Chặng cuối nào cho JCPOA?
Iran đã chính thức tuyên bố bước vào giai đoạn quyết định trong đàm phán, nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi một cách ngắn gọn là Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Song, có lẽ, vào thời điểm này, Tehran không phải là phía “hồi hộp, thấp thỏm” nhất chờ đợi kết quả cuối cùng.
Thực tế và linh hoạt
“Iran có thiện chí và nghiêm túc hướng tới một thỏa thuận tốt và lâu dài, nhưng “chúng tôi không thể nói là đang đạt được một thỏa thuận tốt và lâu dài, trừ phi thỏa thuận này đề cập đến mọi vấn đề” - Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Hossein Amir-Abdollahian đã nói như vậy trong cuộc điện đàm với người đồng cấp từ Oman, ông Oman Sayyid Badr Hamad al-Busaidi, ngày 18-8.
Dù sao, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng đã xác nhận rằng: Các vòng đàm phán hạt nhân ở Vienna (thủ đô Áo) có thể bước vào giai đoạn mới, nếu như trong phản ứng của Mỹ đối với quan điểm của Iran, về dự thảo thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, bảo đảm được các lợi ích kinh tế cũng như tôn trọng các “lằn ranh đỏ” màTehran đòi hỏi.
2 ngày trước đó, 16-8, như hãng thông tấn quốc gia IRNA khẳng định: “Iran đã đưa ra phản hồi bằng văn bản đối với bản dự thảo thỏa thuận Vienna và tuyên bố thỏa thuận sẽ được ký kết, nếu Mỹ có phản ứng thực tế và linh hoạt".
Bản dự thảo (mà EU gọi là dự thảo “cuối cùng”) này đã được EU công bố ngày 8-8 và đến 15-8, Tehran cho biết rằng họ “có thể chấp nhận” đề xuất ấy. Nghĩa là cuối cùng, sau 16 tháng đàm phán ngắt quãng với rất nhiều trắc trở, cùng vô số nỗ lực ngoại giao con thoi trung gian, một điểm thỏa hiệp cần thiết cũng đã xuất hiện, để le lói rọi tới một lối thoát.
Dĩ nhiên, như để bắn đi những tín hiệu cảnh báo và “phòng ngừa”, ngày 19-8, Tư lệnh Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Alireza Tangsiri - vẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi cảnh báo bất kỳ quốc gia nào chuẩn bị viện cớ để các thế lực ngạo mạn can thiệp và hiện diện tại khu vực, cũng như cung cấp cho những thế lực này căn cứ, không gian, lãnh thổ để thành lập liên minh quân sự chống lại các quốc gia trong khu vực", bởi Iran "vô cùng nhạy cảm với các mối đe dọa và sự nổi loạn của kẻ thù, cũng như không do dự đáp trả một cách quyết đoán để khiến kẻ thù phải hối hận".
Nhưng, song song, dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, kênh truyền hình CNN đưa tin: Iran đã bỏ yêu cầu Washington không liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách tổ chức khủng bố, trong quá trình đàm phán khôi phục JCPOA, đồng thời từ bỏ yêu cầu Mỹ xóa danh sách một số công ty có liên quan đến IRGC. Nếu thông tin này là chính xác, thì quả thật, Tehran đã ứng xử một cách “thực tế và linh hoạt”, nhằm mở đường cho một “chặng về đích” suôn sẻ.
Dù sao, cùng thời điểm, EU cũng đã đánh giá phản ứng của Iran đối với đề xuất thỏa thuận hạt nhân là “mang tính xây dựng”, cũng như cho biết họ đang tham vấn với Washington về các bước tiếp theo.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi tù nhân với Washington. Mỹ phải trả tự do cho những công dân Iran bị bỏ tù mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”. Không hẳn là Tehran “xuống nước” nhưng kể từ năm 2018, có lẽ đây là lần đầu tiên phía Iran “sẵn sàng” chấp thuận một gợi ý như vậy từ phía Mỹ.
Cho dù, không nên quên rằng cho đến lúc này, Mỹ vẫn chưa được Iran đồng ý đàm phán trực tiếp, bởi Washington không còn tư cách là một trong những nước tham gia JCPOA (cùng Iran và Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức). Tháng 5-2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi JCPOA và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đáp lại, Iran tuyên bố giảm dần các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, từ bỏ các hạn chế đối với nghiên cứu hạt nhân, máy ly tâm và mức độ làm giàu uranium. Để có thời điểm gần đây, Iran được cho là đã sở hữu mức làm giàu uranium tiệm cận cấp độ sản xuất vũ khí hạt nhân.
Lối thoát hiểm cho… châu Âu
Nếu JCPOA được khôi phục đầy đủ, nghĩa là với sự tham gia trở lại của cả nước Mỹ cũng như sự tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản từ mọi phía, điều quan trọng nhất hiển nhiên sẽ là chuyện củng cố hòa bình và ổn định toàn cầu, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ guồng máy làm giàu uranium của Iran.
Tuy nhiên, theo giới phân tích chính trị quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế thế giới, việc tháo dỡ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran còn có thể giúp bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu, đặc biệt là khi JCPOA được vãn hồi trong thời gian sớm nhất có thể. Và, trước hết, điều này có lợi cho EU.
Theo lộ trình dự kiến, chỉ cần JCPOA hồi sinh, Iran cùng các cường quốc châu Âu thuộc nhóm P5+1 là Anh, Pháp và Đức sẽ lập tức nối lại các mối quan hệ thương mại - vốn đã bị tạm đình chỉ suốt gần 4 năm qua. Tehran được dự báo sẽ nhanh chóng khôi phục kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải biển, luyện kim... và nhiều lĩnh vực khác.
Nổi lên trong số đó, năng lực sản xuất khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày của Iran rõ ràng là điều đáng chú ý nhất, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị thế giới nóng bỏng hiện tại. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ sớm kết thúc. Nó vẫn tạo nên những sức ép ghê gớm làm giá dầu bị giữ ở mức cao, dẫn tới những hiệu ứng dây chuyền tiêu cực cho mọi ngành nghề trong toàn bộ guồng máy sản xuất - kinh doanh toàn cầu.
Giá cả sinh hoạt và lạm phát, do đó, cũng đều đang trở thành bóng ma ám ảnh đối với mọi chính phủ. “Bóng ma” này thậm chí còn đang mỗi lúc một giàu tính đe dọa hơn, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên bán sang châu Âu - nơi Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất, cũng là khu vực đang chống đỡ với “bão giá” chật vật nhất. Bởi vậy, dầu thô của Iran được kỳ vọng sẽ đóng vai trò đắc lực trong việc đẩy lùi các áp lực kinh tế - xã hội.
Về dài hạn, Iran có thể thúc đẩy xuất khẩu lên 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 36 tháng tới. Điều này có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Iran, vì có thể đóng góp cho doanh thu lên tới 65 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, JCPOA có thể tác động đến việc giải phóng hơn 100-150 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Tehran - đất nước cũng đang cực kỳ khó khăn, khi bị tước đi quá nhiều cơ hội phát triển sau những khoảng thời gian dài chịu đựng cấm vận.
JCPOA được hồi sinh sẽ là điều tốt đẹp, cho cả Iran lẫn EU. Không chỉ vậy, JCPOA hồi sinh cũng sẽ còn là một thành tựu ngoại giao mà đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trông đợi, trước khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (tháng 11 tới).
Tuy vậy, mới ngày 15-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price vẫn tuyên bố: “Chúng tôi (Mỹ) không có kế hoạch nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đã không làm như vậy trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán”. Ông cũng nhấn mạnh rằng con đường duy nhất để cùng nhau quay trở lại thực thi JCPOA là Iran phải từ bỏ những yêu cầu mà Mỹ cho là "không thể chấp nhận được" vì nó vượt ra ngoài phạm vi của thỏa thuận hạt nhân này. Theo ông, “những gì có thể đàm phán thì Washington đã đàm phán rồi”.
Thái độ “cứng rắn” ấy, trong bối cảnh này, có lẽ xuất phát từ việc Nhà Trắng cũng có những “cái khó” riêng khi “xuống thang”, xuất phát từ những lý do riêng. Song, thực tế là chính sự cứng rắn đó đã trở thành rào cản để những cuộc đàm phán tại Vienna lâm vào tình trạng bế tắc hết lần này đến lần khác. Dường như, nó không phải là cách thích hợp để thể hiện thiện chí, nhất là trong bối cảnh nó có thể khiến những niềm hy vọng vừa lóe lên của EU (về các triển vọng kinh tế - xã hội) tắt phụt.
Ở một khía cạnh khác, cho dù phương Tây đã nỗ lực sử dụng mọi công cụ ngoại giao có thể, OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, cùng các nhà sản xuất liên minh) cũng vẫn thẳng thừng tuyên bố rằng họ không có khả năng kiềm chế đà leo thang của giá dầu, cũng như chỉ có thể tăng sản lượng lên thêm 100.000 thùng/ngày. Vậy thì phương Tây có sẵn sàng thỏa hiệp nhiều hơn và sẽ phải thỏa hiệp nhiều đến đâu để Tehran, vốn có mối quan hệ truyền thống khăng khít với Moscow, “mở hết công suất” khai thác dầu?