Chúng ta sẵn sàng đối phó với thiên tai?
Nhiều ngày qua, có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người dân trên thế giới dành sự quan tâm đặc biệt đến các thông tin liên quan đến trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Lịch sử của hai quốc gia này, những người dân của hai quốc gia này còn sống sót đến hôm nay chắc chắn sẽ khắc sâu ký ức về ngày 6/2/2023.
Trận động đất lên tới 7,8 độ Richter, xảy ra vào giữa đêm, khi gần như mọi người đều chìm sâu trong giấc ngủ, không còn mấy ai còn tỉnh táo để nhận biết ra nó và trốn chạy khỏi nó. Mà dẫu có nhận biết được, có muốn trốn chạy thì cũng là điều không thể. Còn những người đang say sưa trong giấc ngủ, nhiều người đã không bao giờ có thể còn tỉnh lại.
Thậm chí, thân xác những con người xấu số ấy có khi vẫn còn vùi lấp đâu đó dưới đống đổ nát hoang tàn, mà còn phải rất nhiều ngày nữa lực lượng chức năng mới có thể dọn dẹp, tìm kiếm được tương đối đầy đủ. Cuộc “tập kích bất ngờ” trong đêm của trận động đất đã khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh chia lìa, tang tóc.
Mới đây, ngày 28/2, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã công bố những thiệt hại về người và của do thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Kết quả thống kê sơ bộ cho thấy: sau 3 tuần xảy ra thảm họa ít nhất 50.000 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, hàng chục ngàn người khác vẫn mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Ông Martin Griffiths cũng cho biết: “Những đánh giá ban đầu cho thấy 5 triệu người ở Syria cần nơi trú ẩn cơ bản và hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Ở nhiều khu vực, 4 đến 5 gia đình chen chúc trong lều, không có cơ sở vật chất đặc biệt dành cho người già, người mắc bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật”. Thế nhưng thảm họa sau động đất vẫn chưa dừng ở đó. Bởi vẫn còn hàng trăm tòa nhà ở cả hai quốc gia đã và đang bị sụt lún, rạn nứt, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì lý do an toàn, người dân đã buộc phải rời bỏ ngôi nhà của mình để chuyển đến sống tạm bợ trong các lều trại. Bởi với cách ấy họ mới mong cứu giữ được tính mạng của bản thân.
Trước đó một ngày, báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 27/2 đánh giá nhanh về thiệt hại của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số giật mình: mức thiệt hại về vật chất trực tiếp ước tính 34,2 tỉ USD, tương đương 4% GDP năm 2021 của quốc gia này. Để phục hồi và tái thiết đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đầu tư một khoản chi phí lớn, ước tính nhiều gấp đôi mức thiệt hại đã xảy ra.
Không ai dám chắc cần bao lâu mới khắc phục được hậu quả của trận động đất; cần chính xác mất bao nhiêu thời gian để những phố xá, nhà cửa, bệnh viện, trường học,… mới được xây dựng xong và cuộc sống của người dân dần đi vào nề nếp? Nhưng dù sao thời gian đó còn có thể ước tính được bằng ngày, bằng tháng, bằng năm cụ thể vì các chuyên gia còn định lượng được. Nhưng thời gian để lòng người nguôi ngoai, để những nỗi đau lắng lại, những vết thương không còn nhoi nhói, thổn thức, thì chắc chắn sẽ còn phải rất lâu, rất lâu nữa…
Chẳng ai có thể lường được sự bất trắc của thiên tai. Và khi nó đã xảy ra thì chúng ta phải học cách chống chọi với nó, chung sống với nó.
Mỗi ngày trôi qua, không hiểu sao tôi luôn bị ám ảnh mãi bởi thông tin về những người mất tích sau trận động đất, đến lúc này vẫn chưa được tìm thấy. Họ may mắn còn sống, dạt vào một góc đổ nát nào đó, cầm cự sống tiếp qua ngày? Hay viết tiếp tên mình vào danh sách những người đã chết? Trong thảm họa khủng khiếp này, quyền được sống của con người bỗng trở nên quá đỗi chật vật, mong manh. Rồi có khi người ta phải trông chờ đến những phép lạ mới có thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Niềm hãnh diện về sức mạnh về quyền lực của thế giới loài người khi phải đọ sức với cơn thịnh nộ của thiên nhiên bỗng trở nên nhỏ bé vô cùng.
Những người may mắn được sống sót sau thảm họa động đất, thì khó khăn bây giờ mới thực sự bắt đầu. Mất người thân. Mất nhà cửa. Họ chỉ còn bên mình những tài sản tối thiểu. Tôi đã đọc bài báo về chiếc xe buýt đã trở thành nơi trú ẩn bất đắc dĩ của hơn 80 con người, bao gồm cả già trẻ, gái trai mà cay xè mắt. Chẳng ai nghĩ rằng chiếc xe vốn chuyên dùng để đưa đón công nhân trong khu vực đi làm bỗng trở thành căn nhà mới tạm thời của nhiều gia đình. Trong cảnh sống thiếu thốn, tạm bợ ấy, không ít người ngay cả những bữa ăn hàng ngày cũng phải trông chờ vào sự viện trợ của các tổ chức nhân đạo.
Để bắt đầu tái thiết lại cuộc sống mới ở nơi thiên tai vừa xảy ra, có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều thứ phải cần đến, không chỉ đơn thuần là những bữa ăn để duy trì sự sống qua ngày hay chăm lo thuốc men cho những người bị thương tích, ngăn chặn dịch bệnh có thể bị bùng phát... Đây là một trong rất nhiều những thông tin mới được công bố liên quan đến kế hoạch tái thiết ở Thổ Nhĩ Kỳ: Theo kế hoạch, quốc gia này sẽ xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà với kinh phí ít nhất 15 tỷ USD. Còn theo chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ước tính, động đất khiến 1,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ không có nhà ở và cần phải xây mới ít nhất 500.000 ngôi nhà.
Khó khăn bộn bề. Và những khó khăn ấy, giờ đây không chỉ là câu chuyện của riêng Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria, hay công việc mang tính sự vụ của Liên hợp quốc với ý nghĩa là “một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung”. Nó là vấn đề của tất cả chúng ta, của cả thế giới. Bởi nếu nói thế giới là mái nhà chung, thì giờ đây, để gìn giữ sự toàn vẹn, vững chắc của mái nhà ấy, cần có sự chung tay của mọi người. Chúng ta không thể thờ ơ khi có những đồng loại của mình đang lao đao, khốn khó, không nhà cửa, mất người thân. Điều ấy giúp lý giải vì sao nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã gửi lực lượng cứu hộ, viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất.
Từ thảm họa thiên tai vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là: liệu chúng ta đã sẵn sàng đối phó với những thảm họa tương tự như vậy trong tương lai? Thiên tai luôn vô cùng khó lường và có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào.
Nhất là trong bối cảnh khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp như hiện nay. Là một quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất do vị trí nằm trên Vành đai lửa của Thái Bình Dương, nơi hội tụ các lớp kiến tạo địa chất và có các hoạt động địa chất dày đặc, Indonesia mới đây cũng đã hứng chịu trận động đất có độ lớn 5,3 vào ngày 14/2, khiến tỉnh Sulawesi của nước này bị rung chuyển.
Các nhà nghiên cứu Indonesia đã đưa ra cảnh báo về hoạt động địa chấn cường độ cao ở bờ biển phía nam tỉnh Tây Java và phần đông nam đảo Sumatra có thể gây ra siêu động đất có độ lớn tới 8,9 độ ở Indonesia, kéo theo đợt sóng thần cao tới 34 mét quét qua 2 đảo Java và Sumatra.
Nếu điều này xảy ra, mức độ tàn phá có thể tương tự trận động đất, sóng thần ở tỉnh Aceh năm 2004. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không dự báo được mốc thời gian cụ thể của thảm họa tiềm ẩn này. Từ bài học rút ra sau thảm họa động đất vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng đối với các trận động đất tiềm tàng tại quốc gia này.
Việc cảnh báo này cần thiết phải được tiến hành trên toàn cầu, với sự vào cuộc chính phủ các quốc gia, các cơ quan chuyên trách, các nhà khoa học,… Và đương nhiên, mỗi người dân cũng cần ý thức sâu sắc về những thảm họa thiên nhiên đang tiềm ẩn. Để nhắc nhở mình, cảnh báo mình. Để có ý thức giữ gìn sự sống của chính mình bằng những việc làm cụ thể, có trách nhiệm. Chỉ bằng cách ấy, những mất mát, tổn thất nếu có khi thiên tai xảy ra mới có thể được giảm nhẹ đi phần nào.