Đạo đức của một nồi lẩu

Thứ Sáu, 18/02/2022, 09:21

Nỗi đau, về mặt sinh học, gắn liền với một cơ quan thụ cảm cổ xưa - thụ cảm đau. Theo cách đó, nỗi đau không hề có tính chủ quan hay riêng tư, mà là một công thức cơ học, chỉ cần có những kích thích có khả năng gây tổn thương mô là lập tức thụ cảm đau hoạt động...

Khi nồi nước dùng bắt đầu sôi sùng sục, mẹ tôi liền thả vào đó 3 con ghẹ biển. Tất nhiên, là 3 con ghẹ biển còn tươi sống. Nhìn từ bên ngoài lớp nắp nồi bằng thủy tinh, tôi có thể thấy những cái chân của chúng đang ngo ngoe giãy giụa, cố gắng với lên như một lời cầu cứu. Những cặp mắt màu đen lay láy nhỏ như hạt tiêu nhìn tôi như trăng trối. Mẹ tôi bảo: “Để một lúc cho nó chín hẳn đã”. Và, trong cái khoảng thời gian “một lúc” ấy, những cử động của lũ ghẹ yếu ớt dần, cho đến khi buông xuôi hẳn.

Những cặp mắt màu đen lay láy nhỏ như hạt tiêu vẫn đen lay láy y như trước, không thay đổi, không có vẻ gì là một linh hồn vừa mới bay lên. Và, tôi biết, cái ở trước mặt mình đây, có thể là một nồi lẩu hải sản ngon lành nhưng nhìn theo cách khác, cũng là một mồ chôn tập thể của lũ ghẹ biển xấu số.

Đạo đức của một nồi lẩu -0
Các loài giáp xác có biết đau?

Là một người viết, công việc hằng ngày của tôi là giương ăng-ten đi “thu sóng” nỗi đau. Những người viết như một bầy kiến bị thứ mật ong nỗi đau dụ dỗ. Nhưng, nỗi đau, như nữ sĩ Virginia Woolf từng mô tả, là thứ “không có khả năng chia sẻ”, “cự tuyệt ngôn ngữ”, thậm chí “hủy hoại ngôn ngữ”. Khi nghĩ về những lời đó của Woolf, tôi liên tưởng ngay tới sự tương đồng trong phản ứng trước nỗi đau thể xác của con người và ghẹ biển. Khi người ta quá đau, người ta ít khi nói “tôi đau quá”, mà họ thường rên rỉ ỉ ôi - một thứ âm thanh tiền ngôn ngữ. Loài ghẹ biển thì không biết nói hay biết kêu nhưng âm thanh lạo xạo mà chiếc càng của chúng cọ vào nắp nồi hẳn cũng là một kiểu “rên rỉ” thô sơ. Mặc dù vậy, về cơ bản, chúng ta không thấy có gì đáng thương trong cuộc vật lộn của ghẹ biển.

Và, khi nói “chúng ta”, ý tôi là ngay cả những người vô cùng đạo đức mà tôi biết, những người thường xuyên làm từ thiện, thường xuyên nhận nuôi chó mèo bị bỏ rơi và có ý thức về môi trường cũng không tỏ ra thương cảm mấy cho ghẹ biển.

Nếu như sinh vật bị ném vào một nồi nước sôi là một con mèo sống hay một con khỉ sống, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy rùng mình và nổi hết gai ốc. Kẻ nào đang tâm luộc sống một con mèo thì hẳn phải có trái tim vô cảm ngang với quân Pol Pot. Nhưng, nếu là ghẹ biển thì không sao. Tôi đã từng gặp nhiều người chuyển sang ăn chay vì xem những bộ phim khoa học về giết mổ gia súc lấy thịt hay vì một lần phải mổ một con cá còn đang ngoi ngóp nhưng những trường hợp ăn chay vì một lần thấy ghẹ biển bị cho vào nồi thật là hiếm hoi. Chỉ vì loài động vật này thuộc về giống loài cấp thấp hơn trong chu trình tiến hóa hay sao?

Ghẹ biển thuộc phân thứ bộ cua, phân ngành giáp xác, ngành động vật chân khớp, đã có mặt trên Trái đất từ kỷ Jura đến nay. Chỉ nghĩ về điều đó đã thấy chúng là một sinh vật đáng kính, khi mà bao nhiêu những sinh vật vĩ đại hơn chúng nhiều đã tuyệt chủng. Nhưng, chúng vẫn còn đây. Có điều, đáng kính mấy thì đáng kính, đó là một sinh vật gần như không có não. Đúng hơn thì bộ não của chúng khá giản đơn, chỉ là hệ thống hạch thần kinh với kích thước nhỏ hơn đầu cây bút chì. Phần lớn những cảm nhận và cử động của chúng do phần hạch bụng điều tiết.

Ghẹ biển là một giống loài thú vị vì chúng nằm ở ranh giới giữa những sinh vật có bộ não đích thực và những sinh vật chỉ có mạng lưới thần kinh bao gồm các tế bào neuron liên kết với nhau. Sự sơ sài chớm tinh tế ấy buộc chúng ta phải băn khoăn rằng, vậy nỗi đau thể xác của ghẹ biển có giống với nỗi đau mà bạn hay tôi trải qua, khi chúng ta bị bỏng, khi chúng ta bị đứt tay, khi chúng ta bị ngã xe không? Thậm chí, liệu nỗi đau của chúng có thể được gọi là “nỗi đau” không, hay ta cần một từ ngữ khác để diễn đạt?

Nỗi đau, về mặt sinh học, gắn liền với một cơ quan thụ cảm cổ xưa - thụ cảm đau. Theo cách đó, nỗi đau không hề có tính chủ quan hay riêng tư, mà là một công thức cơ học, chỉ cần có những kích thích có khả năng gây tổn thương mô là lập tức thụ cảm đau hoạt động. Và, ghẹ biển cùng các loài giáp xác nói chung sở hữu cơ quan thụ cảm này. Nhưng, suốt một thời gian dài, các nhà khoa học vẫn cho rằng chưa có đủ cơ sở để kết luận chúng biết đau. Họ có lý của họ. Bởi nỗi đau là một chuyện nhưng khả năng cảm nhận đau đớn lại là một chuyện khác. Cách mà lũ ghẹ giãy giụa như cầu cứu trong nồi nước không thể coi là bằng chứng cho thấy đó là biểu hiện của cảm giác đau đớn, mà chỉ là những phản xạ thuần túy. Sự khác nhau giữa cảm xúc đau đớn và phản xạ nằm ở chỗ, cảm xúc đau đớn cần một độ trễ nhất định. Hãy thử nhớ về những lần bạn bị thương, có bao giờ bạn cảm thấy đau ngay lập tức không, hay bạn cần một vài giây để cảm nhận được nỗi đau? Trong khi đó, những phản xạ thì diễn ra rất nhanh ngay khi kích thích tác động tới cơ thể. Một điểm nữa, ghẹ biển không có cơ quan tiết ra hormone giúp giảm đau như con người, điều ấy có thể có 2 ý nghĩa: 1- chúng dễ bị tổn thương hơn với nỗi đau. Nhưng, đồng thời, 2- chúng chưa chắc thật sự trải nghiệm nỗi đau để cơ quan đó phải phát triển.

Tất cả những dữ kiện này đã đủ để hợp thức hóa việc mẹ tôi bỏ một con ghẹ biển còn sống sờ sờ vào nồi nước bỏng rẫy chưa? Sự phức tạp của vấn đề nằm ở chỗ, khoa học mới chỉ dừng lại ở những khám phá mang tính sinh học của ghẹ chứ không thể, hay chưa thể, đi xa đến tâm lý của ghẹ. Khi khoa học đi đến điểm tới hạn, rất tự nhiên, tôi tìm đến triết học nhằm cố gắng trả lời câu hỏi này và một trong những bài báo có tính khai phóng về nhận thức của loài vật mà ai quan tâm tới lĩnh vực ấy không thể bỏ qua là của triết gia Thomas Nagel mang tên “What is it like to be a bat?” - Cảm giác làm dơi là như thế nào? Trong bài báo đó, Nagel có một lập luận quan trọng rằng, một con người không thể đổi vị trí cho một con dơi. Ta có thể tưởng tượng biến thành một con dơi là như thế nào (đó chính là công việc của các tiểu thuyết gia, như Kafka mường tượng Gregor Samsa biến thành con bọ và làm quen với cuộc đời con bọ chẳng hạn) nhưng sẽ không thể biết với một con dơi thì việc làm dơi là như thế nào. Điều đó cũng đúng với một con ghẹ biển. Cho nên, ta sẽ không bao giờ thực sự biết một con ghẹ biển có cảm nhận được nỗi đau hay không.

Ghẹ biển còn rơi vào vị trí bất lợi hơn dơi nữa. Chí ít, dơi vẫn là một động vật có vú bậc cao. Phong trào đạo đức động vật trong triết học không quá mới nhưng đa phần các tài liệu bàn về vấn đề này đều lấy dẫn chứng về những động vật có cấu tạo gần gũi hơn với chúng ta: những con bò thích tắm nắng, những đàn linh trưởng cư xử như những em bé người, những chú chó trung thành, những chú cá heo thông minh,...

Kể cả nếu như giả sử rằng ghẹ biển thực sự không cảm nhận được nỗi đau đi, song hãy làm một thí nghiệm tưởng tượng trong đó có một người bị khuyết tật dẫn đến việc mất cảm giác đau đớn. Vậy thì nếu có một người khác tra tấn người đó thì việc làm này có được miễn trừ khỏi trách nhiệm đạo đức? Tội lỗi chỉ xảy ra khi nạn nhân cảm thấy bị tổn thương hay nó xảy ra ngay khi ta thực hiện hành động gây tổn thương? Ta có được quyền lợi dụng cấu tạo thô sơ của ghẹ biển để biện minh cho mình?

Đạo đức của một nồi lẩu -0
Một nồi lẩu ghẹ sôi sục đạo đức.

Đến đây, tôi lại nhớ chuyện từng yêu một anh chàng Hồi giáo. Một dạo, anh sang Việt Nam chơi và nhất quyết không ăn thịt bởi vì thịt ở đây không được giết mổ theo phương pháp hallal. Hallal được cho là phương pháp nhân đạo giúp giảm thiểu đau đớn tối đa cho loài vật bị giết. Người Hồi giáo tuyệt nhiên cấm ăn những con vật bị giết bằng cách dã man như siết cổ hay đánh đập. Nhưng, anh vẫn ăn hải sản, trong đó có ghẹ biển. “Ghẹ biển thì không sao!”, anh nói, tin chắc rằng loài ghẹ dù bị làm thịt theo cách nào cũng không xúc phạm tới Đấng Thiêng liêng hay tư cách sống đàng hoàng của một con người.

Thực ra, việc đặt ra những câu hỏi như thế, tôi cho là, nói lên nhiều về con người hơn là về loài ghẹ. Chúng ta, trên tư cách là giống loài ở nấc cao nhất của bậc thang tiến hóa, là những sinh vật duy nhất đủ trí khôn để dương dương tự đắc về vị thế của mình và cùng lúc hoài nghi về vị thế ấy, chúng ta là những sinh vật duy nhất cho phép mình thưởng thức ghẹ biển và cùng lúc, đôi khi, thấy đôi chút tội lỗi về nó, chúng ta là những sinh vật duy nhất có khả năng gây đau đớn diện rộng cho muôn loài và cùng lúc, băn khoăn về mức độ đau đớn hay tìm hiểu cơ chế nỗi đau của loài ấy, chúng là kẻ gây án mà cũng lúc là luật sư đòi quyền cho ghẹ biển. Và làm người, chẳng gì khác hơn là sống trong những sự đấu trí với chính bản thân mình, trong một ván cờ mà tay trái đánh với tay phải, không bao giờ có hồi kết.

Cho nên, nếu có lúc nào đó ghẹ biển chất vấn tôi về chuyện trân trân coi nó quẫy đạp trong nồi lẩu, thấy chết không cứu, tôi sẽ phân bua với nó rằng, tôi sai nhưng tôi đã chịu trả giá rồi, tôi đã phải chịu đựng những cơn đau đầu liên tu bất tận về đạo đức. Chỉ một nồi lẩu cũng có thể cướp đi sự thanh thản của trí óc con người ta thế đấy. Ít ra thì, ghẹ biển đâu bao giờ phải chịu căn bệnh đau đầu, đúng không?

Hiền Trang
.
.