Cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực và nền độc lập của Greenland

Chủ Nhật, 30/03/2025, 14:13

Trong cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hồi giữa tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố, Mỹ quản lý Greenland là cần thiết để tăng cường an ninh quốc gia và quốc tế. Thực tế, sự quan tâm của ông Trump đối với Greenland lần đầu tiên được bày tỏ vào năm 2019, nhưng chưa bao giờ phát triển thành bất kỳ hành động nào. Nhưng nay, sau 6 năm, người đứng đầu Nhà Trắng lại đang liên tục hối thúc và nỗ lực để Mỹ sớm sở hữu hòn đảo bán tự trị này của Đan Mạch.

Những lần mua hụt trong quá khứ

Năm 1868, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó là William Seward đã trình bày một báo cáo chỉ ra rằng nguồn thủy sản, động vật và "kho báu khoáng sản" rộng lớn của Greenland rất quan trọng với Mỹ. Năm 1910, Đại sứ Mỹ Maurice Egan đề xuất một thỏa thuận phức tạp: đổi đất ở Philippines lấy Greenland và Tây Đan Mạch (từ Đan Mạch), sau đó, người Đan Mạch sẽ đổi đất với Đức. Nhưng nỗ lực này đã thất bại.

Sau khi Đức chiếm đóng Đan Mạch vào năm 1940, Mỹ đã hành động để bảo vệ hòn đảo theo Học thuyết Monroe - học thuyết này cảnh báo các cường quốc châu Âu không được mở rộng sang Tây bán cầu. Tháng 4/1941, Mỹ ký thỏa thuận "Bảo vệ Greenland" với Đan Mạch, theo đó Washington có quyền xây dựng và tiếp cận các căn cứ quân sự trên đảo.

Cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực  và nền độc lập của Greenland -0
Thủ tướng Greenland Múte Egede.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ coi Greenland là "không thể thiếu đối với sự an toàn của Mỹ". Thậm chí, Mỹ đã bí mật đề xuất trả cho Đan Mạch 100 triệu USD để đổi lấy Greenland và cân nhắc đến việc trao đổi vùng đất giàu dầu mỏ ở quận Point Barrow của Alaska để lấy một phần của hòn đảo này. Nhưng người Đan Mạch vẫn từ chối. Năm 1951, Mỹ và Đan Mạch ký một thỏa thuận mới, theo đó Mỹ có thể tiếp tục hoạt động và thiết lập các căn cứ quân sự trên đảo. Và đến nay, người Mỹ vẫn chưa bao giờ ngừng tham vọng sở hữu Greenland.

Ưu tiên về địa chính trị

Trước hết, phải nhắc lại rằng, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của hơn 56.000 người. Từng là thuộc địa của Đan Mạch và hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, hòn đảo này có vị trí địa chính trị độc đáo, nằm giữa Mỹ và Châu Âu. Thủ phủ Nuuk của hòn đảo gần New York hơn là thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Ulrik Pram Gad, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết, hòn đảo này từ lâu đã được coi là chìa khóa cho an ninh Mỹ, đặc biệt là để đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. Tuyến đường vận chuyển Northwest Passage chạy dọc theo bờ biển của hòn đảo và hòn đảo này là một phần của khoảng cách Greenland-Iceland - Vương quốc Anh, một khu vực hàng hải chiến lược.

Cơ sở quân sự Bắc Cực của Mỹ - Pituffik đặt tại Greenland có nhiệm vụ cung cấp cảnh báo tên lửa, phòng thủ và giám sát không gian, cũng như các nhiệm vụ chỉ huy vệ tinh. Căn cứ này giúp tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Bắc Cực cho cả Mỹ và các đồng minh. Do đó, cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ luôn coi bất kỳ sự hiện diện đáng chú ý nào của các quốc gia khác ở Greenland, dù là tạm thời hay lâu dài, đều là điều đáng lo ngại. Trong khi đó, hiện có 8 quốc gia khác có lãnh thổ ở Bắc Cực. Nga là nước có sự hiện diện lãnh thổ lớn nhất ở Bắc Cực, với biên giới chiếm hơn 50% đường bờ biển Bắc Cực.

Trong những năm gần đây, hoạt động quân sự của Nga trong khu vực ngày càng gia tăng. Rồi Trung Quốc cũng tự gọi mình là "quốc gia gần Bắc Cực" và đang tìm cách tăng cường vai trò kinh tế, quân sự. Hiện Trung Quốc có 4 tàu phá băng, Mỹ có 1, còn Nga thì có 40 tàu hoạt động ở Bắc Cực. Trung Quốc và Nga cũng đã cùng nhau tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Bắc Cực.

Riêng Canada, quốc gia Bắc Cực gần Greenland nhất gần đây đã công bố Khung chính sách Bắc Cực và phía Bắc của mình, vạch ra tầm nhìn cho các hoạt động cũng như khoản đầu tư của Canada vào khu vực này; đồng thời công bố kế hoạch hiện đại hóa Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) để tăng cường năng lực phòng thủ của Bắc Mỹ trước các mối đe dọa đang phát triển trong khu vực…

Cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực  và nền độc lập của Greenland -0
Greenland có khoảng 56.000 dân chủ yếu sống ở 20% khu vực không bị băng tuyết bao phủ.

Nguồn khoáng sản giàu có và đường biển xuyên cực

Nhưng có lẽ, điều hấp dẫn Tổng thống Trump hơn cả là nguồn khoáng sản phong phú, có tiềm năng thực sự thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Các mỏ tài nguyên đã xác định ở Greenland bao gồm: các kim loại quý như vàng và bạch kim; một số kim loại cơ bản - kẽm, sắt, đồng, niken, coban và urani và các nguyên tố đất hiếm như neodymium, dysprosi và praseodymium. Tài nguyên đất hiếm của Greenland đặc biệt quan trọng.

Những nguyên tố này không chỉ thiết yếu đối với công nghệ pin, năng lượng mặt trời và gió mà còn có giá trị cao đối với các ứng dụng quân sự. Nếu được khai thác đầy đủ, mỏ uranium và đất hiếm Kvanefjeld sẽ đưa Greenland trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Một bản tóm tắt chi tiết năm 2023 do Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland công bố cho thấy, các mỏ mới sẽ tiếp tục được tìm thấy khi băng ở Greenland tan.

Chưa hết, băng tan và nhiệt độ Bắc Cực tăng nhanh sẽ mở ra các tuyến đường vận chuyển mới. Theo Hội đồng Bắc Cực, vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực đã tăng 37% trong thập kỷ qua (tính đến năm 2024). Dự tính, vào năm 2050, tuyến đường biển xuyên cực có khả năng sẽ mở qua trung tâm Bắc Băng Dương, đi qua bờ biển phía Đông của Greenland. Và hòn đảo này là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Đan Mạch đối với Bắc Cực - ngang bằng với các tuyên bố của Nga và Canada.

Sự quan trọng trong nền độc lập của Greenland

Hơn 300 năm qua, Greenland vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Đan Mạch. Mãi đến năm 1979, Đan Mạch mới cấp quyền tự chủ cho hòn đảo thưa dân này. Năm 2009, Đan Mạch đã thông qua Đạo luật về chính quyền tự quản của Greenland, mở rộng đáng kể thẩm quyền của hòn đảo đối với các vấn đề nội bộ, bao gồm: cảnh sát, tòa án và lực lượng bảo vệ bờ biển. Song nước này vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với các vấn đề đối ngoại, chính sách quốc phòng và chính sách tiền tệ của Greenland, cung cấp khoản trợ cấp hàng năm khoảng 500 triệu USD.

Là một phần của Đan Mạch, một thành viên sáng lập của NATO, Greenland được bảo vệ theo các bảo đảm an ninh của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Greenland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hoặc thị trường chung châu Âu. Trong những năm gần đây, Greenland đã chứng kiến phong trào giành độc lập ngày càng phát triển. Theo luật tự quản, hòn đảo có thể giành được độc lập thông qua một cuộc trưng cầu dân ý với sự chấp thuận của Quốc hội Đan Mạch.

Năm 2023, Greenland công bố dự thảo hiến pháp đầu tiên, kêu gọi thành lập một nước cộng hòa Greenlandic, độc lập khỏi Đan Mạch và công nhận di sản Inuit của hòn đảo. Vào giữa tháng 3, đảng Demokraatik trung hữu của Greenland - đảng ủng hộ cách tiếp cận dần dần hướng tới độc lập - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, nhấn mạnh mong muốn của người dân về chủ quyền lớn hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói rằng, việc giành được Greenland là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Việc kiểm soát hoàn toàn hòn đảo này có thể cho phép Washington mở rộng ảnh hưởng của mình trong các hoạt động trên không và trên biển ở Bắc Cực, cũng như trong không gian.

Giới quan sát nhận định, Mỹ có thể hợp pháp thâu tóm Greenland với sự đồng ý của chính phủ Đan Mạch. Hoặc Washington cũng có thể theo đuổi Hiệp ước liên kết tự do với Greenland, thiết lập mối quan hệ mà lãnh thổ này tự quản nhưng vẫn gắn chặt với Mỹ về hỗ trợ kinh tế và quốc phòng. Mỹ đã có hiệp ước kiểu này với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy vẫn cần có sự chấp thuận của cả chính phủ Greenland và Đan Mạch. Mà điều này không hề đơn giản bởi Thủ tướng Greenland Múte B. Egede đã khẳng định chủ quyền của hòn đảo và cho biết họ muốn tiếp tục tiến lên với phong trào giành độc lập.

Các nhà lãnh đạo Đan Mạch thì nói rằng Greenland "không phải để bán" và mặc dù Copenhagen muốn giữ hòn đảo này là một phần của Vương quốc Đan Mạch, nhưng họ tôn trọng quyết định của người dân Greenland. Trong khi đó, giới chức Greenland thì tuyên bố họ chỉ sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng song phương hiện có trên đảo với Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu không đạt được thỏa thuận, ông Trump không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo. Nhưng việc thực hiện một cách mạnh mẽ như vậy sẽ cấu thành sự xâm phạm đối với chủ quyền quốc gia, vi phạm nguyên tắc cốt yếu trong quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ. Washington từ lâu đã tránh xa các cuộc chiến tranh xâm lược và không mua lãnh thổ nước ngoài lớn trong hơn một thế kỷ qua. Trường hợp gần đây nhất là chính quyền Woodrow Wilson mua Quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917 - chủ yếu vì lý do quân sự - với giá 25 triệu USD.

Vậy còn một phương án, theo tờ Political là Washington sẽ áp mạnh thuế đối với Đan Mạch để gây sức ép nếu nước này không nhượng bộ hoặc bán Greenland. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu ngoài châu Âu của Đan Mạch, với việc nước này chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm và dụng cụ y tế, tổng cộng khoảng 12 tỷ USD vào năm 2023.

Sông Thương
.
.