Cuộc đua vào ghế tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và mối lo của Nga – Mỹ
Vị trí chiến lược và tầm ảnh hưởng ngày một tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trên chính trường quốc tế khiến cuộc cạnh tranh vào phủ tổng thống ở Ankara không chỉ mang đến những thay đổi với tình hình trong nước mà còn có nhiều tác động sâu rộng đến bối cảnh khu vực, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine.
Hai cách tiếp cận đối lập
Lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc bầu cử tổng thống đã buộc phải bước sang vòng bỏ phiếu thứ hai do không ứng viên nào giành quá 50% số phiếu để chiến thắng trong ngày bầu cử đầu tiên diễn ra hôm 15/5. Theo kết quả kiểm phiếu, đương kim Tổng thống Tayyip Erdogan của đảng Công lý và Phát triển (AKP) giành được 49,54% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông là Kemal Kilicdaroglu, người tập hợp được một liên minh gồm 6 đảng đối lập, nhận 44,85% số phiếu, còn ứng viên Sinan Ogan chỉ được hơn 5% cử tri ủng hộ. Trong vòng bầu cử trực tiếp vào ngày 28/5 tới, trên lá phiếu sẽ chỉ còn hai cái tên Erdogan và Kilicdaroglu. Ai có nhiều phiếu hơn, người đó sẽ đắc cử.
Hai ông Erdogan và Kilicdaroglu được mô tả là có cách tiếp cận khác biệt trong cả vấn đề nội địa lẫn quốc tế. Trong khi ông Erdogan theo đuổi đường lối đối ngoại tự chủ, không cố núp dưới chỉ một "chiếc ô" an ninh và tìm cách duy trì quan hệ tốt với mọi cường quốc; thì đối thủ Kilicdaroglu muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Ankara và phương Tây. Bởi vậy, việc ai trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những tác động lớn đến bối cảnh khu vực và toàn cầu.
Những năm gần đây, sức nặng ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên đáng kể, nhất là trong các vấn đề Trung Đông, Syria hay thậm chí xung đột ở Nagorno-Karabakh. Với vị trí địa lý chiến lược nằm giữa châu Âu và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ còn nổi lên như một trung tâm năng lượng, lương thực và chuỗi cung ứng. Ankara gần đây cũng cho thấy năng lực môi giới ngoại giao hiệu quả, khi họ là bên duy nhất tổ chức được các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga-Ukraine từ thời điểm nổ ra xung đột, sau đó thiết kế thành công Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen giúp đưa ngũ cốc Ukraine trở lại thị trường toàn cầu, giải tỏa cơn khát lương thực ở nhiều điểm nóng. Vị thế đó rõ ràng có dấu ấn của Tổng thống Erdogan sau 20 năm lãnh đạo đất nước ở cương vị thủ tướng (2003-2014) và tổng thống (từ 2014).
Tuy nhiên, dưới vai trò là thành viên chủ chốt của NATO và sở hữu quân đội quy mô lớn thứ hai trong liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan trở thành "cơn đau đầu" của phương Tây: Ankara có quan hệ gần gũi với Nga và mua tên lửa S-400 của Moscow. Năm 2019, ông Erdogan phát động một chiến dịch quân sự chống lại tổ chức dân quân người Kurd ở Syria, dù lực lượng này đang hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mới đây, trong khi hầu hết NATO muốn kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, ông Erdogan cương quyết phản đối, khẳng định không ủng hộ tư cách thành viên của Stockholm chừng nào chưa dẫn độ hàng chục thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm vũ trang người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984.
Trái ngược quan điểm của ông Erdogan, ứng cử viên Kilicdaroglu muốn lập tức giải quyết các khúc mắc với đồng minh, bao gồm vấn đề Thụy Điển. Theo BBC, ông Kilicdaroglu thậm chí còn cam kết giải quyết các mâu thuẫn xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S_400 của Nga, vốn bị Mỹ phản đối kịch liệt và sau đó đáp trả bằng cách ngăn Ankara tham gia chương trình F-35.
Về vấn đề gia nhập EU. Thổ Nhĩ Kỳ được công nhận là ứng cử viên từ năm 1999 nhưng quá trình này đình trệ từ 2016, khi Brussels chỉ trích Ankara về các vấn đề nhân quyền và các quyền dân chủ khác. Ông Kilicdaroglu của phe đối lập đã hứa đưa tiến trình gia nhập EU trở lại quỹ đạo. Tổng thống Erdogan trên thực tế chưa từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên EU, nhưng ông Ilnur Cevik, cố vấn trưởng của Tổng thống Erdogan mô tả đó không phải mục tiêu khả thi. Vị này chỉ trích nhà lãnh đạo đối lập đang "ảo tưởng" với một kế hoạch "tốn đống tiền".
Có hay không "bàn tay" Nga - Mỹ?
Đầu tháng 5/2023, danh sách ứng viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có 4 cái tên nhưng chỉ 4 ngày trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, ứng viên kì cựu Muharrem Ince bất ngờ rút khỏi cuộc đua. Ông Ince cho hay, quyết định của ông liên quan việc bị nhắm mục tiêu trong chiến dịch "vu khống" trên mạng xã hội với những hình ảnh đã được chỉnh sửa về việc ông gặp gỡ phụ nữ và lái những chiếc xe sang trọng.
Ngay sau đó, hai phe của các ông Erdogan và ông Kilicdaroglu cùng đưa ra tuyên bố cho rằng, sự rút lui của ứng viên Ince có tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, cái tên mà họ đưa ra khác nhau: Ông Kilicdaroglu nói rằng, đảng của ông có bằng chứng Nga chịu trách nhiệm về việc "lan truyền nội dung giả" trên mạng; còn Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu, một đồng minh của Tổng thống Erdogan, đổ lỗi cho Mỹ, coi đó là hành vi can thiệp bầu cử.
Nga đã bác bỏ cáo buộc từ ông Kilicdaroglu. "Hãy dừng các cáo buộc về can thiệp bầu cử. Nếu ai đó cung cấp cho ông Kilicdaroglu những thông tin như vậy, họ là những kẻ dối trá", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh Moscow "đánh giá cao" quan hệ song phương với Ankara. "Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan điểm rất có trách nhiệm, có chính kiến và suy nghĩ thấu đáo về loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt".
Đích thân ông Erdogan cũng lên tiếng bảo vệ Nga và Tổng thống Vladimir Putin. "Ông Kilicdaroglu đang công kích Nga và ngài Tổng thống Putin. Tôi sẽ không hài lòng với việc ông công kích ông Putin đâu", Tổng thống Erdogan phát biểu. "Mối quan hệ với Nga không kém phần quan trọng so với Mỹ". Ngày 19/5, ông Erdogan một lần nữa nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ là cường quốc có mối quan hệ tích cực với Nga. Hai nước chúng tôi cần nhau trong mọi lĩnh vực có thể".
Thực hư về việc có hay không sự can dự của Nga-Mỹ vào cuộc bầu cử là câu hỏi khó trả lời, nhưng các tuyên bố của các bên phản ánh rõ ràng cách tiếp cận của hai ông Kilicdaroglu và Erdogan, cũng như trông đợi của Moscow_Washington vào cuộc bầu cử. Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia NATO duy nhất có thể tổ chức đối thoại chính thức với Nga. Nếu ông Erdogan giành chiến thắng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, bao gồm cả hợp tác năng lượng và quân sự, sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Một chiến thắng của phe đối lập không có nghĩa là mối quan hệ giữa Ankara và Moscow tuột dốc lập tức, nhưng rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Kilicdaroglu từng ngỏ ý tiếp tục hợp tác kinh tế với Nga nếu đắc cử, nhưng không rõ liệu chính trị gia này có duy trì cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề Ukraine như ông Erdogan hay không. "Nếu ông Kilicdaroglu thắng cử, Nga sẽ phải chấp nhận việc ông xích lại gần phương Tây hơn ở mức độ nào đó", ông Mark Katz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Mason (Mỹ), nhận định.
Ưu thế thuộc về ông Erdogan
Việc cộng đồng quốc tế kì vọng ra sao là một nhẽ, kết quả bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng chỉ có thể được định đoạt bởi người dân nước này. Diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sau trận động đất kinh hoàng hồi đầu năm làm hơn 50.000 người thiệt mạng, hơn 300.000 ngôi nhà bị phá hủy, cuộc bầu cử lần này ghi nhận số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao, lên đến 88% tổng cử tri trong nước, theo Reuters và 53% cử tri ở nước ngoài.
Dù Tổng thống Erdogan không lập tức đắc cử sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng kết quả vẫn được xem là một chiến thắng mang lại ưu thế cho ông Erdogan, bởi ông đã làm tốt hơn những gì được dự báo trong các cuộc thăm dò dư luận mà truyền thông phương Tây công bố và vượt lên dẫn trước đối thủ Kilicdaroglu. Bên cạnh đó, đảng AKP của ông tiếp tục chiếm số ghế nhiều nhất trong quốc hội, dù nhận được sự ủng hộ thấp nhất từ khi nắm quyền năm 2002 với 35,6% số phiếu bầu. Cộng với lượng ghế khá lớn từ các đảng phái đồng minh khác, ông Erdogan sẽ nhận được sự ủng hộ đa số từ quốc hội nếu đắc cử.
Khác với vẻ mặt căng thẳng trước kì bỏ phiếu đầu tiên, ông Erdogan xuất hiện rất phấn chấn sau ngày 15/5 và hứa với những người ủng hộ ông về "một chiến thắng lớn" trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 ngày 28/5 tới. Ông cũng nhắc nhiều về những tiến bộ đạt được dưới thời của mình xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng, sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng và các kế hoạch năng lượng quan trọng, bao gồm kế hoạch táo bạo về việc tăng cường nguồn cung khí đốt từ ngả Biển Đen hay việc mở nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga xây dựng.
"An ninh quốc gia, chính sách đối ngoại độc lập và ngành công nghiệp quốc phòng sẽ nhận được phản ứng mạnh mẽ từ cử tri", Okan Muderrisoglu, một nhà bình luận của Báo Sabah nổi tiếng, nhận định.