Chiến sự mùa đông

Thứ Hai, 12/12/2022, 14:55

Không khó để nhận ra ý định của Tổng thống Ukraine muốn kéo phương Tây tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Nếu Ukraine thuyết phục được NATO rằng đó là vụ phóng tên lửa của Nga thì có khả năng NATO sẽ thiết lập vùng cấm bay ở miền Tây Ukraine, từ đó bảo đảm cho Ukraine tuyến tiếp tế an toàn từ phương Tây, đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trước các cuộc không kích của Nga...

Nguy cơ lan sang nước thứ ba

Đến đầu tháng 12, theo ước tính của Reuters, cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã gây ra tổn thất chung với khoảng 41.300 người chết, bị thương 53.600 người, mất tích 15.000 người. Số người phải di dời do chiến sự vào khoảng 14 triệu, số tòa nhà bị phá hủy ít nhất là 140.000, tổng thiệt hại về tài sản vào khoảng 350 tỷ USD.

Những con số vô hồn phản ảnh một thực tại thảm khốc của chiến tranh.

Trong khi đó, mối quan ngại về khả năng chiến sự lan sang các nước lân cận với Ukraine đang tăng dần. Ngày cuối tháng 11, Bộ Nội vụ Moldova thông báo một tên lửa hành trình Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ đã rơi xuống ngôi làng Naslavcea ở phía Bắc nước này, gần biên giới với Ukraine. "Không có thương vong trong sự việc, nhưng nhiều ngôi nhà đã bị vỡ cửa sổ", thông cáo của Bộ Nội vụ Moldova có đoạn viết.

Trước đó, vào trung tuần tháng 11, một quả tên lửa đã rơi xuống nhà kho ở làng Przewodow miền Đông Ba Lan, gần biên giới Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy mảnh vỡ là của tên lửa phòng không S-300 mà hệ thống phòng không Ukraine đang dùng. Nhưng khi ấy, Tổng thống Ukraine đã một mực cho rằng đó là tên lửa do phía Nga phóng. Ông Volodymyr Zelensky gọi đó là "cuộc tấn công của Nga vào an ninh chung" của NATO và trong một tuyên bố video, ông Zelensky kêu gọi phương Tây đáp trả Nga.

Không khó để nhận ra ý định của Tổng thống Ukraine muốn kéo phương Tây tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Nếu Ukraine thuyết phục được NATO rằng đó là vụ phóng tên lửa của Nga thì có khả năng NATO sẽ thiết lập vùng cấm bay ở miền Tây Ukraine, từ đó bảo đảm cho Ukraine tuyến tiếp tế an toàn từ phương Tây, đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trước các cuộc không kích của Nga.

Tuy nhiên, mong muốn kéo NATO vào cuộc xung đột với Nga của Tổng thống Ukraine không thành công. Những cuộc điều tra nhanh chóng do phía Ba Lan phối hợp với Mỹ thực hiện ngay sau vụ việc đã đưa đến kết luận chắc như đinh đóng cột rằng tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là do phía phòng không Ukraine phóng lên để đánh chặn tên lửa của Nga. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành họp khẩn với đại sứ các nước thành viên, ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: "Họ (Nga) phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến đã dẫn đến tình huống này. Hãy để tôi nói rõ rằng đây không phải là lỗi của Ukraine".

Chiến sự mùa đông -0
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đặc biệt là trong hoàn cảnh cái lạnh khủng khiếp của mùa đông đã hiện diện trên chiến trường Nga - Ukraine?

Những vụ việc như vậy cho thấy cuộc xung đột tại Ukraine có độ rủi ro rất cao lan sang các nước láng giềng. Mà không chỉ có chuyện chiến sự, người chết, nhà đổ rồi các bên cáo buộc lẫn nhau ai là thủ phạm. Cũng trung tuần tháng 11, những cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã gây mất điện diện rộng trên toàn Moldova. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến Moldova, nguy cơ mất điện vẫn cao và bất kỳ cuộc ném bom nào của Nga nhằm vào các nhà máy điện của Ukraine đều có thể dẫn đến lặp lại tình trạng mất điện ở Moldova - AP dẫn lời ông Spinu, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Moldova.

Cuộc chiến “giá rẻ” của phương Tây

Không chỉ có khả năng lan sang các nước thứ ba lân cận với Ukraine, cuộc chiến ở Ukraine có khả năng lớn hơn bao giờ hết kéo Mỹ và phương Tây vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Trong một cuộc họp báo tại Moscow về các vấn đề an ninh châu Âu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lớn tiếng cáo buộc: “Đừng nói rằng Mỹ và NATO không tham gia cuộc chiến này. Họ đang trực tiếp tham gia. Họ không chỉ cung cấp vũ khí mà còn đào tạo, huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ của họ”.

Theo ông Lavrov, binh sĩ Ukraine đang được phương Tây huấn luyện trên lãnh thổ Anh, Đức, Italy và một số nước khác. “Hàng trăm cố vấn quân sự phương Tây cũng hiện diện ở Ukraine. Họ hướng dẫn binh sĩ Ukraine cách sử dụng vũ khí được viện trợ”, ông Lavrov nói, lưu ý rằng phương Tây cũng gửi số lượng lớn lính đánh thuê nước ngoài tới Ukraine và cung cấp tin tình báo quân sự giúp Kiev xác định mục tiêu.

Bất chấp những cáo buộc từ phía Nga, Mỹ và NATO vẫn khôn khéo né tránh can dự trực tiếp vào cuộc chiến. Phản ứng mềm dẻo bất ngờ của cả Mỹ và NATO trong vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan cho thấy chiều hướng “hòa dịu”, tháo gỡ khủng hoảng này. Trước những cáo buộc gay gắt của Tổng thống Ukraine cho rằng tên lửa là do phía Nga phóng đi, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đều nhanh chóng ra tuyên bố rằng vụ nổ ở Ba Lan là do tên lửa phòng không Ukraine gây ra. Điều đó có nghĩa là NATO khó có thể kích hoạt Điều 5 trong Hiến chương của khối này về việc một thành viên của liên minh (Ba Lan) bị tấn công, do đó cần phải thực hiện phản ứng phòng vệ tập thể, mở một cuộc tấn công “bề hội đồng” nhằm vào Nga.

Sự thận trọng của Mỹ và NATO không muốn bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga có những lý do dễ hiểu của nó. Hơn bất cứ một sự kiện nào khác, cuộc chiến ở Ukraine là một cơ hội bằng vàng để Mỹ và NATO làm suy yếu kinh tế, cạn kiệt nguồn lực quốc phòng của Nga trên diện rộng với giá rẻ. Chiến trường Ukraine giống như một cái “hố đen” hút hầu hết các nguồn lực của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực trang thiết bị vũ khí quân sự.

Chỉ trong vòng 9 tháng xung đột, thông qua hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ và NATO đã khiến Nga phải tung ra một lượng vũ khí, khí tài quân sự khổng lồ, cùng những thiệt hại không thể coi là nhỏ về người, để thực hiện tiến công vào các mục tiêu ở Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ và NATO hầu như không mất đi một người lính nào. Đồng thời, trải qua những tháng xung đột vừa qua, các lực lượng vũ trang Nga đã bộc lộ những đặc điểm trên nhiều phương diện, về hậu cần, huấn luyện tân binh, các điểm mạnh - yếu của vũ khí khí tài mà không ít trong số đó mới lần đầu được đưa ra sử dụng thực chiến, phương cách chỉ huy của đội ngũ sĩ quan, các hoạt động hợp đồng tác chiến trên thực địa chiến trường... 

Đó là những kinh nghiệm vô giá mà Mỹ cùng đồng minh NATO thu lượm được từ cuộc xung đột này.

Những thông điệp được đưa ra

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đặc biệt là trong hoàn cảnh cái lạnh khủng khiếp của mùa đông đã hiện diện trên chiến trường Nga - Ukraine?

Mùa đông, với hàng triệu người dân Ukraine là viễn cảnh có thể phải sinh tồn trong cái lạnh mà không có điện, gas hay nước sinh hoạt. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tại châu Âu Hans Kluge dự báo 2-3 triệu người Ukraine có thể sẽ rời khỏi nhà để tìm chỗ ấm và an toàn. Sau hàng loạt cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đã xuất hiện nguy cơ về một thảm họa nhân đạo ở Ukraine và chính quyền nước này không thể làm ngơ trước viễn cảnh tồi tệ như thế.

Còn với Nga, mùa đông cũng cản trở đáng kể các hoạt động tác chiến trên chiến trường. Sau khi rút lui khỏi thủ phủ Kherson về bờ Đông sông Dniev và củng cố phòng tuyến tại đây, Nga tập trung các hoạt động quân sự trên hướng Donetsk; các trận đánh trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt chỉ diễn ra nhùng nhằng, thương vong nhiều nhưng các mục tiêu không đạt được là bao.

Tình trạng nhùng nhằng của cuộc chiến ở Ukraine đẽ biến các cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine tại Liên hợp quốc đang gần trở thành cuộc họp hằng tuần và rơi vào bế tắc. Nhiều thành viên trong hội đồng như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay Trung Quốc bày tỏ lo ngại vì các cuộc họp không mang lại kết quả và kêu gọi làm mới nỗ lực ngoại giao để chấm dứt chiến sự.

Suy cho cùng thì những nhân tố quyết định cuộc chiến vẫn là các cường quốc! Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ J.Biden nói sẵn sàng đối thoại với ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đang hướng tới giải pháp chấm dứt xung đột (dù ông Biden thòng thêm một câu là ông thấy “Tổng thống Nga chưa thể hiện điều này”). "Tôi sẵn sàng đối thoại nếu ông Putin bày tỏ sự cởi mở, nói về những điều sẽ làm tiếp theo", ông Biden trả lời họp báo tại Nhà Trắng.

Đối tác của ông Biden, Tổng thống Pháp Macron cũng tranh thủ bắn đi thông điệp: “Tôi sẽ tiếp tục trao đổi với ông Putin bởi vì tôi đang cố gắng ngăn tình hình leo thang và tôi muốn đạt được những mục tiêu cụ thể, đặc biệt liên quan đến an ninh của các nhà máy điện hạt nhân trong vùng chiến sự. Chúng ta cần phải duy trì đối thoại”. Nhưng, ông Macron cũng thêm rằng: "Chúng tôi sẽ không bao giờ hối thúc người Ukraine phải thỏa hiệp những thứ mà họ không chấp nhận... Cần phải tôn trọng người Ukraine quyết định khi nào đàm phán và đàm phán với điều kiện nào về lãnh thổ, tương lai của họ". 

Còn người Nga nghĩ thế nào?

Phát biểu tại hội nghị về các vấn đề an ninh châu Âu, tuy cáo buộc Mỹ và NATO đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn tuyên bố Nga sẵn sàng lắng nghe nếu bất kỳ nước nào muốn tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine. “Phương Tây cần phải tránh bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào giữa các cường quốc hạt nhân, cho dù chỉ sử dụng vũ khí thông thường, vì nguy cơ leo thang có thể không kiểm soát được”, Ngoại trưởng Nga cảnh báo.

Những thông điệp đã được đưa ra. Chiến sự mùa đông đẩy hai bên vào tình thế nhùng nhằng không lối thoát. Còn chờ gì nữa để có được những cuộc đàm phán thực chất kết thúc chiến tranh?

Yên Ba
.
.