Cuộc chiến để gây áp lực lên Israel

Thứ Ba, 12/12/2023, 12:54

Ngày 19/11, quân nổi dậy Houthi tại Yemen đã chiếm tàu container Galaxy Leader. Họ sử dụng máy bay trực thăng để đổ quân lên con tàu khi đang di chuyển trên Biển Đỏ và buộc thủy thủ đoàn phải cập vào cảng Hodeida, Tây Nam Yemen. Tàu Galaxy Leader được điều khiển bởi công ty hàng hải NYK Line của Nhật, nhưng chủ tàu lại là Tập đoàn Ray Car Carriers của tỷ phú Abraham Ungar, một trong những người giàu nhất Israel.

Phát ngôn viên Yahya Saree của Houthi tuyên bố việc chiếm tàu là đòn trả đũa việc Israel tấn công Dải Gaza: "Nếu cộng đồng quốc tế thật sự quan tâm đến sự ổn định trong khu vực, họ nên tìm cách ngăn chặn Israel hung hăng gây chiến". Tuyên bố trên cùng vụ chiếm tàu chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến đang diễn ra giữa những nhóm vũ trang Hồi giáo với Israel và Mỹ được châm ngòi bởi xung đột ở Gaza.

Mảnh đất rực lửa

Houthi tuyên chiến với Israel vào ngày 31/10 vừa rồi bằng việc phóng một loạt tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào Israel. Đa số tên lửa và máy bay đã bị không quân Israel đánh chặn hoặc rơi nhầm mục tiêu. Vụ đánh chiếm tàu Galaxy Leader nghiêm trọng hơn và đã đánh động công chúng Israel. Tel Aviv cáo buộc vụ bắt cóc tàu diễn ra dưới sự chỉ đạo của Iran. Phát ngôn viên Nasser Kanaami của Bộ Ngoại giao Iran phủ nhận cáo buộc trên và tuyên bố: "Các nhóm vũ trang trong khu vực tự mình đưa ra quyết định quân sự và chính trị của họ, Iran chỉ đóng vai trò giúp đỡ về vật chất và tinh thần".

Cuộc chiến để gây áp lực lên Israel -0
Lực lượng Houthi có những tính toán của riêng họ khi tuyên chiến với Israel.

Sự thật là kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Palestine nổ ra ở Dải Gaza, nhiều nhóm vũ trang đồng minh với Iran ở Iraq, Syria và Yemen đã tấn công các cơ sở quân sự của Israel và Mỹ trong khu vực. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, kể từ ngày 17/10, đã có 61 cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria, 29 cuộc ở Iraq và 32 cuộc ở Syria. Không ai biết rõ những cuộc tấn công này gây ra bao nhiêu thương vong, nhưng theo số liệu nội bộ của quân đội Mỹ thì có ít nhất 60 người đã bị thương.

Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ngày 20/11 đã xảy ra một vụ tấn công tại căn cứ Al-Tanf của quân Mỹ ở Đông Nam Syria. Những kẻ tấn công sử dụng máy bay không người lái thả lựu đạn vào quân Mỹ và nhóm vũ trang Maghawir al-Thawra (MaT) được CIA huấn luyện trong căn cứ. Không ai tử vong vì vụ tấn công, nhưng có 2 thành viên MaT bị thương nặng. Chưa đầy vài tiếng sau, căn cứ Mỹ trấn giữ mỏ dầu Conoco gần thành phố Deir Ezzor (Đông Syria) phải hứng chịu hơn 10 quả rocket. Ít nhất 3 lính Mỹ bị thương.

Hiện có khoảng 2.000 lính Mỹ ở Iraq và 900 ở Syria. Con số này chưa bao gồm những người mang quốc tịch Mỹ đang nằm dưới sự bảo vệ của quân đội nước này như bác sỹ, kỹ sư, nhân viên cứu trợ nhân đạo, v.v... Mối lo lớn nhất của Mỹ bây giờ là bảo vệ công dân của họ ở Iraq.

Behnam Ben Taleblu, một chuyên gia người Mỹ nghiên cứu về Iran, nhận xét: "Chỉ riêng khu vực biên giới Iraq-Syria đã có ít nhất 10-20 nhóm vũ trang khác nhau nằm dưới sự bảo trợ của Iran... Cái gọi là "mặt trận chống Mỹ chung" của các nhóm vũ trang là cách để lẩn tránh trách nhiệm trong trường hợp họ gây ra cái chết cho lính Mỹ. Kể cả khi căn cứ Mỹ có bị ném bom đi nữa thì quân đội Mỹ cũng không thể tìm ra một mục tiêu chính xác để có cớ đổ thêm quân vào Iraq".

Không chỉ Trung Đông mà Bắc Phi cũng đang trở nên bất ổn vì cuộc chiến tại Israel. Mới đây, chi nhánh Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM) của al-Qaeda đã đánh bom căn cứ quân sự Mali ở sân bay quốc tế Gao và tấn công một con thuyền chở người đi trên sông gần đó. Có ít nhất 49 dân thường và 15 binh lính bị tử vong, trong đó có 2 sỹ quan quân đội Mỹ. Tuy quân đội Pháp đồng minh đã rút khỏi Mali từ năm 2022, người Mỹ vẫn để lại một số quân tại nước này nhằm hỗ trợ quân đội Chính phủ Mali chống khủng bố. JNIM tuyên bố hai vụ tấn công là hành động đáp trả việc Israel ném bom Dải Gaza. Những vụ tấn công tương tự cũng đã diễn ra ở Burkina Faso và Niger. Ngoài Gaza ra thì nơi nguy hiểm nhất ở Israel hiện nay là biên giới với Lebanon. Kể từ khi cuộc chiến tại Dải Gaza được châm ngòi vào ngày 7/10, quân đội Israel (IDF) và Hezbollah liên tục tổ chức những cuộc tấn công nhỏ lẻ vào nhau.

Các ngôi làng Lebanon ở gần biên giới bây giờ đều là làng "ma" vì dân đã di tản hết. Theo số liệu của Liên hợp quốc thì hơn 46.000 người Lebanon đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột biên giới. Hơn 14.000 người trong số đó đang trú tạm ở thành phố Tyre, miền Nam Lebanon.

Cuộc chiến không ai muốn

Mỹ không hề "khoanh tay đứng nhìn" các căn cứ của mình bị tấn công. Ngày 27/10, máy bay Mỹ đã ném bom vào 2 kho vũ khí của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) nằm gần thành phố Abu Kamal ở miền Đông Syria.

Quân đội Mỹ sẽ đối phó thế nào đối với các hành động gây hấn trên biển? Vụ chiếm tàu Galaxy Leader đang đặt ra dấu hỏi lớn về việc bảo đảm an ninh trên Biển Đỏ. Hằng năm có hơn 17.000 nghìn tàu thuyền đi lại trên Biển Đỏ, trung bình 50 tàu/ngày. Không chỉ Mỹ mà toàn bộ cộng đồng quốc tế mong muốn giao thông trên Biển Đỏ được thuận lợi nhằm tránh mọi ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề nằm ở chỗ hai quốc gia giáp Biển Đỏ có quân đội hùng mạnh nhất là Ai Cập và Arab Saudi đều không muốn tự mình đứng ra đảm bảo an ninh hàng hải. Ai Cập đã giữ thái độ trung lập kể từ khi cuộc chiến tại Dải Gaza nổ ra. Còn Arab Saudi mới chỉ "rút chân" ra khỏi cuộc nội chiến Yemen và vẫn đang đàm phán hòa bình với quân nổi dậy Houthi. Họ hoàn toàn không muốn làm điều gì ảnh hưởng đến việc đàm phán. Mới đây, quân Houthi đã giết 4 binh sỹ Arab Saudi sau khi nước này bắn hạ 1 tên lửa của họ trên đường bay đến Israel.

Cuộc chiến để gây áp lực lên Israel -0
Pháo binh Israel tấn công quân Hezbollah ở giáp biên giới với Lebanon.

Bên duy nhất có đủ khả năng đảm bảo an ninh trên Biển Đỏ là hải quân Mỹ. Tại thời điểm này, hạm đội tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đang đỗ ở vịnh Oman nhằm "để mắt" đến tình hình Israel. Ngoài tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower thì hạm đội này còn có 1 tàu phóng tên lửa, 3 tàu khu trục, và một số tàu hỗ trợ như tàu chở dầu, tàu sửa chữa, v.v... Một hạm đội tương tự dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Gerald R. Ford đang đóng trên biển Địa Trung Hải.

Hải quân Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng hai hạm đội trên để tuần tra Biển Đỏ. Nhưng, làm vậy thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ của hai hạm đội, đó là "cảnh cáo" các thế lực thân Palestine ở Iraq, Lebanon và Syria. Chuyên gia phân tích quân sự Jonathan Knight (Mỹ) giải thích: "Israel hiện đang dựa vào các tàu đánh chặn tên lửa của Mỹ như USS Carney bảo vệ họ khỏi tên lửa đạn đạo của quân Houthi. Bây giờ mà hải quân Mỹ dùng tàu để đi tuần tra Biển Đỏ thì sẽ đặt Israel vào thế nguy hiểm. Mặt khác, những thế lực thân Hamas ở các nước lân cận có thể thừa thế mà can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến".

Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ không chỉ dừng lại trên Biển Đỏ. Trong cuộc chiến này, Israel không có đồng minh trong khu vực mà chỉ có kẻ thù hay bên trung lập. Nỗi lo sợ lớn nhất của Tel Aviv vào thời điểm này là Hezbollah hay IRGC mở mặt trận mới. Đấy là lý do mà IDF vẫn chưa tập trung đổ quân vào Dải Gaza mà chỉ ném bom và tổ chức các đợt đột kích chớp nhoáng. IDF hoàn toàn không muốn điều quân rời xa vùng biên giới.

Các nhóm vũ trang ở Trung Đông và Bắc Phi có tính toán chiến lược của riêng mình khi tuyên chiến với Israel và Mỹ. Thế giới Hồi giáo đang đồng loạt lên án những cuộc tấn công của IDF vào Dải Gaza. Trái lại, nhiều nước phương Tây như Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ vật chất cho IDF và ủng hộ mọi hành động của họ. Bằng cách nhắm vào quân đội Mỹ đóng trong khu vực, các nhóm vũ trang đang gây được thiện cảm với dư luận trong và ngoài nước họ. Với những lực lượng như quân Houthi đang rất cần uy tín để khẳng định quyền cai trị của họ, việc đặt mình vào thế đối lập với Israel và Mỹ là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu.

Mặt khác, chính quyền nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi cũng đang chịu chỉ trích dữ dội vì thái độ trung lập của họ. Chính phủ các nước như Iraq, Ai Cập, Arab Saudi, Jordan, v.v... là đồng minh của Mỹ. Họ chắc chắn không muốn làm xấu đi quan hệ với Mỹ bằng việc chỉ trích Israel. Nhưng, đại đa số công dân Hồi giáo tại các nước này có thái độ chống Israel và ủng hộ Palestine. Sự lựa chọn duy nhất của chính phủ các nước này là giữ thái độ trung lập. Nếu như họ "ra mặt" ngăn chặn những cuộc tấn công vào Mỹ và Israel thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trong và ngoài nước của họ. Quân Houthi nhận thấy rõ cục diện ngoại giao-quân sự hiện thời nên đã lấn tới. Vào ngày 3/12 vừa qua, tên lửa của quân Houthi đã đánh trúng 3 tàu thương mại trên Biển Đỏ. Trước đó, một vụ nổ ở eo biển Bab el-Mandeb - nơi có nhiều tàu thuyền qua lại - cũng nghi là do quân Houthi gây ra. Hải quân Mỹ cho biết họ chưa bị tấn công trực diện nhưng đã phải buộc bắn hạ một số máy bay do thám của quân Houthi do đến quá gần tàu chiến Mỹ.

Chiến sự ở biên giới Lebanon-Israel vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza đang diễn ra, Israel vẫn tiếp dụng bắn pháo vào Lebanon. Liên hợp quốc thông báo lực lượng gìn giữ hòa bình của họ đóng tại Lebanon đã trúng đạn pháo của quân Israel. Ba nhà báo quốc tế đi cùng lực lượng gìn giữ hòa bình đã tử vong vì xe họ trúng đạn. Theo số liệu được hãng tin AFP tổng hợp thì con số thương vong chưa chính thức ở Lebanon hiện nay là 109 người, trong đó có khoảng 77 tay súng Hezbollah và 14 dân thường đã xác định rõ danh tính.

Cuộc chiến gây áp lực lên Israel vẫn sẽ tiếp tục chừng nào chiến sự còn diễn ra ở Dải Gaza. Những cuộc đột kích chớp nhoáng hay ném bom bằng máy bay không người lái gây ra ít tổn thất về mặt vật chất, nhưng chúng vẫn làm tốt nhiệm vụ "trói chân" IDF và quân đội Mỹ, nên chỉ có con đường ngoại giao mới mong giải tỏa được những mối đe dọa sau lưng họ. Câu hỏi hiện nay là liệu họ có thể thành công không trong khi uy tín khu vực của cả hai nước đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Lê Công Vũ
.
.