Cuộc xung đột Israel - Hamas: Loay hoay tìm lối thoát

Thứ Hai, 12/05/2025, 09:58

Bất chấp những đòi hỏi từ chính những người dân Israel, yêu cầu giải cứu các con tin bị lực lượng Hamas giam giữ bằng biện pháp hòa bình, ngày 3/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục ban hành lệnh triệu tập hàng chục nghìn quân dự bị. Hiển nhiên, với động thái này, cường độ khốc liệt của cuộc xung đột Israel - Hamas sẽ còn kéo dài. Và, bên cạnh đó, đề nghị hòa bình được đưa ra từ phía Hamas xem như đã bị bỏ qua.

Không khoan nhượng 

Ngày 3/5, hàng nghìn người Israel đã biểu tình bên ngoài Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv, yêu cầu chính phủ hành động nhằm bảo đảm việc giải thoát các con tin, song không phải dựa trên việc gia tăng các hành động quân sự. Theo nguồn tin địa phương, trong số những người tham gia cuộc biểu tình tại quảng trường Con tin ở Tel Aviv có những con tin và binh lính cũ bị thương trong cuộc xung đột với Hamas.

Cuộc xung đột israel - hamas:Loay hoay tìm lối thoát -0
Gaza - một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất hiện tại.

Song, cũng kể từ tối 3/5 ấy, lệnh triệu tập của IDF có hiệu lực. Theo đó, quân dự bị sẽ nhanh chóng thay thế lính nghĩa vụ và binh lính đang tại ngũ ở Israel cũng như khu vực Bờ Tây, để tái triển khai các lực lượng này đến Dải Gaza. Trong cuộc họp báo trước đó 1 ngày, IDF đã trình bày các kế hoạch hoạt động mở rộng tại Gaza và được Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp thuận.

Như những thông tin được hé lộ, mục tiêu của chiến dịch lần này là tăng áp lực, buộc Hamas phải đồng ý thỏa thuận thả con tin, nhưng sẽ không hướng đến chuyện tiêu diệt nhóm quân sự này. Giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công sẽ bao gồm hoạt động của IDF tại các khu vực khác của Dải Gaza. Kế hoạch đã được Chính phủ Israel phê duyệt ngày 4/5. 

Cho đến nay, quân đội Irsael đã kiểm soát khoảng 40% Dải Gaza, kể từ khi nối lại chiến dịch quân sự vào ngày 18/3 vừa qua. Trong khi đó, phong trào Hamas gần như không kháng cự, ngoại trừ một số cuộc phục kích đơn lẻ nhằm vào binh lính Israel.

Abdul Rahman Shadid, quan chức cấp cao của Hamas, cho biết: Phong trào này đã đưa ra một tầm nhìn "rõ ràng và trách nhiệm", trong đó có việc đổi các con tin Israel để lấy lệnh ngừng bắn 5 năm ở Gaza với sự đảm bảo của khu vực và quốc tế. Đề xuất này đi kèm điều kiện: Phải rút hết quân Israel khỏi Gaza, dỡ bỏ lệnh phong tỏa hàng viện trợ nhân đạo và cho phép khởi động tiến trình tái thiết Gaza. Nhưng, rõ ràng, tất cả những yêu cầu đó hoàn toàn xa cách với lập trường của Tel Aviv, đặc biệt là khi quân đội Israel đã giành được những ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. 

Ngoài ra, Hamas cũng đề nghị thành lập một ủy ban độc lập quản lý Gaza, theo đề xuất của Ai Cập. Ủy ban này, có tên gọi là Ủy ban Hỗ trợ cộng đồng, sẽ bao gồm các nhà kỹ trị độc lập, chịu trách nhiệm thực hiện việc đảm bảo an ninh và cung cấp các dịch vụ cho người dân Gaza trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cần phải nhấn mạnh: Hiện trạng cuộc sống của người dân trên Dải Gaza đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo hàng đầu thế giới.

Ý tưởng về Ủy ban Hỗ trợ cộng đồng này là một phần trong kế hoạch tái thiết và phục hồi Gaza do Ai Cập đề xuất. Nó cũng đã được các quốc gia Arab Hồi giáo cùng các bên quốc tế khác nhất trí thông qua tại Cairo hồi tháng 3 vừa qua. Theo những phác thảo đã có, ủy ban sẽ quản lý Gaza cho đến khi chính quyền Palestine tái thiết lập quyền kiểm soát đối với vùng đất này. Đề xuất ngừng bắn 5 năm bao gồm cả lộ trình chuyển đổi Hamas thành một đảng chính trị, khởi động tiến trình tái thiết Gaza và triển khai một lực lượng an ninh mới do Ai Cập và Jordan huấn luyện.
Vấn đề là, ý tưởng ấy cũng vẫn không nhận được phản hồi tích cực nào từ phía Israel. Có thể thấy, với lệnh triệu tập quân dự bị, Israel đang gián tiếp đưa ra một câu trả lời dành cho cộng đồng quốc tế, rằng họ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi hướng đi hiện tại. 

Như một tuyên bố đanh thép đưa ra ngày 28/4, tại Ai Cập, từ Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Ron Dermer: Giải giáp Hamas là điều kiện tiên quyết để Tel Aviv chấp thuận lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tháng - đề xuất mới nhất của Cairo. Sáng kiến này bao gồm ngừng bắn, trả tự do cho 1/2 số con tin Israel đang bị Hamas giam giữ, mở lại cửa khẩu Rafah và cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Theo Báo The National News (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), Israel không chỉ yêu cầu Hamas hạ vũ khí, mà còn phải phá hủy toàn bộ hệ thống quân sự, bao gồm các đường hầm và kho vũ khí, đồng thời yêu cầu được tiếp tục hành động quân sự nếu cảm thấy an ninh bị đe dọa.

Bởi vậy, Hamas khẳng định: Họ sẽ không đầu hàng. 

Cuộc xung đột israel - hamas:Loay hoay tìm lối thoát -0
Những lời kêu cứu không cách nào đáp lại.

Kéo dài thảm kịch 

Những nỗ lực đàm phán lớn nhất kể từ đầu năm ấy đi vào bế tắc, như mọi cuộc đàm phán trước đó. Song song, Israel đã nối lại không kích vào Gaza từ ngày 18/3, khiến tình hình nhân đạo tại đây rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Theo cơ quan y tế Gaza, từ 18/3 đến hết tháng 4 đã có hơn 2.300 người thiệt mạng ở Gaza và hơn 6.000 người bị thương. Trong bối cảnh các dòng viện trợ nhân đạo quốc tế đã bị phía Israel phong tỏa hoàn toàn từ ngày 2/3, một lần nữa, hàng triệu người Palestine (bao gồm cả trẻ em, người già, người bệnh, phụ nữ...) đối mặt nạn đói cũng như tình trạng thiếu thốn thuốc men và nước sạch.

Trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/4, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thể hiện "lòng can đảm chính trị" để cứu giải pháp “hai nhà nước”. Ông khẳng định đây là "câu hỏi trung tâm cho hòa bình" ở Trung Đông và cảnh báo thế giới đang tiến gần "điểm không thể quay lại".

Song, ngày 2/5, tại vùng biển quốc tế ngoài khơi Malta, một tàu thuộc "Đội tàu Tự do" vận chuyển hàng cứu trợ cho Dải Gaza đã 2 lần bị thiết bị bay không người lái tấn công. Cùng ngày, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cảnh báo tình hình nhân đạo ở Gaza đang "bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn", sau 2 tháng Israel chặn viện trợ cho Dải Gaza, nhằm gây sức ép buộc phong trào Hamas thả 59 con tin đang bị giam giữ. Tuyên bố của ICRC nhấn mạnh: Nếu không nối lại ngay lập tức việc cung cấp viện trợ, cơ quan sẽ không có đủ thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cứu sinh cần thiết để duy trì các chương trình tại Gaza.

Nói một cách tàn nhẫn, Israel đang tận dụng mọi ưu thế nhằm bắt Hamas phải quỳ gối, cho dù hệ quả của nó là những tác động kinh khủng đối với dân thường. Kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10/2023 dẫn tới các hoạt động quân sự trả đũa khốc liệt sau đó của Israel vào Gaza, đã có trên 52.400 người Palestine thiệt mạng. Và, chắc chắn, con số này sẽ còn tăng cao, bởi cả các cuộc giao tranh lẫn tình trạng phong tỏa viện trợ nhân đạo. 

Phát biểu trước báo giới từ Geneve, người phát ngôn của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) của Liên hợp quốc, bà Juliette Touma cho rằng việc phong tỏa Gaza là "kẻ giết người thầm lặng" nhằm vào trẻ em và người già ở vùng lãnh thổ này. Những gia đình có tới 7-8 người buộc phải chia nhau một hộp đậu nành hay đậu Hà Lan... Trẻ em tại Gaza sắp lâm vào tình cảnh chết đói. Bà cũng làm rõ thêm Israel tiếp tục từ chối cho phép hàng nghìn xe tải chở đồ cứu trợ vào Gaza. Quyết định này đang hủy hoại các nỗ lực nhân đạo và đe dọa mạng sống, sinh tồn của dân thường Gaza, những người vốn đang sống trong cảnh khốn khó do các đợt không kích và tấn công hạng nặng hằng ngày.

ếu ngay cả với việc chính người dân Israel xuống đường biểu tình, đòi hỏi đàm phán hòa bình cũng bị phớt lờ và ngay cả những lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng không được đếm xỉa, hay các đề xuất của Ai Cập và những nhà trung gian bị từ chối thì ai có thể cứu được những thường dân vô tội? 

Tel Aviv chỉ chấp nhận một đáp án: Hamas phải hoàn toàn biến mất. Kể cả khi Hamas vẫn còn đang giam giữ 58 con tin Israel (mà theo các nguồn tin, ít nhất 22 người trong số này còn sống), hay bất chấp việc Hamas từng đề nghị trao trả, đổi lấy một số điều kiện nhân đạo và tái thiết thì những cuộc oanh kích vẫn tiếp diễn, với tất cả độ khốc liệt của chúng, trong một trạng thái tê liệt và bất lực chung, của cộng đồng quốc tế. 

Thiên Thư
.
.