nhiều người mang Solyndra ra tranh luận như ví dụ về sự thiếu hiệu quả của năng lượng tái tạo.
Tất nhiên, Mỹ có thể đảo ngược hướng đi khi chuyển hướng sang nghiên cứu và đầu tư mạnh hơn rất nhiều cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, New York Times tin rằng, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng cần thời gian.
Sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump dường như đang tìm kiếm một cách tiếp cận mới để "so găng" với Trung Quốc. Ông xây dựng chiến lược cho Washington dựa trên niềm tin rằng, thế giới hiện đại không thể vận hành nếu thiếu dầu khí, và Mỹ - với vai trò là nhà sản xuất dầu và khí lớn nhất - phải tận dụng tối đa lợi thế. Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump tin tưởng, việc Mỹ tăng cường sản xuất dầu khí sẽ mở ra một kỷ nguyên "thống trị năng lượng" của Washington.
Với cách tiếp cận đó, ông Trump rút bớt ưu đãi với các dự án năng lượng tái tạo. Ngày 2/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua "Dự luật to đẹp" mà ông thúc đẩy, trong đó bãi bỏ trợ cấp chính phủ cho ngành điện gió và năng lượng mặt trời trị giá 488 tỷ USD. Ông cũng kêu gọi mở rộng khai thác dầu khí trên lãnh thổ Mỹ. Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Chris Wright mô tả biến đổi khí hậu là "tác dụng phụ của việc xây dựng thế giới hiện đại". Trong khi đó, Ben Dietderich, phát ngôn viên Bộ Năng lượng Mỹ nói thêm: "Washington may mắn có nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và chính quyền Tổng thống Trump cam kết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này". Ông cho rằng, việc khuyến khích sử dụng năng lượng sạch trước đây "đã tổn hại đến an ninh năng lượng Mỹ".
Tuy vậy, chính sách đó cũng gây ra một số lo ngại. Theo ước tính của các nhà khoa học, đến năm 2035, năng lượng mặt trời và gió sẽ vượt cả than và khí để trở thành 2 nguồn cấp điện lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhờ xu thế phát triển đại trà, giá thành sản xuất cuối cùng của năng lượng sạch sẽ giảm xuống thấp hơn năng lượng hóa thạch.
Quyền lực năng lượng toàn cầu dịch chuyển?
Khi năng lượng sạch lên ngôi và Mỹ không thống trị trong lĩnh vực này, các quốc gia dẫn đầu công nghệ có thể nhìn thấy cơ hội để vượt lên. Theo New York Times, những năm qua, Trung Quốc mở rộng sản xuất trong các lĩnh vực công nghệ sử dụng năng lượng sạch trên toàn cầu. Họ có nhà máy xe điện ở Hungary, pin ở Thái Lan, tuabin gió ở Brazil, trang trại điện mặt trời ở Kenya và lò phản ứng hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các khoản đầu tư hơn 168 tỷ USD cho sản xuất và truyền tải năng lượng sạch ra nước ngoài đang biến Trung Quốc thành đối tác năng lượng của các nền kinh tế mới nổi.
Hiện nay, ngay cả các nước giàu dầu mỏ cũng đang tìm cách "xanh hóa" nền công nghiệp. Arab Saudi, "trùm" dầu mỏ Trung Đông, đã mở cửa để các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở lưu trữ pin lớn nhất thế giới. Pakistan thông báo họ chọn Trung Quốc để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các nước châu Phi giàu khoáng sản như Zambia ngày càng lệ thuộc vào các khoản vay năng lượng từ Bắc Kinh. Những thỏa thuận này không chỉ là đầu tư. Chúng thiết lập quan hệ chính trị, tài chính kéo dài nhiều năm.

Ở chiều ngược lại, trong trung hạn, chiến lược của Mỹ xoay quanh tăng cường khai thác, sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ cung cấp năng lượng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong nước; còn việc xuất khẩu sẽ mang lại nhiều tỷ USD lợi nhuận, bởi bởi hầu hết các thị trường đều vẫn cần tiêu thụ dầu và khí đốt.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, nhưng hầu hết các dự báo của giới chuyên gia cho thấy tỷ lệ đó sẽ giảm. Đến giữa thế kỷ 21, dầu, khí đốt và than sẽ có cung cấp dưới 60% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Liệu Mỹ có thể tận dụng được dự trữ, xuất khẩu càng nhiều càng tốt và thu lại lợi ích tối đa - từ đó phát triển năng lượng tái tạo để trở lại cuộc đua hay sẽ theo đuổi một hướng đi khác, thời gian là câu trả lời.