Chương trình tàu ngầm của Mỹ gặp trục trặc
Chương trình tàu ngầm mới lớp Columbia của Hải quân Mỹ từng được ca ngợi với nhiều mỹ từ đang bị chậm trễ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới khả năng răn đe hạt nhân cũng như cán cân quân sự của Mỹ với các đối thủ tiềm năng.
Tầm quan trọng và mục tiêu
Tháng 1/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo chương trình đóng mới tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo mới lớp Columbia của mình đã được quốc hội thông qua ngân sách và chính thức triển khai. Chương trình tàu ngầm lớp Columbia dự kiến sẽ cung cấp 12 tàu ngầm tiên tiến với công nghệ tàng hình, có khả năng mang tên lửa đạn đạo Trident II D5 mang đầu đạn hạt nhân, thay thế các tàu lớp Ohio vốn là xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ kể từ những năm 1980.
Mỗi tàu ngầm được thiết kế để tuần tra trong thời gian dài dưới nước, cung cấp khả năng tấn công thứ hai trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân. Theo ước tính của Hải quân Mỹ, chương trình lớp Columbia có thể tiêu tốn hơn 120 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những dự án quốc phòng tốn kém nhất trong lịch sử. Do tầm quan trọng chiến lược của nó, con tàu đầu tiên ban đầu được lên kế hoạch hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, thông tin dự án đã phải đối mặt với sự chậm trễ có thể đẩy lùi đáng kể mốc thời gian này đã khiến các cơ quan chức năng Mỹ phải mở những cuộc điều tra liên tiếp trong thời gian qua.
Tháng 9/2024, Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) đã công bố một báo cáo cho biết chương trình tàu lớp Columbia đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm sự chậm trễ, chi phí vượt mức và rủi ro về hiệu suất gây ảnh hưởng đến tiến độ. Theo báo cáo của GAO, tàu Columbia đầu tiên được đánh số 826 ban đầu được lên kế hoạch bàn giao vào tháng 4/2027, nhưng hiện dự kiến sẽ giao vào khoảng tháng 10/2028 đến tháng 2/2029, làm ảnh hưởng đến thời điểm đưa vào hoạt động theo kế hoạch.
Giải thích nguyên nhân gây ra sự chậm trễ, báo cáo của GAO có nhắc đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 như một lý do khách quan. Những nguyên nhân chủ quan khác như thiếu hụt lao động do quá ít nhân sự có kinh nghiệm để làm việc trong dự án phức tạp, quản lý ngân sách kém đến từ Electric Boat (nhà thầu của dự án Columbia) cũng góp phần khiến dự án đang bị đội chi phí lên ít nhất 20% so với kế hoạch ban đầu.
Báo cáo khác đến từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hôm 30/9 còn cụ thể hơn khi cho biết sự chậm trễ trong việc xây dựng tàu ngầm lớp Columbia xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm khó khăn trong việc lắp ráp các mô-đun của tàu, đặc biệt là các thành phần quan trọng như máy phát điện tua-bin và vòm mũi tàu. Điều đó cho thấy, những thách thức về mặt kỹ thuật đang trở thành một cản trở lớn đối với tiến độ dự án.
Theo kế hoạch, Columbia có hệ thống động cơ tiên tiến, khả năng tàng hình và khả năng phóng liên tiếp 2 tên lửa đạn đạo trong thời gian ngắn, nhưng dường như những yếu tố kỹ thuật đang chưa đáp ứng được mong muốn của phía Hải quân. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia và tương lai năng lực chiến lược của Hải quân Mỹ.
Rủi ro đi kèm
Trong biên chế của Hải quân Mỹ hiện tại thì những chiếc tàu ngầm lớp Ohio đang là xương sống. Tuy nhiên, hạm đội tàu lớp Ohio được đưa vào sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước đang già đi nhanh chóng. Ban đầu, tàu lớp Ohio được thiết kế để hoạt động trong 30 năm, chúng đã được gia hạn lên 42 năm, nhưng việc gia hạn này mang lại rủi ro. Các tàu ngầm cũ hơn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật, đòi hỏi bảo dưỡng thường xuyên hơn, làm giảm độ tin cậy và tăng chi phí vận hành.
Nếu các tàu lớp Columbia chưa sẵn sàng vào thời điểm các tàu lớp Ohio ngừng hoạt động, Mỹ sẽ phải đối mặt với một lỗ hổng nghiêm trọng trong khả năng răn đe hạt nhân trên biển của mình. Khả năng triển khai tàu ngầm hạt nhân có khả năng tấn công đánh trả là rất quan trọng để răn đe các đối thủ tiềm năng, các chuyên gia khẳng định bất kỳ lỗ hổng nào trong khả năng này đều có thể khiến các đối thủ trở nên táo bạo hơn, làm tăng khả năng xảy ra xung đột.
Trên bình diện toàn cầu, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình. Nga và Trung Quốc đang nhanh chóng thúc đẩy năng lực hải quân, đặc biệt là trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Sự chậm trễ trong chương trình lớp Columbia có thể mang lại cho các quốc gia này một lợi thế, khi họ đẩy nhanh các chương trình chiến lược của riêng mình.
Theo báo cáo năm 2023 của CRS, Trung Quốc dự kiến sẽ có hơn 12 tàu ngầm có khả năng hạt nhân vào năm 2035, con số tương đương với Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Một điểm đáng chú ý khác của các “siêu dự án” là sự chậm trễ thường đi kèm với chi phí cao hơn. Chương trình lớp Columbia cũng không ngoại lệ. Mỗi năm chậm trễ sẽ làm tăng thêm hàng tỷ USD vào tổng chi phí, vì chi phí nhân công và vật liệu tiếp tục tăng. Những khoản chi vượt mức này có thể buộc quân đội Mỹ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như cắt giảm kinh phí từ các dự án quan trọng khác.
Các chuyên gia quân sự và chính trị gia đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng của chương trình tàu lớp Columbia. Đô đốc Michael Gilday, Tổng tham mưu trưởng Hải quân, đã cảnh báo rằng sự chậm trễ đang tạo ra "rủi ro không thể chấp nhận được" đối với an ninh quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng “nếu không có hành động kịp thời, Hải quân có thể thấy mình không thể đáp ứng các cam kết với đất nước”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker, một thành viên chủ chốt của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã chỉ trích việc quản lý chương trình: "Chúng ta đang hết thời gian. Đối thủ của chúng ta không chờ đợi, và mọi sự chậm trễ đều làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta". Ông cùng với các nhà lập pháp khác đã kêu gọi xem xét khẩn cấp chương trình để xác định các cách đẩy nhanh việc xây dựng và giải quyết các vấn đề ngân sách.
Nỗ lực thay đổi
Các chuyên gia trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng cũng lưu ý rằng chương trình tàu lớp Columbia không phải là sáng kiến quốc phòng lớn đầu tiên phải đối mặt với những trở ngại như vậy. Ông Mackenzie Eaglen, chuyên gia chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: “Các chương trình quốc phòng lớn và phức tạp như thế này thường gặp phải sự chậm trễ do quy mô lớn và những đổi mới công nghệ liên quan. Tuy nhiên, chương trình tàu lớp Columbia quá quan trọng để có thể thất bại và Hải quân cần đảm bảo đáp ứng được thời hạn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đưa thêm nhà thầu vào hoặc cắt giảm thủ tục hành chính quan liêu”.
Trước những báo cáo gây nhiều lo ngại vừa qua, Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ đã phải đưa ra những giải pháp mạnh mẽ. Quốc hội sẽ phê duyệt thêm nguồn tài trợ để trang trải chi phí vượt mức và giải quyết tình trạng tồn đọng vật liệu. Một số nhà lập pháp đã bày tỏ mong muốn cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho dự án Colombia, bất chấp cuộc tranh luận về chi tiêu quốc phòng vẫn còn gây tranh cãi.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Hải quân và nhà thầu Electric Boat đã đưa ra các sáng kiến tuyển dụng và đào tạo thêm nhiều công nhân. Những nỗ lực này bao gồm quan hệ đối tác với các trường dạy nghề và cao đẳng cộng đồng để thu hút nhân tài trẻ vào ngành đóng tàu. Bộ Quốc phòng cũng đã bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp trong nước để giảm sự phụ thuộc vào vật liệu nước ngoài và đảm bảo nguồn cung ổn định các thành phần quan trọng. Đồng thời các chuyên gia cũng kêu gọi cải cách quân đội Mỹ trong việc quản lý các dự án quốc phòng lớn, bao gồm giám sát chặt chẽ hơn và quy trình ra quyết định hợp lý hơn.
Sự chậm trễ của chương trình tàu ngầm lớp Columbia đang gây thất vọng, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các giới chức Mỹ. Là nền tảng của khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, những chiếc tàu ngầm này rất cần thiết để duy trì sự ổn định chiến lược trong một thế giới ngày càng bất ổn. Mặc dù những thách thức là rất lớn, nhưng thất bại chắc chắn không phải là một lựa chọn của Mỹ vào lúc này.