Đánh đổi gì cho cà phê đường tàu?

Thứ Ba, 27/09/2022, 20:26

Tiếng chuông kêu rầm rĩ, một cô gái bán rau quả đang tất bật tay chân bỗng dừng cả lại, bật dậy và lao ra thu dọn rổ rá vào trong. Phía xa, tàu hỏa lừ lừ lăn bánh tiến lại gần.

Từ chợ đường tàu trăm năm tuổi

Đấy là những gì tôi chứng kiến khi đến thăm khu chợ Mae Klong ở Samut Songkhram, nằm cách thủ đô Bangkok (Thái Lan) khoảng 80 cây số. Mất khoảng một lúc từ khi chuông réo đến khi các sạp rau cá được thu dọn hoàn toàn và hết sức "chuyên nghiệp". Đấy là lý do mà người ta hay gọi đây là chợ "kéo ô": Tàu đi sát đến mức mà đứng ở bên sạp hàng, bạn gần như với tay là có thể chạm vào toa (tất nhiên là không ai dại dột làm như vậy) và thường thì người bán hàng chỉ cần kéo mái hiên lại là tàu đi qua suôn sẻ.

Hiển nhiên là trong đầu tôi, sau một chút choáng ngợp vì ngạc nhiên, chỉ bật lên vài chữ: "Quá nguy hiểm". Cho dù trước đó, cô Kanlaya, chủ sạp cá mà chúng tôi "đứng nhờ" để quan sát tàu hỏa, đã đảm bảo rằng tất cả du khách phải đứng sau vạch đỏ, vì "nếu không chúng tôi sẽ bị phạt". Cô tiếp quản sạp hàng này từ mẹ mười mấy năm rồi và chia sẻ rằng "không cảm thấy có gì nguy hiểm". Với một người đều đặn 7 lần trong một ngày thu dọn hàng rồi lại bày nó ra khi tàu qua thì có lẽ đó là chia sẻ thật lòng.

Đánh đổi gì cho cà phê đường tàu? -0
Chợ Mae Klong nổi tiếng Thái Lan có lịch sử hơn một thế kỷ. Ảnh: Tripadvisor.

Nhưng, điều làm tôi ngạc nhiên hơn là thông tin rằng cơ quan quản lý du lịch Thái Lan (TAT) đã sử dụng khu chợ này như một điểm nhấn đặc biệt cho chiến dịch lớn “Thái Lan không xem trước” (Unseen Thailand) trong gần hai thập kỷ qua, kể từ khi ngành du lịch của đất nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch SARS năm 2003.

Đến năm 2018, du lịch Thái Lan đã cán mốc kỷ lục trong một năm, thu hút đến 38 triệu dukhách và ít nhất 2 triệu người trong số này đã đến thăm Maeklong. Hiệu quả từ hình ảnh khu chợ đường tàu này là không thể bàn cãi: Cho đến thời điểm tôi ghé thăm chợ vào năm 2019, có lẽ phải đến cả ngàn người đứng xem để chụp ảnh khoảnh khắc tàu đi qua và mọi người lục tục thu dọn hàng quán.

Nếu đến đây lần đầu, bạn không thể xóa bỏ ấn tượng rằng đây là một hình thức mạo hiểm tính mạng để có tiền: Tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do ai đó lơ đễnh hoặc đơn giản là chuông cảnh báo không kêu. Nhưng, hãy thử tạm bỏ qua ấn tượng này, để tìm hiểu xem người Thái muốn truyền tải điều gì. "Các bạn có thể thấy rằng mọi thứ ở đây không hề có chuẩn bị, hay sắp đặt. Đấy là những gì đã diễn ra đúng như gần một thế kỷ trước" - một người bạn Thái Lan làm trong ngành du lịch chat với tôi.

Chợ đường sắt Maeklong có từ năm 1905, hòng tiêu thụ cá do ngư dân ở Samut Songkhram và các địa phương lân cận. Chính quyền địa phương đã quyết định xây đường sắt để phân phối cácsản vật đánh bắt của người dân đi các tỉnh khác, bao gồm cả thủ đô Bangkok. Sau rất nhiều năm, khu chợ vẫn tồn tại, bất chấp việc đường ray cắt thẳng qua nó.

Tham vọng của người Thái là giữ lại một phần nguyên bản của nhịp sinh hoạt đã tồn tại gần một trăm năm, không sắp đặt điều gì cả. Người dân ở đây đã buôn bánnhư thế từ khi chợ được thành lập mà không có ý thức nhiều gì về sự mạo hiểm. Đấy không chỉ là chuyện du lịch mà còn là một không gian sống. Ngành du lịch Thái Lan không bày nó ra để khai thác mà chỉ tận dụng thứ đã có sẵn như một điểm nhấn.

Tất nhiên, với tư cách một công dân đô thị điển hình, bạn có quyền nghi ngờ, thậm chí phê phán kiểu bảo tồn này: Thế kỷ 21 rồi, sao lại giữ lại những thứ này làm gì nữa, nguy hiểm và bất an quá.

Nhưng, các không gian lâu đời có thông điệp riêng về sự nguyên bản của nó và cũng chínhvì thế, người Thái chấp nhận chợ đường tàu như một lẽ đương nhiên, vì đấy là nét văn hóa khác biệt, mang trong mình phần nào nội hàm cuộc sống của họ.

Nội hàm cuộc sống

Ngày nay, du lịch đã trở thành một trải nghiệm phổ thông "gây nghiện". Chỉ trong 20 năm đầu tiên của thiên niên kỷ, lượng du khách quốc tế tăng gấp đôi từ 700 triệu lượt vào năm 2000 lên đến 1,5 tỷ vào năm 2019. Sự thuận tiện và chi phí ngày càng rẻ giúp mọi người có thể đến bất cứ đâu họ muốn.

Nhưng, sự dễ dàng này cũng có mặt trái: Du khách không còn nhiều động lực khám phá. Du lịch ngày nay chỉ chú trọng điểm đến và "bằng chứng" là những bức ảnh check-in vội vã thông báo rằng bạn đã ở đó. Thế giới trong cuộc cách mạng kỹ thuật số dường như là một khung cảnh không có chiều sâu: Mọi người hài lòng với một cái nhìn thoáng qua, có thể đẹp đẽ, nhưng không làm giàu trải nghiệm. Bạn không thể hiểu được những người địa phương và tập quán của họ, cũng như tôi, trong lần đầu đến chợ đường tàu, đã có cảm giác nổi gai ốc với lựa chọn của họ.

Nhưng, khi cơn tò mò qua đi và có dịp tìm hiểu sâu hơn, tôi tôn trọng lựa chọn ấy. Những người dân ở đây đã sống với nhịp 7 lượt tàu đi qua mỗi ngày như thế từ rất lâu, đến nỗi từ "nguy hiểm" trong đầu một thị dân điển hình như tôi không có nghĩa lý gì lắm. Và, có thể là câu chuyện đang khiến dư luận lẫn các nhà quản lý của chúng ta đau đầu về cà phê đường tàu không có gì liên quan tới nhau: khi nhu cầu du khách phát sinh, các quán cà phê mới hình thành. Đấy không phải không gian sống từ đầu của những hộ dân ở đây.

Tất nhiên là chúng ta hoàn toàn có thể biến phố đường tàu này thành một biểu tượng du lịch khác, như Thái Lan đã làm với khu chợ trăm năm tuổi của họ.

Đánh đổi gì cho cà phê đường tàu? -0
Du lịch không chỉ là thỏa mãn trí tò mò về điểm đến, mà còn là trải nghiệm về chiều sâu văn hóa. Ảnh: Freepik

Nhưng, bạn hãy thử nghĩ về sự khác biệt một lần nữa: Giữ lại một địa điểm lâu đời khác với việc bạn xây quán cà phê bên cạnh đường sắt để thỏa mãn nhu cầu của du khách. Bạn có thể lập luận rằng, nhìn bề ngoài, hai việc này không có gì khác nhau, nhưng đặt ra chuyện này để nghĩ về cái giá của rủi ro khi đặt hàng quán cạnh đường ray tàu hỏa. Chấp nhận điều đó cho một thứ xứng đáng là diện mạo của du lịch Hà Nội, có tính lịch sử và văn hóa đi kèm, khác với việc chỉ thỏa mãn nhu cầu kinh doanh tự phát của một số hộ dân.

Còn bây giờ, để hiểu thêm về sự khác biệt với chợ đường tàu ở Thái Lan, hãy tưởng tượng bạn là một người bản xứ cần giới thiệu với du khách về cà phê đường tàu. Nhiều khả năng là bạn không có gì để nói, với tư cách là "chủ nhà": Người ta cũng chỉ mới dựng lên chúng, vì có du khách nước ngoài đến đây có nhu cầu ngồi nghỉ chờ tàu qua. Tôi không thể nói với họ rằng Việt Nam muốn duy trì một không gian nguyên bản về đời sống ở đây được.

Đến vì tò mò và có ảnh chụp đem về đơn thuần rất khác với đến đây và hiểu thêm về cuộc sống thực sự. Chúng ta muốn du khách hiểu về một địa điểm như thế nào?

Ban Cầm
.
.