Cuộc khủng hoảng bây giờ mới bắt đầu
Ngày 17/12, tại lễ khánh thành cơ sở tiếp nhận khí đốt hóa lòng (LNG) nổi đầu tiên của nước Đức tại cảng Wilhelmshaven (bang Niedersachsen), Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Đây là "một dấu hiệu tốt để chứng tỏ với toàn thế giới rằng nền kinh tế Đức có thể tiếp tục duy trì sự vững mạnh", để tiếp tục sản xuất và đối phó với các thách thức. 2 ngày sau, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) nâng mức cảnh báo lượng tiêu thụ khí đốt của toàn quốc gia từ "căng thẳng" lên "nguy cấp".
Nhìn từ hiện trạng này của "trái tim EU", chúng ta có thể hiểu vì sao nhiều nhà chuyên môn bi quan: Cuộc khủng hoảng này sẽ còn trầm trọng hơn nữa, đối với châu Âu.
100% vẫn là không đủ!
Các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa ngay từ đầu mùa đông. Vào thời điểm đó, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, các nhà lãnh đạo Đức tỏ ra tương đối ung dung, khi được hỏi về các nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Kể cả khi nguồn cung khí đốt từ Nga - nhà cung cấp truyền thống - bị bóp nghẹt, đặc biệt là sau vụ phá hoại (chưa xác định được phía thực hiện) hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), cho đến tận ngày 14/12, nước Đức (và cả Pháp - nước chuẩn bị đưa 45 lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động đầu năm 2023) vẫn tự tin rằng: Hiện không có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Mặc dù vậy, vẫn có những biến số không thể kiểm soát, hay như người phương Đông có câu cách ngôn: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Ngày 14/12, Chủ tịch Bundesnetzagentur - ông Klaus Mueller - còn lạc quan: Dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 92,45%, cao hơn nhiều so với mức khẩn cấp và cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 87,34%.
Với mức dự trữ này, ông Mueller ước tính Đức có thể đối phó với vài ba tuần trong tình trạng thời tiết lạnh khiến tiêu thụ điện tăng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Cần chuẩn bị cho tháng 1 và tháng 2/2023, cũng như dự tính xa hơn cho các mùa đông những năm sau. Do đó, Bundesnetzagentur cũng "cẩn thận" kêu gọi tiết kiệm, với mục tiêu đề ra là giảm ít nhất là 20% mức năng lượng tiêu thụ, đồng thời không để mức dự trữ khí đốt giảm xuống dưới 40% vào tháng 2.
Song, ngay trong những ngày kế tiếp, thời tiết giá lạnh bất thường đã kịp đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% năng lượng ấy. Việc nhiệt độ trung bình ở nước Đức, vào đầu trung tuần tháng 12, lạnh hơn 2,7 độ C so với cùng thời điểm những năm trước đó, khiến việc sử dụng khí đốt tăng đột biến. Bởi vậy, mức tiết kiệm năng lượng chỉ đạt 12%. Đó là lý do khiến mức tiêu thụ khí đốt được nâng từ "căng thẳng" lên "nguy cấp", bởi theo một số dự báo từ các cơ quan Chính phủ Đức, kho dự trữ khí đốt của Đức có thể rỗng vào đầu tháng 3/2023, nếu mức tiêu thụ bằng mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 2018-2021 và đặc biệt là nếu thời tiết vẫn buốt giá khắc nghiệt.
Mang đến một chút lạc quan, Trung tâm Truyền thông khoa học (SMC) cho rằng Đức có thể vượt qua mùa đông nếu đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt, lượng nhập khẩu không giảm quá nhiều và mùa đông cũng không quá lạnh. Vấn đề là, trong tình biến đổi khí hậu toàn cầu với càng lúc càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện như bây giờ, chuyện "đánh cược" vào việc thời tiết sẽ ấm dần lên ngay trong những ngày tới, rõ ràng, là một tâm lý phiêu lưu.
Nếu Đức rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, Bộ Kinh tế có thể tuyên bố một cuộc khủng hoảng ở cấp độ "khẩn cấp". Và, để tránh viễn cảnh nhuốm màu bi kịch đó, bằng mọi giá, Bundesnetzagentur phải kiểm soát được tình hình.
Nhưng, họ có thể làm điều đó như thế nào? Và, liệu các thành viên EU không dồi dào tiềm lực kinh tế như Đức có thể noi gương họ?
Đa dạng nguồn cung - nhiệm vụ sống còn
Lễ khánh thành cơ sở tiếp nhận LNG Wilhelmshaven ngày 17/12 nói trên là một hướng đi tất yếu, dành cho nước Đức cũng như EU.
Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: Với các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đã và đang được triển khai xây dựng như thế, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ "không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga". Nhà lãnh đạo Đức cũng hé lộ: cơ sở tiếp nhận LNG ở cảng Wilhelmshaven là một "đóng góp rất, rất quan trọng" cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này, bằng các nguồn cung mới đến từ khắp thế giới.
Vấn đề là, hệ thống đường ống dài 26km cùng một con tàu chuyên dụng - để chuyển LNG (đang ở thể lỏng) từ tàu cung cấp sang trạng thái khí và đưa vào mạng lưới khí đốt quốc gia - ở Wilhelmshaven cũng đã tiêu tốn tới 10 tháng chuẩn bị (và quỹ thời gian này vẫn được xem là đã đạt tốc độ rất ấn tượng). 4 cơ sở tương tự đang được triển khai, dự kiến phải cuối năm tới mới hoàn thành.
Chọn phương án khác, ngày 17/12, các nước Azerbaijan, Gruzia, Romania và Hungary đã ký kết thỏa thuận xây dựng đường dây tải điện chạy ngầm dưới Biển Đen, để truyền tải điện từ các trại điện gió trong tương lai ở biển Caspi tới châu Âu. Theo thỏa thuận, dự án đường dây tải điện 1.000 megawatt này có độ dài khoảng 1.100km, chạy từ Azerbaijan tới Romania.
Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định thỏa thuận sẽ giúp EU xích lại gần hơn các đối tác tại khu vực Bắc Kavkaz đồng thời hỗ trợ châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Sau khi Nord Stream 1 phát nổ, có thể xem như EU "không còn đường quay lại" với nhiên liệu hóa thạch từ nguồn cung Nga nữa (ít nhất là qua các đường chính ngạch). Do đó, đa dạng hóa nguồn cung trở thành yêu cầu bắt buộc. Các nhà đàm phán và cả các vị lãnh đạo châu Âu đã chia nhau có mặt tại khắp những vùng giàu tiềm năng trở thành những nhà cung cấp năng lượng mới trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Phi hay châu Á.
Không chỉ vậy, nhân những biến cố này, EU lại có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ hơn về phía năng lượng xanh, nhằm đáp ứng các cam kết mà họ vừa ký tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), hồi tháng trước.
1.000 tỷ USD và hơn thế nữa
Song, đầu tiên, tất cả những kế hoạch đó đều cần thời gian để trở thành hiện thực. Thứ hai, chúng cũng cần những khoản ngân sách khổng lồ. Trong hiện tại, cả thời gian lẫn tiền bạc đều đang trở thành những "chướng ngại vật" rất khó vượt qua, với không chỉ riêng nước Đức giàu có.
Rất đáng chú ý, bất chấp những cam kết ở COP27, ngày 19/12, các nước thành viên EU đã thống nhất quan điểm đàm phán "dễ thở hơn" đối với dự luật nhằm cắt giảm khí thải methane trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Rõ ràng, đây là một động thái "thiếu tham vọng" ở phương diện chống biến đổi khí hậu, như cách dùng từ của Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg Claude Turmes - người bỏ phiếu phản đối. Song, nó lại phản ánh chân thực sức ép từ các vấn đề kinh tế - xã hội đang đè nặng lên không ít quốc gia thành viên EU. Họ bắt buộc phải chậm lại, vì không cách nào đáp ứng nổi những yêu cầu quá gấp gáp và tốn kém.
Cũng trong ngày 19/12, Ủy viên năng lượng châu Âu, bà Kadri Simson, cho biết: "Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đình chỉ kích hoạt giới hạn giá trần (áp lên khí đốt có xuất xứ từ Nga) nếu phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác năng lượng (ACER) cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích".
Một thí dụ khác cho thấy đây là những phương trình cực kỳ hóc búa, mà không dễ dàng gì có thể cân bằng. Những kết cấu xã hội tê cóng trong băng giá hoàn toàn có thể vụn vỡ nếu tình trạng thiếu năng lượng kéo dài.
Nói như ông Michael Stoppard, cố vấn đặc biệt và nhà phân tích khí đốt toàn cầu tại Công ty S&P Global Commodity Insights: "Chúng ta đang chứng kiến mối quan hệ đối tác thành công suốt 50 năm về khí đốt giữa Nga và châu Âu chấm dứt. Điều đó dẫn đến điều chỉnh lại cung và cầu và sẽ mất thời gian. Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả cho đến năm 2023 và lâu hơn nữa".
Theo phân tích của hãng tin uy tín Bloomberg, sau mùa đông năm nay, châu Âu vẫn sẽ phải đổ đầy kho chứa khí đốt, mà không có (hoặc chỉ có rất ít) nguồn cung từ Nga. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng nếu Nga dừng hẳn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và nhu cầu LNG của Trung Quốc phục hồi về mức của năm 2021, EU có thể thiếu 27 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023.
Ngay cả trong trường hợp năng lực tiếp nhận khí đốt của châu Âu được tăng cường, thị trường vẫn sẽ trong tình trạng khan hiếm cho tới năm 2026, khi mà Mỹ và Qatar có thể nâng sản lượng. Những thách thức này đồng nghĩa với việc giá khí đốt sẽ tiếp tục cao.
Trong khi đó, tình hình tài chính của các chính phủ châu Âu đều đang căng thẳng. Khoảng một nửa thành viên EU có khoản nợ công vượt quá 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo Bloomberg, 1.000 tỷ USD là số tiền mà người tiêu dùng, doanh nghiệp châu Âu phải chịu và không phải tất cả đều được các gói viện trợ bù đắp. Hãng nghiên cứu Bruegel cũng có ước tính tương tự, khi xem xét nhu cầu và sự gia tăng giá cả, được công bố trong một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Song, đó mới chỉ là những thiệt hại ban đầu...