Cuộc đại phẫu vùng trú an toàn

Thứ Ba, 10/12/2024, 08:26

LTS: Tinh - Gọn - Mạnh gắn liền với công tác nhân sự. Và điều đó có nghĩa là không chỉ tập trung vào chuyện cắt giảm mà nó còn liên quan đến tuyển dụng, sử dụng con người bởi có sử dụng đúng người vào đúng việc thì mới có thể đảm bảo trong cái tinh, gọn sẽ có được sức mạnh.

Không còn vùng trú

Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi được gia đình đề xuất một phương án "an toàn" cho sự nghiệp: bố tôi sẽ cố xin cho tôi vào làm cơ quan ông đang công tác, nơi ông giữ một vị trí không tệ và có thâm niên nhiều năm làm việc.

Cuộc đại phẫu vùng trú an toàn -1

Điều đáng nói là phương án này đã được gia đình nói với tôi từ khi tôi mới… bước chân vào trường đại học, với ngụ ý rằng "mày không cần phải lo về chí hướng, chỉ cần chuyên tâm học hành, có bằng là sau này sẽ có việc làm".

Tôi đã làm đúng như thế. Trong suốt 4 năm, tôi không đi làm sớm từ năm thứ ba như nhiều bạn bè cùng trang lứa (phải gần tốt nghiệp tôi mới tìm kiếm dần các cơ hội), mà chỉ tập trung sống trọn vẹn đời sinh viên. Cho dù không đến nỗi lười biếng, nhưng trong đầu tôi đã ghim phương án "tình thương mến thương" của gia đình lên đầu bảng.

Kết quả là khi phương án ấy đổ bể (do chỉ tiêu biên chế cơ quan đã hết đúng thời điểm ấy), tôi mới bắt đầu phải bươn chải tìm kiếm cái cơ hội trên thị trường tự do. Tất nhiên là tôi đã chậm chân hơn so với nhiều bạn bè đồng trang lứa, những người ở địa phương khác lên Hà Nội học đại học, chỉ có một con đường duy nhất là phấn đấu sớm để có việc làm, báo hiếu bố mẹ ở quê đã dành dụm từng đồng cho họ ăn học.

 Thời điểm ấy, vào cơ quan nhà nước là một lựa chọn rất hợp lý, vì ổn định (đã vào biên chế là cứ thế mà hưởng chế độ trọn đời), và cũng có cửa kiếm ăn luôn nếu "chân trong chân ngoài" được. Thậm chí cho đến tận bây giờ, quan niệm này vẫn tồn tại mạnh mẽ đến mức để vào biên chế, có người còn phải chạy chọt để được lưu tâm.

Hãy tưởng tượng nếu quan niệm này bị bẻ gãy, nếu ai cũng tự ám thị rằng mình không có cửa gì vào mấy chỗ cơ quan nhà nước này đâu, thì điều gì sẽ xảy ra: có thể nó sẽ thúc đẩy những quyết định táo bạo hơn, và tạo ra một thị trường năng động, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn, cho tôi và nhiều người.

Các chính sách lớn của quốc gia đều có khả năng bẻ gãy các quan niệm, theo hiệu ứng cánh bướm kiểu vậy, và đó là lựa chọn đi kèm đánh đổi. Hãy nhớ lại cách Nghị định 100 đã làm các con ma men chùn bước thế nào khi có ý định lái xe ra ngoài đường trong cơn say. Các doanh nghiệp rượu bia sẽ kêu trời vì doanh thu sụt giảm và đồng nghĩa với việc một nhóm ngành đóng góp cho kinh tế sẽ bị suy yếu, nhưng sức khỏe và tính mạng của người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Nhưng rốt cuộc thì chuyện này có gì liên quan đến tinh giản biên chế để tinh gọn bộ máy nhà nước?

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhấn mạnh một thông điệp đằng sau việc tinh giản nhân lực và tinh gọn bộ máy: không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, và quan trọng hơn, KHÔNG ĐỂ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC LÀ VÙNG TRÚ AN TOÀN cho cán bộ yếu kém.

"Cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn", đấy là dạng quan niệm đã tồn tại rất nhiều năm, và hôm nay đã bị bẻ gãy một cách dứt khoát. Cơ quan nhà nước không còn là lựa chọn chắc ăn 100% nữa, cho nên anh đừng nghĩ cố vào đó để ổn định trọn đời, hoặc "chân trong chân ngoài" nữa. Đó chỉ là một trong nhiều lựa chọn sự nghiệp mà thôi.

Tất nhiên, cuộc đại phẫu này sẽ có đau đớn: rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp cũ của tôi trong cơ quan nhà nước đang lo lắng không biết tính sao, với chặng đường phía trước. Là một người bạn và đồng nghiệp cũ, tôi cũng lo lắng cho họ. Vì xáo trộn sự ổn định đang có là một thách thức lớn với bất kỳ ai.

Nhưng nếu nhìn rộng hơn, từ bên ngoài, chúng ta hiểu rằng mình đã lựa chọn một lối đi khác, mạnh mẽ và năng động hơn: tinh giản biên chế không chỉ còn là một động thái cơ học để giảm số lượng, mà còn mang trong đó một tinh thần mới. Từ nay, không có chuyện đi làm nhà nước để ổn định và an toàn nữa. Đây cũng chỉ là một cơ hội bình đẳng khác, như bao cơ hội trên thị trường.

Đấy có thể là một dạng tinh thần đủ để thúc đẩy người ta bươn chải và có nhiều ý tưởng phát triển kinh tế, đóng góp cho đất nước hay không? Thú thực là tôi không biết, nhưng với cá nhân tôi, nếu quan niệm "làm thuê cho nhà nước là an toàn" bị bẻ gãy sớm hơn, tôi có thể đã có một lựa chọn quyết đoán và năng động từ sớm, cho sự nghiệp của mình.

Phạm An

Chiếc boongke trách nhiệm

Chống lãng phí, không chỉ giảm nhân sự. Lịch sử của việc chi tiêu ngân sách đã chỉ ra rằng nếu cơ quan nhà nước vẫn là một chiếc boongke trú ẩn, chỉ một vài người có thể lãng phí bằng hàng nghìn suất lương.

Cuộc đại phẫu vùng trú an toàn -0

Để nói về năng lực tiêu tiền của các cơ quan công, người quan tâm đến chính sách không thể quên những con số nhảy múa của Đề án đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi đầu thập kỷ trước. Chuỗi sự kiện này đã khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên: "Tôi nghe cũng sợ quá".

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến dư luận một đề án có kinh phí ước tính 70.000 tỷ đồng, bao gồm cả đổi mới chương trình và xây dựng lại cơ sở vật chất trường học. Con số gây rúng động và Bộ rút lại đề án này. Tới năm 2014, Bộ lại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án mới, lần này tách phần cơ sở vật chất ra, chỉ còn tập trung vào chương trình và sách giáo khoa.

Con số mới vẫn khiến Quốc hội phản ứng: 34.000 tỷ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lúc đó có một giải trình nổi tiếng về con số này, và mong Quốc hội cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước "thông cảm cho". Ông giải thích rằng con số đó "do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ của bộ ngồi phía sau trao lên cho đồng chí thứ trưởng trong một tờ giấy" và "cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên anh em bị khớp nên đã đọc con số đó". Tóm lại, con số đó, theo Bộ trưởng, là chưa có bàn bạc gì cả.

Tới tháng 10/2014, Quốc hội thông qua Đề án Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa với mức khái toán 462 tỷ đồng dành cho việc biên soạn chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên: "Từ 34.000 tỷ xuống mấy trăm tỷ tôi ghe cũng sợ quá". Ông yêu cầu giải trình trách nhiệm, "Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?".

Câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội cách đây 10 năm vẫn luôn còn giá trị. Các đề án, dự án nhiều tỷ, thậm chí nhiều nghìn tỷ đồng bị lãng phí, nhưng việc truy cứu trách nhiệm trở nên bất khả thi.

Nếu có một cẩm nang "Lịch sử lãng phí tại Việt Nam", mở đầu chương về thế kỷ 21 sẽ là Đề án 112. Đó là Đề án tin học hóa Quản lý hành chính Nhà nước. Nó đã tiêu hơn 1.000 tỷ đồng, và theo Kiểm toán Nhà nước năm 2007, có đến 20% trong số này đã bị chi trái quy định.

Đề án 112 bị giới chuyên gia phản ứng ngay từ khi còn ở dạng đề xuất (phải nhớ rằng đó là đầu thế kỷ, khi mà Internet chưa phổ biến và chưa có "dư luận mạng" như bây giờ, việc một chủ trương bị bàn thảo quyết liệt không phải việc thường ngày). Nó không tập trung vào việc giải quyết quy trình, hệ thống như một dự án công nghệ thông tin bài bản, mà chủ yếu tập trung vào việc mua sắm thiết bị. Kết quả, sau 5 năm triển khai, sau 1.000 tỷ đồng, đề án để lại… 3 phần mềm được thử nghiệm tại 27 tỉnh thành và 15 bộ. Quốc hội đánh giá đây đều là những công trình kém hiệu quả, vì chúng không có tính liên kết.

Hoặc cũng trong ngành giáo dục, nơi đôi lúc bị một số bài báo quy kết là "đào tạo tiến sĩ siêu tốc" nhưng đến khi thực hiện đề án 911, với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ từ 2010 đến 2020, cũng thất bại. Sau 7 năm triển khai, tổng số tiến sĩ được đào tạo của chương trình chỉ đạt khoảng hơn 20% chỉ tiêu. Tổng kinh phí của đề án này cũng là một con số đáng sợ: 14.000 tỷ đồng.

Có thể kể ra hằng hà sa số các đề án thất bại hoặc không thể giải trình được về ngân sách như câu chuyện 34.000 tỷ xuống mấy trăm tỷ của Bộ Giáo dục. Thậm chí bạn chỉ cần bước chân ra phố là gặp một đề án như thế: một tuyến xe buýt nhanh hay một dự án phân luồng giao thông đã trở thành dĩ vãng sau khi "đốt" hết hàng trăm tỷ đồng.

Trong một số ít trường hợp, như Đề án 112, có một số cá nhân phải ra trước vành móng ngựa khi bị chứng minh có hành vi phạm tội hình sự. Nhưng đó không phải là kịch bản phổ biến.

Không dễ truy cứu trách nhiệm, bởi đôi khi, sự lãng phí không được tạo ra từ việc cố ý làm trái hay gây thất thoát (những tội hình sự). Có thể, giống như trăn trở của chủ tịch Quốc hội khi xưa, vì "các đồng chí ký là thành chương trình", nên bản thân chương trình, dự án đề án có thể đã được thiết kế để đổ tiền xuống biển ngay từ đầu. Chúng sai lầm trong khâu nghiên cứu tiền khả thi, chủ quan trong khâu thiết kế, và mỏng manh trong công tác nhân sự. Những đề án và dự án như thế có thể trở thành nơi đốt tiền ngay từ đầu. Khi nó được triển khai, ai cũng làm đúng pháp luật, ai cũng làm đúng phận sự nhưng rồi tiền vẫn mất.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt việc không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém. Để thực hiện được chủ trương đó, rất cần những cơ chế nghiêm túc để xem xét trách nhiệm sau các cuộc lãng phí tài nguyên công - cho dù có dấu hiệu hình sự hay không.

Nếu 1.000 tỷ đồng bị vứt ra ngoài cửa sổ và không có người chịu trách nhiệm, thì bộ máy tinh gọn hay bộ máy cồng kềnh cũng có thể gây mất niềm tin như nhau.

Đức Hoàng

Tinh - Gọn - Mạnh: Chuẩn bị cho tương lai

Khi Tổng Bí thư Tô Lâm quyết liệt đưa ra chủ trương "Tinh - Gọn - Mạnh", chúng ta đều nhận thấy có một làn gió mới rất tích cực trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là đi đôi với chủ trương ấy chính là hành động, bắt đầu từ kế hoạch sắp xếp lại bộ máy Đảng, bộ máy hành chính. Phát biểu "Không thể chậm trễ hơn nữa" của Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng với quyết sách "tạm dừng tuyển dụng công chức" khi chưa kiện toàn bộ máy mới, đã cho thấy lần thay đổi mang tính bản lề này sẽ đi sâu vào chất và được thực hiện rốt ráo trước khi Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV sẽ tổ chức vào đầu năm 2026.

Cuộc đại phẫu vùng trú an toàn -0

Trong những phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, có những nhấn mạnh mà chúng ta cần lưu ý, để từ đó việc thực hiện chủ trương mang lại hiệu quả cao nhất. Thứ nhất là nhấn mạnh bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc. Thứ hai là nhấn mạnh "không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú ẩn an toàn' cho cán bộ yếu kém". Và thứ ba là nhấn mạnh tinh giản không phải chỉ là cắt giảm một cách cơ học. Rõ ràng, ở đây có 3 nhiệm vụ đang được đặt ra là: tính liên tục của vận hành; loại biên các cán bộ yếu kém, không mang lại hiệu quả, loại bỏ các mắt xích thừa trong bộ máy và tạo ra một lực lượng cán bộ mới đúng nghĩa là "tinh nhuệ".

Như vậy, chắc chắn khâu lập kế hoạch để chọn lựa những con người phù hợp với bộ máy mới là vô cùng quan trọng. Điều đó sẽ phải được thực hiện bằng các tiến trình theo thứ tự như sau: sắp xếp lại bộ máy mới - loại biên những cán bộ dư thừa, kém năng lực - định lượng khối lượng công việc thường nhật của các mắt xích bộ máy mới - đưa những cá nhân đáp ứng được tốt cả chất và lượng những khối lượng công việc ấy vào vị trí phù hợp. Tiến trình này chắc chắn sẽ vẫn phải tuyển dụng, bổ nhiệm mới sau thời gian tạm ngừng để hoàn thiện bộ máy. Và có thể nói, đó chính là cuộc cách mạng về công tác cán bộ.

Việc thay đội ngũ nhân viên thực tế sẽ không quá phức tạp và trên thị trường lao động Việt Nam hôm nay, những người có đủ năng lực, có đủ trình độ, có thái độ đúng đắn cũng như nhiệt huyết cống hiến là không thiếu. Song, việc thay đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở lại là câu chuyện phức tạp hơn vì một đòi hỏi rất tiên quyết cho đội ngũ này ngoài các yếu tố kể trên chính là họ phải là đảng viên.

Để một nhân sự đủ tiêu chuẩn với đòi hỏi cao của bộ máy mới được tuyển dụng vào làm việc thay thế các nhân tố "vô dụng" trước đây không quá khó. Song, để những cá nhân ấy được sắp xếp vào diện quy hoạch cho tương lai của bộ máy lại là chuyện khác. Sự chuẩn bị cho tương lai này rất cần các tổ chức cơ sở Đảng phải năng động, chủ động hơn trong việc bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp những quần chúng ưu tú. Đó cũng chính là nhiệm vụ xây dựng Đảng, một nhiệm vụ mà rất nhiều năm qua, trong lý luận của Đảng, nhân sự luôn được xem là yếu tố mang tính quyết định.

Cách đây khoảng 1 tháng, chuyên đề ANTG cũng đã đặt ra vấn đề về "lãng phí niềm tin", với trọng tâm là việc để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, Đảng đã và vẫn dựa trên sức mạnh lớn là niềm tin của quần chúng nhân dân. Ở lần thay đổi lớn này, tất cả các hành động cũng  cần phải thực hiện trên cơ sở củng cố vững chắc niềm tin ấy, tránh để xảy ra những hiện tượng (dù là cá biệt) khiến niềm tin trong quần chúng nhân dân bị suy giảm. Suy giảm ấy cũng chính là một lãng phí rất lớn khó có thể bù đắp được. Và nếu như công tác xây dựng Đảng từ cấp cơ sở cho thấy được bộ máy mới luôn mở ra cơ hội lớn cho những nhân tố ưu việt thay vì cách lựa chọn bị chi phối bởi những yếu tố như quan hệ, xuất thân…, niềm tin trong quần chúng nhân dân sẽ được củng cố hơn, trở nên mạnh mẽ hơn.

Xã hội ta đang có rất nhiều người giỏi về chuyên môn, có bản lĩnh và ý thức chính trị tốt nhưng để họ có cơ hội được quy hoạch vào một vị trí trong bộ máy, yếu tố cần là họ phải được đưa vào biên chế và yếu tố đủ là họ phải được giới thiệu kết nạp để trở thành đảng viên. Các tổ chức cơ sở Đảng cần chủ động bồi dưỡng họ bởi chỉ có cánh cửa ấy mới tạo ra cơ hội cho họ trở thành một phần trong bộ máy cũng như mở ra cơ hội xây dựng nòng cốt Đảng tinh hơn, gọn hơn và mạnh hơn cho một tương lai lâu bền.

Hà Quang Minh

.
.