Cơ chế và đạo đức

Thứ Năm, 28/07/2022, 10:44

Một loạt đại án ở ngành Y tế, Ngoại giao… gần đây khiến chúng ta hoảng hốt trước thực trạng đụng đến đâu cũng có sai phạm lớn. Và câu hỏi lại được đặt ra ở đây là: “Nguyên cớ nào để các sai phạm ấy xảy ra: do cơ chế hay do đạo đức cá nhân?”.

Chuyện khó nói của đạo đức

Các quan niệm phổ quát thường mô tả cuộc đấu tranh đạo đức như một cuộc xung đột nội tâm giữa bản thân có đạo đức cao hơn và một mặt tối chưa được thuần hóa.

Cách mà chúng ta thực hành đạo đức thường được tưởng tượng như là sự giằng xé giữa thiên thần và ác quỷ, cao hơn và thấp hơn, tinh thần và thể xác, thiện và ác, những đòi hỏi của lương tâm và cám dỗ của tội lỗi.

Cơ chế và đạo đức -0
Ảnh: L.G

Từ Plato đến Immanuel Kant, ý niệm này được diễn giải chung như một kiểu tranh đấu giữa những yêu cầu của bổn phận trước sự nguy hiểm của dục vọng. Phần lớn các lý thuyết đạo đức có xu hướng cho rằng có một câu trả lời tuyệt đối đúng về mặt đạo đức, về những gì con người ta phải làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ví dụ như nếu nói dối là sai trái, thì trong bất kỳ bối cảnh nào, nó cũng là sai trái.

Tuy nhiên, quan niệm quen thuộc này bỏ qua thực tế rằng, trong nhiều trường hợp, vấn đề không phải là làm thế nào để ghi đè lên hoặc bịt miệng mặt tối của một con người, mà là làm sao để đối phó với quá nhiều yêu cầu về mặt đạo đức đối với thời gian, năng lực và nguồn lực có hạn của bạn.

Anh vợ tôi là một bác sĩ tuyến tỉnh. Trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, anh cũng phải chứng kiến không ít đồng nghiệp bỏ việc, và cũng có ý định ra bệnh viện tư làm, nhưng không nỡ rời bỏ vị trí chống dịch, vì quá ám ảnh với những bệnh nhân đã qua đời. Anh cũng là một trường hợp may mắn: bố mẹ vợ tôi đã phải chu cấp rất nhiều trong thời gian anh tập trung chống dịch, không thể đi làm thêm, và chấp nhận vất vả với phần lương ít ỏi vài triệu đồng một tháng. Công việc thì tăng lên gấp đôi gấp ba, nhưng thu nhập thì giảm chỉ còn một phần ba.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh vợ tôi. Một năm trước, Bộ Y tế ra công văn khuyến cáo kỷ luật các y, bác sĩ bỏ việc, khi thực tế bắt đầu đi xa hơn các bài toán đạo đức đơn sơ. Tôi tin không có một y, bác sĩ nào muốn bỏ người bệnh, nhưng quan điểm đạo đức tuyệt đối, như đã nói, lung lay mạnh mẽ ở chỗ này: đây không phải là cuộc đấu tranh giữa phần sáng và phần tối trong con người các bác sĩ, mà đơn giản là vì nguồn lực trong họ, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, cũng có giới hạn. Và tất nhiên họ cũng phải cân nhắc dùng nó cho gia đình, cho bản thân, trước khi phân bổ tiếp cho công việc và xã hội.

Các diễn ngôn trong những văn bản về đạo đức công vụ của chúng ta thì chỉ nói về đạo đức theo quan niệm đơn giản: đấy là bổn phận phải làm  trong mọi hoàn cảnh. Nhưng cách đặt vấn đề kiểu này đã bỏ qua rằng bản thân nguồn lực của mỗi người là hữu hạn. Nói chuyện đạo đức thì đơn giản, nhưng thực hành nó là câu chuyện của bối cảnh.

Không gian của một cán bộ hiện tại có lẽ không phải môi trường quá lý tưởng để thúc đẩy các suy tưởng sâu sắc hơn chuyện cơm áo gạo tiền. Năm 2018, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng trong một lần họp về cải cách chính sách tiền lương đã nói thẳng thắn: “Bản thân tôi là bộ trưởng mà lương chỉ 11,69 triệu. Với mức lương này, tôi xin hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”.

Giờ bạn hãy thử tưởng tượng một bác sĩ làm việc ở bệnh viện công trong giai đoạn chống dịch, nếu theo lô-gích thông thường, không còn thời gian suy nghĩ về những chuyện quá sâu xa: công việc của họ quá hiểm nguy và vất vả, trong khi thu nhập đa số thì thấp đến không đủ trang trải cuộc sống bình thường. Cố gắng áp lăng kính tuyệt đối về đạo đức vào đây là bất khả thi.

Một loạt “đại án” thời gian qua ở Bộ Y tế (liên quan Việt Á) và Bộ Ngoại giao (các chuyến bay giải cứu trục lợi thời dịch bệnh), là sự chà đạp về mặt đạo đức. Trong đó có sự tha hóa của các cá nhân, nhưng những vụ này cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi: liệu sự tha hóa này có thể phòng ngừa được không, nếu không chỉ coi bài toán đạo đức đơn thuần là sự thất bại của ánh sáng trước bóng tối? Liệu những cú vấp ngã ở những vị trí cao này có phản ánh một sự băng hoại thật sự về đạo đức, trong khi vẫn có hàng ngàn y, bác sĩ vẫn đã và đang miệt mài cứu sống người bệnh mỗi ngày, trong những điều kiện rất hạn chế?

Vào một thời điểm nào đó, tôi cũng muốn đứng về phía ánh sáng - bóng tối để dễ dàng lên án những con người đã gây thất vọng về đạo đức, như là các lỗi cá nhân. Nhưng vào một thời điểm khác, khi trở thành người nhà của bệnh nhân và chứng kiến các y, bác sĩ phải giải bài toán đạo đức tuyệt đối kia với những nguồn lực tương đối đến mức khó tin, tôi lại tự đặt mình vào ho...

Lòng tin mất ở chỗ này, và sinh ra ở chỗ khác như vậy.

Phạm An

Không gian của liêm chính

“Cần, kiệm, liêm, chính” là bộ tứ khái niệm về đạo đức quan trọng từ thời lập quốc. Nhưng chúng đều là tính từ, và có sắc thái thay đổi theo hoàn cảnh.

Cơ chế và đạo đức -0
Ảnh: L.G

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” trên Tạp chí Học tập năm 1958, bối cảnh rất rõ ràng: chúng ta đang phải dồn toàn lực cho cuộc giải phóng đất nước, với bối cảnh kinh tế lạc hậu và sự hy sinh lợi ích cá nhân là tiên quyết.

Khi ấy, “kiệm” có thể là nhịn ăn nhịn mặc. Đó là thời đại mà cán bộ mặc quần áo vá được coi là “cái phúc của dân”. Một thời đại oanh liệt. Nó để lại những thành tựu mà đến hôm nay, lịch sử thế giới vẫn phải nghiêng mình thán phục. Nếu bạn đã đọc những cuốn sách, bài báo mà người Pháp và người Mỹ viết về những cuộc chiến của họ trên đất Đông Dương, dù không giấu được sự u uất vì thất trận, hiếm có một cuốn nào không dành thời lượng ca ngợi nghị lực của những nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Không ai có quyền nghi ngờ thời đại đó.

Nhưng rồi chúng ta bước vào một thời đại mà cán bộ mặc quần áo vá không thể được coi là cái phúc nữa. Mục tiêu chính trị đã thay đổi, con người và chất lượng cuộc sống giờ là trung tâm của cuộc phát triển. “Dân giàu” là mục tiêu xếp đầu tiên trong sứ mệnh xây dựng quốc gia.

Câu hỏi cần trả lời: “kiệm” bây giờ là gì? Bởi vì “cần, kiệm, liêm, chính” là bộ tứ liên quan mật thiết đến nhau. Nếu người ta xác định được giới hạn vật chất của mình, họ sẽ toàn tâm để “cần” (chăm chỉ cống hiến), họ sẽ không tham nhũng (liêm) và sống ngay thẳng (chính). Bởi vì vấn đề đạo đức của người cán bộ vẫn được nói liên tục, cùng với đòi hỏi “tự tu dưỡng”, nhưng nếu đòi hỏi họ sử dụng hệ thống giá trị cũ thì điều đó trở thành chuyện bất khả thi.

Câu hỏi cần trả lời: kiệm bây giờ có phải là ăn rau qua bữa, tự tăng gia sản xuất và mặc quần áo vá không?

Nếu câu trả lời là có, thì tu dưỡng đạo đức chính là việc luyện tập sống kham khổ theo hoàn cảnh. Với mức lương chừng hơn bốn triệu đồng cho viên chức mới đi làm, thêm chút phụ cấp, một gia đình hai vợ chồng và hai đứa con hoàn toàn có thể ăn rau và đậu ba mươi ngày một tháng, và một năm mua thêm chừng ba chiếc áo là khả thi. Nếu không có tiền đổ xăng, họ có thể đi xe đạp.

Nhưng nếu câu trả lời là không, và chắc chắn là không giữa thế kỷ 21 này, thì có một xung đột ghê gớm giữa đòi hỏi “tu dưỡng đạo đức” và “đảm bảo chất lượng sống”. Cán bộ các ngành y tế và giáo dục đang tìm nhiều cách để thoát khỏi hệ thống công. Những cuộc bỏ việc hàng loạt diễn ra tại các bệnh viện. Nhiều địa phương giờ lâm vào cảnh vừa thừa vừa thiếu, vì người làm được việc tìm mọi cách để chuyển sang khu vực tư nhân, còn người không làm được việc thì bám rịt lấy bầu sữa ngân sách. Họ phải rời bỏ tư cách “cán bộ” của mình, bởi ở khu vực tư nhân, “kiệm” tức là tiết kiệm 8 triệu mỗi tháng để trả góp xe hơi hoặc nhà chung cư, chứ không phải là mặc áo vá. Ở đó, “cần” được gọi là overtime và có tính thu nhập làm thêm giờ. Ở đó, “liêm” và “chính” có triển vọng được đảm bảo.

Nói ngắn gọn, là đạo đức phải có không gian vận hành của riêng nó. Nếu cương quyết sử dụng hệ thống giá trị cũ để điều chỉnh, với mặc định rằng người cán bộ nhà nước sẽ phải hy sinh lợi ích cá nhân để phụng sự, những lời kêu gọi tu dưỡng trở nên  không hiệu quả.

Năm 2014, tôi đến Tây Nguyên lần đầu. Ở đó, lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi nhận ra rằng mình mang định kiến thành thị nặng nề thế nào. Tôi tưởng rằng các bác sĩ sẽ hiển nhiên sống tốt: có một cơ chế bù đắp thỏa đáng cho họ để họ mưu sinh ở các bệnh viện công, gọi là “phong bì cảm ơn” của bệnh nhân. Nhưng hóa ra điều đó chỉ diễn ra ở các thành phố, nơi các bệnh nhân có tiền mà cho vào phong bì cảm ơn bác sĩ.

Ở Tây Nguyên, tôi bắt gặp những bác sĩ gùi vaccine đi lội bộ hàng chục cây số để thuyết phục đồng bào tiêm; những bác sĩ phải vật nài xin đồng bào khám chữa bệnh thay vì cúng bái; những bác sĩ cả đời không nhìn thấy cái phong bì, khi mà đồng bào còn chưa đủ ăn. Bệnh nhân của họ thậm chí còn không có tiền tự mua một viên thuốc cảm, chỉ trông chờ vào bảo hiểm xã hội của hộ nghèo.

Và giữa những con đường đất đỏ, trước cái bệnh xá trống hoác không có mấy trang thiết bị, với những người cán bộ y tế chỉ nhận phụ cấp hai mươi nghìn đồng một ngày trực, tôi đã có một mong muốn quái lạ: tôi ước gì họ được nhận phong bì.

Tôi tin nhiều người đứng trước những cán bộ y tế ấy, cũng vì lòng trắc ẩn, mà mong họ có ngày sống được bằng… phong bì. Vì chờ lương ngân sách, thì những người ấy phải “tu dưỡng” cái sự cần kiệm vượt quá sức tưởng tượng của con người ở thế kỷ 21 này.

Tôi nghĩ không ai trong xã hội đương đại thoải mái với việc người đang chữa bệnh cho mình chỉ nuôi con bằng hơn bốn triệu đồng mỗi tháng.

Chúng ta cần một định nghĩa mới, về cần kiệm liêm chính phù hợp với thực tiễn.

Đức Hoàng

Con người? Cơ chế? Hay do đâu?

Đại án ở ngành Y, với hàng loạt cá nhân ở các cơ quan CDC các địa phương dính chàm, lại cộng hưởng thêm bởi bê bối của ngành ngoại giao trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi đã cho dư luận một cảm nhận chung rằng dường như ở  Việt Nam hôm nay, đụng chỗ nào cũng thấy bộc lộ sai phạm. Các sai phạm đều là những hành vi cá nhân cả nhưng không ít người đang cho rằng lỗ hổng trong cơ chế, chính sách đã tạo ra sự thoái hóa, biến chất ấy.

Cơ chế và đạo đức -0
Ảnh: L.G

Rất nhiều lần, chúng ta đã từng nói với nhau về câu chuyện lương và thu nhập của cán bộ, viên chức nhà nước. Trong thước đo chung của đời sống xã hội, rõ ràng mức lương thấp đến thê thảm của viên chức nhà nước đủ để tạo ra một cái cớ cho các sai phạm, với biện minh là “không lách thì lấy gì mà sống?”. Và số lượng y, bác sỹ xin nghỉ việc sau dịch COVID-19 vừa rồi thực sự là một báo động dành cho chính sách đãi ngộ ở lĩnh vực công hiện thời. Khi mà cả nước gồng mình chống dịch bệnh, 100% lực lượng y tế không còn có thể có bất kỳ kẽ hở nào cho việc làm thêm để cải thiện thu nhập, họ mới nhận ra rằng tương quan quyền lợi - nghĩa vụ có chênh lệch quá lớn. Chênh lệch ấy lên tới đỉnh điểm khi một cá nhân buộc phải dồn hết thời gian cho nghĩa vụ công cộng mà phần thu nhập nhận về không đủ để đắp đổi một đời sống ổn định. Và ở thời khắc của nhận biết này, nhiều người trong số họ đi đến quyết định từ bỏ trách nhiệm ngõ hầu theo đuổi một đời sống cá nhân ít cơ hội thăng tiến hơn nhưng đảm bảo cân bằng giữa lao động và thụ hưởng hơn nhiều.

Rất nhiều ngành nghề đang trong hoàn cảnh chênh lệch giữa quyền lợi và trách nhiệm như thế. Vậy thì có chăng một thôi thúc “chấp nhận làm sai để lấy thêm các nguồn lợi cho bõ công sức mình” từ chính các nhận thức về chênh lệch kể trên hay không?

Nhiều người dễ dàng đi tới đáp án “Có tồn tại một thôi thúc như thế” để lý giải cho sự tha hóa của nhiều cá nhân trong bộ máy công. Nhưng thực tiễn, nếu nhìn vào lĩnh vực tư nhân, nơi có chế độ đãi ngộ, chính sách cũng như cơ chế sòng phẳng hơn giữa quyền lợi và trách nhiệm, chúng ta sẽ nhận thấy ngay cả ở một môi trường chuyên nghiệp và lý tưởng như thế cũng vẫn tồn tại sự tha hóa. Một ví dụ rất nhỏ là chuyện đã, đang và vẫn xảy ra ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (Hoa Kỳ) với thâm niên hoạt động ở Việt Nam cũng đã hơn hai thập niên. Nhân viên của công ty ấy trẻ trung, năng động, hiện đại và có mức lương thấp nhất cũng trên 2.000 USD/tháng. Đó là còn chưa kể thưởng, với mức thưởng thường niên thường thấp nhất cũng bằng 4 tháng lương. Vậy mà vẫn có những nhân viên “tham nhũng” vặt, sách nhiễu nhà thầu để nhận các lợi lộc lót tay. Thậm chí,  theo thông tin của chính những cá nhân uy tín trong hãng cung cấp, có những nhân viên còn định kỳ thứ sáu hàng tuần tổ chức ăn chơi xa xỉ và gọi các nhà thầu ra “giải quyết hóa đơn” mặc dù họ đã nhận được phần trăm lợi lộc trên từng hợp đồng ký kết với các nhà thầu đó. Và câu chuyện của các nhân viên hãng này không phải là cá biệt. Ở lĩnh vực tư nhân, tình trạng tha hóa phổ biến không thua gì tha hóa ở lĩnh vực công.

Vậy thì có còn là nguyên do đến từ cơ chế, chính sách hay không? Nguyên nhân đạo đức cá nhân có nên được kể vào đó? Và ngoài ra, còn nguyên nhân nào khác nữa?

Đạo đức cá nhân thực tế là một phạm trù rộng, phức tạp và khó có thể nào được bàn cho rốt ráo, đặc biệt là khi tập trung khu biệt vào sự tha hóa trong một hệ thống. Bản thân vấn đề đức tin, truyền thống gia đình cũng đã có thể tạo ra sự tranh cãi về chuyện xuất thân của một cá nhân từ một bối cảnh đức tin và gia đình cụ thể có thể khiến cá nhân ấy chống lại sự tha hóa hay không rồi. Vượt trên nữa là khát vọng tập thể, mục tiêu tập thể với sự hình thành tiêu chuẩn cả cộng đồng. Nhiều người trong chúng ta đều thừa nhận rằng con người ở các thập niên xưa cũ ít tha hóa hơn hôm nay, cho dù đó là giai đoạn vất vả nhất, khổ sở nhất, nguy hiểm nhất như giai đoạn chiến tranh. Thực tế, đó là lúc cả dân tộc chung 1 khát vọng, chung 1 mục tiêu và việc mỗi người đều hướng đến mục tiêu chung ấy, họ sẵn sàng dám hy sinh cái riêng tư  của chính mình. Nhiều người dám hy sinh cái riêng tư đã tạo ra một tiêu chuẩn cộng đồng không thành văn nhưng có sức chi phối mạnh hơn cả pháp luật. Còn thời hiện đại này thì sao? Khát vọng chung của người Việt là gì? Mục tiêu chung của người Việt là gì? Chưa ai nêu bật chúng lên thành một thứ mang tính phổ cập, được lý tưởng hóa dẫn tới lý tín hóa và đủ tạo ra những tiêu chuẩn hành xử chung nhất chống lại sự tha hoá cá nhân.

Dĩ nhiên, mỗi thời mỗi khác và giữa thời bình, việc tạo ra một mục tiêu, một khát vọng chung là khó khăn hơn giữa thời chiến rất nhiều. Tuy nhiên, để chống lại sự tha hóa, chúng ta cần công cụ để kiểm soát nó bằng việc giám sát từng cá nhân. Công cụ ấy là thuế, là các minh bạch kê khai thu chi cá nhân, là số hóa quản trị hành chính với các dữ liệu cá nhân được tập hợp đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ giám sát để từ đó hình thành một ý thức biết sợ phạm pháp và tự thân chống lại cám dỗ tha hoá trong mỗi con người.

Do cơ chế? Cũng hơi đúng. Do cá nhân? Cũng không sai. Nhưng cũng nên nhìn nhận sâu và rộng hơn để thấy rằng do chính cả sự chưa hoàn thiện của một xã hội thực ra còn khá mới mẻ trong việc nhập cuộc với thời đại. Bằng cách tiếp tục hoàn thiện, như là việc tạo ra các công cụ kiểm tra, giám sát chẳng hạn, có thể chúng ta sẽ có được những thế hệ tiếp nối có ý thức duy trì chuẩn mực đạo đức tốt hơn. Và khi ấy, chính các cá nhân tiến bộ sẽ tạo nên áp lực đòi hỏi để chính sách, cơ chế cũng phải điều chỉnh để những người có ý thức đạo đức phải nhận được quyền lợi tương xứng với nghĩa vụ mà họ đã thực hiện. Tất cả đòi hỏi dịch chuyển đồng bộ của cả cơ chế, cá nhân lẫn chính sách, thậm chí là cả thể chế. Chỉ có dịch chuyển đồng bộ mới tạo nên sự tiến bộ, biến chuyển thực sự.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.