Chơi với lửa

Thứ Bảy, 13/08/2022, 18:47

Cần thấy rõ một điều là sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về chuyến công du châu Á của bà Pelosi có khả năng sẽ tới Đài Loan, Trung Quốc đã phản ứng cực kỳ quyết liệt. Cựu Tổng Biên tập Hoàn Cầu thời báo, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc quản lý – ông Hồ Tích Tiến thậm chí đã đăng một bài trên Twitter thẳng thừng dọa rằng nếu bà Pelosi thăm Đài Loan với sự hộ tống của tiêm kích Mỹ thì Trung Quốc coi đó “là một cuộc xâm lược”.

Vẫn đùa với lửa

Sau rất nhiều hồi hộp chờ đợi và cả căng thẳng, cuối cùng thì chuyến bay mang số hiệu SPAR19 - Boeing C-40C (do không quân Mỹ vận hành) chở bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc vào ban đêm. Trong ánh sáng ban đêm nhập nhoạng, bà Pelosi, được các nhân viên an ninh bao quanh, vẫy tay chào những người ra đón, trong khi các hãng thông tấn quốc tế liên tục cập nhật thông tin từng phút chuyến thăm của quan chức thứ ba trong bộ máy nhà nước Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc).

Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong vòng 25 năn qua kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đến đây năm 1997.

Điều đáng lưu ý là trước đấy, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ra tuyên bố xác nhận bà Pelosi dẫn đầu một phái đoàn gồm 6 nghị sĩ, tất cả đều thuộc đảng Dân chủ, đến thăm một số quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các điểm dừng chân ở Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong danh sách các điểm dừng không có Đài Loan.

Vậy nhưng cuối cùng bà Pelosi, được biết là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, vẫn tới Đài Loan và có cuộc gặp với người đứng đầu chính quyền tại đây - bà Thái Anh Văn.

Chơi với lửa -0
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 1-8, trong chuyến công du châu Á của bà, trước khi tới Đài Loan.

Cần thấy rõ một điều là sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về chuyến công du châu Á của bà Pelosi có khả năng sẽ tới Đài Loan, Trung Quốc đã phản ứng cực kỳ quyết liệt. Cựu Tổng Biên tập Hoàn Cầu thời báo, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc quản lý – ông Hồ Tích Tiến thậm chí đã đăng một bài trên Twitter thẳng thừng dọa rằng nếu bà Pelosi thăm Đài Loan với sự hộ tống của tiêm kích Mỹ thì Trung Quốc coi đó “là một cuộc xâm lược”. Khi đó, theo ông Hồ Tích Tiến, Trung Quốc có thể tiến hành các biện pháp cực đoan như bắn cảnh cáo hay thực hiện các hoạt động chiến thuật để cản trở và nếu các biện pháp đó không có hiệu quả thì sẽ “bắn hạ” các máy bay Mỹ! Ở tầm mức thượng đỉnh, Trung Quốc cũng thể hiện sự quyết đoán đáng ngạc nhiên trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ hôm 28-7 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm này, ông Tập làm rõ quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan, nhấn mạnh rằng trong vấn đề Đài Loan, Mỹ “đừng đùa với lửa” vì có khả năng sẽ bị bỏng tay!

Ấy vậy mà Mỹ, ở đây là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, vẫn “đùa với lửa”.

Tác dụng không ai ngờ của COVID-19

Cần nhớ rằng, hồi tháng 4 vừa qua, truyền thông Nhật Bản và Đài Loan từng loan tin rằng bà Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Bắc sau chuyến thăm Nhật Bản; khi ấy, Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, một nhà ngoại giao theo đường lối “chiến lang” tuyên bố: “Mỹ phải hủy bỏ chuyến thăm của bà Pelosi ngay lập tức” và “Chúng tôi sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của mình”. Vài giờ sau tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn của bà Pelosi tuyên bố bà đã bị dương tính với COVID-19 và mặc dù sức khỏe vẫn ổn định nhưng chuyến công du bị hoãn lại. Con virus COVID19, dù vô tình hay hữu ý hồi tháng 4-2022 đã hóa giải một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong quan hệ Trung-Mỹ.

Lần này, thông tin về khả năng bà Pelosi thăm Đài Loan do các phương tiện truyền thông quốc tế đưa ra hết sức hỗn loạn. Mỹ không bác bỏ những thông tin này nhưng lại khéo léo cung cấp cho các hãng thông tấn lớn trên thế giới những chi tiết nhạy cảm (luôn trích từ các nguồn giấu tên), chẳng hạn Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị các kế hoạch an ninh để giữ an toàn cho bà Pelosi trong trường hợp bà thăm Đài Loan; các kế hoạch có thể liên quan đến việc cử máy bay chiến đấu, tàu giám sát để bảo vệ bà Pelosi trên các chuyến bay đến và đi khỏi Đài Loan, cũng như đảm bảo an toàn cho bà trong suốt thời gian ở Đài Loan...

Bản thân bà Pelosi, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm Đài Loan, cũng mập mờ: "Tôi không bao giờ nói về chuyến đi của mình. Đó là một mối nguy hiểm cho tôi".

“Lách luật”

Liệu chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ ở thời điểm này có phải ngẫu nhiên trùng hợp với cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tháng thứ sáu? Mỹ, tuy không trực tiếp tham chiến tại Ukraine để tránh nguy cơ leo thang căng thẳng nhưng là đối tác tích cực nhất trong việc bơm vũ khí để cuộc xung đột kéo càng dài càng tốt.

Trong khi Mỹ đang nỗ lực hết sức để tạo lập những liên minh nhằm cô lập Nga thì Trung Quốc lại đang có dấu hiệu nghiêng về phía Nga trong cuộc xung đột này. Ngay cả trong trường hợp bề ngoài luôn tuyên bố mong muốn cuộc chiến sớm kết thúc, thế nhưng chỉ cần Bắc Kinh âm thầm mua dầu khí của Nga cũng đã đủ để những nỗ lực của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm trừng phạt Moscow tan thành mây khói.

Bởi thế, không loại trừ chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra đúng vào thời điểm này được xem như một con bài để Mỹ “mặc cả” về thái độ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Liệu con bài mặc cả đó của Mỹ có thu được kết quả gì trong hậu trường hay không thì chưa rõ nhưng Đài Loan luôn hiện diện trong mối quan hệ Trung - Mỹ và Washington sẵn sàng sử dụng chiêu “Đài Loan tách rời khỏi Trung Quốc lục địa vô thời hạn” để gây sức ép lên Bắc Kinh.

Với Đài Loan, Mỹ thực hiện một chiến lược mơ hồ, một mặt không ủng hộ Đài Loan độc lập, thế nhưng mặt khác luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng, kêu gọi Trung Quốc không có hành động gây bất ổn đối với Đài Loan.

Chẳng phải vô cớ mà đến thăm Đài Loan vào thời điểm này lại là Chủ tịch Hạ viện, người đứng đầu nhánh lập pháp trong hệ thống chính trị của Mỹ. Các quan chức Mỹ, kể cả ở cấp cao nhất, nhiều lần khẳng định rằng trong hệ thống phân chia quyền lực ở Mỹ, nhánh hành pháp, bao gồm cả tổng thống, cho dù có muốn phản đối, cũng không thể can thiệp vào chuyến thăm của người đứng đầu nhánh lập pháp.

Có nghĩa là mặc dù Mỹ vẫn cam kết thực chực hiện chính sách “một Trung Quốc” nhưng không thể ngăn được bà Pelosi muốn đi thăm vùng đất mà lâu nay Trung Quốc vẫn coi là không thể tách rời khỏi lục địa.

Một phương thức “lách luật” đầy khéo léo.

Quân tử  mười năm...

Ngay sau khi máy bay chở bà Pelosi hạ cánh ở Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chuyến đi này là "hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng" và "kiên quyết phản đối".

"Tất cả những hậu quả phát sinh từ hành động này phải do phía Mỹ và các thế lực ly khai gánh chịu", Bloomberg dẫn lời cơ quan này.

Dường như cả hai bên, dù thận trọng, đều đang đùa với lửa. Khi bà Pelosi thực hiện chuyến thăm Đài Loan, hàng chục máy bay của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ phía Tây Nam Đài Loan (Trung Quốc). Không biết có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay như một phản ứng được lựa chọn, hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc rời căn cứ. Trong lúc ấy, nhóm tác chiến do tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dẫn đầu cũng áp sát Đài Loan. Quân đội Trung Quốc đồng thời tuyên bố tập trận bắn đạn thật tại 6 vùng biển và bầu trời xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 đến 7-8. Bắc Kinh cảnh báo các máy bay và tàu dân sự không đi vào khu vực tập trận.

Phía Trung Quốc thừa hiểu sở dĩ vấn đề Đài Loan được khuấy động lên bắt nguồn từ sự thay đổi cơ bản trong quan điểm và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc từ nhiều năm trước đây. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống J.Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng việc Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính và thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất đã khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Như một hệ quả dây chuyền, sự thay đổi trong quan điểm và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Mỹ tiếp tục tăng cường bán vũ khí, đào tạo, huấn luyện quân sự cho Đài Loan, tổ chức cho các quan chức và nghị sĩ đi thăm Đài Loan (mà chuyến đi của bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi nằm trong khuôn khổ đó), khuyến khích các đồng minh “sửa đổi tên gọi” các cơ sở nước ngoài của Đài Loan, nỗ lực mở rộng không gian để Đài Loan tham gia hoạt động quốc tế, điều động các máy bay chiến đấu, máy bay thu thập thông tin tình báo và cho các hạm đội tàu chiến thường xuyên hoạt động ở eo biển Đài Loan.

Trước những động thái từ phía Mỹ, một mặt chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày càng mang tính răn đe hơn, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục duy trì chính sách kiên trì chiến lược với Đài Loan. Việc Trung Quốc tuyên bố tập trận sau khi bà Pelosi rời đi rõ ràng là một lựa chọn thận trọng. Người Trung Quốc có câu: quân tử trả thù mười năm chưa muộn!

Yên Ba
.
.