“Cuộc chiến” giá dầu

Thứ Ba, 25/10/2022, 20:08

Chừng nào thế giới vẫn còn phụ thuộc vào dầu mỏ, chừng đó mọi tính toán của các nhà hoạch định chính sách vẫn sẽ còn bị tác động bởi giá dầu. Và. lợi ích đối nghịch của các bên vẫn sẽ tạo nên một "cuộc chiến" đích thực xoay quanh mặt hàng chiến lược này.

Bật công tắc

Khi giá dầu thế giới tụt về dưới mốc 90 USD/thùng, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ sớm đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng để bảo vệ mức giá cao đang có lợi cho mình. Trong phiên đấu giá ngày 3/10, giá dầu giao tháng 11 đã tăng trung bình 4 USD. Nguyên nhân của việc tăng giá là bởi những thông tin rò rỉ cho thấy OPEC+ đang xem xét việc cắt giảm sản lượng chung 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vào giữa tuần đó ở Vienna, Áo.

Thế nhưng, cuộc họp ngắn trong ngày 5/10 của OPEC+ lại đưa ra một quyết định bất ngờ hơn khi cắt giảm sản lượng của toàn khối đến 2 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn 2 năm trước. Chiếc công tắc đã được bật, một vòng xoáy tăng giá đã trở lại.

“Cuộc chiến” giá dầu -0
OPEC+ đang thể hiện sức mạnh trên thị trường dầu mỏ.

Ngay lập tức, thị trường dầu mỏ phản ứng lại quyết định của OPEC+ khi phiên giao dịch ngày 5/10 trở thành phiên tăng giá cao nhất trong vòng 1 tháng. Đà tăng tiếp tục trong các ngày 6 và 7/10 khiến tuần đầu tiên của tháng trở thành tuần giá dầu tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022, thời điểm bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine với mức tăng từ 11-17%. Mức giá trên 90 USD/thùng đã quay trở lại, nhưng đà tăng vẫn tiếp tục, khi có những thông tin cho thấy nhu cầu dầu mỏ có thể cao hơn trong vài tháng tới.

Đầu tiên là dấu hiệu phục hồi của thị trường Trung Quốc khi nước này nới lỏng các lệnh phong tỏa COVID. Hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Trung Quốc trong thời gian tới được thông báo lên tới 15 triệu tấn thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của nước này tăng công suất.

Báo cáo thị trường việc làm của Mỹ cũng mạnh hơn dự kiến khi tạo thêm 263 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9 vừa qua. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,2% so với tháng 8. Điều này có nghĩa là nhu cầu tiêu thụ dầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, nguồn cung dầu mỏ từ một nhà sản xuất lớn là Nga có thể sẽ bị thắt chặt hơn nữa khi các lệnh cấm vận, trừng phạt mới của phương Tây có hiệu lực. Những yếu tố này tác động đến hiện trạng cung cầu của thị trường dầu trong trung và dài hạn. Lập tức, cả 3 ngân hàng lớn nước Mỹ là UBS Global Wealth Management, Morgan Stanley và Goldman Sachs đều đưa ra những dự đoán mới về giá dầu thời gian tới, với quan điểm chung là: "Giá dầu sẽ tăng trở lại nhanh hơn dự đoán trước đó".

Trong một bài phỏng vấn, ông Damien Courvalin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs nhận định: "Giá dầu Brent trong năm 2022 sẽ lên mức 104 USD/thùng và đạt ngưỡng 110 USD/thùng vào đầu năm 2023".

OPEC+ dẫn dắt cuộc chơi

Có nhiều yếu tố gây tác động đến giá dầu thế giới, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc giá dầu tăng cao trong thời gian ngắn vẫn được nhìn nhận là do quyết định giảm sản lượng của OPEC+. Không chỉ chiếm 40% sản lượng dầu thô sản xuất trên toàn cầu, OPEC+ còn chiếm tới hơn 80% trữ lượng dầu mỏ và hơn 60% lượng dầu xuất khẩu của thế giới.

Phần lớn các nước trong OPEC+ đều phụ thuộc khá lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ nên việc giá dầu cao đem đến lợi nhuận lớn cho họ. Các chế phẩm từ dầu thô như xăng, khí đốt, dầu lửa. dầu diezel, dầu mazut hay nhựa đường được sử dụng rộng rãi. Chính vì thế, giá dầu ảnh hưởng đến giá cả hầu hết những mặt hàng khác trong đời sống kinh tế xã hội.

Việc OPEC+ can thiệp có hiệu quả trong biến động giá là lời khẳng định rõ cho tầm ảnh hưởng và vị thế của các quốc gia trong nhóm. Do đó, khi giá dầu thế giới có dấu hiệu lao dốc, các nhà lãnh đạo của OPEC+ đã lập tức hành động. Dĩ nhiên, việc "kéo giá dầu" của OPEC+ sẽ khiến nhiều nước cảm thấy không hài lòng. Nhưng, vì lợi ích của chính mình, các nước OPEC+ cần có những tính toán riêng.

Còn nhớ, hồi tháng 6 vừa qua, khi giá dầu đang ở mức cao gần 120 USD/thùng, Mỹ và châu Âu liên tiếp kêu gọi tăng sản lượng để giảm nhiệt thì OPEC+ cũng điều chỉnh rất ít.

“Cuộc chiến” giá dầu -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục Saudi Arabia ủng hộ mình.

Thực tế cho thấy, sự thận trọng đó đã đúng. Kinh tế thế giới thời điểm đó đang trên đà suy thoái đã kéo dầu mất giá liền trong 4 tháng tiếp theo. Dù không chính thức nói ra, nhưng có thể thấy mục tiêu của các nước OPEC+ là giữ giá dầu không xuống dưới ngưỡng 90 USD để duy trì lợi nhuận. Chính vì thế, lần này, việc giá dầu tụt xuống chỉ còn trên 80 USD và có nguy cơ tiếp tục lao dốc khiến tổ chức này phải mạnh tay ngăn chặn.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, người được coi là phát ngôn viên của OPEC+, ông Abdulaziz bin Salman đã khẳng định: Quyết định của OPEC+ là để thực hiện ưu tiên của họ, nhằm "duy trì một thị trường dầu bền vững", bởi vai trò của OPEC+ là "một lực lượng điều tiết để mang lại sự ổn định".

Những tác động toàn cầu

Nền kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc rất lớn vào giá dầu, đầu vào quan trọng cho hầu hết các hoạt động kinh tế. Chính vì thế, khi giá dầu tăng, chi phí đầu vào sẽ tăng theo cản trở hoạt động kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang hết sức bấp bênh vì những biến động trong vài năm qua.

Có thể khẳng định, khi dầu tăng cao trở lại, kinh tế thế giới sẽ giảm tốc hay thậm chí là đảo chiều tăng trưởng. Ngay sau quyết định giảm sản lượng dầu thô tới 2 triệu thùng/ngày của OPEC+, phản ứng đầu tiên đã đến từ phía chính quyền Mỹ khi Tổng thống Biden bày tỏ sự thất vọng cùng quyết tâm "xem xét mọi biện pháp khả dĩ để kiềm chế giá dầu thế giới tăng trở lại". Bởi trong lúc phương Tây đang vật lộn với lạm phát thì hành động của OPEC+ chẳng khác nào một cú đòn choáng váng.

Không phải ngẫu nhiên mà quyết định giảm sản lượng lần này của OPEC+ gây ra phản ứng mạnh mẽ như vậy từ Washington. Bởi, ngoài việc ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu thì quyết định lần này của chính quyền Riyadh còn là một "cú đấm ngoại giao" đối với chính quyền của ông Biden.

Chúng ta đều biết, OPEC+ thực tế là một liên minh của Saudi Arabia (đứng đầu nhóm 13 nước OPEC) với Nga (nước đứng đầu trong nhóm 10 nước đối tác ngoài OPEC). Hành động lần này của OPEC+ diễn ra ở thời điểm vô cùng nhạy cảm khi phương Tây (đứng đầu là Mỹ) đang gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Việc Saudi Arabia đồng ý giảm sản lượng sẽ giúp cho Nga có thêm lợi thế trong việc xuất khẩu dầu, tránh được áp lực từ phương Tây. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan và Cố vấn Kinh tế Brian Deese đều nói chính quyền của Tổng thống Biden "thất vọng vì quyết định thiển cận của OPEC".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thì khẳng định "Rõ ràng là OPEC đang đứng về phía Nga". Nhiều nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ công khai kêu gọi chính quyền của ông Joe Biden phải có hành động "đáp trả" quyết định của Saudi Arabia.

Mới tháng 7/2022, ông Biden công du tới Riyadh để thảo luận nhiều vấn đề với "đối tác quan trọng nhất tại Vùng Vịnh" của mình. Trong những nội dung thảo luận, có nhiều vấn đề kinh tế chính trị ngoại giao và chắc chắn không thể bỏ qua câu chuyện giá dầu. Bởi, tháng 11 tới đây, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vô cùng quan trọng sẽ diễn ra ở Mỹ. Đảng Dân chủ muốn đảm bảo kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện để tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden.

Việc đảm bảo giá cả, đặc biệt là xăng dầu không leo thang sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến lá phiếu của cử tri Mỹ. Có những thông tin cho thấy ông Biden đã đề nghị Saudi Arabia không làm tăng giá dầu trước cuộc bầu cử. Do đó, quyết định lần này của Riyadh chắc chắn sẽ làm rạn vỡ nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước. Đó có thể là khởi đầu cho một giai đoạn biến động mới ở khu vực Trung Đông, vốn tồn tại nhiều phức tạp.

Tử Uyên
.
.