Cú nghiêng đầu cứu rỗi chính trường Mỹ

Thứ Năm, 25/07/2024, 13:47

Sống sót sau loạt đạn ác ý ở Pennsylvania nhờ cú nghiêng đầu định mệnh, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11 tới, đã thay đổi phần nào giọng điệu tranh cử và kêu gọi đoàn kết, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ đang trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết.

Nước Mỹ suýt lâm cảnh hỗn loạn

Khi đang chăm chú theo dõi bài phát biểu tranh cử then chốt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/7 tại thành phố Butler thuộc bang Pennsylvania, hàng chục ngàn người ủng hộ ông bất ngờ nghe thấy 3 tiếng súng chói tai. Trên bục sân khấu, phía dưới lá cờ Mỹ cỡ lớn được treo lên bằng 2 chiếc cần cẩu, ông Trump cúi rạp người với tay ôm đầu, các mật vụ vội vã lao lên che chắn.

Qua vài tích tắc, một loạt 5 tiếng súng tiếp tục vang lên. Trong khung cảnh hỗn loạn, ông Trump vươn người khỏi vòng bảo vệ của mật vụ, nhìn về phía đám đông ủng hộ và giơ nắm tay lên cao, hô lớn “chiến đấu!” 3 lần, dường như để thông báo cho người ủng hộ biết mình vẫn còn sống. Bức ảnh ông Trump trung với gương mặt vương máu nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Những người ủng hộ ông gọi đó là khoảnh khắc đi vào lịch sử nước Mỹ.

Cú nghiêng đầu cứu rỗi chính trường Mỹ -0
Ông Trump vươn mình khỏi vòng bảo vệ của mật vụ với khuôn mặt vương máu sau vụ nổ súng. Ảnh: NYTimes.

Vài giờ sau vụ nổ súng, nhà chức trách xác định đây là một âm mưu ám sát nhắm vào ông Trump, khiến ông bị thương ở tai. Nghi phạm tấn công tên là Thomas Matthew Crooks, một nam thanh niên 20 tuổi có tính cách lập dị. Anh ta bị lính bắn tỉa của Mật vụ Mỹ hạ gục trên nóc tòa nhà cách nơi ông Trump phát biểu chỉ hơn 100m, và sau đó dấy lên nhiều tranh cãi về an ninh. Đã có một người ủng hộ ông Trump không may qua đời vì vết đạn của Crooks. Động cơ của vụ nổ súng đến nay chưa được tiết lộ.

Kể lại khoảnh khắc bị nhắm bắn, ông Trump cho biết, sở dĩ ông may mắn thoát nạn vì vô tình nghiêng đầu xem biểu đồ trong lúc phát biểu. “Tôi không nghĩ mình còn có thể ngồi đây mà trò chuyện, tôi cứ nghĩ mình đã chết rồi”, ông Trump mô tả. “Nếu tôi không nghiêng đầu vào đúng thời điểm, viên đạn đó có thể đã găm vào não”. “Có lẽ đó là ý trời”, ông Trump nói thêm. Quả thật như vậy, nếu viên đạn đi chệch chỉ một vài ly, tình hình rất khác. Nó khác bởi không chỉ khiến ông Trump đối mặt nguy cơ thiệt mạng, mà có đẩy chính trường Mỹ vào cảnh hỗn loạn chưa từng có.

“Nước Mỹ chỉ cách nội chiến một inch”, tờ Telegraph của Anh ngày 18/7 bình luận. Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang ghi nhận những chia rẽ sâu sắc, khả năng một ứng viên Tổng thống Mỹ ảnh hưởng như ông Trump bị ám sát sẽ thổi bùng cơn giận dữ của những người ủng hộ ông, châm ngòi cho các cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn không hồi kết, với quy mô và tính chất còn khó lường hơn vụ ở Điện Capitol tháng 1/2021. Bên cạnh đó, những thuyết âm mưu không có cơ sở của những người cực đoan về nguyên nhân, động cơ, rồi thế lực đứng sau cũng sẽ được lan truyền rộng khắp, giống như vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963, dẫn đến việc nhiều người mất niềm tin vào chính quyền.

Theo Telegraph, trong trường hợp ứng viên tổng thống qua đời, đảng mà người đó đại diện phải lựa chọn một người thay thế. Việc này không hề dễ dàng. Năm 1968, ứng viên Tổng thống Mỹ Robert F. Kennedy qua đời do bị ám sát, gây xáo trộn nội bộ đảng Dân chủ Mỹ và cuối cùng, ứng viên của đảng này ra tranh cử, ông Hubert Humphrey đã thất bại trước ứng viên Richard Nixon của đảng Cộng hòa. Khi đảng Dân chủ tổ chức đại hội chọn ứng viên, một “cuộc chiến” thật sự đã diễn ra giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài khu vực đại hội.

Dường như, ông Trump thấy rõ những nguy cơ đó. Cú nghiêng đầu không chỉ cứu mạng ông, mà góp phần thúc đẩy cựu tổng thống thay đổi giọng điệu tranh cử của mình. Dấu hiệu đầu tiên của sự điều chỉnh đó là việc ông Trump thông báo sẽ thay đổi bài phát biểu dự kiến được đọc tại phiên bế mạc Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 18/7. “Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu cực kỳ gay gắt và thực sự rất hay về chính quyền thối nát, tệ hại”, ông Trump tiết lộ. “Nhưng, tôi đã vứt nó đi. Bài phát biểu mới đang được chuẩn bị vì tôi muốn cố gắng đoàn kết đất nước chúng ta, dù tôi không biết điều đó có khả thi không. Người dân đang rất chia rẽ”.

Xuất hiện với tai phải bị băng bó hôm 18/7 tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bang Wisconsin trong tiếng nhạc “Chúa phù hộ nước Mỹ”, ông Trump vẫn dành nhiều dung lượng chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng hơn cùng thông điệp đoàn kết chưa từng có: “Tôi ở đây tối nay để đưa ra tầm nhìn cho cả nước. Đối với mọi công dân, dù già hay trẻ, nam hay nữ, đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa hay độc lập, da màu hay da trắng, người gốc Á hay gốc Tây Ban Nha, tôi dang tay gửi tới các bạn lòng trung thành và tình bạn”.

Biến số khó lường của cuộc bầu cử

Trong khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden ngày 21/7 tuyên bố rút quyết định tranh cử và ủng hộ cấp phó Kamala Harris thay thế, những diễn biến sau vụ ám sát hụt dường như giúp ông Trump thuận lợi hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đầu tiên là việc thẩm phán liên bang quyết định loại các cáo buộc chống lại ông xung quanh vấn đề xử lý tài liệu nhạy cảm của Chính phủ Mỹ sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ 2016-2020. Thêm vào đó, ông Trump dường như đang ngày càng nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ cử tri.

Cú nghiêng đầu cứu rỗi chính trường Mỹ -0
Ông Trump xuất hiện với tai phải băng bó, bên cạnh ứng viên Phó Tổng thống J.D.Vance. Ảnh: GettyImages.

“Hình ảnh ông Trump kiên cường, giơ nắm đấm với khuôn mặt vương máu có tính lan tỏa tốt hơn bất cứ thứ gì mua được bằng tiền”, Matthew Wilson, giáo sư chính trị tại Đại học Southern Methodist, bang Texas nói và đánh giá, hình ảnh đó giúp cải thiện vị thế của ông với các cử tri trung lập, “bởi đa phần cử tri Cộng hòa và Dân chủ đều đã quyết định bỏ phiếu cho ai từ lâu”. Đối với nhà phân tích Stephen Collinson của CNN, “ông Trump được người ủng hộ tôn sùng tại các cuộc vận động tranh cử. Hình ảnh ông như một chiến binh liên tục bị kẻ thù tấn công giờ càng trở nên đậm nét hơn”.

Từ trước quyết định rút lui của ông Biden, kết quả cuộc khảo sát của Đại học Emerson, do ủy ban hành động chính trị Người Dân chủ vì Thế hệ mai sau tài trợ, được công bố ngày 18/7, cho thấy, có đến 46% cử tri tham gia khảo sát ủng hộ ông Trump, số ủng hộ ứng viên Dân chủ là 43%. Ngoài ra, 12% cử tri chưa lựa chọn ai.

Theo khảo sát, trong cuộc bầu cử 2020, ông Biden thắng ở các bang chiến trường Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Nevada, Arizona và Georgia, nhưng để thua ở Bắc Carolina. Nhưng đến giữa tháng 7/2024, ông Trump dẫn trước đối thủ 5 điểm phần trăm ở Wisconsin, Pennsylvania và Nevada, 6 điểm ở Georgia, 7 điểm ở cả Bắc Carolina và Arizona. Nhóm khảo sát cũng lưu ý, kể từ tháng 3/2024, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã tăng 1% ở các bang Georgia, Pennsylvania và Wisconsin, 2% ở Arizona. Michigan là bang hai ứng viên đang cạnh tranh sít sao. Ông Trump mất một điểm phần trăm ở bang này, nhưng vẫn dẫn trước với 45% tỷ lệ ủng hộ so với 42% của đại diện đảng Dân chủ.

Trong diễn biến bất ngờ, tại bang Virginia, nơi đương kim Tổng thống Biden thắng áp đảo cách đây gần 4 năm, phần thắng lúc này tạm nghiêng về ông Trump, với tỷ lệ 45% - 43%. “Những cử tri độc lập đã ủng hộ ông Trump, tăng lên 46% từ 38%”, Spencer Kimball, giám đốc điều hành cuộc thăm dò của Đại học Emerson, nhấn mạnh.

Wesley Widmaier, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia chia sẻ góc nhìn trên SBSNews rằng, lịch sử cho thấy các vụ ám sát hụt dường như “giúp ích” cho ứng viên Tổng thống. Năm 1981, Tổng thống đảng Cộng hòa Ronald Reagan bị ám sát hụt tháng trong nhiệm kỳ đầu và ông đã thắng khi tái tranh cử. “Reagan làm việc không thực sự tốt, nhưng vụ ám sát hụt giúp ông có thêm sự đồng cảm”, chuyên gia này nói. “Ông có câu đùa nổi tiếng với các bác sĩ trong bệnh viện là 'Tôi hy vọng các bạn đều là người Cộng hòa'. Và mọi người dần tập hợp lại ủng hộ ông ấy”. Khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, ông Reagan nhận được tỷ lệ ủng hộ từ cử tri đảng Cộng hòa, độc lập và đảng Dân chủ lần lượt là 74%, 53% và 38%. Sau vụ ám sát, tỷ lệ tăng lên 92%, 70% và 51%. Tỷ lệ ủng hộ của ông Trump có thể diễn biến theo hướng tương tự.

Trở lại đại hội của đảng Cộng hòa diễn ra trung tuần tháng 7/2024, khi phát biểu đảm nhận nhiệm vụ ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Trump đã xúc động nói: “Chúa đã đứng về phía tôi. Tôi lẽ ra đã không thể đứng đây tối nay”. Đáp lời cựu Tổng thống, đám đông phía dưới hô lớn: “Đó chính là vị trí của ông!”.

Nguyễn Phùng
.
.