Cưỡng lại lòng tham

Thứ Bảy, 29/10/2022, 12:59

LTS: Làm thế nào để có thể chiến thắng được lòng tham? Đó là một câu hỏi quá khó. Nhưng chúng ta vẫn cần phải đi tìm lời giải cho nó trong giai đoạn công cuộc chống tham nhũng ngày một quyết liệt hơn.

Lòng tham vô hình

Có lần trò chuyện với một viên chức ngành ngoại giao, trước khi các chuyến bay giải cứu lần lượt đưa nhiều quan chức ra trước vành móng ngựa, tôi cảm thấy kinh ngạc khi anh này nói về tham nhũng như một võ sĩ nói về đối thủ tiếp theo của mình: sự căm ghét tham nhũng, theo như anh thể hiện, là có thật.

Cưỡng lại lòng tham -0
Ảnh: L.G..

Tôi kinh ngạc vì cách anh kiếm tiền, nếu xét đến cùng, chính là một hình thức tham nhũng, theo định nghĩa cơ bản của Tổ chức minh bạch quốc tế, là "lạm dụng quyền lực được giao để tư lợi". Anh nhận yêu cầu làm thị thực (visa) từ các hãng lữ hành, tận dụng mối quan hệ của mình để làm nhanh hơn cho một số khách hàng trả tiền, hoặc trực tiếp đảm bảo xin thị thực thành công cho các ca "khó". Anh đang dùng nguồn lực công cộng để kiếm lợi cho bản thân.

Nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng anh ghét sự tham lam của các quan chức "ngã ngựa" một cách… chân thành: "Nó kiếm một vụ bằng anh em mình làm cả đời, mà sống thì làm gì cần tiêu đến chừng ấy". Về cơ bản, anh tự tách mình ra khỏi "cộng đồng tham nhũng" kia. Nói về chuyện này là nói về ai đấy chứ, không phải anh. Khi tôi đặt câu hỏi liên hệ sang công việc anh làm, anh tự ái và lập tức biện minh: "Có ai sống bằng lương đâu chú". Và đây chỉ là "tận dụng một chút lợi thế để kiếm sống thôi", như lời anh.

Khi nhận đề bài của người phụ trách chuyên đề ANTG GT-CT về chuyện hạn chế lòng tham, tôi rất bối rối, vì trong thâm tâm, tôi phần nào hiểu được kiểu "kiếm sống" kia: một bên là những người có nhu cầu được ưu tiên trong khi làm các dịch vụ công, và một bên đã có sẵn nguồn lực. Ranh giới để bạn gọi là "tham lam" đôi khi rất mờ nhạt: mức lương của những người làm việc ở khu vực công đang thấp đủ để bạn hiểu rằng bất cứ ai làm việc ở đó cũng sẽ không sống nổi bằng… lương thuần túy.

Và bất kỳ ai cũng có thể tự thuyết phục rằng họ đang kiếm sống, chứ không tham nhũng. Đủ lâu để họ hoàn toàn tin rằng việc mình đang làm là đúng. Khi theo dõi các phiên tòa tham nhũng, tôi nhận thấy các bị cáo thường cắt nghĩa hành vi của mình thành "một phút sa ngã, thiếu tỉnh táo", hay "bị cáo không lường trước được hậu quả".

Họ coi nó như một phần… công việc, để kiếm tiền. Chúng ta không cần một nghiên cứu xã hội học phức tạp nào để nhận ra rằng có những khoản "ting ting" đã tồn tại đã thành mô-đun kiểu tập quán làm việc: phong bì "cảm ơn" sau khi trúng thầu; tiền lại quả sau một phi vụ thắng lợi nhờ được "các anh chiếu cố"; hay đôi khi đơn giản như chai rượu kính biếu ngày cuối năm, nhờ được nâng đỡ trong suốt năm rồi.

Các CDC nhận tiền của Việt Á và hàng loạt cán bộ ngành ngoại giao cũng như y tế vướng vòng lao lý có lẽ bắt đầu từ việc tự đồng hóa mình vào lề lối làm việc kiểu này: họ đã tự nhiên coi những đồng tiền tham nhũng này như một dạng thù lao, sau một lần "hợp tác" thành công.

Lòng tham có phải là lý do chính dẫn đến tham nhũng hay không? Nghiên cứu khoa học của một nhóm tác giả người Trung Quốc vào năm ngoái cho rằng: lòng tham là một tiêu chí dự báo ý định tham nhũng. Nhưng họ cũng phát hiện ra rằng quan hệ nhân - quả này chỉ tồn tại ở các quốc gia có các tiêu chí tham nhũng tiềm năng cao (như là mức lương thấp, hay cơ chế thiếu minh bạch). Một nghiên cứu khác do nhà kinh tế học người Hà Lan Jakob de Haan đứng đầu cũng chỉ ra rằng với các quốc gia kém phát triển, mức lương có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng: chi phí nếu để mất việc đủ cao để bất kỳ viên chức nào nghĩ đến chuyện đục khoét phải cân nhắc.

Giờ thì bạn hãy thử nhập vai vào một viên chức Việt Nam và nghĩ về số tiền nhiều người đã nhận, từ vài triệu cho đến hàng tỷ, một cách vô tư, để kiếm lậu ngoài lương trong nhiều năm qua. Dựa trên các nghiên cứu kể trên, thì họ quả là liều mạng: với những tiêu chí tham nhũng tiềm năng ở mức cao như tại Việt Nam, thì việc họ làm không khác gì bịt mắt đi vào bãi mìn.

Nếu có lời khuyên nào đó dành cho công chức trong bối cảnh này, tôi sẽ ưu tiên một từ thôi: Khôn ngoan. Các công chức, viên chức mới gia nhập có thể sẽ nhìn thấy rất nhiều cơ hội "cá kiếm", nhưng người khôn ngoan luôn biết nhìn thấy mặt bên kia của vấn đề. Nếu tỉnh táo, bạn sẽ nhìn thấy toàn là rủi ro, và đó là một thực tế. Có lẽ một viễn cảnh như thế sẽ đủ để ức chế được lòng tham, vốn đang tồn tại như một thứ gì đó vô hình, với những người không đủ khôn ngoan.

Phạm An

Thước bên ngoài, thước bên trong

Có lẽ trong suốt những năm tháng đấu tranh chống tham nhũng kéo dài với rất nhiều án lớn nhỏ khác nhau, chưa có án nào chua xót như vụ liên quan tới Việt Á. Sự chua xót ấy không đến từ con số, bởi có những đại án con số còn lớn hơn rất nhiều. Nó đến từ tính đối lập của bối cảnh.

Cưỡng lại lòng tham -0
Ảnh: L.G..

Trong khi cả nước oằn mình chống dịch với quá nhiều mất mát mà người dân phải gánh chịu; trong khi có quá nhiều nỗ lực tương trợ lá lành đùm lá rách của các cá nhân, tổ chức dân sự; trong khi hàng loạt y bác sỹ đã phải đi đến quyết định cuối cùng là bỏ việc sau đại dịch vì quá tải… thì chỉ với một công ty nhỏ, gần như là vô danh, hàng loạt quan chức ở hàng loạt địa phương bị phát hiện nhúng chàm. Mới đấy thôi, có những người còn đăng đàn cam kết không nhận của Việt Á một đồng thì chỉ vài bữa sau, chính họ bị phát hiện đã "ngậm" hàng tỷ đồng. Hành vi ấy như một sự sỉ nhục đối với cả xã hội và nó cho thấy sự dã man của một bộ phận cán bộ đối với chính đồng bào của mình.

Để lý giải cho sự tha hóa ấy chắc chắn sẽ có vô vàn lý do nhưng có lẽ, nhiều người đều sẽ quy về cái chung nhất là lòng tham. Đúng, nếu không có lòng tham, con người ta khó có thể mờ mắt trước cám dỗ vật chất. Nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho lòng tham đơn thuần thì dễ quá. Vả lại, mỗi cá nhân trong xã hội này đều đeo mang lòng tham ở mức độ nào đó nhất định. Cơ bản nhất, họ có thể hiện lòng tham ấy ra ngoài, và cụ thể nó bằng hành vi hay không mà thôi? Và hơn hết, họ có đủ sức mạnh để cưỡng lại lòng tham đó, một thứ sức mạnh đòi hỏi không chỉ lý trí, lương tri mà còn là cả danh dự?

Nếu phải tự đặt một câu hỏi cho chính bản thân mình rằng "ta có tham không?", chúng ta chắc chắn sẽ hiểu nhất sự tồn tại của lòng tham trong chính bản thân mình. Có một là đủ, nhưng có hai sẽ khiến chúng ta có cảm giác tốt hơn, hay đơn giản nhiều khi là an toàn hơn với khả năng dự phòng. Có một là đủ nhưng nếu có khả năng có thể có được hai, thậm chí là ba hoặc hai trăm, ba trăm, ai mà chẳng muốn? Quan trọng là để có được 2, 3 hay 2 trăm, 3 trăm kia, tính chính đính tới đâu mà thôi. Và mặc dù có không ít người có thể nhận thức, thậm chí nói ra miệng, đại ý rằng "của cải là phù du" thì họ cũng vẫn có xu hướng tích lũy thêm vật chất nếu có cơ hội. Cái tích lũy này không đến từ lòng tham chủ động nhưng nó là một thứ tham lam từ bản năng sinh tồn. Và suy cho cùng, cái tham lam của con người cũng không đáng trách chút nào. Thứ đáng trách chính là phương thức hành động hay nói khác đi là hành vi cá nhân để tự thỏa mãn cái lòng tham ấy mà thôi.

Quan chức, cán bộ là những người có vị thế dễ thỏa mãn lòng tham của mình hơn cả. Chính cái vị thế ấy mới khiến sinh ra các hành vi tham nhũng, sách nhiễu, nhất là khi quan chức, cán bộ thường xuyên phải đối diện những cá nhân, tổ chức sẵn sàng mua chuộc họ để được việc của mình. Trong hoàn cảnh làm việc như thế, sa ngã là rất khó cưỡng lại, đặc biệt là khi có những cấu kết đủ để họ tin rằng không ai phát hiện được các hành vi của mình. Vậy thì làm thế nào để họ có thể cưỡng lại lòng tham trước những cám dỗ được bày biện ra mỗi ngày? Có lẽ, họ cần thước đo cho chính bản thân mình, những thước đo từ cả bên trong lẫn cả bên ngoài.

Tham, sân, si vốn dĩ là những thứ đi theo, gắn chặt với con người từ khi mới chào đời. Đứa trẻ no rồi nhưng vẫn ham bú, đó là lẽ thường. Để diệt được tham, sân, si ấy là không đơn giản chút nào và cả ngàn năm qua loài người vẫn vật vã tìm phương cách. Chỉ một số cực hiếm người trên tinh cầu này có đủ khả năng để diệt được tham, sân, si ấy và quá trình "tu tập" ấy của họ cũng không thể truyền dạy được lại cho bất kỳ ai. Đơn giản, cái cách tham, sân, si của mỗi cá thể là mỗi khác, không thể có một hình mẫu diệt tham, sân, si chung phổ quát nào cho tất cả. Và những quan chức, cán bộ cũng không thể là những bậc chân tu, những cá nhân vốn dĩ lựa chọn đời sống thanh tịnh, tối giản nhất và ít đối diện các va chạm vật chất nhất. Các cuộc bầu cử ở bất kỳ quốc gia nào cũng là để lựa chọn ra các cá nhân làm việc chứ không phải chọn ra các "đức Phật" hay những vị Thánh. Vậy thì thước đo nội tại của mỗi cá nhân quan chức, cán bộ nên là gì? Có lẽ, tối ưu nhất chính là danh dự. Chúng ta cần phải xây dựng một xã hội trọng danh dự đến mức độ con người trong xã hội ấy luôn phải cảm thấy mình kỳ dị khi mình có hành vi trái với nền tảng đạo đức chung và cảm thấy xấu hổ nếu như trót lỡ phạm vào một nguyên tắc đạo đức chung nào đó. Đây chính là thứ mà xã hội Việt hiện đại đang rất thiếu. Lề thói vi phạm quy chuẩn đạo đức đã trở nên thản nhiên một cách phổ biến, phổ biến y như cái cách mà một cán bộ có thể dõng dạc ra giá để sẵn sàng xé rào.

Nhưng xây dựng thước đo tự thân kể trên là một quá trình kéo dài, cần nhiều thế hệ chứ không thể chỉ trong một tương lai gần. Chính vì thế, việc xây dựng các thước đo ngoại vi mới là thứ cần kíp hơn cả. Thước đo ngoại vi ấy là gì? Chính là công cụ thuế, công cụ theo dõi, giám sát thu nhập và biến động tài sản thường niên để mỗi đột biến đều có thể mở ra một cuộc điều tra, điều trần minh bạch. Nói thẳng, các công cụ thước đo bên ngoài này phải làm quan chức, cán bộ cảm thấy sợ sa ngã, sợ vi phạm và cả cộng đồng cũng tập quen một tập quán mới về minh bạch thu chi cá nhân của mình.

Trong xu hướng số hóa dữ liệu công dân và thống nhất tích hợp các thông tin cơ sở của mỗi công dân hiện nay, việc theo dõi, giám sát các nguồn thu bất thường đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Kiểm soát chặt giới hạn chi tiêu bằng tiền giấy phải là bước kế tiếp cần làm ngay để lấy đó làm nền tảng xây dựng thước đo bên ngoài. Chỉ khi nào việc lưu thông tiền giấy không còn bị thả nổi như nhiều năm qua thì các công cụ kiểm soát mới có thể khiến con người ta cảm thấy lo sợ thực sự mỗi khi thực hiện một hành vi sai lệch nhằm thỏa mãn lòng tham của chính mình.

Hà Quang Minh

Không biết sợ

Hẳn nhiều người sẽ giật mình trước con số mà các bị can án tham nhũng có thể nhận. Ở một quốc gia mà lương trung bình đang trên dưới 8 triệu đồng mỗi tháng, việc ai đó trao tay nhau hàng chục tỷ đồng một lần là điều khó tưởng tượng với đại chúng: đời họ thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy 1 tỷ đồng.

Cưỡng lại lòng tham -0
Ảnh: L.G..

Năm ngoái, có một cô nữ sinh nghèo ở Hà Tĩnh nhặt được một chiếc túi rơi bên vệ đường. Cô bé mở túi ra xem, và nhìn thấy "rất nhiều tiền và vàng". Trong túi ấy có 300 triệu đồng và 3 cây vàng. Cảm giác của cô nữ sinh khi ấy là "run và hoang mang". Cô bé lớp 10 kể rằng mình đã phải ngồi một lúc mới bình tĩnh lại được. Rồi cô đi tìm người đã bị rơi mất túi, trả lại tiền.

Sợ - hẳn không phải là cảm giác cường điệu của một người nhìn thấy món tiền to không phải là của mình. Cái đáng sợ đầu tiên, mà ngay cả bạn nhỏ lớp 10 ở Hà Tĩnh cũng thú nhận, là "sợ mình sẽ tham của". Ngay cả một cô bé chưa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời cũng đã lờ mờ nhận ra rằng lòng tham, và sự đánh mất lý trí trước một số tiền lớn có thể đưa người ta vào rắc rối (mà chính cô cũng chưa biết nó có thể là gì). Còn rất nhiều cái đáng sợ khác, mà trong một vụ án tham nhũng, hoặc đưa và nhận hối lộ, có một thứ rất cụ thể là nguy cơ bị pháp luật trừng phạt.

Và người ta có thể tự hỏi rằng có điều gì khác biệt ở đây, giữa một người dân thường chất phác nhìn thấy món tiền vài trăm triệu vô chủ còn cảm thấy sợ với một vị quan chức có thể cầm hàng chục tỷ đồng tiền hối lộ, biết rõ rằng nó là tiền bẩn, rằng giây phút trao nhận ấy biến đôi bên thành tội phạm, mà vẫn ăn no ngủ kỹ?

Đó là một kỹ năng và thái độ thản nhiên khiến dân thường kinh ngạc. Gần 10 năm trước, phiên tòa xử Dương Chí Dũng có một đoạn lời khai nổi tiếng. Đó là khi Trần Hải Sơn (bên đưa hối lộ) giao tiền cho Dương Chí Dũng - cục trưởng Cục Hàng hải - và Mai Văn Phúc - nguyên tổng giám đốc Vinalines, tổng số tiền là 28 tỷ đồng. Sơn đưa Dũng hai lần, mỗi lần một chiếc vali 5 tỷ đồng. Theo tường thuật của báo Tuổi trẻ:

Lần đầu: "Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển cho bác trước 5 tỉ đồng từ ụ nổi 83M. Số tiền còn lại em chuyển bác sau".

"Cảm ơn em" - ông Dũng nhận vali và đáp.

Lần hai: Ông Sơn vào phòng khách đưa vali tiền và nói: "Em đưa nốt số tiền còn lại". Ông Dũng nhận vali và nói: "Cảm ơn em".

Sơn đưa Mai Văn Phúc 3 lần, tổng cộng 10 tỷ.

"Hôm nay em gửi bác trước 2,5 tỉ đồng tiền ụ nổi, số còn lại em chuyển bác sau". Ông Phúc nhận vali và nói: "Anh cảm ơn em".

"Hôm nay em gửi anh 5 tỉ đồng tiền ụ nổi". "Anh cảm ơn" - ông Phúc đáp lời khi nhận vali.

Lần ba: ông Sơn đựng tiền trong túi nilông và bỏ vào cặp to màu đen. Khi đưa tiền cho ông Phúc, Sơn nói: "Em gửi anh 2,5 tỉ đồng tiền ụ nổi". Ông Phúc: "Cảm ơn em" rồi mang vào buồng cất tiền, xong quay ra trả lại cặp cho Sơn.

Đó là một kỹ năng dị thường. Và có lý do để tin rằng bộ kỹ năng này không bẩm sinh. Nó đến thông qua tập luyện.

Trước khi cầm hàng chục tỷ đồng và thản nhiên nói "Cảm ơn em", những con người đó đã có thể nhận hàng trăm lần những chiếc phong bì vài triệu đồng - ở các vị trí thấp hơn. Sự chai lỳ về cảm xúc này có thể là một quá trình, nếu nhìn vào tình trạng tham nhũng vặt tại các địa phương, liên tục xuất hiện trên báo chí. Thực ra, nỗi sợ tiền (nếu có), đã phải bị khuất phục từ một chiếc phong bì 2 triệu, 5 triệu, 10 triệu nào đó trong quá khứ rất xa xưa rồi. Giây phút họ nhận những khoản hối lộ đầu tiên, họ đã bước vào một khóa đào tạo để trở thành người xấu.

Và khi bàn đến các đại án tham nhũng, có thể vấn đề mấu chốt lại nằm ở việc làm thế nào để chống tham nhũng tại cấp cơ sở. Thứ đánh gục nhân phẩm, lòng tự trọng, và bắt đầu nhấn chìm con người ta vào một trạng thái "không còn biết sợ", thực ra lại là những chiếc phong bì mỏng tang được trao ở quán cà phê, dưới ngăn bàn làm việc; chúng là những lời cảm ơn thông thường của người dân hay doanh nghiệp đến làm việc, hay là "phí quản lý" mà rất nhiều tiểu thương sẵn sàng giao nộp cho cán bộ phường để được lấn chiếm chút vỉa hè.

Với một người cán bộ, không có nhận nhiều tiền hay ít tiền hối lộ, chỉ có nhận không nhận. Nếu nhìn vấn đề như thế, sẽ phát sinh một câu hỏi khác: khi cả xã hội bàng hoàng vì các đại án tham nhũng, thì cách chống lại chúng có phải chỉ nằm ở bản thân đại án tham nhũng?

Hay còn phải  củng cố cơ chế thanh kiểm tra ở cấp cơ sở - thay vì hài lòng với những cuộc thanh kiểm tra phát hiện ra sai phạm nghìn tỷ?

Hay chúng ta cần tự hỏi rằng có phần trách nhiệm nào trong chính mình, giữa cuộc sống thường ngày. Có lúc nào, trong một giây phút cần việc gấp, muốn được thanh thản làm ăn, được buôn bán thuận tiện trên vỉa hè, chúng ta vo tròn một chiếc phong bì với hai tờ năm trăm nhét vào túi cán bộ? Có lúc nào, chính chúng ta cùng họ xô đổ bức tường đạo đức mỏng manh, để tạo ra "nguồn cung" cho một nhóm cán bộ tha hóa ở cấp cao hơn?

Những kẻ không biết sợ kia, ai đã giúp họ vượt qua nỗi sợ tiền?

Đức Hoàng

Phạm An - Hà Quang Minh - Đức Hoàng
.
.