Có những người ươm mầm xanh hòa bình

Chủ Nhật, 22/01/2023, 14:03

Ở đất nước Nam Sudan cách Việt Nam gần 10 nghìn cây số, 3 sĩ quan công an Việt Nam vẫn đang miệt mài thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tết năm nay thật đặc biệt, khi họ đón tết ở một nơi xa Tổ quốc...

“Ồ, lần đầu tiên tôi gặp một cảnh sát Việt Nam ở đây”. “Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam chúng tôi đưa cảnh sát sang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ)”. “Các bạn có lịch sử dựng nước và giữ nước thật hào hùng”. “Đến từ một đất nước đã đi qua chiến tranh, chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết giá trị của độc lập tự do, của hòa bình. Bởi thế, chúng tôi mong muốn được góp công sức vào hoạt động gìn giữ hòa bình cho Nam Sudan nói riêng và thế giới nói chung”… Đó là những câu đối thoại quen thuộc giữa 3 sĩ quan công an đầu tiên của Việt Nam với các đồng nghiệp quốc tế và người dân tại Phái bộ UNMISS Nam Sudan gần 3 tháng qua…

Nỗ lực vì hòa bình, ổn định ở Nam Sudan

Ở đất nước Nam Sudan cách Việt Nam gần 10 nghìn cây số, 3 sĩ quan công an Việt Nam vẫn đang miệt mài thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tết năm nay thật đặc biệt, khi họ đón tết ở một nơi xa Tổ quốc.

Từ thủ đô Juba, giữa cái nắng hầm hập của mùa khô, Trung tá Nguyễn Thị Trà Vinh chia sẻ rằng chị nhớ da diết mùa đông Hà Nội. Bầu trời Nam Sudan lúc cuối ngày sập tối rất nhanh. Thời khắc ấy, trở về căn cứ Tomping sau một ngày làm việc, không chỉ chị mà cả Đại tá Lê Quốc Huy, Trung tá Vũ Việt Hùng đều thấy nhớ nhà.

ANTGGT Tết trang 12,13: Có những người ươm mầm xanh hòa bình -0
Tổ công tác làm việc với Trung tướng Rajender Pal Upadhyaya, người Ấn Độ - Phó Tư lệnh Cảnh sát Liên hợp quốc tại UNMISS (thứ hai, từ trái sang).

Kết thúc đợt tập huấn là những ngày tuần tra địa bàn. Theo quy định của cảnh sát Phái bộ, tất cả sĩ quan cảnh sát các nước khi đến đây đều phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đây được coi như bước đầu tiên để nắm bắt địa bàn, đồng thời tiếp xúc với người dân để xây dựng lòng tin vào lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật. Nam Sudan đã bắt đầu vào mùa khô, mùa mà cái đói luôn rình rập. Người dân chạy khỏi các khu vực xung đột, tìm đường đến thủ đô tìm việc làm, ở trong các trại tị nạn, mong cuộc sống bớt đi những hiểm nguy. Tại thành phố Juba, nơi đặt trụ sở chính của UNMISS, tình hình an ninh nâng lên mức báo động “xám” (mức 2/5), tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự đoán.

“Trên đường tuần tra, trước mắt tôi là những người dân Nam Sudan nghèo khó. Dưới nắng nóng, những đứa trẻ gầy gò tìm bới quanh đống rác. Sống trong sự bất ổn, hỗn loạn kéo dài, bị đẩy đuổi đi khắp nơi, dường như họ đã quen, cứ lặng lẽ và cam chịu, không biết phải làm gì để thoát sự nghèo đói ấy”, Đại tá Huy chia sẻ.

Trung tá Vinh vô cùng thương cảm khi chứng kiến cảnh những người đàn ông bản địa lăn từng tảng đá từ trên núi về, dùng búa từ to đến nhỏ đập dần ra. Những người phụ nữ cũng cần mẫn đập đá cho đến khi nhỏ vụn để bán làm vật liệu xây nhà cửa. “Nhìn những đứa trẻ, tôi nhớ tuổi thơ của mình, cũng chị cõng em như mèo tha chuột. Chỉ vừa ra khỏi thủ đô Juba, đã thấy những ngôi nhà vách đất lợp mái tôn, không cửa kiên cố, thay vào đó là những tấm vải buông rủ. Chính vì thế mà đời sống người dân luôn bất ổn, rối nhiễu vì những vụ trộm cắp, hiếp dâm.

Là sĩ quan quản lý công tác nghiệp vụ của địa bàn Juba, Trung tá Vinh thường xuyên phối hợp với đơn vị quân đội và các cơ quan khác thuộc LHQ để sắp xếp, lập kế hoạch tuần tra chung và triển khai kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận. Chị cho biết, mỗi tháng có đến hơn 100 cuộc tuần tra chung và riêng của các lực lượng đan xen nhau ở địa bàn thủ đô. Để quá trình tuần tra hiệu quả, các sĩ quan Việt Nam đều phải tự lái ô tô thành thục trên những cung đường đất đỏ bụi mù, lầy lội, lồi lõm ổ trâu, ổ gà.

ANTGGT Tết trang 12,13: Có những người ươm mầm xanh hòa bình -0
Các sĩ quan Công an Việt Nam chạy bộ rèn luyện sức khỏe.

Trung tá Hùng đang làm việc tại bộ phận xây dựng và phát triển năng lực cho cảnh sát địa phương nên thường xuyên ra ngoài căn cứ để lặn lội xuống các địa bàn xa xôi. Anh kể: “Lần đầu tiên đi tuần tra, tôi lái chiếc xe bọc khung sắt trắng tiến vào vùng địa hình gập ghềnh khó đi. Chiếc xe lắc lư, lên dốc xuống dốc liên tục trên con đường đất bụi mù khiến tôi có cảm giác như đang đi thám hiểm”. Giờ thì những cung đường ở Juba anh đã thuộc nằm lòng. Khả năng lái xe ngày càng thiện chiến khi anh lái cả xe 16 chỗ.

Anh bảo ở thủ đô, lực lượng cảnh sát Nam Sudan tập trung đông nhất nhưng vẫn thiếu, phần lớn chưa được đào tạo bài bản. Hằng ngày, anh đến làm việc với các đồn cảnh sát trong thành phố, nắm tình hình an ninh, trật tự, trao đổi, hướng dẫn họ cách đánh giá tình hình an ninh trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tá Hùng còn tham gia tổ chức lớp tập huấn đào tạo cho cảnh sát địa phương, tập huấn cho lái xe taxi về kĩ năng lái xe, nâng cao nhận thức về nhân quyền. Nhờ những nỗ lực của LHQ, tình hình ở Juba cơ bản ổn định, tuy nhiên hiện tượng cướp bóc vẫn xảy ra.

2 trại tị nạn ở thủ đô Juba đều do Chính phủ Nam Sudan quản lý. Trung tá Hùng cùng các đồng nghiệp quốc tế đến các trại này để trao đổi nâng cao nhận thức cho các chốt cảnh sát và ban quản lý trại, nắm bắt kịp thời các tình huống xảy ra. Trong những căn lều dựng bằng gỗ và quây bạt xung quanh, điện không có và nước sạch cũng thiếu. Anh cùng bọn trẻ chơi trò “shalaleet” - thú vui duy nhất ở đây. Chỉ cần một cái chai nhựa nhét giấy bên trong, buộc vào cột, rồi đá đi đá lại cho nhau, mà chúng chơi say sưa và cười vui vẻ, tạm quên đi cái đói và sự bất ổn xung quanh. Anh cảm nhận được sự thiện cảm của người dân dành cho nhân viên của LHQ. Cứ thấy anh bước xuống từ chiếc xe tuần tra là họ mỉm cười và vẫy tay chào. Bởi, họ hiểu rằng, sự có mặt của anh ở đây sẽ giúp cuộc sống của họ được an toàn hơn.

Nhịp sống

Căn cứ Tomping - nơi ở của nhân viên LHQ trong đó có 3 sĩ quan công an Việt Nam khá rộng lớn. Trung tá Vinh đang ở khu nhà được dựng từ ngày đầu tiên LHQ lập căn cứ, chị thường gọi là “khu phố cổ”. Đại tá Huy và Trung tá Hùng ở cùng một khu, cách Trung tá Vinh khoảng 2km. Những căn phòng ở Tomping nhỏ xinh như một container được kê trên các trụ cao, cách mặt đất chừng 30cm để chống ẩm mốc. Mỗi phòng có giường cá nhân, tủ quần áo, bếp điện để nấu ăn.

Không giống các lực lượng và nhân viên LHQ khác, cảnh sát LHQ đi làm tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ. Buổi sáng, họ dậy sớm tập thể dục trong căn cứ và chuẩn bị cơm mang đi ăn trưa. 7 giờ sáng, họ cuốc bộ ra bến xe của căn cứ và đi xe bus của LHQ đến trụ sở chính “UN house” làm việc cách đó 15km. Giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ, họ sẽ có 1 tiếng nghỉ ăn trưa từ 12 giờ đến 13 giờ. Riêng Trung tá Hùng thường đi địa bàn nên bữa trưa của anh diễn ra khi đã sang chiều. Cơm trưa mang đi có cơm và đồ ăn khô dự trữ như ruốc, muối vừng, rong biển họ mang theo từ Việt Nam. Buổi chiều, hết giờ làm việc, họ lại bắt xe về khu ở.

“Thủ đô Juba không rộng lắm, đường sá hẹp. Ngoài ô tô thì phương tiện phổ biến là bajah (giống xe lam ở Việt Nam). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là Juba hoàn toàn vắng bóng các cột đèn giao thông và rất ít đèn đường. Vì thế, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra. Ở cả hai khu căn cứ của LHQ đều thực hiện giới nghiêm từ 7 giờ tối. Có hôm chúng tôi từ UN house về khu ở muộn, gặp đúng lúc tắc đường nên đành quay lại trụ sở chính ngủ ở đó. Vì có về khu ở cũng quá giờ quy định”, Trung tá Vinh chia sẻ.

Tối đến, họ cùng nấu và ăn tối với các sĩ quan quân đội Việt Nam cũng đang làm việc tại căn cứ, ấm áp như một gia đình. Cuối tuần, các sĩ quan tranh thủ đi chợ, có cảm giác như đang đi chợ ở Việt Nam. Sản phẩm địa phương không nhiều, có xoài, bơ, chuối, dưa hấu... Rau bí, rau dền, rau đay và lá sắn, tất cả đều mang vẻ cằn cỗi, các loại rau củ quả khác đều phải nhập khẩu.

Ở căn cứ, những giọt nước sạch luôn được nâng niu như nguồn sống. Trong phòng ở có đường ống dẫn nước nhưng chỉ dùng để sinh hoạt. Có hôm nước đục ngầu phải để lắng lại mới sử dụng được. Tuần 2 lần, anh chị em đi bộ để xách nước sạch ở khu vực chung về nấu ăn và đun nước uống. Can, chai hay túi đều được mang đi trữ nước. Đại tá Huy chia sẻ: “Việc đi lấy nước dù mệt nhưng vui. Có thể ở Việt Nam sẽ không có cảm giác này. Nhưng, ở đây, khi nhìn thấy dòng nước trong vắt tuôn ra, chúng tôi đều thấy mát lành, quý giá. Nghĩ đến những người dân ngoài kia luôn thiếu ăn và khát nước sạch, chúng tôi luôn có tinh thần tiết kiệm nước và lương thực”.

ANTGGT Tết trang 12,13: Có những người ươm mầm xanh hòa bình -0
Trung tá Vũ Việt Hùng và đồng nghiệp người Jordan trong khu tị nạn.

Tết ấm nơi đất lạ

Ở một đất nước có quỹ đất nhiều như Nam Sudan nhưng người dân lại không có truyền thống canh tác. Vì thế đất đai khô cằn, giống cây, phân bón, kĩ thuật gieo trồng đều hạn chế. Trong căn cứ, các sĩ quan Việt Nam nhìn những khoảng đất trống mà thấy tiếc. Vậy là sau giờ làm việc, họ tranh thủ cuốc đất để gieo xuống những hạt giống mang từ Việt Nam sang.

Lật một lớp đất mỏng là chạm đá sỏi, việc trồng trọt ở nơi này chẳng phải là điều dễ dàng, nhưng Trung tá Vinh vẫn quyết tâm ươm những mầm xanh. Với chiếc dầm trên tay - món quà mà cha chồng chị tặng chị trước ngày sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ, chị dọn sạch cỏ, sau đó đánh luống trồng rau. Mấy chị lao công người địa phương ngạc nhiên: “Bạn làm gì thế?”. “Tôi cuốc đất trồng rau”. “Ồ, nữ cảnh sát Việt Nam biết làm vườn, sao giỏi thế!”. Họ không nghĩ trong khuôn viên bé nhỏ đó, cây có thể lên được.

Vậy mà giờ đây “vườn rau Việt Nam” đang lên xanh. Rau muống xen lẫn rau dền, luống đỗ đã bắt đầu leo giàn. Nhiều bạn bè quốc tế kháo nhau, lúc đến trụ sở thì Trung tá Vinh là cảnh sát, lúc về nhà thì trồng rau, tưới rau như nông dân. Sáng sớm đã thấy chị chạy bộ như vận động viên. Nhưng, có lúc mặc áo dài, đội nón rất nữ tính với nụ cười tươi rói trên môi. Chiếc nón mẹ tặng trước ngày lên đường, Trung tá Vinh đội khi mặc áo dài, cả lúc trồng rau cho đỡ nắng. Tết này, chị sẽ lại mặc áo dài. Chị muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Khi ở xa Tổ quốc, mặc áo dài, đội nón và cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, chị như thấy có cả Việt Nam bên mình.

Những ngày Tết cổ truyền, theo kế hoạch, các sĩ quan công an Việt Nam sẽ xuống địa bàn Bentiu cách thủ đô 600km vui tết cùng Bệnh viện dã chiến số 2.4 của Cục Gìn giữ hòa bình Bộ Quốc phòng Việt Nam. Sau đó họ sẽ trở lại thủ đô Juba tổ chức vui tết cùng lãnh đạo Phái bộ và bạn bè quốc tế. Gạo nếp, đỗ xanh, bột gấc họ đã mang theo từ Việt Nam. Ở Juba có lá chuối để gói bánh chưng, làm thêm nem rán, đồ xôi gấc, từng đó thôi là có Tết, đủ ấm lòng những người con nơi đất lạ.

Đại tá Lê Quốc Huy - Tổ trưởng Tổ công tác tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan: “Tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng” thấm sâu trong mỗi chúng tôi

- Phóng viên: Thưa Đại tá Lê Quốc Huy, hiện tại 3 sĩ quan công an của Việt Nam sang tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ đang thực hiện những nhiệm vụ nào?

- Đại tá Lê Quốc Huy: Ngay khi đặt chân tới Nam Sudan, chúng tôi đã được cảnh sát LHQ tiếp đón rất trọng thị. Sau thời gian tham gia khóa tập huấn đầu vào và thực hiện nhiệm vụ tuần tra, hiện tại 3 sĩ quan công an Việt Nam tại Phái bộ đã thi tuyển thành công và nhận công việc tại các vị trí công tác. Tôi đã trúng tuyển vị trí sĩ quan đánh giá nội bộ thuộc Sở chỉ huy lực lượng cảnh sát Phái bộ. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của tất cả các văn phòng, bộ phận chức năng của lực lượng cảnh sát trên toàn Phái bộ để báo cáo cho Tư lệnh Cảnh sát. Trung tá Lương Thị Trà Vinh và Trung tá Vũ Việt Hùng đã trúng tuyển tại Văn phòng Cảnh sát địa bàn Juba. Trung tá Vinh là sĩ quan quản lý công tác nghiệp vụ của địa bàn, Trung tá Hùng ở vị trí sĩ quan cảnh sát cộng đồng thuộc Đội Cảnh sát xây dựng và phát triển năng lực.

ANTGGT Tết trang 12,13: Có những người ươm mầm xanh hòa bình -0
Đại tá Lê Quốc Huy và chỉ huy đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Nepal.

Việc trúng tuyển vào các vị trí trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực học hỏi, chứng minh năng lực của các sĩ quan cảnh sát Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công tác của Phái bộ. Ban đầu, căn cứ vào hồ sơ cán bộ, kinh nghiệm công tác và kết quả phỏng vấn, chúng tôi đều được phân công công tác tại thủ đô Juba. Đây là điều đặc biệt, bởi tất cả các đoàn đều chỉ được giữ lại 20% quân số công tác tại thủ đô, còn lại đi các văn phòng cảnh sát địa bàn phân khu tại các địa phương.

Trong quá trình tập huấn cũng như khi đã nhận nhiệm vụ cụ thể, các sĩ quan công an Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc, quyết tâm vượt qua các trở ngại, khó khăn ban đầu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chúng tôi được lãnh đạo Phái bộ và đồng nghiệp quốc tế đánh giá luôn có tinh thần cầu thị, tích cực học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp các nước. Đặc biệt, chúng tôi tự hào khi bạn bè quốc tế khen bộ quân phục gìn giữ hòa bình của công an Việt Nam rất đẹp và lịch sự.

- Công tác của các sĩ quan công an Việt Nam ở Phái bộ có những đặc thù ra sao, thưa Đại tá?

- Đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử cán bộ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ nên chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm, thông tin nắm được khá ít ỏi và khi sang đây chưa có vị trí công việc cụ thể. Để thi tuyển vào các bộ phận chuyên môn, mỗi ứng viên cần phải nộp hồ sơ, sau đó nếu được vào danh sách rút gọn sẽ tham gia trả lời phỏng vấn của hội đồng tuyển dụng. Mỗi vị trí đều phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên từ các nước và phải thực sự có năng lực, chuẩn bị kỹ cho việc phỏng vấn. Chúng tôi thường nói vui rằng, lâu lắm mới làm hồ sơ đi xin việc.

Chúng tôi đang đảm nhận các vị trí công tác khác nhau, thường xuyên tác chiến độc lập và có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp quốc tế. Đây là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi rèn luyện nhiều kĩ năng. Mỗi ngày làm việc trôi qua, với chúng tôi đều là những trải nghiệm quý giá.

- Đại tá có thể chia sẻ đôi nét về môi trường làm việc của LHQ tại Phái bộ UNMISS?

- Chúng tôi đang làm việc trong một môi trường đa quốc gia. Cả Phái bộ UNMISS có đến hơn 80 quốc gia cùng cử nhân viên đến hoạt động gìn giữ hòa bình. Riêng trong lĩnh vực cảnh sát có sự tham gia của 50 nước.

Tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng là những giá trị cốt lõi mà LHQ đặt ra đã lan tỏa, thấm sâu trong mỗi chúng tôi, trở thành phẩm chất của mọi nhân viên khi làm việc ở đây. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với việc tôn trọng sự đa dạng. Biểu hiện rõ nét nhất là việc LHQ luôn sắp xếp nhân viên đến từ các quốc gia khác nhau trong một bộ phận làm việc và bảo đảm bình đẳng giới. Ai đến đây làm việc cũng hết lòng vì nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Ngay cả việc sắp xếp phòng ở, chúng tôi cũng được sắp xếp ở ghép. Tôi ở với một sĩ quan quân đội người Senegal. Trung tá Vinh cùng phòng với một nữ đồng nghiệp Ấn Độ, Trung tá Hùng ở cùng với một sĩ quan quân đội người Togo.

Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Ở nhà, chúng tôi luyện nghe và phát âm theo từ điển Anh - Anh. Nhưng, sang đây thì các đồng nghiệp đến từ nhiều nước phát âm với tốc độ, ngữ điệu, âm điệu nghe khác một trời một vực (cười). Chúng tôi không còn cách nào khác là phải tập nghe, tập nắm bắt nhanh. Làm việc trong môi trường mới, chúng tôi đang tích cực học hỏi các đồng nghiệp quốc tế hoạt động rất chuyên nghiệp.

- Biểu hiện cụ thể của sự chuyên nghiệp đó?

- Chúng tôi được gặp và làm việc với nhiều đồng nghiệp quốc tế không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ gìn giữ hòa bình. Họ đi từ lúc trẻ và coi đây là công việc chuyên nghiệp. Có đồng nghiệp người Bosnia đã 6 lần tham gia gìn giữ hòa bình. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,... đã nhiều lần đưa cảnh sát sang Phái bộ, mỗi lần tham gia với số lượng lớn. Vì có kinh nghiệm gìn giữ hòa bình nên họ có nhiều thuận lợi khi ứng tuyển vào các vị trí công tác.

- Hoạt động của các sĩ quan công an Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào việc gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, thưa Đại tá?

- Nam Sudan đang phải đối mặt với nhu cầu nhân đạo ngày càng leo thang, bất bình đẳng gia tăng, xói mòn lòng tin và xung đột dai dẳng. Ở các vị trí công tác khác nhau, chúng tôi đã và đang góp phần nhỏ bé vào việc ngăn ngừa, kiềm chế các hoạt động xung đột vũ trang, bảo vệ dân thường, giữ gìn và duy trì hòa bình, thúc đẩy tiến trình chính trị hướng tới tổ chức bầu cử tại đất nước này.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ nhân đạo của LHQ mà chúng tôi tham gia đã trợ giúp đắc lực cho người dân Nam Sudan vượt qua những cơn đói trầm trọng, khi mà có đến 82% dân số của nước này rơi vào nghèo đói. Không chỉ thế, chúng tôi đã góp phần tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, quân đội của Nam Sudan.

Ngoài thủ đô Juba, cách chúng tôi hàng ngàn cây số còn có rất nhiều đồng nghiệp quốc tế đang hoạt động gìn giữ hòa bình tại các địa bàn. Tất cả đang nỗ lực ở mức cao nhất góp phần gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Đó cũng chính là thông điệp, sự tin tưởng của ông António Guterres - Tổng thư ký LHQ gửi tới tất cả nhân viên LHQ trên toàn thế giới dịp năm mới 2023.

- Xin cảm ơn Đại tá

Huyền Châm
.
.