“Cuộc chiến” khinh khí cầu

Thứ Hai, 27/02/2023, 21:04

Chỉ bằng một phát tên lửa không đối không AIM-9X có giá tới 400.000 USD một quả, chiếc F-22 đã hạ gọn mục tiêu - một quả khinh khí cầu mà nhiều ngày trước đấy, Mỹ đã khẳng định là của Trung Quốc...

Bắn hạ khinh khí cầu

Chiều 4/2/2023 (theo giờ Mỹ), một chiếc máy bay tiêm kích F-22 Raptor (Chim săn mồi) siêu hiện đại có tính năng tàng hình của không quân Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia với một nhiệm vụ tấn công đặc biệt. Nhưng, chiếc F-22 Raptor này không cần phải sử dụng đến tính năng tàng hình của nó làm gì!

Chỉ bằng một phát tên lửa không đối không AIM-9X có giá tới 400.000 USD một quả, chiếc F-22 đã hạ gọn mục tiêu - một quả khinh khí cầu mà nhiều ngày trước đấy, Mỹ đã khẳng định là của Trung Quốc.

Quả khinh khí cầu này được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1 rồi quay trở lại không phận Mỹ ngày 31/1. Mãi đến ngày 2/2, sự hiện diện của quả khí cầu trên bầu trời Mỹ mới được các quan chức Mỹ tiết lộ công khai và khi được biết nó có xuất xứ từ Trung Quốc, đã làm bùng lên những cuộc tranh cãi dữ dội trong chính giới cũng như dư luận Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã ra lệnh dừng các chuyến bay đến và đi từ 3 sân bay ở bang Nam Carolina, gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston với lý do thực hiện "nỗ lực an ninh quốc gia" nhưng không nói rõ chi tiết.

“Cuộc chiến” khinh khí cầu -0
“Cuộc chiến” khinh khí cầu -1
Hoạt động tìm kiếm và trục vớt khí cầu ngoài khơi bờ biển Nam Carolina (Mỹ). Ảnh: ST

Trước đó, ngày 1/2, Tổng thống Mỹ J.Biden đã ra lệnh bắn hạ khí cầu nhưng do lo ngại nếu bắn khí cầu khi nó đang bay trên khu vực đất liền thì những mảnh vỡ có thể gây nguy hại cho cư dân dưới mặt đất nên Bộ Quốc phòng đã khuyến nghị với Tổng thống Mỹ đợi cho đến khí cầu bay ra khu vực ngoài biển mới bắn rơi. Cuối cùng thì ngày 4/2, khí cầu bị bắn rơi ở ngoài khơi vùng biển cách bờ chừng 11 cây số, tại vùng nước nông để phía Mỹ thuận tiện trong việc trục vớt các mảnh vỡ của nó.

Trong 3 ngày từ 10 đến 12/2, phía Mỹ thông báo tiếp tục bắn hạ thêm 3 vật thể bay khác - đều có kích thước nhỏ hơn nhiều so với khí cầu của Trung Quốc - trên bầu trời Bắc Mỹ. Một trong số 3 vật thể này được cho là một khinh khí cầu nhỏ của... câu lạc bộ khinh khí cầu nghiệp dư NIBBB ở Illinois!

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ban đầu cho biết đây là “khí cầu dân sự đến từ Trung Quốc phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác. Do ảnh hưởng của gió Tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến". Theo Bắc Kinh, “Trung Quốc lấy làm tiếc vì khí cầu đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý thỏa đáng sự cố này”, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh "chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào".

Sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu, Trung Quốc đã đưa ra phản ứng quyết liệt, cho rằng Mỹ cố ý sử dụng vũ lực, phản ứng thái quá, vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế, đồng thời tuyên bố bảo lưu “quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa”.

Căng thẳng tăng cao

Có thể thấy ngay những “phản ứng cần thiết” này của phía Trung Quốc khi 3 ngày sau, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu thực hiện điện đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin và Ngụy Phượng Hòa về vấn đề an ninh với lý do vụ bắn hạ khính khí cầu Trung Quốc trước đó cho thấy phía Mỹ có “cách tiếp cận vô trách nhiệm và sai lầm nghiêm trọng này của Mỹ đã không tạo ra bầu không khí thích hợp cho đối thoại và trao đổi giữa quân đội hai nước”.

Trước đó, ngày 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Bắc Kinh theo dự kiến với lời cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi vụ việc là một động thái khiêu khích của Trung Quốc. Theo truyền thông Mỹ, một số khinh khí cầu đã bay qua Mỹ trước đây, trong đó, một khinh khí cầu rơi ngoài khơi Hawaii 4 tháng trước, trong khi một khinh khí cầu khác đi qua Florida và Texas dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Căng thẳng xung quanh vụ khinh khí cầu tiếp tục nóng thêm khi phía Trung Quốc cáo buộc kể từ năm ngoái, khinh khí cầu tầm cao của Mỹ đã xâm nhập bất hợp pháp vào không phận Trung Quốc hơn 10 lần mà không có sự chấp thuận của các cơ quan hữu quan của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng “điều đầu tiên mà phía Mỹ nên làm là bắt đầu một cách minh bạch, tự kiểm điểm, thay vì bôi xấu và cáo buộc Trung Quốc”.  

Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin các nhà chức trách Trung Quốc sẽ bắn hạ một "vật thể bay không xác định" (UFO) gần thành phố biển Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, miền Đông nước này. Trung Quốc không nói rõ vật thể lạ này là của nước nào.

Washington nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh về việc cho khinh khí cầu do thám Trung Quốc, đồng thời bắt đầu một đợt phản công mới trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Tư lệnh phương Bắc của quân đội Mỹ tiết lộ họ đã "có thể phục hồi các mảnh vỡ quan trọng từ hiện trường, bao gồm tất cả mảnh thiết bị điện tử và cảm biến được xác định cũng như những phần lớn của cấu trúc". Các cảm biến này có thể đã được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.

Đây là lần đầu tiên Mỹ xác nhận thu được các thiết bị điện tử trên khí cầu Trung Quốc. FBI và các cơ quan tình báo Mỹ sẽ nghiên cứu những thiết bị này để tìm hiểu về tính năng cũng như những dữ liệu mà chúng đã thu thập được.

Tướng Glen VanHerck, Tư lệnh Bộ Tư lệnh phía Bắc của Mỹ, nói với tờ Politico rằng "khinh khí cầu của Trung Quốc" có chiều cao 61m và có trọng tải hàng trăm kilogam bị Mỹ bắn hạ vào ngày 4-2 có thể mang theo chất nổ để tự phá hủy cùng hàng hóa mang theo.

Những phản ứng bổ trợ của phía Mỹ cũng được tiến hành ngay sau đó. Bộ Thương mại Mỹ thêm vào “danh sách đen” của Mỹ về xuất khẩu 5 công ty và 1 viện nghiên cứu của Trung Quốc, được cho là hỗ trợ "các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt là chương trình hàng không vũ trụ của quân đội, trong đó có khinh khí cầu". Các thực thể bị liệt vào danh sách này sẽ không được tiếp cận hàng xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Phía Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối điều này và sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả với các thực thể của Mỹ.

Chơi lớn trên hai mặt trận

Sự cố quanh cuộc khủng hoảng khinh khí cầu giữa Mỹ và Trung Quốc phản ánh một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Trung - Mỹ: bất chấp sự căng thẳng giữa Mỹ với Nga xung quanh cuộc chiến đang hồi khốc liệt ở Ukraine, Mỹ vẫn không quên Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu.

Nói cách khác vẫn đang có một cuộc đọ sức nước lớn ngấm ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc trên mọi bình diện, chỉ chờ những vụ việc như “khinh khí cầu” là chúng lại trồi lên, trở thành vật cản các ý định cải thiện mối quan hệ giữa hai siêu cường lớn nhất nhì thế giới này.

Cũng không phải chờ đến khi có sự cố quanh vụ khí cầu bị Mỹ bắn hạ do coi đó là phương tiện do thám, quan hệ Mỹ - Trung mới trở nên căng thẳng. Ngày 2/8/2022, được hộ tống bởi một đoàn gồm 5 nghị sĩ đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã tiến hành chuyến thăm Đài Loan. Với cương vị là người thứ hai trong thứ tự kế vị Tổng thống Mỹ, bà N.Pelosi là quan chức Mỹ cao cấp nhất tới thăm Đài Loan kể từ năm 1997 khiến cho chuyến thăm càng trở nên hết sức nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung. 

Trong một cuộc điện đàm cấp cao diễn ra chỉ 5 ngày trước chuyến thăm, đích thân nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo với Tổng thống Mỹ J.Biden là Mỹ “đừng đùa với lửa” nếu cho phép bà N.Pelosi thăm Đài Loan.

Trung Quốc đã phản ứng cực gắt đối với chuyến thăm Đài Loan của người đứng đầu Hạ viện Mỹ. Nhiều tuần, nhiều tháng sau chuyến thăm, Trung Quốc đã tổ chức liên miên các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan, tiến hành phóng thử các tên lửa với đầu đạn quy ước, cho máy bay chiến đấu xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan...

Hải quân Mỹ cũng cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan ở nguyên khu vực gần Đài Loan "để theo dõi tình hình" khi Trung Quốc phóng tên lửa trong khu vực...

Tình hình căng như dây đàn xung quanh Đài Loan chỉ giảm nhiệt khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Mỹ J.Biden vào chiều 14/11/2022 ở Bali, Indonesia, khi hai ông tới đây dự Hội nghị G-20. Chính trong cuộc gặp này, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được đưa vào chương trình nghị sự với hy vọng hai bên sẽ tiếp tục có các cuộc tiếp xúc cấp cao để cải thiện quan hệ.

Cho đến ngày 17/1/2023, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân vẫn phát biểu: “Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng A.Blinken. Trung Quốc và Mỹ đang trao đổi với nhau kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho chuyến thăm”. Vậy mà chỉ hơn 2 tuần sau, Ngoại trưởng Mỹ A.Linken đã hủy chuyến thăm ngay sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, coi động thái khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm vùng trời Mỹ là “không thể chấp nhận được”.

Việc Mỹ dễ dàng hủy một chuyến thăm quan trọng của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc phản ánh một điều là quan hệ giữa hai bên đang ở mức rất thấp. “Cuộc chiến” khinh khí cầu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đọ sức nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ sẵn sàng chơi lớn trên 2 mặt trận, vừa tham gia cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở mặt trận Ukraine, vừa muốn kiềm chế Trung Quốc, khiến cho cuộc đọ sức giữa các nước lớn ngày càng trở nên phức tạp. Sẽ rất khó để có những tiến triển thực chất trong mối quan hệ cạnh tranh đó, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Yên Ba
.
.