Châu Phi và bẫy nợ nước ngoài

Thứ Sáu, 13/09/2024, 11:06

Nhiều nước châu Phi đã từng hy vọng có cơ hội phát triển khi các cường quốc trên thế giới tuyên bố xóa nợ. Cùng vào thời điểm đó, Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành thực hiện chương trình xếp hạng tín dụng cho các quốc gia ở lục địa đen. Họ hy vọng rằng việc xếp hạng tín dụng sẽ tạo lòng tin của nhà đầu tư quốc tế, từ đó tạo ra dòng vốn nước ngoài vào các nước châu Phi.

Nhưng hơn 20 năm sau, Châu Phi đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế mới khi nhiều nước chưa thoát được cảnh nghèo lại phải gánh thêm "quả tạ" mang tên nợ nước ngoài.

Khó khăn đủ đường

Vốn vay từ những định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) luôn đi kèm theo không ít điều khoản ngặt nghèo, không phải quốc gia Châu Phi nào cũng đáp ứng được. LHQ muốn giúp đỡ các nước này mở rộng dòng vốn đầu tư tư nhân nên mới đề ra biện pháp xếp hạng tín dụng. Ba công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất Mỹ là S&P Global Ratings, Moody's Ratings và Fitch Ratings đứng ra đánh giá các quốc gia tại Châu Phi.

Châu Phi và bẫy nợ nước ngoài -0
Hãng xếp hạng tín dụng S&P Global.

Không ít nước Châu Phi bị đánh giá rất thấp trong những năm đầu họ được xếp hạng tín dụng quốc gia. Đây là điều mà LHQ đã tiên đoán từ trước. Họ mong rằng chính phủ các nước được đánh giá sẽ tìm cách cải tổ nền kinh tế, cân đối ngân sách, v.v... để từ đó nâng cao mức xếp hạng tín dụng của mình và giảm mức lãi suất đi vay nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng luôn là giúp các nước Châu Phi giải quyết được những khoản nợ của họ.

Nhưng các nước Châu Phi hiện đang chìm trong nợ nần còn sâu hơn trước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) thì trong vòng 20 năm qua, khoảng 12 quốc gia Châu Phi đã vay tổng cộng gần 200 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài dưới dạng trái phiếu. Riêng khu vực Hạ Sahara có tỷ lệ nợ công trên GDP đến 60% và nợ công trên nguồn thu chính phủ đến 340%. Đây cũng là khu vực nghèo đói nhất thế giới.

Ông Christopher Egerton-Warburton, nhà đồng sáng lập Ngân hàng Đầu tư Lion's Head Global Partners của Anh, từng có nhiều năm làm cố vấn cho nhiều chính phủ Châu Phi, cho biết: "Các nước Châu Phi hiện không có tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng vì toàn bộ thặng dư phải dùng để chi trả lãi cho nợ nước ngoài. Nền kinh tế của họ không được đầu tư nên rơi vào trì trệ rồi không tạo ra thặng dư để trả lãi. Vậy là các nước này đã rơi vào một "cái bẫy" mà họ không thể thoát ra được".

Tháng 6/2024 đã xảy ra biểu tình hàng loạt tại nhiều thành phố ở Kenya. Người dân xuống đường phản đối việc chính phủ tăng nhiều loại thuế, trong đó có thuế đánh vào bánh mì, dầu ăn và nhiều loại nhu yếu phẩm khác. Đây là một phần trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Nairobi nhằm giải quyết khoản nợ công lên đến 80 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Kenya đã phải rút lại kế hoạch tăng thuế sau khi có 39 người chết vì bạo lực trong các cuộc biểu tình.

Còn tại Ghana ước tính có đến 1/3 số dự án công đang chậm tiến độ dài hạn. Tổng giá trị vốn đã giải ngân cho các dự án này trong năm 2023 là 25 triệu USD. Tai hại nhất là dự án xây dựng đập thủy điện Pwalugu. Người dân Ghana đã từ lâu mơ về một con đập trên sông Nakambé nhằm thoát cảnh hạn hán, mất mùa.

Tháng 2/2020, Chính phủ Ghana vay được 3 tỷ USD dưới dạng trái phiếu nhằm xây dựng đập Pwalugu. Nhưng sau hơn 4 năm kể từ ngày khởi công, vẫn chưa có một viên gạch được đặt xuống. Khu vực thi công vẫn đang trống không. Trong khi đó thì Ghana đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21. Quốc gia này đang phải vay nợ để nhập khẩu lúa gạo nhằm cứu đói cho người dân. Hiệp hội Nông dân Ghana mới đây đã xuống đường biểu tình hàng loạt để đòi hỏi chính phủ khởi tố những cá nhân chịu trách nhiệm về dự án đập Pwalugu.

Châu Phi và bẫy nợ nước ngoài -0
Người dân Ghana xuống đường biểu tình chính sách kinh tế tại thủ đô Accra.

Tranh cãi

Chính phủ nhiều nước Châu Phi đang chỉ trích các công ty xếp hạng tín dụng phương Tây về việc hạ mức đánh giá của họ. Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố sau khi Moody's hạ mức đánh giá tín dụng của Ghana hồi đầu năm nay: "Các công ty xếp hạng tín dụng nói riêng và bộ máy tài chính quốc tế nói chung đang làm hại Châu Phi... Quy trình xếp hạng tín dụng cho Châu Phi cần được sửa đổi 100% theo hướng bảo vệ lợi ích cho các nước đang phát triển thay vì bảo vệ cho các tỷ phú, ngân hàng và quỹ đầu tư quốc tế".

Một vấn đề đáng bàn là việc các công ty xếp hạng tín dụng hiện diện rất ít ở Châu Phi. Fitch không có văn phòng đại diện tại bất kỳ nước Châu Phi nào; Moody's và S&P chỉ có văn phòng tại Nam Phi. Trong khi tại các quốc gia Châu Âu nhỏ nhất như Liechtenstein và Monaco cũng có văn phòng đại diện của cả ba công ty trên. Không có văn phòng đại diện, không có nhân viên đi điều tra thực địa nên số liệu và quy trình của các công ty đánh giá tín dụng có phần sai lệch.

Nhà kinh tế học Raymond Gilpin, Trưởng bộ phận Châu Phi của chương trình phát triển LHQ, cho biết: "Ba công ty đánh giá tín dụng chỉ biết dựa vào số liệu được các chính phủ Châu Phi cung cấp. Họ hoàn toàn không biết về những khó khăn kinh tế mà người dân và doanh nghiệp tại các nước này đang đối mặt hằng ngày. Mặt khác thì phương pháp thu thập số liệu của các chính phủ Châu Phi cũng đầy rẫy những sai sót, một số là vì phương pháp sai, một số là nhằm che đậy những vụ việc tham nhũng và hoạt động thiếu hiệu quả".

Ông David Beers, bộ phận nợ công của Tập đoàn S&P, nhận xét: "Chúng tôi biết ngay từ đầu rằng sẽ có một số chính phủ Châu Phi phải tuyên bố phá sản. Vậy tại sao S&P vẫn tiến hành kiểm toán và xếp hạng các nước Châu Phi? Khi đó LHQ và Mỹ tin rằng cứ cho xếp hạng các quốc gia Châu Phi thì dòng vốn đầu tư tư nhân thể nào cũng sẽ chảy đến. Mặt khác thì S&P chỉ chịu trách nhiệm đánh giá khi được khách hàng thuê. Việc họ làm gì với kết quả đánh giá, không phải là trách nhiệm của S&P".

LHQ và WB khởi xướng chương trình trợ giúp nợ công cho các nước nghèo vào năm 1996. LHQ và WB mua lại nợ công của các quốc gia này để đổi lại việc chính phủ họ phải thay đổi chính sách kinh tế và tập trung xóa đói giảm nghèo. Chương trình hiện trợ giúp cho 39 quốc gia trên thế giới, trong đó đa số là các nước tại khu vực hạ Sahara.

Một biện pháp gây vốn được LHQ và WB khuyến khích các nước nghèo áp dụng là phát hành trái phiếu kiểu Châu Âu (Eurobond). Trái phiếu chính phủ thường được định giá bằng đồng tiền của quốc gia đó. Trái phiếu Eurobond thì lại được định giá bằng các đồng tiền thanh toán quốc tế như USD, Euro,v.v... Nhà đầu tư có thể không tin vào các đồng tiền Châu Phi lên xuống thất thường, nhưng họ sẽ tin vào đồng USD, Euro,v.v... Các chính phủ Châu Phi đã phát hành gần 113.500 tỷ USD trái phiếu Eurobond tính từ năm 2004 đến nay.

Ghana và Nigeria, hai quốc gia xuất khẩu lớn nhất tại Châu Phi, cũng là các quốc gia vay được nhiều vốn trái phiếu Eurobond nhất. Các nhà đầu tư tin rằng khoản vốn của họ sẽ được đảm bảo nhờ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nigeria và xuất khẩu vàng và cacao của Ghana. Mặt khác các quốc gia cũng đặt mức lãi suất trái phiếu trung bình khoảng 8,5%/năm, cao gấp đôi so với trái phiếu Chính phủ Mỹ cùng kỳ.

Châu Phi và bẫy nợ nước ngoài -0
Những con tàu đánh cá được Ematum mua, nằm đắp chiếu tại cảng.

Đi vào ngõ cụt

Trong số 22 quốc gia Châu Phi được xếp hạng tín dụng đa số đã phát hành trái phiếu Eurobond. Một số chính phủ đã khôn ngoan sử dụng nguồn vốn vay này để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đơn cử như Rwanda. Quốc gia này sử dụng khoản vốn 400 triệu USD vay được để xây dựng hai đập thủy điện Nyabarongo I và Nyabarongo II, mở rộng Hãng hàng không RwandAir, và xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia Kiwali. Tuy tỷ lệ nợ công trên GDP của Rwanda là cao (62,1%) nhưng vẫn thấp hơn so với ba nước láng giềng Uganda, Tanzania và Congo.

Đằng sau chuyện nợ công của các nước Châu Phi là một dấu hỏi lớn đặt ra cho chính phủ những quốc gia này: Liệu họ có thể tiếp tục phát triển kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu hay không? Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, kim loại quý và nông sản đều đang tụt giá không phanh trên thị trường thế giới. Kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà quan sát còn lo ngại rằng nó sẽ không bao giờ trở lại như xưa vì các nguyên nhân địa - chính trị. Các quốc gia Châu Phi chắc hẳn sẽ phải đi tìm kiếm những tiền đề phát triển kinh tế mới.

Nhiều chính phủ Châu Phi đang tìm cách xoa dịu dư luận bằng việc xử lý những đối tượng lạm quyền, tham nhũng. Hiện ông Godwin Emefiele, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nigeria đang phải hầu tòa vì tội tham nhũng. Tòa án cáo buộc ông này nhận hối lộ từ các nhà đầu tư nước ngoài rồi dùng tiền nhà nước để "rót" vào các giao dịch mua bán mờ ám trên thị trường Mỹ. Có lúc tổng giá trị các giao dịch này lên đến 32 tỷ USD, ngang bằng toàn bộ dự trữ USD của Nigeria.

Tại Mozambique, dư luận đang tiếp tục dõi theo phiên tòa xét xử đại án tham nhũng Ematum. Ematum là công ty đánh cá và sản xuất cá ngừ của Chính phủ Mozambique. Công ty này từng phát hành trái phiếu vào năm 2013 và thu về 850 triệu USD. Đáng lẽ ra số tiền này phải được dùng để đóng thêm tàu đánh cá xa bờ, nhưng sau hơn 10 năm, Ematum chỉ mới mua được vỏn vẹn 24 chiếc tàu.

Ước tính 500 triệu USD đã chảy vào túi các cấp lãnh đạo Ematum và Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ. Credit Suisse chỉ mới bồi thường cho Mozambique được một phần thiệt hại. Kết quả phiên tòa tại Mozambique sẽ là cơ sở để Maputo tiếp tục theo đuổi việc đòi Credit Suisse bồi thường thiệt hại.

Lê Công Vũ
.
.