Đất không chỉ là nơi để ở

Thứ Năm, 14/07/2022, 10:51

LTS: Sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, quyết tâm của Đảng và Chính phủ về quản lý đất đai là rất rõ ràng. Trung ương đã sáng suốt nhận ra rằng cần phải chấn chỉnh lại tình hình hỗn loạn trên thị trường bất động sản suốt nhiều năm qua, với những cơn bão giá điên rồ trong khi đất dần không chỉ còn là nơi để ở…

Bộ cánh của con công

Cường là một lao động tỉnh lẻ lên Hà Nội làm việc đã mười năm nay, và trong giấc mơ hoang đường nhất, anh không bao giờ dám nghĩ đến một căn nhà tử tế.

Đất không chỉ là nơi để ở -0
Thị trường thì vẫn liên tục "đẻ" ra những sản phẩm có tính chất đầu cơ ngày một cao hơn (ảnh minh họa). Ảnh: S.t

Anh và vợ sống trong một phòng trọ chật chội ở khu Thanh Xuân, với giá thuê khoảng hơn một triệu một tháng. Căn phòng ẩm thấp, không có nhà vệ sinh. Vào mùa Hè, nó nóng đến nỗi hai vợ chồng thường xuyên không thể ngủ trong đó, mà phải vác chiếu ra ngoài hè ngõ trải ra nằm.

Cường chạy Grab toàn thời gian, khá chăm chỉ, kiếm được 10-12 triệu/tháng. Vợ anh đi thu gom phế liệu bán, góp thêm vài triệu, nhưng không ai tiêu gì cho bản thân. Hai vợ chồng gửi về nhà 5 triệu cho ông bà nội nuôi giùm hai đứa con ở quê, đóng tiền nhà, tiền điện nước, chỉ để dành được vỏn vẹn khoảng bốn triệu một tháng. Với "tiến độ" này, còn chưa tính đến lạm phát, thì phải 20 năm nữa họ mới chồng đủ tiền để mua đứt được một căn chung cư dạng xoàng xĩnh bậc nhất ở thủ đô.

Nhưng Cường vẫn còn may mắn. Bạn của anh, tên Nam, trong một cơn cùng quẫn khát nhà, đã nghe lời bạn gửi tiền đầu tư chứng khoán, hy vọng x5 x10 trong hai năm, là đủ tiền có mái ấm. Hơn 100 triệu dành dụm bay sạch trong có vài tháng, khi thị trường tụt dốc không phanh. Nam giờ cõng thêm vài trăm triệu nợ tín dụng đen, trong nỗ lực cứu vãn tình thế. Từ một người lao động tử tế, anh giờ đây bắt đầu phải trốn chạy các chủ nợ, gần như không việc làm, vì cứ làm ở đâu là có xã hội đen đến đòi.

Với những người như Nam và Cường, thị trường nhà đất là một tháp ngà không thể vươn đến. Các dự án chung cư mới vẫn mọc lên mỗi ngày, và thường được mua trước từ khi làm móng, với giá trung bình từ 20-50 triệu/m2. Các cơn sốt đất vẫn bùng phát ở hàng loạt địa phương từ Nam chí Bắc, với giá một mảnh vườn hoang có thể nhân đôi ba lần trong vài tháng.  Trong vòng 10 năm qua tổng diện tích nhà ở cả nước tăng 1,6 lần (từ 1,4 tỷ m2 lên khoảng 2,3 tỷ m2), bình quân mỗi năm tăng khoảng 60 triệu m2, nhưng người lao động không có cửa gì để sở hữu những tấc vàng này. Giá nhà tại các đô thị lớn đã tăng từ 2-4 lần trong vài năm qua.

Nó tạo ra một nghịch lý cho đến nay đã trở thành điều hiển nhiên: nhà đất không thể đến tay những người thực sự cần nó để ở, mà liên tục được bổ sung vào danh mục của những nhà đầu cơ đầy rẫy trên thị trường. Nghịch lý này tạo ra những nghịch lý khác: một người mua một căn chung cư 4-5 tỷ và cho thuê lại giá 15-20 triệu/tháng, thì cũng phải mất độ gần 20 năm mới hòa vốn. Tức là giá của ngôi nhà trên thị trường luôn không tương xứng với giá trị thực sự của nó, và người mua nhiều khi cũng chẳng quan tâm đến chuyện mua làm gì, hay kinh doanh có hiệu quả không. Cứ có nhiều nhà đất là được

Thị trường thì vẫn liên tục "đẻ" ra những sản phẩm có tính chất đầu cơ ngày một cao hơn. Nếu đi dọc bất kỳ bờ biển nào của đất nước những ngày này, bạn đều có thể dễ dàng bắt gặp những căn biệt thự trống không quay ra biển, được xây dựng với quy mô hoành tráng nhưng chẳng ma nào ở. Các thực thể nay được tạo ra thuần túy từ ý chí là kỳ vọng tương lai: những chủ dự án sẽ cố gắng gom đất vàng, chạy vạy xin giấy phép đầu tư, rồi tìm người góp vốn, và chúng ta có những thứ như thế mọc lên. Kể cả khi họ mất hàng năm triển khai dự án trên mảnh đất vàng ấy, thì cũng chẳng đi đâu mà thiệt: bản thân thị trường có tính chất đầu cơ cao đã "nuôi sống" ngon lành những dự án trống rỗng kiểu này, bằng cách thổi giá đất lên đến mặt trăng.

Nghị quyết số 18 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành yêu cầu đánh thuế đất cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang có thể là lời giải cho tình trạng vô lý hiển nhiên lúc này.  Nhà đất đã trở thành một chủ đề hoàn toàn có tính chất đầu cơ trong nhiều năm: mỗi khi ngồi với nhau "tám" chuyện bàn trà quán nước, thì sở hữu đất đai đơn giản là chuyện bộ cánh của con công. Khi tôi nói tôi có một mảnh đất, chẳng ai quan tâm xem tôi sẽ xây gì trên đó. Câu chuyện có thể kết thúc rất nhanh, vì đơn giản nó chỉ mang theo thông điệp rằng bạn có sức khỏe tài chính đủ tốt.

Một cái nhà hoặc mảnh đất bỏ không rốt cục với một người sở hữu nhưng không sử dụng nó, chỉ có ý nghĩa vỏn vẹn như thế, là bộ cánh của con công hay cái bờm của con sư tử. Bạn có thể dùng để an tâm hơn về tương lai, hoặc đơn giản là đi "khè" người khác chẳng hạn.

Nhưng những nhu cầu tinh thần kiểu đó chắc chắn không có lý bằng một căn nhà ở sinh hoạt đầy đủ tiện nghi cho một vợ chồng tỉnh lẻ đang làm những công việc kiểu cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Hẳn là những người như thế cần đến nhà đất hơn là những cổ cồn công sở sáng ký mua vài mảnh đất chỉ để hoặc bỏ hoang hoặc chờ sang nhượng "lướt" kiếm lời, chiều đi đánh golf và tối có thể lên mạng xã hội viết những dòng đạo lý về sức mạnh của lao động.

Dù những gì họ đang tích lũy được có thể không phải từ bản thân lao động, mà đến từ ý chí què quặt của một thị trường không công bằng.

Phạm An

Sổ đỏ trên sới bạc

Trong khi người dân bắt đầu "thấm đòn" với sự lên xuống bất thường của thị trường tiền mã hóa, ít người nhận ra rằng dân Việt Nam thực chất đã "đánh bạc" với thị trường kiểu này từ trước khi có bitcoin ra đời rất lâu.

Đất không chỉ là nơi để ở -0
Người dân bắt đầu "thấm đòn" với sự lên xuống bất thường của thị trường tiền mã hóa. Ảnh: S.t

Một phóng sự gần đây của kênh VTC1, phỏng vấn lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khẳng định rằng có đến 30% số trường hợp nhập viện thời gian gần đây là do thua lỗ trong kinh doanh hoặc đầu tư tài chính. Phỏng vấn nhanh một vài bệnh nhân và bác sĩ, ngoài chứng khoán, thì "chơi coin" xuất hiện trong nhóm nguyên nhân.

Dù chỉ là khảo sát nhanh, nó là tín hiệu không thể chối bỏ về những hệ quả của việc đầu tư tiền số với tâm lý xanh chín của nhiều "nhà đầu tư F0". Họ đầu tư vào những đồng tiền số không rõ lai lịch; họ sử dụng đòn bẩy tài chính - nôm na là mua coin phần lớn bằng tiền đi vay; họ đầu tư với tâm lý muốn sinh lời nhanh như chơi xổ số, thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào, chứ không có chiến thuật hay tích lũy kiến thức.

Nhiều người tiếp cận thị trường đầu tư tài chính với tâm lý đánh bạc. Đấy là lý do người ta có thể thua nhanh và thua nhiều đến thế. Chỉ trong vòng một năm qua, trong số các mối quan hệ của tác giả, đã có ít nhất là 2 người biến mất (trốn nợ và tự vẫn), và một người trắng tay vì những đồng coin không rõ lai lịch. Nếu đổ lỗi cho tiền mã hóa thì oan cho ngành blockchain. Lỗi, là ở tâm lý của những người ham đánh bạc.

Và hiện tượng này không mới với tâm lý người Việt.

Năm 2012, gia đình chúng tôi chuyển về một ngôi làng ven đô của Hà Nội. Đó là giai đoạn cơn sốt bất động sản ven đô vừa qua đi và chuẩn bị xuống đáy của đồ thị hình sin. Sau ngày Hà Nội sáp nhập với Hà Tây năm 2008, một bước lên phố, giá đất trong làng có thời điểm lên đến 35-40 triệu/đồng mỗi mét vuông, cho những mảnh đất nằm rất xa trục đường chính, phải đi qua đê và xuyên qua cánh đồng rau dài hơn cây số. Người làng giàu lên nhanh chóng. Từ những ruộng rau và những mảnh vườn trồng cây ăn trái, bỗng nhiên họ sở hữu hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ đồng.

Nhưng ở thời điểm chúng tôi về mua nhà, sự thịnh vượng đã biến mất. Nhiều nhà trong làng đóng cửa im lìm. Chủ nhà đã đi trốn nợ. Nhiều cậu trai từng dắt lưng 2 tỷ tiền bán đất của gia đình ở tuổi đôi mươi, giờ quay về làm thợ hồ. Giá đất lên thần kỳ (như giá tiền số năm kia) bỗng nhiên mở ra một cơ hội "tham gia sới bạc" cho dân làng. Họ bắt đầu đi vay để thu gom đất đai hàng xóm. Đám thanh niên thì tham gia sới bạc theo nghĩa đen, báo vài chục triệu tiền lô đề mỗi chiều hoặc sang Bắc Ninh đốt hàng trăm triệu tiền tá lả mỗi sáng, còn giới trung niên thì đua nhau vay tiền đi buôn đất. Rồi thị trường sụp xuống. Đất đai đóng băng. Chỉ sau 2-3 năm, giá đất trong làng còn một phần ba, mười mấy triệu một mét. Đó là giá vợ chồng tôi đã mua. Nó thậm chí còn tiếp tục xuống cho đến quãng 2014-2015. Sự thịnh vượng giả tạo diễn ra ngắn ngủi. Mọi người thậm chí còn nghèo hơn khi đất đã bán hết mà sinh kế thì không còn.

Tôi vẫn nhớ trong làng ngày ấy, có một bác không có đất, đi xin khắp các mảnh đất thổ cư (mà người ta đã mua nhưng giờ lỗ quá chẳng bán được cho ai) cho trồng chuối nhờ. Cuộc chuyển dịch ngược ngạo và bi hài: từ nông nghiệp lên thổ cư là lẽ thường, còn ở đây, là từ thổ cư về lại thành nông nghiệp.

Đất đai thực chất đã được ứng xử như một loại token (vật đảm bảo trao đổi) từ rất lâu. Nó là một tài nguyên hữu hạn, những quyển sổ đỏ được phát hành hạn chế. Và những quyển sổ ấy, rất dễ để mua đi bán lại. Nó mang rất nhiều tính chất giống với tiền mã hóa. Trong xã hội Việt Nam, chúng được ứng xử như một loại chứng khoán từ lâu. Tức là người ta mua bán nó với tâm lý của một sản phẩm tài chính, và mong rằng mình sẽ có lời khi bán lại, chứ không thực sự muốn sử dụng, muốn đầu tư sinh lời. Về bản chất, rất thường xuyên, họ chỉ mua bán một tờ giấy. Tôi, và có thể cả bạn, đều quen những người đã mua đất mà còn không biết vị trí mảnh đất ở đâu (họ lên xem một lần rồi quên).

Và người ta tham gia vào loại hình đầu tư ấy với tâm lý đánh bạc. Trước bitcoin, Việt Nam đã có sổ đỏ.

Khi sổ đỏ được ứng xử như token, hay dễ hiểu hơn, biến thành "phỉnh" trong sới bạc, bong bóng có khả năng hình thành. Vì bản thân đất lúc đó không sinh ra giá trị: những mảnh đất bị bỏ hoang hoặc xây dựng tạm bợ; người ta chỉ mong chờ nó sinh lời nhờ vào tâm lý của những người mua sau, nhờ vào những cơn sốt. Và khi một thị trường chỉ trông chờ vào tâm lý, vào triển vọng người mua sau sẽ trả đắt hơn người mua trước, nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Câu hỏi còn lại: Chúng ta có thể hạn chế hình thức đánh bạc này không? Bởi vì nó không chỉ gây ra thiệt hại cho chính kẻ thua bạc, mà nó ngăn chặn cơ hội được sản sinh giá trị của chính những mảnh đất.

Nghị quyết 18 của Trung ương đã tiếp cận vấn đề này một cách rất thẳng thắn. Việc đánh thuế lũy tiến bất động sản, là hình thức bắt người mua đất cam kết rằng họ sẽ phải tìm cách sản sinh ra giá trị trên mảnh đất đó. Đó là tiếp cận đúng về mặt lý thuyết. Nhưng ngoài khía cạnh hay được sử dụng là để ngăn "đầu cơ", thì cần nhận thức rằng đằng sau thị trường bất động sản đảo điên này, còn có một dạng tâm lý của một nhóm người thích cờ bạc.

Và việc những con bạc khát nước sẵn sàng trả phí, hay là "tiền com", "tiền xâu" đến 5-7% cho chủ sòng để được chơi tiếp là thực tế đang diễn ra trên các sàn cờ bạc bất hợp pháp. Đánh thêm thuế, có lẽ chỉ là một phần trong bộ giải pháp để ngăn cơn khát nước trên đất đai. Chúng ta đã có một nghị quyết tiếp cận vấn đề đúng đắn. Giờ là lúc tư duy thêm những giải pháp căn cơ hơn để trả lại cho tấc đất quyền được làm tấc vàng.

Đức Hoàng

Bất công từ đất

"Miếng đất hôm nọ em thu hồi vốn rồi đó anh ạ", H., một kỹ sư công nghệ đang làm chủ một công ty nhỏ hồ hởi khoe cùng tôi và một người bạn nữa. "Em chỉ bán một phần năm là em thu hồi vốn rồi", H. nói tiếp. Rồi cậu hồ hởi kể về chuyện cậu mua nguyên một quả đồi nhìn ra hồ sinh thái ở Vân Phong, Khánh Hòa với giá 7 tỷ. Sau đó, cậu phân lô, sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) cùng các dữ kiện về quy hoạch ở khu vực để vẽ ra các viễn cảnh cho khu đất của mình trong tương lai. Theo cách đó, chàng trai vừa tròn 30 tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh đã bán 1 trong 5 lô mình phân ra ấy với giá 7 tỷ đồng. Đúng nghĩa một vốn, bốn lời.

Đất không chỉ là nơi để ở -0
Việc tiến hành đánh thuế bất động sản thứ hai trở đi đã được bàn tới từ nhiều năm trước và vấp phải những phản ứng khá dữ dội. Ảnh: S.t

Với riêng H., tôi chỉ có thể dùng hai từ thán phục. H. giỏi thực sự. Cậu không phải con ông cháu cha, cũng không sinh ra trong một gia đình nhung lụa giàu có gì. Cậu khởi nghiệp bằng chính nghề mình đam mê: công nghệ. Cậu thành công trong khởi nghiệp và bắt đầu đầu tư bất động sản với vũ khí riêng là khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào các dự án đầu tư của mình. Tôi tin rằng chỉ dăm mười năm nữa thôi, H. chắc chắn sẽ là một trong những "tay to" mà người đời phải nhắc tới.

Ngoài đời sống kia có bao nhiêu người như H.? Không nhiều, nhưng chắc cũng không ít. Và có những người còn có quy mô đầu tư lớn hơn H. rất nhiều bởi họ có điểm tựa quan hệ, vốn, thông tin chắc chắn hơn H. rất nhiều. Đơn cử, một đại gia không kinh doanh bất động sản mà chỉ đầu tư sản xuất công nghiệp đơn thuần cũng đang được đồn đoán rằng đang sở hữu trong tay khoảng 8 triệu m2 đất ở khắp cả nước. Nếu con số ấy là thật, nó là một so sánh kinh hoàng với hàng chục triệu con người đang không có một m2 đất nào.

Một dự án đang thi công ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, với vị trí đắc địa là ở ngay khu chợ Bến Thành, đang sắp sửa mở bán với giá 500 triệu đồng cho một m2 sàn chung cư. Tất nhiên là cao cấp rồi nhưng với giá 500 triệu ấy, thứ nổi bật của sản phẩm là đắc địa. Một căn hộ nhìn thẳng vào chợ Bến Thành không thể không có giá trên trời. Và số lượng đại gia săm soi mua bằng được căn hộ ở khu vực này là không hề nhỏ. Họ có cần thêm chỗ ở hay không thì không biết nhưng mua một bất động sản như thế hầu như là một sự khẳng định. Nó vừa khẳng định tầm vóc của sự hào nhoáng và vừa khẳng định sức mạnh đầu tư của họ. Đó sẽ là căn hộ sang trọng vào hàng bậc nhất tầm vóc quốc tế và chỉ cần 5-10 năm nữa thôi, giá của căn hộ ấy sẽ còn leo thang đến tận trời.

Chỉ có một điều mỉa mai: nhiều triệu con người quần quật cả đời không thể mua nổi một căn hộ với giá tiền chỉ bằng bốn mét vuông của căn hộ kể trên. Khoảng cách giàu nghèo ấy ở đâu cũng có, bất kỳ quốc gia nào. Nhưng ở Việt Nam, có một phần nó được hình thành từ chính những bất công từ đất đai, khi chính những đại gia mua được những căn hộ chục triệu đô kiểu như trên lại đa phần là những người làm giàu từ đất đai, qua những dự án phân lô bán nền mà có lẽ chỉ có cá biệt vài cá nhân mới có khả năng được tham gia trúng thầu.

Năm 2019, tôi theo chân một doanh nhân lên Lâm Đồng, với danh nghĩa giúp doanh nghiệp của anh ta thắng thầu trong việc xây dựng chương trình lễ hội văn hóa cho tỉnh. Nhiệm vụ của tôi là lên ý tưởng, viết kịch bản, xây dựng chương trình. Mọi thứ đều ổn thỏa với sự hậu thuẫn tối đa của địa phương. Nhưng cuối cùng, doanh nhân kia vẫn bỏ chạy, không thực hiện chương trình văn hóa như đã cam kết. Đơn giản, không nhận được cái gật đầu cho một vài lô đất đắt giá ở quanh quanh Đà Lạt, doanh nhân ấy không thiết làm văn hóa nữa.  Câu chuyện phổ biến này có thể được gặp ở nhiều địa phương khác thông qua các festival du lịch hay đầu tư bóng đá v.v và v.v. Những đánh đổi để lấy đất đai là chiêu bài quen đến nhàm chán rồi. Và chính từ chiêu bài này, nhiều đại gia cũng đã được "chào đời".

Các cơn sốt đất cũng bùng lên từ đó, kéo theo một bộ phận dân cư (nhỏ thôi) kiếm lợi từ việc mua đi bán lại. Và đất đai đã không còn ở nguyên vị thế ban đầu của nó, với hai mục đích cơ bản là ở hoặc canh tác sản xuất nữa. Chúng trở thành một món hàng để đầu cơ đúng nghĩa. Tất nhiên, trong kinh tế thị trường, bất kỳ cái gì cũng có thể trở thành hàng hóa nếu ở đúng bối cảnh thị trường. Song, cái đáng suy nghĩ chính là trong hiến pháp quy định rõ đất đai là sở hữu toàn dân. Vậy thì tại sao chúng lại trở thành một thứ hàng hóa giúp một số cực hiếm giàu lên chóng mặt trong khi đa số vẫn quay cuồng trong vòng xoáy của câu hỏi "bao giờ mua được mái nhà?".

Việc tiến hành đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ hai trở đi đã được bàn tới từ nhiều năm trước và vấp phải những phản ứng khá dữ dội. Ít ai hiểu rằng đánh thuế BĐS thứ hai trở đi là chuyện mà rất nhiều quốc gia đã làm để ngăn tình trạng mất cân bằng thị trường BĐS cũng như bất công xã hội trong sở hữu nhà và đất. Hôm nay, chính sách này đang được nghiêm túc cân nhắc trở lại cùng với chính sách giới hạn thời gian quyền sử dụng nhà chung cư. Song, các chính sách này có được thực hiện đi nữa thì cũng không giúp làm giảm đi nhiều bất công từ đất cũng như mất cân bằng xã hội về sở hữu nhà, đất. Gốc của vấn đề phải nằm ở việc cần xử lý triệt để một tập quán rất xấu nhiều năm qua. Đó chính là cách đối xử đối với tài nguyên đất, đặc biệt là của một bộ phận không nhỏ các "nhà đầu tư" cùng những "đồng minh" của họ là các quan chức chính quyền, những người có khả năng ký phê duyệt các dự án phân lô bán nền.

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn" chỉ tồn tại trong văn chương. Trong đời sống, khi ta ở hay khi ta đi, đất bây giờ đã trở thành món đầu cơ hỗn loạn.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.