Chém to, khôn nhỏ!?

Thứ Sáu, 04/03/2022, 09:48

“Chém to, kho mặn”, “Ăn chắc, mặc bền” đã từng là “triết lý sống” của rất nhiều thế hệ người Việt, và nó phản chiếu vào chính cách làm việc, cách kinh doanh. Nhưng dường như cái căn cơ ấy ngày càng trở thành của hiếm ở thời đại này. “Chém to, khôn nhỏ” có vẻ đang là xu hướng của một bộ phận doanh nghiệp khi họ cố truyền thông bằng những lý tưởng to tát nhưng thực tế chỉ là sự khôn vặt, kiếm ăn mang tính cơ hội chủ nghĩa đơn thuần.

Kỹ nghệ bán mơ

Vào ngày 27-9-2016, Elon Musk, người sáng lập SpaceX và Tesla, tuyên bố một cách trực tiếp và táo bạo: để tồn tại trước viễn cảnh tuyệt chủng không thể tránh khỏi, con người “cần phải trở thành một nền văn minh tầm vũ trụ và một giống loài đa hành tinh”.

Giải pháp Musk đưa ra là phải tìm cách đưa con người lên Sao Hỏa. Tuyên bố này ngay lập tức trở thành một quả bom: truyền thông liên tục nói về kế hoạch cứu nhân loại của Elon Musk, các chuyên gia thì tranh luận về những chi tiết của tên lửa, tàu vũ trụ và nhiên liệu cần thiết cho hành trình lên Sao Hỏa. Trong buổi họp báo, khi Musk nói rằng mục tiêu của ông là truyền cảm hứng cho nhân loại, một khán giả đã hét lên: “Truyền cảm hứng cho chúng tôi đi”. Một người khác còn đòi hôn Musk.

Chém to, khôn nhỏ!? -0

Tuyên bố của Musk có nhiều điểm tương đồng với một thời điểm lịch sử trước đó của các kế hoạch chinh phục vũ trụ: sứ mệnh tàu Apollo đưa người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng vào những năm 1960-1970. Chính Musk đã mô tả rằng đó “có lẽ là thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại”. Chương trình chinh phục vũ trụ của Mỹ nhận được sự thúc đẩy lớn từ cuộc cạnh tranh với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau vụ Liên Xô phóng Sputnik năm 1957. Các sứ mệnh Apollo bắt đầu vài năm sau đó, bắt đầu với tuyên bố của Tổng thống J.F Kennedy vào năm 1961, với đỉnh cao là lần hạ cánh của Apollo 11 vào ngày 20-7-1969. Chương trình này thu hút trí tưởng tượng của các quốc gia, và cho đến giờ vẫn là một câu chuyện đầy cảm hứng về tinh thần đồng đội, những điều kỳ diệu, và quan trọng hơn, một thành tựu công nghệ.

Truyền thuyết về Apollo 11, một chiến thắng rực rỡ trong Chiến tranh lạnh, cũng giúp hướng sự chú ý ra khỏi một số khía cạnh kém vui của Hoa Kỳ vào thời điểm ấy. Nhiều người Mỹ đương thời đã nhìn chương trình này với con mắt hoài nghi sâu sắc, thậm chí một số còn chỉ trích nó về mặt đạo đức. Một trong số đó là mục sư Ralph Abernathy, người đã trở thành Chủ tịch của Hội đồng Lãnh đạo Cơ đốc giáo miền Nam sau vụ ám sát Martin Luther King vào tháng 4-1968.

Trước khi qua đời, King chuyển hướng hoạt động sang các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng và đói nghèo. Abernathy tiếp tục theo đuổi trọng tâm này, và vào tháng 7-1969, với sự kiện phóng tàu Apollo 11, ông đã nhìn thấy cơ hội để giữ lại sự công bằng: Abernathy thông báo về một cuộc biểu tình trạm không quân Mũi Canaveral ở Florida, địa điểm phóng tên lửa. Cùng với vài trăm người, ông yêu cầu một cuộc gặp với NASA, và nói với các quan chức của họ: “Số tiền cho chương trình không gian nên được để dành để nuôi những người đói, không có cơm ăn áo mặc, chăm sóc người bệnh và vô gia cư, không nơi nương tựa”.

Cho đến ngày nay, lập luận kiểu này có lẽ vẫn bị coi là kỳ quặc: các núi tiền dành cho những giấc mơ vĩ đại của các CEO công nghệ vẫn được cho là không liên quan gì đến số phận của đa số những con người khốn khổ tầm thường khác. Từ Thung lũng Sillicon, ý tưởng này lan đi khắp nơi, và nó tạo ra một ngành công nghiệp lớn: bán các câu chuyện, và giấc mơ, như một thủ thuật marketing, để hút dòng tiền về, và lờ đi những thực tế của số đông hằng ngày.

Năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 giáng những đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế và dân sinh, nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy, với số tiền 1,3 tỷ USD, tương đương gần 30 ngàn tỷ. Tất nhiên, trong cơn say các câu chuyện mang tính “cách mạng” và “đổi mới”, đi thắc mắc chuyện thành bại của khởi nghiệp công nghệ có thể bị xem là dở hơi: chính ý tưởng lan tỏa từ Thung lũng Sillicon cũng ủng hộ sự… thất bại. Bạn chưa thực sự thành công cho đến khi bạn nếm trải thất bại, hoặc cận kề bờ vực.

Và kết quả là chúng ta coi việc các CEO công nghệ kể về giấc mơ của họ, sau đó thất bại, là chuyện thường tình, thậm chí như là một “nghi thức” cần phải có trong một xã hội máu me khởi nghiệp. Cuối năm ngoái, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) công bố một khảo sát thực hiện từ cuối tháng 4-2020, lấy ý kiến từ hơn 250 start up , thì có đến 50% số này xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và không có thu nhập đáng kể. 23% cho rằng đã mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% thì dừng hết sản xuất và kinh doanh. Đa phần trong số này là khởi nghiệp công nghệ.

Trên Facebook, tôi đã từng tranh luận với một CEO công ty công nghệ, khi anh đang cố bào chữa chuyện loạn ứng dụng truy vết COVID-19 trong thời dịch. Thực tế cho thấy toàn bộ các ứng dụng của chúng ta đều không thật sự phù hợp với đa số người dùng, nhưng anh thì cho rằng “có làm có sai”, và vừa làm vừa thử nghiệm, chứ không thể phủ nhận toàn bộ được công sức của giới công nghệ.

Tất nhiên là chẳng ai thay đổi được suy nghĩ của ai hết, nhưng mỗi khi nghĩ lại những cuộc tranh luận kiểu này, tôi lại thấy mình lún sâu thêm một chút vào phe yếu thế: sự thất bại của những người khởi nghiệp công nghệ đang được coi là đương nhiên, vì họ đang được xếp lên hàng đầu của danh sách ưu tiên cho tương lai (tương lai nào thì chưa biết). Những lần thất bại và phá sản, một số như đốt tiền, luôn được diễn dịch hợp lý thành “phải kiên nhẫn”, “chỉ là chưa thành công”.

Hàng ngày, chúng ta vẫn phải nghe liên tục các thuật ngữ đao to búa lớn như “cách mạng 4.0”, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, blockchain và tiền mã hóa, nhưng đổi lại, những ứng dụng mang tầm quốc gia và phải giải quyết những bài toán thiết thực thì lại đơn sơ và giản tiện hơn rất nhiều các ý tưởng kể chuyện phức tạp kia.

Cứ như là các ý tưởng đó và những người nghĩ ra nó chẳng có mối liên hệ nào với những người bình thường và cuộc sống bình thường. Musk ước tính rằng sứ mệnh lên Sao Hỏa có thể tiêu tốn 10 tỷ USD/người, và mục tiêu của ông là giảm chi phí đó xuống còn 200 ngàn USD/người, những con số như một trò đùa với một hành tinh đang có đến 7% dân số sống chỉ với chưa đầy 2 USD một ngày. Trong buổi họp báo vào tháng 9-2016, Musk tuyên bố một nền văn minh hoàn toàn tự trị trên Sao Hỏa sẽ cần khoảng 1 triệu người. Với dân số khoảng 7,9 tỷ người trên trái đất hiện tại, kế hoạch của Musk có thể chỉ phục vụ cho xấp xỉ 0,0126% nhân loại.

Và trong quá trình chờ những giấc mơ trị giá hàng tỷ USD này vượt qua giai đoạn “bánh vẽ”, chúng ta buộc phải chấp nhận rằng diễn biến của việc kiến tạo nên chúng chẳng liên quan gì đến đời sống hàng ngày, và những vấn đề thiết thực cả. Dù những con số không biết nói dối: với 10 tỷ USD thay vì cố gắng đầu tư cho một người lên Sao Hỏa, Mỹ có thể triển khai các hệ thống kiểm soát tàu hỏa tốt hơn để tránh những tai nạn thương tâm như vụ ở Philadelphia, hay chỉ với 1,5 tỷ USD có thể nâng cấp được hệ thống nước máy nhiễm chì ở Flint, Michigan.

Trong xã hội hiện đại, việc đặt các câu hỏi rằng ai nên/không nên làm gì với tiền của mình, dường như là một biểu hiện ngớ ngẩn, đặc biệt là khi nó đi vào một địa hạt đang trở thành trào lưu như công nghệ, một biểu tượng hứa hẹn sẽ đem lại thịnh vượng, và sự tự hào trong tương lai. Các CEO công nghệ vẫn sẽ sống trong thói quen kể chuyện như vậy, và coi thất bại thậm chí như một niềm tự hào, thứ đã ngấm vào văn hóa khởi nghiệp toàn cầu, như một tấm huy chương.

Nhưng tương lai không chỉ là những viễn cảnh từ các câu hỏi điên rồ dành cho các nền kinh tế dịch vụ xa xỉ, như là blockchain, trí tuệ nhân tạo, giao hàng bằng máy bay, hay đi xe bay lượn phố. Tương lai còn là các câu hỏi gần với số đông hơn, và thậm chí phải đi xuống dưới đáy để cảm nhận, và thốt ra một câu hỏi, lại phải nhắc lại, giống như một biểu hiện ngớ ngẩn trong xã hội tiêu dùng: liệu ta có nên đốt hàng đống tiền cho các câu chuyện trong mơ, thứ mà ai cũng có thể làm được với những công ty marketing, trong khi còn hàng triệu người bị đói hay không?

Phạm An

Sự phét lác được vinh danh

Bước đầu tiên của việc trở thành một kẻ dối trá, là lừa mị chính bản thân mình. Một số người thực hiện bước đó bằng việc gọi mình là “chủ tịch”.

“Một tập đoàn kinh tế đa ngành”, “hệ sinh thái”, “chuyển đổi số”, “4.0”, “định vị doanh nghiệp Việt trên bản đồ toàn cầu”… là những dòng trên website của một công ty cổ phần ở Gia Lâm, Hà Nội. Công ty đã nợ bảo hiểm xã hội của 31 lao động được một năm rưỡi nay, với tổng số nợ 1,7 tỷ đồng.

Chém to, khôn nhỏ!? -0

Cái “tập đoàn kinh tế đa ngành” có đến… 12 công ty thành viên, với đủ mọi loại ngành nghề bao phủ những lĩnh vực trọng yếu của xã hội. Và nếu nhìn vào những gì nó chủ động công bố, người cả tin có thể nghĩ rằng nó thuộc nhóm VNR500, những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán. Vị chủ tịch xuất hiện ở các hội thảo với tên rất kêu, mang tầm cỡ quốc tế; tổ chức các khóa “huấn luyện” cho doanh nghiệp nhỏ; và ghê gớm nhất, vẫn đứng ra ký kết “tài trợ” cho các kế hoạch nâng tầm nền kinh tế.

Nhưng tiền đóng bảo hiểm xã hội – nghĩa vụ tối thiểu của một doanh nghiệp với người lao động – thì không trả. Và đọc mãi cũng không biết là sau những tính từ như “vĩ đại” và “cao cả” (nguyên văn từ website) thì cái tập đoàn này thực sự có sản phẩm gì, đang làm gì để tạo ra doanh thu.

Bạn sẽ không khó gặp một “tập đoàn kinh tế” như thế trong thời đại này. Việc lập ra các doanh nghiệp tương đối thuận lợi; và lời nói không mất tiền mua nên người ta có thể đưa ra một sứ mệnh, tầm nhìn choang choang từ ngữ, lập một website với tổng chi phí đâu đó 10 triệu đồng cả tiền thiết kế. Sau đó, là một chiến lược thương hiệu, đánh trống múa rối để tạo ra niềm tin về một tiềm năng khủng khiếp nào đó. Niềm tin này, sau đó, lại có thể bị lợi dụng để moi những khoản đầu tư.

Và nếu Bảo hiểm Xã hội Hà Nội không tung danh sách cho báo chí “tố cáo” những doanh nghiệp kiểu này đến cả tiền bảo hiểm cũng chẳng đóng, cũng khó chứng minh được sự phét lác của loại “tập đoàn” này.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống kê rằng đang có tới hơn 11.000 tỷ đồng bảo hiểm chậm thu. COVID không hoàn toàn là nguyên nhân. Số nợ đã luôn là hàng nghìn tỷ từ nhiều năm nay. Ta có quyền tự hỏi: nếu một thứ tối thiểu trong việc đảm bảo lợi ích của nhân sự, cũng không làm, thì có bao nhiêu phần trăm là vì khó khăn, còn bao nhiêu phần trăm là những kẻ ích kỷ, sống ảo, phét lác như ông chủ tịch “vĩ đại” kia.

Mười một nghìn tỷ. Chị Dậu sẽ kinh ngạc nếu biết rằng ngày nay người ta có thể “bửa” như thế với trách nhiệm trước Nhà nước. Chị chỉ nợ có 2 đồng 7 mà anh Dậu đã chịu trói. Người ta có thể nợ bảo hiểm xã hội hàng tỷ đồng mà vẫn xưng xưng “chủ tịch”, tham dự “Đại hội Doanh chủ”, dự các “lễ ký kết hợp tác chiến lược”.

Và nếu hành động tôn trọng pháp luật tối thiểu cũng không làm, thì có bao nhiêu doanh nghiệp trong số ấy sẽ trở thành những người kiến tạo, và bao nhiêu sẽ là những kẻ chộp giật, cơ hội chủ nghĩa?

Hãy quay trở lại với ví dụ về tập đoàn kinh tế đa ngành vĩ đại ở Gia Lâm. Ở đây có một ranh giới mờ giữa sự lừa đảo và sự phét lác. Lừa đảo là khi người ta không có mà nói mình có; không hề có một mảnh ruộng nhưng lại huy động tiền để trồng lúa, không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng dám đi gọi vốn đào quặng. Còn ở Việt Nam hiện nay, khi thị trường vốn đang sôi động, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân xuất hiện, với số tiền “cất trong tủ” của dân lên tới 60 tỷ USD (thống kê gần nhất của World Bank), sẽ có những kẻ có 1 mà nói 10. Có vài công ty hoạt động dặt dẹo nói là “tập đoàn”. Thi công được mấy cái nhà liền kề bán lẻ thì tự xưng là “dự án khu đô thị”. Biết thiết kế website thì nói là “dẫn đầu về chuyển đổi số”. Họ tìm gà để lùa. Họ tin rằng mình có thể tăng trưởng gấp thếp nếu tự vẽ một chân dung khổng lồ. Họ có kinh doanh, nhưng chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/1000 so với những gì tự kể.Tương tự, sẽ có kẻ có 10 mà nói 1000. Và những kẻ có 1000 mà nói thành một triệu. Thị trường vốn rộng mở cho phép người ta mơ mộng về cơ chế đòn bẩy, cho phép họ thành tỷ phú đô la như ai kia. Bằng công nghệ phét lác. Đó thực ra là một kịch bản quyến rũ. Việc chỉ có 2 tỷ đồng trong tay, nhưng gom đủ tiền từ nhà đầu tư để xây một dự án sáu nghìn tỷ, là điều khả thi về mặt kỹ thuật và luật pháp. Ai mà chẳng có quyền mơ.

Nhưng nếu có điều gì mà doanh nghiệp Việt Nam còn đang thiếu, thì đó không phải là một khóa học về truyền thông, về gọi vốn, về vẽ chiến lược. Đó là một khóa học về sự khiêm tốn và thực chất. Đó là khóa học dạy người ta xin lỗi vì đã không thể đóng bảo hiểm xã hội; chứ không phải khóa dạy làm thương hiệu cho chủ tịch. Chỉ có sự khiêm tốn và thực chất mới tạo ra được giá trị lâu dài. Còn nếu cứ choang choang “định vị toàn cầu”, “kỷ nguyên số”, “Đại hội Doanh chủ”, thì như đã nói, ranh giới giữa lừa đảo và phét lác là rất mong manh. Bước một của việc trở thành kẻ dối trá là lừa chính mình.

Tiếc rằng bây giờ nếu mở Internet ra và tìm một khóa học, bạn sẽ dễ dàng gặp được một khóa dạy cách lừa chính mình như thế.

Đức Hoàng

"Ăn chắc, mặc bền”?

Trước Tết nguyên đán, tôi gặp một chuyên gia hoạt động trong giới bóng đá và được anh kể về chuyện anh nhận được lời mời làm CEO cho một CLB bóng đá của một tỉnh giàu truyền thống. Tỉnh có khát vọng khôi phục lại thế mạnh của bóng đá địa phương và đưa đội bóng trở lại với V-League. Và đã có doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào nuôi đội bóng tỉnh. Giữa khát vọng của doanh nghiệp ấy và khát vọng của tỉnh có một điểm chung: đất ở một thành phố thuộc tỉnh đang thuộc diện cao nhất nước.

Chém to, khôn nhỏ!? -0

Không khó để nhận diện việc doanh nghiệp kia muốn “đầu tư” cho bóng đá vì nguyên nhân sâu xa nào. Dĩ nhiên, là một cựu vận động viên chuyên nghiệp xuất thân từ tỉnh nhà, yêu thể thao tỉnh nhà tới vắt kiệt mình, vị chuyên gia kia đã từ chối khi hiểu rõ mục đích phía sau. Anh nói: “Tôi e rằng cái đội bóng ấy sẽ không tồn tại được quá 5 năm”. 5 năm, đó là một nhiệm kỳ lãnh đạo. Và câu chuyện lãnh đạo đương nhiệm mong mỏi phát huy thế mạnh nào của địa phương luôn là cái cớ để nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia “đầu tư” vào thế mạnh đó với mục đích duy nhất: đổi lại bằng các dự án đất. Từ đó, bắt đầu hình thành những tập đoàn lớn với những con số hoành tráng nghìn tỷ nhưng thực chất chỉ là một dạng buôn đất cao cấp dựa trên lách khe hở cơ chế mà thôi.

Tương tự như thể thao, văn hóa cũng là một thứ để người ta lấy cớ đầu cơ. Chúng ta từng nói nhiều về nạn  festival trăm hoa đua nở khi gần như tỉnh nào cũng có một festival với mục đích gọi là “xúc tiến du lịch, phát triển văn hóa địa phương”. Kéo theo đó, các chương trình lễ hội được diễn ra theo hình thức “xã hội hóa” nhưng thực tế chỉ là một biến tướng của trao đổi lợi ích khác, mà phần nhiều là đất đai. Kết cục, có một số ít người bỗng nhiên giàu lên một cách khủng khiếp trong khi đời sống của người dân vẫn không khá khẩm gì hơn; đất canh tác ngày càng ít đi; hoạt động sản xuất vẫn dậm chân tại chỗ, với công nghệ kém cỏi; và nhà cao tầng thì mọc lên nhiều hơn để “đô thị hóa nông thôn” theo những cách không thể ngột ngạt hơn.

Tất cả những thứ như kể trên đã tồn tại kéo dài rất nhiều năm nhưng nó không thể bị đánh đổ. Đơn giản, có 2 thứ tạo nền tảng vững chắc cho chúng. Thứ nhất là tư lợi. Với nguồn lợi tài chính quá lớn thu lại được từ các dự án và chảy vào túi cá nhân theo những con đường nhũng nhiễu chính sách, không dễ gì người ta có thể thoát khỏi cám dỗ. Thứ hai là những thông điệp đao to búa lớn đi kèm theo nó. Chính những thông điệp này, với những thứ giá trị xủng xoẻng được gắn mác lên các dự án, chương trình mang tính đầu cơ, người ta dễ có thứ để biện minh cho việc mình làm là mang ý nghĩa to lớn vv và vv. Từ đó, một văn hoá “Chém (gió) to, khôn vặt nhỏ” bắt đầu hình thành như một thứ mốt thời thượng của kha khá cái gọi là “doanh nhân thành đạt”.

S., một doanh nhân trung niên lão luyện mà tôi chơi khá thân suốt gần chục năm nay đeo đuổi các dự án đầu tư công nghệ. Anh giàu kinh nghiệm, thông minh, quan hệ rộng và cực nhạy bén với thời cuộc. Những dự án, những công ty nhỏ anh lập ra đều gặt hái được những thành công nhờ vào chính sự năng động của anh cũng như đội ngũ cộng sự trẻ trung, giàu năng lực. Nhưng khi tâm sự với tôi, anh thú thực lợi nhuận không quá lớn mà chỉ đủ để anh và cộng sự nuôi động lực phấn đấu. “Không lỗ và luôn có lợi nhuận hàng năm là thực sự anh vui rồi. Chứ thú thực với cậu, kinh doanh không như những gì người ta chém gió trên truyền thông đâu. Đầu tư công nghệ là một thứ vô cùng vất vả và rủi ro. Công nghệ hôm nay thay đổi chóng mặt. Mình có hay thì người ta cũng hay, thậm chí hay hơn mình. Có cái mình mới nghĩ ra, thấy đầy triển vọng nhưng chỉ chậm chân một vài tháng là đã có người làm trước mình rồi. Không đơn giản chút nào đâu”, S. thổ lộ. Đó là một doanh nhân căn cơ thực sự. Và S. không bao giờ đăng đàn chém gió về những “ước vọng to lớn” kiểu như “đi đầu”, “sánh ngang Âu Mỹ”, “đưa Việt Nam trở thành một thế lực phát triển mới” v.v và v.v. Thứ duy nhất anh tuyên bố luôn chỉ là “mong sao công ty non trẻ có thể tự đi trên đôi chân mình, nuôi được nhân viên, cuối năm lợi nhuận có thể khiến mình thoải mái thưởng Tết cho anh em xôm xôm một chút là được”.

Tôi cũng từng có nhiều lần được tiếp xúc, thậm chí làm cố vấn cho vài doanh nghiệp mang khát vọng rất to lớn. Và rồi tôi nhận ra thực chất họ muốn gì. Mục đích mà họ tuyên bố tưởng như là trọng tâm hóa ra lại chỉ là những màn múa võ kiểu “Sơn đông” trong khi mục đích gặt hái ngay những nguồn lợi khác mới là thứ “thuốc họ bán”. Những ngôn từ như “hệ sinh thái” hay những hứa hẹn mang tầm vóc thế giới đều chỉ là trang sức lòe loẹt bên ngoài. Cái gì kiếm tiền nhanh, kiếm tiền lớn, kiếm tiền ngay lập tức mới là thứ họ cần đến. Và khi số doanh nghiệp kiểu này dày lên, chúng sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên thực sự về một nền kinh tế không có nền tảng cơ bản. Thử đặt câu hỏi “Sản phẩm đặc trưng cho kinh tế Việt Nam nhiều năm nay là gì?” chúng ta sẽ giật mình. Một nền kinh tế gần như không có sản phẩm chủ đạo... Trong khi đó, vẫn không khác gì thời kỳ sau đổi mới, gạo vẫn là thứ xuất khẩu tốt nhất của Việt Nam hiện nay nhưng đáng buồn là diện tích đất nông nghiệp càng ít dần, đời sống nhà nông không khá hơn là bao và giá gạo Việt Nam vẫn lép vế trên thương trường quốc tế.

Nếu nhìn vào xu hướng của thị trường tài chính ở Việt Nam, chúng ta sẽ hiểu ngay. Các dao động chủ yếu dựa trên chứng khoán bất động sản và ngân hàng. Chứng khoán của các ngành sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp gần như không mang lại tác động thị trường nào. Và xu hướng của người đầu tư chứng khoán ở Việt Nam cũng không khác gì xu hướng của rất nhiều năm về trước khi mà chiều chiều người ta nhao ra đường gọi cậu bé “kết quả đây” để mua một tờ giấy dò sổ xố nhằm xem mình trúng hay trượt lô, đề.

Gần hai năm trước, khi COVID chưa hoành hành, một doanh nhân nói với tôi rằng “số triệu phú đồng tiền ảo (crypto currency) ở Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới”. Và trước Tết nguyên đán, cũng chính doanh nhân ấy nói “Giờ thì sập nhiều lắm chú em ạ. Thực tế, dân “đánh coins” chả khác gì họ đánh lô, đánh đề ngày xưa. Số nhà đầu tư hiểu thực sự thì rất hiếm. Dân mình ham lợi nhanh nên cứ nghe ở đâu nổ to là đổ xô vào đấy vì sợ mất cơ hội”.

Bây giờ, chúng ta đứng trước thử thách rất lớn là cần phải làm gì, cơ cấu lại như thế nào để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tiếp tục trào lưu “chém to, khôn nhỏ” hay trở về với bản thể “ăn chắc, mặc bền” để tạo dựng một nền kinh tế có thể tiến chậm nhưng vững bền đây? Câu trả lời thực tế không nằm trong tay nhà nước mà nằm trong chính tập quán của cộng đồng. Song, chính sách nhà nước cũng cần thắt chặt hơn để tạo ra những rào cản đủ mạnh ngăn cản thói “đao to búa lớn” nhằm mục đích vun vén lợi ích riêng cho mình, bất chấp thiệt hại mà cả xã hội phải gánh chịu thay mình.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.