Cửa lại mở về châu Á

Thứ Ba, 14/06/2022, 10:40

Bất chấp những vấn đề lớn đang phải giải quyết ngay trước mắt, nước Mỹ vẫn không thể bỏ quên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi được dự báo sẽ là trung tâm cạnh tranh của thế giới trong những thập kỷ tới. Dự án mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) chính là bước đi mới nhất của chính quyền đương nhiệm tại Washington.

Dự án đầy tham vọng

Trong chuyến công du Tokyo cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những nhà lãnh đạo hàng đầu của các nước đối tác trong khu vực chính thức khởi động thảo luận về IPEF. Nhưng, từ tháng 10 năm ngoái, ông Biden đã trình bày tầm nhìn của mình về IPEF tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) trực tuyến do Brunei chủ trì. Đây có thể coi là một "đứa con" được “hoài thai” bởi vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Với IPEF, ông Biden thể hiện mong muốn xác định quy trình và tiêu chuẩn mới trong giao dịch kinh tế quốc tế, do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, IPEF sẽ tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và khử carbon, thuế và chống tham nhũng. Đây đều là những vấn đề lớn của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, đều nhận được nhiều sự quan tâm của các nước. Ý tưởng của ông Biden là muốn thông qua IPEF đẩy những tiêu chuẩn đó lên một "tầm cao mới".

Cửa lại mở về Châu Á -0
Phiên khởi động thảo luận IPEF nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực.

Như bà Katherine Tai, đại diện thương mại Mỹ khẳng định: "Khuôn khổ này không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống". Chính quyền Mỹ muốn tạo nên một “cái gì đó mới mẻ” vượt lên trên những FTA đang ngày càng phổ biến (và theo họ thì có lẽ đã trở nên "tầm thường"), tạo dựng một tiêu chuẩn mới cho hợp tác kinh tế. Thêm vào đó, với việc bỏ qua Trung Quốc, chính quyền Mỹ không giấu giếm tham vọng kéo các đối tác kinh tế trong khu vực về phía mình.

Với một quyết tâm lớn, kể từ khi được giới thiệu, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tích cực xây dựng hệ thống quy chuẩn cũng như tìm kiếm sự đồng thuận giữa các đồng minh châu Á của mình, để tiến tới phiên họp hôm 23-5 vừa qua. Với sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo hàng đầu 4 nước thành viên Nhóm bộ tứ (QUAD) cùng 9 nước đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương theo hình thức trực tuyến, bước khởi đầu của IPEF là rất ấn tượng.

Tại sao nước Mỹ cần IPEF?

Từ khi được nhắc tới lần đầu tiên đến khi được công bố chính thức, IPEF chỉ mất 8 tháng, một lộ trình nhanh kỷ lục với bất cứ hiệp định thương mại nào từng được đưa ra bàn thảo trong quá khứ. Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền của ông Biden tích cực đến vậy trong việc thúc đẩy IPEF, bởi nước Mỹ trong giai đoạn hiện nay cần một hành động cụ thể, nhằm gia tăng kết nối kinh tế với khu vực năng động nhất thế giới này.

Kể từ năm 2009, khi Mỹ quyết định "xoay trục sang châu Á", mỗi chính quyền tại nhiệm ở Washington đều thực hiện những bước đi cụ thể để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của giới chính trị trong nước. Trong khi đó, từ khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, nước Mỹ “thiếu một chiến lược kinh tế và thương mại đủ để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương” - trích báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc hội Mỹ tháng 2-2022.

Bằng một con số cụ thể, chúng ta có thể thấy sức ảnh hưởng của kinh tế Mỹ tại khu vực đang bị lấn át. Vào đầu những năm 2000, kim ngạch thương mại của Mỹ với các nước trong ASEAN đạt xấp xỉ 150 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với Trung Quốc. Nhưng, đến năm 2021, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN lên tới 878 tỷ USD, cao hơn gấp đôi kim ngạch thương mại của Mỹ với khối là 380 tỷ USD. Điều này khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, vị trí mà Trung Quốc đã giữ trong 12 năm liên tiếp kể từ 2009.

Chính quyền ông Biden kể từ khi lên nắm quyền ở vào một tình thế khó. Họ muốn gia tăng quan hệ với các đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng lại thiếu một khuôn khổ hợp tác thực tế để tạo đột phá. Họ buộc phải đứng ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện do Nhật Bản dẫn dắt vì chính quyền tiền nhiệm đã rút lui.

Trong khi đó, hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới có tên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được khởi động từ tháng 11-2020 do Trung Quốc dẫn dắt - bao gồm hầu như tất cả các thành viên của IPEF cùng một số nước trong khu vực lại đang tạo đà phát triển nhanh chóng. EU cũng liên tiếp ký kết một loạt FTA mới với các quốc gia châu Á thời gian qua. Có thể nói, nước Mỹ đã chậm chân so với các "đối thủ" vì sự biến động chính sách của mình. Điều này đã thúc đẩy chính quyền của ông Biden phải gấp rút đưa IPEF vào thảo luận trong một thời gian rất ngắn. Một lộ trình đã được chính quyền ông Biden đặt ra để hoàn thành thỏa thuận trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

IPEF có gì khác biệt?

Điểm khác biệt lớn nhất của IPEF so với những hiệp định kinh tế trong khu vực hiện nay chính là sự tham dự của nước Mỹ. Sự có mặt của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một khuôn khổ hợp tác kinh tế luôn nâng tầm thỏa thuận chung. Với tổng sản phẩm quốc nội đạt 34,6 nghìn tỷ USD, tức là 41% giá trị nền kinh tế thế giới, IPEF trở thành một nền kinh tế lớn hơn hơn cả nhóm RCEP với 15 thành viên và CPTPP có 11 quốc gia thành viên đã được thành lập trước đó.

Cửa lại mở về Châu Á -0
IPEF được coi là vũ khí mới của Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Nhưng, điều thú vị còn nằm ở cách vận hành của IPEF. Không giống như CPTPP hoặc RCEP, IPEF không nhằm mục đích giảm thuế quan hay mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, kể cả trong ngắn hạn hay dài hạn. IPEF không tạo ra tranh chấp cũng như không xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, vốn là trọng tâm của hầu hết các thỏa thuận kinh tế. Điều này làm cho IPEF khác biệt với các FTA thường mất nhiều thập kỷ để đàm phán, trải qua quá trình phê chuẩn và có tư cách thành viên bất khả xâm phạm. IPEF được định danh như một “khuôn khổ hợp tác” nhiều hơn là một thỏa thuận thương mại.

Sự “thông thoáng” này mang lại lợi thế cho chính quyền của ông Biden khi triển khai IPEF vì nó không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, điều đã ngăn cản nước Mỹ tham gia CPTPP hay RCEP. Bởi, Quốc hội Mỹ ngày càng nhìn nhận việc nhượng bộ thương mại như một khía cạnh bất lợi đối với kinh tế Mỹ. Nhưng, ở chiều ngược lại, IPEF đối mặt với những nghi ngờ về tính hiệu quả từng khiến cho Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba trong nhóm không muốn tham gia.

Khó khăn phía trước

Trước tiên, cần phải khẳng định, dù khởi đầu hào hứng nhưng IPEF mới chỉ được đưa vào thảo luận bước đầu chứ chưa phải đã hình thành. Ý tưởng về IPEF hiện thời cũng khá mơ hồ do thiếu những cam kết cụ thể. Cho đến nay, chưa có tiền lệ nào về việc tạo ra một khuôn khổ kinh tế lỏng lẻo như vậy. Sự lỏng lẻo đó khiến cho khả năng tạo đột phá của thỏa thuận bị nghi ngờ ngay từ đầu. Những người hoài nghi cho rằng IPEF chỉ áp đặt các nghĩa vụ mà không cung cấp các biện pháp, chẳng hạn như cung cấp khả năng tiếp cận thị trường hoặc giảm thuế quan. Vậy nên, buổi họp mặt hôm 23-5 chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một lộ trình chứ chưa đem đến điều gì cụ thể.

IPEF càng trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn, khi nó đặt mục tiêu tách các thành viên ra khỏi hệ thống thương mại khu vực vốn đang có những mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc. Tất cả các thành viên IPEF đều đang là đối tác thương mại của Trung Quốc và hầu hết vẫn có ràng buộc với Trung Quốc bởi những khuôn khổ FTA hay RCEP. Những yếu tố ấy, dĩ nhiên, có thể làm gia tăng sự nghi ngờ giữa các bên, cũng như làm nảy sinh các vấn đề khác biệt trong tiến trình hợp tác.

Sự mới mẻ mà IPEF mang tới có thể khiến người ta cảm thấy hứng khởi nhưng khó khăn hãy còn ở phía trước. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, do đó, IPEF cần sớm chứng minh được giá trị của mình thông qua những điều khoản cụ thể, nếu không muốn "chết yểu".

Nhưng, dù sao, trong bối cảnh đầy biến động hiện tại, bên cạnh vai trò là mắt xích quan trọng trong tiến trình “Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ, IPEF cũng vẫn sẽ là một lựa chọn đáng chú ý, một “cánh cửa” khó có thể bỏ qua cho khu vực, mở về phía tương lai.

Tử UYên
.
.