Chất lượng Đảng viên

Thứ Năm, 02/12/2021, 10:07

LTS: Hạt nhân cốt lõi của công tác xây dựng Đảng là chất lượng Đảng viên. Và để tạo ra một lực lượng Đảng viên chất lượng, phải giải quyết rốt ráo chuyện lợi dụng danh nghĩa Đảng để trục lợi của những người không mang niềm tin, lý tưởng thuần thành.

Tiến sỹ Lê Kiên Thành: “Hãy giữ chất Đảng viên trong chúng ta lâu nhất, nhiều nhất”

+ Thưa Tiến sỹ Lê Kiên Thành, được biết ông “ra riêng” làm doanh nghiệp tư nhân rất sớm, từ năm 1991. Vậy thì ông còn giữ Đảng tịch chứ?

- Tất nhiên (và cả may mắn nữa) là tôi còn Đảng tịch. Mới cách đây mấy ngày tôi được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Chất lượng Đảng viên -0
Tiến sỹ Lê Kiên Thành.

+ Như vậy là có 30 năm ông là một Đảng viên đi làm kinh tế, nôm na là một Đảng viên đứng ngoài bộ máy hành chính. Thực sự ông có cảm thấy 30 năm ấy Đảng tịch còn cần thiết với mình hay không?

- Tôi lại nghĩ hơi khác. Khi chọn lý tưởng của Đảng là mình nguyện phụng sự những lợi ích của nhân dân, của đất nước và chỉ có những lợi ích đó. Thế thì không chỉ có đứng trong bộ máy nhà nước mới xứng đáng là Đảng viên. Đó là điều dễ hiểu mà.

+ Xin đơn cử một ví dụ thế này. Có một người quen chung giữa tôi và ông. Người ấy khi còn làm trong bộ máy nhà nước đã tìm mọi cách để phấn đấu vào Đảng nhưng ngay khi vừa mới rời khỏi bộ máy để ra làm tư nhân, người đó hoàn toàn bỏ tất cả các sinh hoạt Đảng. Thậm chí khi đơn vị cũ liên lạc mấy lần để làm thủ tục chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về Đảng bộ địa phương, người đó đều không xuất hiện dù chỉ sống cách đơn vị cũ vài bước chân. Ông nghĩ về trường hợp này và nhiều trường hợp tương tự như thế nào?

- Một ví dụ hay. Tôi nghĩ thế này: chắc người đó, cũng giống “một số không nhỏ” - như lời Tổng Bí Thư đã nói - “vào Đảng với mục đích khác”, mục đích thăng tiến là rõ nhất, nên khi thấy không còn cần nữa thì anh ta bỏ Đảng.

+ Như vậy, chúng ta có thể nói rằng đã và đang có một bộ phận lợi dụng danh nghĩa Đảng vì mưu cầu cá nhân, mà cụ thể nhất là kiếm tìm vị trí xã hội?

- Đó là một sự thật đau lòng mà ta phải nhận thấy từ lâu rồi mới đúng. Khi Hội nghị Trung ương 4, khoá 12 đã vạch ra: “Đảng đứng trước nguy cơ tồn vong khi một bộ phận không nhỏ Đảng viên thoái hóa, biến chất” thì đó chính là vấn đề mà bạn đang nói tới.

+ Nhưng phải nói thế này. Kiếm tìm vị trí xã hội cũng là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Bản thân Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc đến mưu cầu hạnh phúc như một cái quyền cơ bản. Nếu một người thấy việc có được một vị trí xã hội, một chức vụ trong bộ máy chính là hạnh phúc thì có thể hiểu và thông cảm cho mục đích vào Đảng của họ hay không? Vả lại, Đảng là một tổ chức chính trị và việc trở thành một Đảng viên cũng là việc kiếm tìm một vị thế chính trị cho riêng mình mà.

- Mưu cầu hạnh phúc nói chung đúng là rất chính đáng của mọi người, trong đó có cả người Đảng viên. Nhưng người đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ đó phải, và bắt buộc phải, chấp nhận hy sinh mưu cầu riêng vì lợi ích chung. Hy sinh trên chiến trường khi đất nước có giặc. Hy sinh một phần lợi ích cá nhân của mình khi xây dựng cuộc sống trong hòa bình. Thiếu tính hy sinh thì sẽ trở thành bình thường như muôn vàn người khác, không còn là Đảng viên nữa. Có lần tôi nói với chú Đỗ Mười: “Chú có bao giờ hình dung các nhà lãnh đạo Cộng sản lại giàu có như ở nước mình không chú. Cháu thì hình dung nếu tự nhận nước mình xây dựng CNXH thì những người lãnh đạo phải là người giàu cuối cùng trong xã hội này!”.

+ Nhân ông nhắc đến đức hy sinh. Đúng là ở thế hệ trước đã có không biết bao nhiêu người đã hy sinh cả bản thân mình vì Đảng. Còn bây giờ, dường như đang có xu hướng ngược lại là họ chỉ vì bản thân mình mà làm tổn hại tới hình ảnh của Đảng cũng như sự cao đẹp của những người Cộng sản chân chính. Nhưng việc phải có Đảng tịch mới có thể có địa vị trong bộ máy lại tạo một môi trường cho những người như thế lạm dụng Đảng. Đó là mâu thuẫn rất lớn cũng như cản trở lớn trong công tác vô cùng quan trọng mà Tổng Bí thư vẫn đang kiên trì theo đuổi là “Xây dựng Đảng”?

-  Ngày xưa, là Đảng viên, bị địch bắt là phải chịu tra tấn, tù đầy. Là Ủy viên Trung ương là bị địch xử bắn. Nghĩa là, Đảng là hàng ngũ của những người ưu tú nhất, dám xả thân nhất. Ngày nay, chúng ta phải tiếp tục đề cao, nhấn mạnh điều này bằng mọi cách, để tất cả đều thấy rõ ràng vào Đảng không phải để hưởng thụ, mà để dấn thân, để hy sinh, để cống hiến cho những  nhiệm vụ của hôm nay. 

+ Thời gian rồi sẽ trôi rất nhanh, thế hệ đi trước rồi cũng sẽ nằm xuống. Ông có sợ rằng khi thế hệ hy sinh vì Đảng đã sang thế giới bên kia rồi thì lực lượng lợi dụng Đảng sẽ không còn những trở lực và họ càng khiến Đảng mất niềm tin trong dân hơn?

- Theo cách tan rã và sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu thì đúng là như vậy. Sự thoái hoá là dễ hiểu trong một môi trường đầy cám dỗ quyền lực và vật chất  đối với những cán bộ vốn dĩ là Đảng viên của một đảng cầm quyền. Nhưng nếu Đảng có thể bảo vệ những đảng viên trung kiên, biết cách thu nạp những người trẻ còn đầy nhiệt huyết và trong sáng, biết dùng quần chúng để gột rửa chính mình, thì khi đó Đảng sẽ còn tồn tại với chính sứ mệnh thiêng liêng của mình.

+ Lúc nãy ông có nhắc tới hai chữ lý tưởng. Ông có tin rằng vẫn còn những người trẻ ở thời đại này vào Đảng vì họ mang lý tưởng Cộng sản?

-  Khi Đảng ra đời, lúc đấy đa phần là Đảng viên trẻ, có nhiều người còn rất trẻ. Lúc đó Đảng chưa có một thành công nào. Bây giờ, không ai có thể phủ nhận Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên giải phóng và thống nhất đất nước trước những kẻ thù vô cùng to lớn và hung bạo. Đội ngũ đấy có đáng tự hào để lớp trẻ đứng vào và tiếp tục không, tôi nghĩ là có. Nhưng nếu tồn tại những người tha hóa biến chất, vì một lý do nào đó, từ một “ bộ phận không nhỏ” lại trở thành một “bộ phận lớn” thì hình ảnh của Đảng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn tới lý tưởng của Đảng không còn trở nên cuốn hút nữa. Lý tưởng đầu tiên và duy nhất của Đảng là chống áp bức, bóc lột, xây dựng một cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc thì sao ta phải thay đổi. Tôi nghĩ, đúng hơn, ta hãy thực sự quay lại với lý tưởng đó bằng cách thay đổi lực lượng trong Đảng để khai trừ những thành phần lợi dụng danh nghĩa Đảng để họ biến mình thành chính những kẻ áp bức mới.

+ Nếu được góp ý một điều gì cho công tác xây dựng lực lượng Đảng viên mới chất lượng và lành mạnh, ông sẽ đề xuất gì?

- Tôi muốn nhắc lại lời tôi đã phát biểu tại buổi nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng là: “Đảng mạnh không phải chỉ từ 200 đồng chí Ủy viên Trung ương, từ 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mà phải là từ 5 triệu Đảng viên mà mỗi người chúng ta là một phần quan trọng. Hãy giữ được chất Đảng viên trong chúng ta lâu nhất, nhiều nhất. Ba tôi, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chính vì vậy, đã nhiều lần nói: “Đảng viên chúng ta, mỗi ngày, hãy tự kết nạp mình vào Đảng!”.

+ Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trao đổi cởi mở này.

Hà Quang Minh

Mercedes trong sân huyện ủy

Trong sân ủy ban một huyện miền núi nằm trong top 20 huyện nghèo nhất đất nước, có chiếc Mercedes GLC màu trắng muốt. Người cán bộ huyện dắt đoàn khách Hà Nội đi ngang qua sân huyện ủy thì thầm, “của đồng chí phó bí thư”. Đồng chí phó bí thư huyện lại là em ruột của một đồng chí giữ chức vụ cao hơn nữa trên tỉnh. Chuyện thế lại thành thường tình. Mấy vị khách trung ương không thắc mắc nữa.

Chiếc GLC – khá thú vị - không hề là một ẩn dụ cho lối sống của người cán bộ lãnh đạo. Chiếc xe được hãng Mercedes định danh một cách chính thức là “một biểu tượng cho sự xa hoa thời hiện đại” (A symbol of modern     luxury). Nó không phải là một ẩn dụ, vì nó là lời tuyên bố chắc nịch về sự xa hoa.

Chất lượng Đảng viên -0

Mọi thứ đều có khả năng được giải thích hợp lý, ngay cả nếu ủy ban kiểm tra vào cuộc. Có lẽ gia đình đồng chí có hoạt động kinh doanh khấm khá – điều rất đáng được khuyến khích trong nền kinh tế thị trường. Có lẽ các cụ thân sinh đã dày công khai hoang đất đai, hoặc để lại nghề gia truyền. Tất nhiên nếu cán bộ lãnh đạo mà có cả hoạt động chuyên môn, ví dụ phòng mạch tư mở sau giờ hành chính, thì việc có vài tỷ bạc mua xe không phải chuyện kinh thiên động địa gì.

Nhưng lời tuyên bố về “sự xa hoa thời hiện đại”, thông qua chiếc Mercedes trong sân huyện ủy, không phải vì những lý do trên mà trở nên vô nghĩa.

Cách đó không xa, là gia đình của thầy hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn huyện. Thầy đã lên công tác ở nơi này gần 20 năm, từ thời còn chưa có đường bê tông liên xã, lội bùn vào với học sinh. Đến tận năm 2020, thầy vẫn đang đi vận động từng nhà hảo tâm để cải tạo trường: phòng nghỉ của các thầy trên trường vẫn được đóng bằng mấy tấm ván phủ tôn.

Trong 20 năm ấy, để làm tròn sứ mệnh của một người giáo viên, người Đảng viên này đã hy sinh đến cả quyền lợi thiêng liêng nhất của mình, quyền làm cha. Con đường độc đạo với hàng trăm khúc cua tay áo xuyên núi để về đến thị trấn, đã khiến thầy không kịp đưa đứa con trai lớn đi cấp cứu trong cơn sốt cao năm xưa. Đứa bé chịu tổn thương suốt đời.

Tất nhiên, con đường độc đạo ấy sẽ ngắn lại, nếu người ta đi Mercedes GLC. Đó có phải là cách mà phó bí thư thực hiện “trách nhiệm nêu gương” của mình với các cấp dưới? Rằng hãy cố gắng để có một chiếc SUV hai cầu với ghế da thật?

Ngay bên hông huyện ủy, buổi sáng cuối tuần, là phiên chợ vùng cao. Những bà mẹ người Mông, da nhăn đến mức không còn đoán được tuổi, đi bộ hai chục cây số từ bản xuống. Họ không có gì nhiều để bán: một vài mớ rau hái ở vườn nhà, mấy chục quả cà và những loại gia vị xa lạ với dân miền xuôi, mà nhìn qua đã biết rằng họ mới mót trên rừng, mong kiếm thêm chút hào, chứ không phải sản phẩm nông nghiệp bền vững gì. Tất cả nằm toen hoẻn trong một chiếc áo mưa trải ra trên nền đất. Huyện cũng không có mấy khách du lịch (vì con đường độc đạo đáng sợ kia). Nên phiên chợ, rốt cục cũng sẽ chỉ bán được cho chính những cư dân nơi này, lếch thếch trong những đôi dép tổ ong, dưới cơn mưa phùn lạnh của miền cao.

Rất khó để quy chiếc Mercedes vào một hạng mục nào đó của các chỉ thị từ Ban Bí thư. Nó chỉ vô lý trong lòng người.

Nó là một tuyên bố về vị trí xã hội. Công năng của Mercedes, ngoài di chuyển, còn là tuyên bố vị trí xã hội.

Sau khi đưa ra lời tuyên bố về vị trí xã hội, nó trở thành sự giễu cợt với những người không ở vị trí đó: xung quanh lốp xe của đồng chí phó bí thư, là những đồng bào còn loay hoay cả với cơm ăn áo mặc.

Và cuối cùng, sau sự giễu cợt, biểu tượng về sự xa hoa thời hiện đại này, gợi ý rằng có một con đường để đi tới chỗ đó. Con đường lợi dụng Đảng. Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao đức hy sinh và phụng sự, và như một luận điểm được nhiều Đảng viên lão thành lặp lại trên báo chí, rằng nếu xã hội giàu lên, thì cán bộ Đảng viên phải là những người cuối cùng hưởng thụ. Nhưng sự hưởng thụ của nhiều cán bộ giờ đến trước nhân dân, và phổ biến tới mức Bộ Chính trị phải ra các chỉ thị hạn chế.

Chiếc GLC đó không phải là một biểu tượng cá biệt. Nếu di chuyển tiếp theo một vòng cung ba trăm cây số nữa để đến một vùng biên giới khác, bạn có thể gặp Audi và Renault trong sân huyện ủy. Vì lý do nào đó, tỷ lệ xe châu Âu trên xe Hàn và Nhật ở các sân ủy ban kiểu này lại có vẻ nhiều hơn Hà Nội. Trung ương vốn là đồng bằng nên có lẽ không cần đến động cơ quá bền bỉ? Hoặc là cán bộ trung ương hiểu lý lẽ hơn.

Không thể kết luận rằng đó là những biểu hiện sai phạm. Nhưng ngay cả khi đó là sự vô tình, thì nhiều cán bộ Đảng viên đang bắn đi những thông điệp nghiệt ngã về phía những Đảng viên khác đang dốc lòng phục vụ - như những người thầy giáo miền cao, mà ta không có đủ lời để cảm ơn trong ngày 20-11 này.

Ngay cả một cô bán hàng đa cấp trên mạng giờ cũng nhận thức được rằng, nếu cô ta muốn tỏ ra thành đạt, kiếm được nhiều tiền, sống nhàn hạ, cô ta nên thuê một chiếc Mercedes để chụp ảnh check-in. Bức ảnh đó sẽ được dùng để mời gọi người khác “cùng tham gia vào hệ thống” và đi kiếm tiền.

Đức Hoàng

Huy hiệu Đảng viên

Ông A là một Đảng viên mới được tặng huy hiệu 50 tuổi Đảng. Ông cũng là một trong những người lính đã tiến vào giải phóng Sài Gòn gần nửa thế kỷ trước. Ông không vắng mặt buổi nào trong các lần sinh hoạt chi bộ của tổ dân phố đã nhiều năm qua.

Chất lượng Đảng viên -0

Ông từng là phó trưởng ban mẫn cán của một đơn vị sự nghiệp uy tín bậc nhất, được đánh giá là một người thanh liêm và không tư lợi. Một Đảng viên gương mẫu điển hình. Một con người trong sạch, có lý tưởng riêng, và đã giữ gìn lý tưởng ấy trong gần hết cuộc đời mình.

 Ông đã ngồi nguyên ghế phó trưởng ban trong 20 năm, không lên và cũng không xuống. Tài sản của ông cũng không phải của chìm của nổi như nhiều người đã chấp nhận vun vén cho bản thân nhiều hơn. Bây giờ, ông thấy có những người từng cùng hàng ngũ đã không sống như những gì ông tin tưởng, và sung sướng hơn ông rất nhiều. Ông đâm ra ưu phiền, nghĩ ngợi.

Đấy không phải một chân dung cá biệt mà tôi, và rất có thể là nhiều bạn đọc nữa, từng quen biết. Những người như ông A từng gia nhập hàng ngũ của Đảng với lý tưởng thật sự, rằng có thể góp phần đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng thời thế đã thay đổi. Bây giờ, một số người không mang lý tưởng như ông nữa. Họ đã lợi dụng vị thế để tư lợi.

Sự thanh liêm giờ lại là thứ khiến ông bối rối: con cái ông, vốn đang vật lộn mưu sinh vì không có nhiều của thừa kế từ gia đình như các ông bố khác, trách móc ông vì đã quá... Địa vị ông từng có cũng không còn ý nghĩa, vì quá trong sạch, ông không có ân uy với nhiều người.

Thời của ông, vào Đảng là để thực thi một sứ mệnh lý tưởng, chiến đấu để giành độc lập và chiến thắng sự bất công. Quá nhiều thử thách để đi qua, mà có rất ít chỗ để tư lợi. Bây giờ, các lớp cảm tình Đảng trong thời bình diễn ra bằng phẳng hơn, trong khi quyền lợi ở phía trước có thể nhiều hơn, và nguy cơ sa ngã nhiều hơn.

Hai tháng trước, trong một bài báo phản ánh chuyện địa phương khó kết nạp Đảng những người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có, tờ Tri thức trực tuyến đưa ra một ví dụ: độ tuổi trung bình của Đảng viên ở chi bộ này lên tới 60-65 tuổi, và gần như không có nguồn mới để kết nạp.

Địa bàn này có những khu đô thị hiện đại bậc nhất thủ đô Hà Nội, cũng như tập hợp một lượng người giàu đông đảo. Nhưng ít ai chọn con đường chính trị, nếu đã có điều kiện về kinh tế. Thậm chí, việc phải sinh hoạt Đảng thường xuyên khiến họ ngại cho sự nghiệp kinh tế, vì đòi hỏi nhiều thời gian và khả năng cân đối công việc.

Hoặc đơn giản, các lý tưởng chính trị đã không còn quá thôi thúc nhiều người cống hiến thời gian và tiền bạc của họ. Chưa hết, một bộ phận lợi dụng Đảng để tiến thân và tư lợi làm giảm đi sự uy nghi của lý tưởng. Các lý luận chỉ có thể khơi dậy được động lực trong một số người đã có sẵn lý tưởng ấy, nhưng để thu hút nguồn lực từ nhân dân cho các lý tưởng, chúng ta cần nhiều hơn thế.

Có thể là lợi ích cá nhân, mà không xung đột với lý tưởng và lợi ích công. Tình huống một Đảng viên có thể dung hòa được lợi ích cá nhân của anh ta và lợi ích công cộng thường ít được đặt ra, trong quá trình cảm tình Đảng. Nhưng cơ chế thị trường, hệ thống cấp bậc và các nhóm lợi ích sẽ nhanh chóng đặt anh ta vào tình huống dằn vặt này: liệu tôi có thể đưa ra một sáng kiến kinh tế ngoài khuôn khổ ở một địa phương, mà không bị cho là trục lợi, tiêu cực? Liệu tôi có thể không nghe lệnh cấp trên mà yên ổn, nếu ông ta bảo tôi phải ký vào một văn bản sai trái?

Lý tưởng thuần khiết có thể cảm thấy bị động chạm với những câu hỏi kiểu này, nhưng thực tế thì luôn phức tạp hơn thế: những người có lý tưởng thậm chí còn phải đối mặt với lực cản từ một bộ phận đã tha hóa trong hệ thống. Có những chiến thắng tiếp thêm niềm tin cho chúng ta rằng vẫn còn những người can đảm như thế, nhưng thân phận của những người Đảng viên dũng cảm chống lại cái tiêu cực sau mỗi chiến thắng lại cũng có thể khiến người khác sờn lòng.

Ông A ở đầu bài viết này vẫn rất tự hào khi mặc lên bộ đồ quân ngũ, cài đủ huân chương và huy hiệu, trước khi đến một lễ kỷ niệm cựu chiến binh mừng ngày giải phóng Sài Gòn vào 30-4-1975. Tấm bằng chứng nhận 50 năm tuổi Đảng được đóng khung và treo ở chỗ trang trọng nhất trong nhà ông.

Rốt cục thì, đấy có thể xem như một chiến thắng vĩnh viễn của lý tưởng: một Đảng viên lâu năm, dù đã phải chứng kiến và chịu sự thất vọng, vẫn nuôi dưỡng được sự tự hào vì những gì ông đã tin tưởng và cống hiến, dù cuộc sống vẫn không bao giờ hoàn hảo, và cần rất nhiều tranh đấu để loại trừ cái xấu.

Chúng ta có thể cảm thấy khó tìm thấy họ hơn trong “thời buổi kinh tế thị trường này”, nhưng cũng như tấm huy hiệu được cất giữ cẩn thận và trang trọng, họ vẫn tồn tại, dù thầm lặng, thiệt thòi.

Phạm An

Hà Quang Minh - Đức Hoàng - Phạm An
.
.