Cơ hội mới cho Romania và Bulgaria

Thứ Năm, 11/04/2024, 08:00

Ngày 31/3/2024, sau 17 năm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và 13 năm chờ đợi, Bulgaria và Romania đã chính thức gia nhập một phần khu vực tự do đi lại ở châu Âu (Schengen), mở đường cho việc đi lại bằng đường hàng không và đường biển mà không cần kiểm tra biên giới. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền sẽ vẫn được duy trì do Áo lo ngại làn sóng người tị nạn tràn vào nếu hai nước Đông Âu trở thành thành viên chính thức của khu vực Schengen.

Kết thúc một hành trình dài

Kể từ ngày 31/3, các biện pháp kiểm soát biên giới bằng đường biển và đường không giữa Romania và Bulgaria với những nước trong khối Schengen được dỡ bỏ.

Dù mới chỉ là thành viên một phần của khu vực Schengen, nhưng việc dỡ bỏ kiểm soát tại biên giới trên không cũng như trên biển của hai nước có giá trị biểu tượng quan trọng vì còn là "câu chuyện về phẩm giá bởi người Romania, khi phải đi qua một lối đi riêng so với những công dân EU khác, luôn cảm thấy bị phân biệt đối xử", Stefan Popescu, chuyên gia về quan hệ đối ngoại ở Bucarest bình luận.

Cơ hội mới cho Romania và Bulgaria -0
Du khách làm thủ tục tại sân bay có biển chỉ dẫn mới lắp đặt dành cho khu vực Schengen và không thuộc Schengen tại sân bay quốc tế Henri Coanda, Romania, ngày 31/3.

Thành lập năm 1985, Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới và có 27 quốc gia thành viên, trong đó có 23 nước thành viên EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Khoảng 1,7 triệu người đang sống ở một quốc gia Schengen, trong khi làm việc tại một quốc gia khác trong khu vực này. Mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu người qua lại trong khu vực với dân số khoảng hơn 400 triệu người.

Gia nhập EU từ năm 2007, nhưng con đường vào Schengen của Romania và Bulgaria khá gian nan. Năm 2011, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) "bật đèn xanh" để họ trở thành thành viên. Tuy nhiên, đơn gia nhập Schengen của Bulgaria và Romania bị tới 6 nước (Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ) phản đối vì để được tham gia khu vực này, các quốc gia phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn được quy định trong hiệp ước chung như quản lý chặt chẽ các biên giới bên ngoài, ưu tiên chống tội phạm xuyên biên giới, chia sẻ thông tin an ninh và hợp tác hiệu quả của lực lượng cảnh sát, biên phòng... Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 càng khiến hành trình vào Schengen của hai quốc gia này thêm khó khăn.

11 năm sau, cuối năm 2022, hy vọng của hai nước một lần nữa bị dập tắt bởi sự phản đối của Áo. Áo cho rằng nước này phải tiếp nhận số lượng người nhập cư bất hợp pháp quá lớn do biên giới bên ngoài Schengen được bảo vệ kém. Chỉ trong năm 2022, Áo đã phải tiếp nhận hơn 95.000 đơn xin tị nạn dù không phải là quốc gia giáp biển và cũng không nằm ở đường biên giới của Schengen. Theo thống kê, có khoảng 40% người di cư sau khi vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria và Romania tiếp đó đi qua Hungary rồi đến Áo...

Cho tới ngày 30/12/2023, 27 thành viên EU mới đạt thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tại biên giới trên không và trên biển với hai nước kể từ ngày 31/3/2024. Các cuộc đàm phán về việc mở cửa biên giới trên bộ và các biện pháp liên quan sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2024 và căn cứ các thủ tục đánh giá của Schengen khi Bulgaria và Romania đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết.

EC cho biết, từ tháng 12/2023, Bulgaria và Romania đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng suôn sẻ các quy định của Schengen kể từ ngày 31/3/2024. Các khung hợp tác được EC cùng Bulgaria và Romania đưa ra dựa trên việc thực hiện thành công các dự án thí điểm về thủ tục hồi hương và tị nạn một cách nhanh chóng. Hai nước sẽ góp phần tăng cường hợp tác về biên giới và di cư, các nỗ lực chung của châu Âu nhằm giải quyết an ninh EU ở các biên giới bên ngoài. Một sáng kiến của khu vực về hợp tác giữa các cơ quan an ninh đã được thành lập giữa các quốc gia thành viên dọc theo các tuyến đường Tây Balkan và Đông Địa Trung Hải, bao gồm Bulgaria, Romania, Áo, Hy Lạp, Hungary và Slovakia để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Hai nước đã thể hiện mức độ cam kết cao trong việc đảm bảo bảo vệ đầy đủ biên giới bên ngoài EU và đóng vai trò là những nước có đóng góp quan trọng cho an ninh nội bộ của khu vực Schengen. Đầu tháng 3/2024, Cơ quan biên giới Frontex của EU cho biết, sẽ tăng gấp 3 số lượng binh sĩ ở Bulgaria để giúp ngăn chặn lượng người vượt biên vào khối từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy, dù Romania và Bulgaria vẫn phải tiếp tục đàm phán với Áo về thỏa thuận gia nhập Schengen bằng đường bộ, song việc Áo thông qua quyết định cho phép hai quốc gia hưởng cơ chế đi lại tự do bằng đường biển và đường không được đánh giá là một bước đột phá, bởi Schengen bao trùm 29 quốc gia.

Cơ hội mới cho Romania và Bulgaria -0
Xe tải xếp hàng để vào điểm biên giới Vidin - Calafat giữa Bulgaria và Romania, tháng 3/2024.

Trong một tuyên bố, EC cho biết: "Việc mở rộng khu vực Schengen sẽ giúp EU trở nên mạnh mẽ hơn với tư cách liên minh, cả trong nội bộ và trên trường quốc tế". Còn Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi đây là "thời khắc lịch sử". "Hôm nay là một ngày đầy tự hào đối với Bulgaria và Romania... Cả hai đều xứng đáng. Họ sẽ làm cho Schengen mạnh mẽ hơn nữa".

Viết trên X (Twitter trước đây), Ngoại trưởng Romania Luminita Odobescu khẳng định: "Đây là thành quả quan trọng đối với người dân Romania. Chúng tôi cảm ơn tất cả các đối tác và tổ chức của EU đã hỗ trợ. Romania vẫn cam kết xây dựng một khu vực Schengen mạnh mẽ và an toàn". Tổng thống Romania Klaus Iohannis viết trên X rằng đây là "diễn biến quan trọng phục vụ lợi ích của người dân Romania".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bulgaria Mariya Gabriel khẳng định: "Ngày nay Schengen sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với Bulgaria và Romania".

Thách thức phía trước

Việc trở thành thành viên của Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Romania và Bulgaria khi các công dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại 29 quốc gia châu Âu. Hiện Quy định Schengen áp dụng cho 4 cảng biển và 17 sân bay của Romania, trong đó sân bay quốc tế ở Otopeni gần thủ đô Bucharest của Romania là trung tâm lớn nhất.

Tuy nhiên, việc Áo mới chỉ đồng ý mở cửa các tuyến đường hàng không và đường biển khiến doanh nghiệp của hai nước chưa được hưởng nhiều lợi ích của Schengen.

Chủ tịch Hiệp hội vốn công nghiệp Bulgaria (BICA) Vasil Velev nói: "Chỉ 3% hàng hóa Bulgaria được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, 97% còn lại đi bằng đường bộ. Vì vậy, chúng tôi mới chỉ được 3% trong khu vực Schengen, không biết khi nào sẽ được 97% còn lại".

Đầu tháng 3, Công đoàn vận tải UNTRR của Romania kêu gọi những "biện pháp khẩn cấp" để nước này có thể tham gia hoàn toàn vào Schengen. Theo UNTRR, tài xế xe tải phải đợi từ 8-16 tiếng ở biên giới của Romania với Hungary và chờ đợi từ 20-30 tiếng tại biên giới Bulgaria. Ngành công nghiệp xe hơi tại Romania, bao gồm các doanh nghiệp như Renault và Ford, cùng hàng trăm nhà cung cấp phụ tùng khác, cho rằng việc Romania nằm ngoài khu vực Schengen khiến ngành này thiệt hại khoảng 65,1 triệu USD/năm. Theo Tổng thư ký UNTRR Radu Dinescu, mỗi năm các hãng vận tải Romania mất hàng tỉ euro chỉ vì phải chờ đợi quá lâu ở biên giới.

Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Romania cho rằng: "Mỗi ngày, ngành công nghiệp của chúng tôi mất khoảng 180.000 euro vì chi phí hậu cần tăng thêm. Điều này tác động đến chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của chúng tôi. Không quốc gia nào trong khu vực Schengen gặp phải vấn đề này".

Vì vậy, Romania và Bulgaria đều hy vọng cuối năm 2024 sẽ được kết nạp hoàn toàn. Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu nói: "Những nỗ lực của chúng tôi nhằm gia nhập Schengen ở biên giới đất liền đang tiếp tục ở nhiều kênh ngoại giao. Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình này là không thể đảo ngược", đồng thời khẳng định, việc mở rộng biên giới đất liền phải được hoàn thành trong năm 2024.

Với việc Bulgaria và Romania gia nhập, khu vực Schengen hiện có 29 thành viên, bao gồm 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein; diện tích khu vực Schengen sẽ tăng lên 4,5 triệu km2 trong khi dân số tăng lên 450 triệu người.

Schengen cho phép người dân của các nước thành viên, người bên ngoài khối có quyền cư trú hợp pháp tại các nước thành viên và du khách được cấp visa Schengen di chuyển, đi lại tự do trong toàn bộ vùng lãnh thổ của các nước thành viên mà không phải chịu sự kiểm soát biên
giới giữa các nước trong khối Schengen.

Mỗi ngày có hàng triệu người đi làm và có hàng tỷ EURO giá trị hàng hóa vận chuyển xuyên qua biên giới các nước.

Ngọc Trang
.
.