Châu Phi, “điểm hẹn mới” trên “bàn cờ lớn”

Thứ Ba, 28/02/2023, 09:14

Không phải đến tận bây giờ, châu Phi từ lâu đã dần trở thành “điểm nóng” cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Những thay đổi cục diện toàn cầu đang đặt châu Phi vào một vị thế mới khiến họ nhận được nhiều sự quan tâm hơn và cũng đẩy họ đứng trước những lựa chọn khó khăn hơn.

Ưu thế đang nghiêng về Moscow

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, trong một bài phát biểu tại Moscow hôm 10/2 cho biết: "Hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng kế hoạch của phương Tây nhằm cô lập Nga, bằng cách bao vây chúng ta, đã thất bại". Lời phát biểu mạnh mẽ này được người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tuyên bố ngay khi ông trở về sau chuyến thăm châu Phi lần thứ hai trong năm nay, nó cho thấy sự tự tin của nước Nga với những mối quan hệ tốt đẹp mà họ đã xây dựng được với các đối tác châu Phi của mình.

Châu Phi, “điểm hẹn mới” trên “bàn cờ lớn” -0
Nước Nga đang có nhiều lợi thế ở châu Phi nhờ những mối quan hệ bền vững trong nhiều thập kỷ.

Có thể nói, mối quan hệ giữa Nga và châu Phi đang ở một giai đoạn tốt đẹp. Việc phần lớn các quốc gia châu Phi từ chối lên án Nga trên diễn đàn Liên hợp quốc theo đề nghị của các nước phương Tây, khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ vào năm ngoái, là một thắng lợi ngoại giao. Những lá phiếu đã phá vỡ thế cô lập Nga - vốn là điều phương Tây mong muốn.

Thực tế, nước Nga sở hữu một lợi thế lịch sử, khi Liên Xô (quốc gia mà Nga chính thức kế thừa) đã giúp đỡ rất nhiều quốc gia châu Phi ngày nay giành độc lập, trong những cuộc đấu tranh hồi thế kỷ trước. Nga cũng là nhà cung cấp lượng lớn vũ khí cho các quốc gia châu Phi, nơi nổi tiếng vì bất ổn, để trở thành đối tác an ninh của nhiều chính phủ. Nói như Tổng thống Uganda, ông Yoweri Museveni thì ông "không có lý do gì để chỉ trích Nga" và ông "tán dương tình hữu nghị Nga - châu Phi đã trải qua lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc".

Mối quan hệ đó được củng cố trong giai đoạn gần đây, khi Nga hỗ trợ cho nhiều nước châu Phi lương thực, phân bón và nhiên liệu trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng. Những thỏa thuận mới về thương mại, nông nghiệp liên tục được ký kết giữa các nước, khi lịch trình làm việc của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga liên tục có điểm đến tại châu lục này. Chỉ trong vòng 6 tháng qua, ông Lavrov đã 3 lần đặt chân đến châu Phi, tổng cộng đi thăm 11 quốc gia và dành ra hàng trăm cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo châu Phi ở khắp nơi trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần 2 cũng được lên kế hoạch vào tháng 6 tới tại St. Peterburg. Tần suất gặp gỡ dày đặc này phản ánh mối quan tâm rất lớn của Nga đối với "châu lục đen", trong bối cảnh phương Tây vẫn đang siết chặt các lệnh trừng phạt. Tất nhiên, người Nga đã thu được những "lợi ích" chính đáng từ quá trình “đầu tư” xứng đáng của mình.

Vào tháng 9/2022, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh ly khai ở miền Đông Ukraine theo đề nghị của Mỹ thì có 19 đại diện của châu Phi bỏ phiếu trắng (nhiều hơn 2 phiếu so với cuộc bỏ phiếu trước đó 6 tháng). Nam Phi, quốc gia giàu mạnh nhất của châu lục, cũng mới xác nhận sẽ tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với Nga trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, uy tín của Nga ở châu Phi đang gia tăng.

Uy tín chính trị, hiển nhiên, giúp cho hoạt động giao thương của hai bên phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi trong vài năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2018 lên mức 39 tỷ USD vào năm 2021. Các nhà xuất khẩu Nga đang tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng thị trường sang châu Phi, trong bối cảnh làm ăn với phương Tây bị hạn chế. Mới nhất, Nga đã giành được quyền tiếp cận 2 cảng biển quan trọng của Angola và Eritrea để có thể thuận tiện hơn trong “chuyện làm ăn" với khu vực này.

Ai cũng muốn góp mặt

Trong khi người Nga đang khẳng định vị thế tại châu Phi, các ông lớn khác cũng không quên tìm chỗ đứng cho mình. Nước Mỹ, với vị thế là cường quốc đứng đầu thế giới, đang dẫn đầu phương Tây cố gắng cô lập Nga, đã có những phản ứng mạnh mẽ nhất.

Tháng 7 năm ngoái, ngay sau chuyến thăm của ông Sergei Lavrov đến Ethiopia, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đã tiến hành chuyến đi ngắn tới Nam Phi, Congo và Rwanda vào đầu tháng 8. Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi được gấp rút tổ chức vào tháng 12/2022, để người đứng đầu chính quyền Mỹ đưa ra những lời hứa hẹn đầy ấn tượng, trong đó có cả việc ủng hộ một suất thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho châu Phi.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thực hiện chuyến thăm 10 ngày tới châu Phi vào tháng trước, gần như trùng khớp với chuyến thăm của ông Lavrov. Tại hội thảo vườn ươm doanh nghiệp ở Dakar, Senegal, bà Yellen nhấn mạnh rằng châu Phi, với tầng lớp trung lưu đang phát triển, “sẽ định hình quỹ đạo của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ tới”. Điều này cho thấy nước Mỹ cũng đã nhìn ra tiềm năng của châu lục lớn thứ hai thế giới và nhất định không bỏ qua cơ hội của mình.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang muốn tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với châu Phi sau thời gian dài bị vướng mắc bởi tư duy áp đặt chính trị. Tổng thống Biden cũng lên kế hoạch cho chuyến thăm tới khu vực phía Nam Sahara trong năm nay. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến khu vực này kể từ năm 2015.

Châu Phi, “điểm hẹn mới” trên “bàn cờ lớn” -0
Châu Phi cần đoàn kết để có thể nâng cao tiếng nói của mình trên thế giới.

Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại truyền thống của châu Phi - với kim ngạch năm 2020 lên tới gần 180 tỷ euro - cũng đang nỗ lực giữ chỗ đứng của mình. Khi mối quan hệ với Nga và Trung Quốc đều trở nên khó khăn, việc duy trì quan hệ kinh tế với châu Phi càng trở nên quan trọng. Tháng 11/2022, cuộc họp giữa EU và Liên minh châu Phi (AU) đã đồng ý sẽ bắt đầu phân bổ vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình "Cửa ngõ toàn cầu" (Global Gateway) và cung cấp hỗ trợ cho Cơ quan Dược phẩm châu Phi, cùng với việc thành lập một cơ chế “đối thoại cấp cao về hội nhập kinh tế nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư bền vững”. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng đã tìm đến châu Phi trong giai đoạn vừa qua, sau giai đoạn sứt mẻ quan hệ do những hành động quân sự mà các nước châu Âu thực hiện.

Nhưng, trên thực tế, đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong hơn một thập kỷ qua là Trung Quốc. Quốc gia ở rất xa châu Phi này đang là những người hiện diện mạnh mẽ nhất, khi có quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đầu tư với tất cả quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc mới chỉ mở cửa lại sau đại dịch COVID chưa lâu, nhưng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương lại là đến châu Phi đầu tháng 1/2023. Điều này cho thấy: Bắc Kinh vẫn đặt châu Phi ở vị trí rất cao trong tầm nhìn của mình.

Tìm vị thế cho mình

Không phải ngẫu nhiên mà các “ông lớn” liên tục "ve vãn" châu Phi trong thời gian qua. Với diện tích chiếm 20% toàn cầu, dân số 1,4 tỷ người và vẫn đang tăng nhanh, châu Phi thực sự là một thị trường khổng lồ tạo cơ hội cho tất cả. Châu Phi còn sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên quan trọng của thế giới. Nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng thu nhập quốc nội (GDP) của lục địa này tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Chính cơ hội này đã kéo châu Phi lên sân khấu lớn, buộc các cường quốc phải nỗ lực trong việc thiết lập vai trò và ảnh hưởng tại đây.

Được các cường quốc "lôi kéo" cũng có nghĩa là các nước châu Phi sẽ phải đối mặt với không ít lựa chọn khó khăn. Nhưng, các quốc gia châu Phi cũng đã nhìn ra vấn đề của mình. Với nền kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, các nước châu Phi luôn ưu tiên hợp tác phát triển để giải quyết những thách thức của mình trước. Châu Phi sẵn sàng chào đón bất cứ đối tác nào và đang tranh thủ thời cơ để gia tăng tiếng nói của mình trên những diễn đàn toàn cầu. Việc nhắm đến một suất thường trực Hội đồng Bảo an chính là mục tiêu của họ.

Ông Moussa Mahamat Faki, người đứng đầu Ủy ban Hợp tác châu Phi mới đây đã phàn nàn về việc châu Phi không có vị trí cố định trong tổ chức hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, châu Phi không chỉ cần sự ủng hộ của các cường quốc, mà quan trọng nhất, họ phải xây dựng được một lập trường vững chắc để làm đối trọng với chính các cường quốc. Ông Faki nhấn mạnh: “Châu Phi không muốn bị coi là đấu trường cho các cuộc tranh giành ảnh hưởng. Lục địa này có một tầm nhìn được nêu trong Chương trình nghị sự 2063. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và mong muốn hợp tác với tất cả các nước trên thế giới”.

Tử Uyên
.
.