Chấn hưng văn hóa

Thứ Sáu, 27/10/2023, 20:01

LTS: Đề xuất 350 ngàn tỷ để chấn hưng văn hóa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có hồi đáp chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư với một trong những nội dung nổi bật là “đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa”. Đúng là rất cần “chấn hưng văn hóa” nhưng “chấn hưng” như thế nào, bằng cách nào lại là chuyện không thể chỉ đo bằng con số.

Sự vô tận của văn hóa

Tôi hay mua thuốc lá của một thương hiệu khá quen thuộc, và bỗng một ngày, hình vẽ hoa văn trên vỏ bao làm tôi tò mò: nó quá đẹp, và tinh xảo. Tôi tự hỏi cái hình trên đó là “con” gì?

1a.jpg -0
Trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hoá? Ảnh: ST

Tôi quyết định vào trang chủ của thương hiệu để tìm xem có thông tin gì không, thì thật kỳ lạ, thương hiệu chẳng hề đả động gì tới cái logo rất đẹp và gọn gàng ấy.  Tôi quyết định bốc máy gọi điện đến công ty để hỏi, thì hóa ra cũng chẳng ai biết cái “con” trên mẫu thiết kế ấy là “con” gì. Thế mới lạ!

Cuối cùng thì tôi cũng biết cái “con” ấy là con gì (nó hiện diện trên rất nhiều kiến trúc đền, chùa ở Việt Nam, và có một câu chuyện rất hay), nhưng không phải từ những người đang kinh doanh trên một biểu tượng văn hóa.

Chuyện này không có gì lạ. Khi ngồi uống cà phê với một nhà nghiên cứu mỹ thuật có tiếng, tôi nghe anh nói đi nói lại “làm sao mà có thể làm hình con rồng ba chân cơ chứ”, về nhãn hiệu của một hãng bia hàng đầu trên thị trường. Anh tiết lộ rằng mình đã từng cố gắng góp ý, nhưng mọi chuyện cũng chỉ ném đá ao bèo. Người ta không quan tâm mấy.

Rồi anh kể sang chuyện tập đoàn này dùng sai một biểu tượng thế nào, và khu di tích nọ “quên tiệt” rằng họ có hẳn một bức tượng cổ quý giá, nhưng chẳng buồn nghĩ đến chuyện giữ gìn, nói gì trùng tu.

Khi đọc về đề xuất 350 ngàn tỷ đồng nhằm chấn hưng văn hóa của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL), tôi nghĩ ngay đến những câu chuyện kiểu này.

Nhà nghiên cứu ngồi uống cà phê với tôi là người đã làm chuyện “bao đồng” về văn hóa qua hàng thập kỷ: anh cố gắng làm người ta quan tâm đến khía cạnh văn hóa, dưới đủ hình thức, từ sách vở đến các buổi giảng, hoặc trực tiếp thuyết phục. Nếu có một đồng hồ công-tơ-mét nào đó đi theo quãng đường này để đo chi phí, thì có lẽ nó cũng “nhảy” lên đến hàng tỷ đồng.

May mắn là trong đa số việc bao đồng ấy, anh chỉ dùng tiền túi của mình. Tính trên phương diện hiệu quả, anh đã thất bại. Tốn bao nhiêu tiền của và cả công sức, cuối cùng thì người ta vẫn không thực sự quan tâm đến khía cạnh văn hóa. Nếu không dùng tiền cá nhân, anh có thể trở thành “tội đồ” vì sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Tâm huyết của anh không phải thứ mà bạn có thể ngồi đọc báo hay thậm chí là đề án mà cảm nhận được.

“Để bảo đảm văn hóa phát triển cùng với kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường… chúng ta cần xem xét lại quá trình bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị, tầm quan trọng của văn hóa. Trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hóa?”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ vào đầu tháng Tám.

Các vấn đề về văn hóa nói ra có vẻ rất đơn giản như vậy, và nó có thể tạo cảm giác cho người nghe rằng đấy là một việc đơn giản. Tưởng gì chứ chấn hưng văn hóa thì cứ làm sao tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nói nhiều hơn về văn hóa, quan tâm hơn đến văn hóa, là được mà?

Nhưng riêng nội hàm của một từ “quan tâm” thôi, một khi đã dính đến khía cạnh văn hóa, thì nó có thể mở rộng đến vô tận, như cuộc đời của nhà nghiên cứu ngồi phàn nàn với tôi về những nỗ lực bất thành đã thành cơm bữa của anh.

Nhưng nỗ lực chấn hưng văn hóa, một khi đã dựng thành đề án, thì nó nhanh chóng trở thành một vấn đề quản lý nhà nước, với chỉ tiêu và các con số cụ thể: vào giữa tháng Mười vừa qua, hàng loạt bộ đã đề nghị xem xét lại con số 350 ngàn tỷ đồng của đề án chấn hưng này.

Đấy sẽ là một nan đề cho tất cả, nếu cố gắng dùng toàn bộ tinh thần của quản lý dự án cho vấn đề này. Ví dụ, sẽ rất dễ để tôi phổ biến cho hàng ngàn nhân viên của nhà máy thuốc lá ở đầu bài viết biết cái “con” in trên nhãn của họ là con gì. Chuyện này thì có thể dùng khảo sát, phong trào, thậm chí tệ lắm thì đánh vào lương thưởng, nếu ai hỏi đến mà anh không biết.

Nhưng để họ thật sự quan tâm nó trên khía cạnh văn hóa, thì giống như bạn vừa từ bể bơi nhảy xuống đại dương vậy. Không có giới hạn về tiền bạc, công sức, và tâm huyết cho việc này. Và dĩ nhiên, không thể đo đếm nó.

Phạm An

Đo lường văn hóa

Khi bàn đến đầu tư công, chúng ta cần bàn đến hiệu quả. Nhưng nếu là “đầu tư cho văn hóa”, cơ chế đo lường hiệu quả lại phức tạp hơn chút. Hiệu quả của văn hóa là gì?

2a.jpg -0
Văn hóa là khái niệm rộng và tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Ảnh: ST

Ai chẳng muốn được làm ra những thứ hay, thứ đẹp? Nhưng đo cái hay cái đẹp bằng gì? Nếu các bạn giở tuyển tập Vũ Trọng Phụng ra giờ này, bạn sẽ nhận ra: vị tác giả nổi tiếng của chúng ta, ngoài những lúc dành tâm huyết để viết ra “Số Đỏ” hay “Giông tố”, các tác phẩm kinh điển cho văn học hiện đại, vẫn phải kiếm sống. Ông Phụng phải viết trên báo cả những chuyện ngoại tình, chuyện lừa đảo, chuyện tâm linh… những thứ mà ngày nay được xếp vào hàng “lá cải”. Nhưng thế hệ nào thì những chuyện “sốc, sếch, sến” cũng tạo ra sự tò mò ở độc giả cả.

Trong 20 năm sống trong ngành xuất bản, tôi chứng kiến rất nhiều bi kịch của “đo lường” các ấn phẩm văn hóa.

Đã bỏ tiền ra đầu tư, cho dù nó chỉ là nhuận bút một bài báo hay là kinh phí cho một tác phẩm điện ảnh triệu đô, thì đều phải có kết quả nghiệm thu được. Trong rất nhiều trường hợp, kết quả nghiệm thu dễ dàng nhất là những con số.

Một tòa soạn cần bộ đo để biết phóng viên, biên tập viên làm việc có tốt không. Nhưng bi kịch phát sinh nếu bộ đo đó chỉ là những con số: nếu chỉ số đo lường là lượt xem, thì một cách vô thức, phóng viên và biên tập viên sẽ giật tiêu đề “sốc, sếch, sến” mọi cách có thể. Họ có thể không muốn làm việc đó. Nhưng vì tổ chức đo hiệu quả bằng lượt xem, mà “sốc” thì dễ tạo ra lượt xem nhất. Các tác giả, vì miếng cơm manh áo, thậm chí vừa viết những thứ giật gân, vừa cảm thấy mình là nạn nhân của một bộ đo vô tình.

Ngược lại, những người cố chấp đi theo mỹ cảm của riêng mình, niềm tin nội tâm về nghệ thuật vị nghệ thuật, có thể bị “đánh đập” không thương tiếc. Tôi biết hai vợ chồng đạo diễn gạo cội, dành nhiều năm cuối sự nghiệp để đi thanh minh cho tác phẩm của mình. Bộ phim lịch sử người chồng làm ra bị báo chí giật tít khinh miệt là “chỉ bán được 1 vé”, rồi chịu định kiến là đốt tiền nhà nước mà không thu được hiệu quả gì. Ông ra sức giãi bày, rằng nó có được chiếu thương mại mấy buổi đâu mà đo bằng số vé. Nó được chiếu cho bao nhiêu đoàn thể, đem đi giao lưu quốc tế, có thể phát miễn phí cho bao nhiêu người để tuyên truyền về tình yêu nước. Sao buộc phải đo tác phẩm nghệ thuật bằng vé bán, bằng doanh thu? Họ, những người mang danh hiệu NSND, dành nhiều năm để cay đắng vì cảm thấy bị sỉ nhục.

Nhiều năm sau ngày bộ phim ra mắt, tôi ở đó trong một buổi chiều muộn Hà Nội, và chứng kiến người đạo diễn già cụng ly với tác giả bài báo năm đó. Cái cụng ly để “làm lành”, để nhà báo nói rằng mình không có ác ý, còn vị đạo diễn giãi bày rằng bộ phim không đáng bị công chúng sỉ nhục như vậy. Tôi không còn nhớ họ đã nói gì với nhau. Nhưng tôi chỉ nhớ rằng đó là cái cụng ly gượng gạo. Vì thật khó lòng nói rằng ai đúng, ai sai.

Không thể đứng hoàn toàn về một phía. Không thể nói rằng nghệ thuật, văn hóa thì chỉ cần cái đẹp chủ quan không cần phải “tạo số” như ngôn ngữ kinh doanh. Nhưng cũng không thể nói rằng đầu tư cho văn hóa thì phải tạo số, tạo lượt tiếp cận. Vì văn hóa vẫn là những giá trị vô hình.

Vậy, khi chúng ta đang dự trù hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư cho văn hóa – theo một chủ trương đầy tính nhân văn – một trong những câu hỏi lớn cần đặt ra: “Bộ đo lường nào cho hiệu quả đầu tư?”.

Câu hỏi này dẫn đến một vấn đề cốt tử hơn: Ai sẽ chịu trách nhiệm đo lường và nghiệm thu cho những khoản đầu tư vào văn hóa? Nếu chúng ta trông vào bộ máy hành chính, nơi trăm dâu đổ đầu tằm, và một khoản đầu tư cho văn hóa cũng được đánh giá cùng cách tiếp cận với một khoản đầu tư hạ tầng, chúng ta chắc chắn sẽ sai!

Hãy thử tưởng tượng: nếu đưa cho một tỉnh nọ 20 tỷ đồng với đề bài “bảo tồn môn hát cổ”, kèm yêu cầu phải báo cáo kết quả, thì họ sẽ làm gì? Nếu tổ chức lớp đào tạo khả năng là không kịp báo cáo kết quả ngay trong nhiệm kỳ. Nếu tổ chức đoàn ca kỹ truyền thống, khả năng là phải mất chục năm xây dựng thương hiệu mới bán được vé (mà còn phải làm rất tinh tế bài bản). Nếu tôi là người quyết định, tôi sẽ tiêu nhoắng 20 tỷ đó cho một hoặc hai cái festival, với vài nghệ nhân hát cổ còn sống, và tôi sẽ có ngay con số để báo cáo: 10.000 người, hay là 100.000 người đã tới dự. Còn nếu bắt tôi “đầu tư cho lâu dài” thì cũng khó cho tôi, vì người ta đánh giá tôi giữa nhiệm kỳ. Bắt tôi tiêu 20 tỷ rồi phải chờ 10 năm để nghề ca trở lại, chắc báo chí cũng mắng tôi tới tấp như vị đạo diễn năm nào.

Ai sẽ chịu trách nhiệm tạo ra các khung đo lường? Ai sẽ phân định cái gì là vô hình, cái gì là lâu dài, cái gì cần số để báo cáo ngay? Thật ra các mô hình “hội đồng” tách rời với quản lý hành chính từ lâu đã phát huy hiệu quả ở các nước phát triển. Đó là nơi mà những nhà chuyên môn thực sự sẽ quyết định số phận của từng khoản đầu tư. Nhà chuyên môn đó là những người làm âm nhạc, tác giả văn học, họa sĩ… Những người mà ít nhất là ta biết chắc họ coi trọng và hiểu cái nghề của mình hơn là những nhà quản lý hành chính.

Nếu không trả lời được câu hỏi “Đo thế nào?” và “Ai đo?” thì bao nhiêu tiền cũng có nguy cơ đổ sông biển.

Đức Hoàng

Chấn hưng văn hóa từ đâu?

“Đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đặt ra cho Bộ VH-TT&DL là một câu hỏi thực sự thiết thực, và cần thiết trong câu chuyện “350 ngàn tỷ chấn hưng” này.

3a.jpg -0
Cốt lõi của duy trì và phát triển văn hóa phải từ giáo dục. Ảnh: ST

Khi Bộ KH&ĐT đưa ra yêu cầu kể trên, có thể thấy được nó không đơn thuần là một đòi hỏi hoàn thiện hồ sơ để có thể hợp lý hóa con số 350 ngàn tỷ đồng nữa. Nó vượt trên cả đòi hỏi ấy, khi hướng tới một chiến lược nghiêm túc, bài bản, có các kế hoạch cụ thể trong đó nhằm thuyết phục nhân dân, Đảng và Nhà nước tin rằng chắc chắn văn hoá có thể được chấn hưng trong một khoảng thời gian nhất định.

Thực chất, quan điểm chấn hưng văn hóa của Bộ VH-TT&DL là đúng đắn, và cần kíp lúc này. Song, điều còn lấn cấn là công chúng mới chỉ được biết đến số ngân sách mà Bộ VH-TT&DL cần có cho siêu dự án này chứ chưa được nhìn thấy một chiến lược tổng thể được đưa ra công khai về các bước cần đạt được, đi kèm các kế hoạch chi tiết cho những bước đó, trong đề án “Chấn hưng văn hóa”. Và khi chưa một chiến lược nào được đưa ra để có thể thu thập thêm ý kiến trong công chúng, nhiều người đã cùng đặt ra câu hỏi “Chấn hưng văn hóa cần bắt đầu từ đâu?”.

Mới gần đây, tôi có được đọc một bài báo bàn về câu hỏi kể trên, với lập luận cho rằng “Cần chấn hưng từ các giao tiếp mạng xã hội”. Đúng là thời đại hôm nay là thời đại của mạng xã hội, nên việc đưa ra đáp án như vậy cũng có phần có lý. Nhưng thực chất, mạng xã hội chỉ là cái “biểu hiện ra” nền tảng văn hóa của mỗi chủ nhân các tài khoản mạng xã hội mà thôi. Cái “biểu hiện ra” ấy là phần ngọn. Để chấn hưng, không ai chấn hưng phần ngọn cả, nhất là khi ở gốc rễ đang có sâu bệnh ẩn mình.

Lâu nay, có một số không ít trong công chúng vẫn hiểu lầm văn hóa chỉ là những giá trị mang tính phi vật thể mà thôi. Thực chất, văn hóa rộng hơn thế rất nhiều. Nó là sản phẩm của con người, được tiếp nối, bồi đắp, chỉnh sửa qua nhiều thế hệ và sản phẩm ấy bao gồm cả phi vật thể lẫn vật thể. Một ví dụ đơn giản, gần gũi với người Việt nhất, chính là tấm áo dài. Nó không chỉ đơn thuần là một trang phục. Nó được xem là văn hóa của người Việt. Và những nỗ lực như “Lễ hội áo dài” vẫn diễn ra gần đây có thể được xem là một dạng vận động để nâng tầm áo dài lên thành quốc phục. Chưa nói chuyện nâng tầm ấy là nên hay không nên vội, chúng ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của tấm áo dài trong đời sống xã hội là như thế nào. Nói không ngoa, trong mắt bạn bè quốc tế, nó có thể được xem là một thứ để giúp định nghĩa thế nào là người Việt. Và nội chỉ việc xây dựng tấm áo dài kia thành một biểu tượng văn hóa không thể không trân trọng cũng đã tốn kém rất nhiều rồi. Bởi thế, con số 350 ngàn tỷ tưởng là rất to nhưng lại không lớn chút nào khi chúng ta soi chiếu lăng kính văn hóa sang nhiều yếu tố phi vật thể lẫn vật thể khác.

Chính vì cái biên độ quá rộng ấy của văn hóa mà việc chấn hưng văn hóa cũng đang được hiểu theo nhiều chiều khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhìn từ góc độ nào, văn hóa cũng đều cần chấn hưng cả. Vậy thì với ngân sách còn eo hẹp trong khi đòi hỏi đầu tư thì vô tiền khoáng hậu, lựa chọn góc nào cấp thiết nhất, quan trọng nhất để bắt đầu cuộc chấn hưng là yếu tố không hề dễ cho Bộ VH-TT&DL, nhất là khi chúng ta đang quá lún sâu trong lối mòn mang tên “nhiệm kỳ”.

Nhưng trong vô vàn các giác độ mà mỗi người có thể lựa chọn để từ đó phóng chiếu quan điểm của mình về chấn hưng văn hóa, tôi nghĩ có một giác độ chắc chắn nhiều người tìm được tiếng nói chung. Ấy chính là giác độ văn hóa ứng xử, đặc biệt là văn hóa ứng xử công cộng. Từ những năm đầu thế kỷ 20, đã bắt đầu có những trí thức chỉ ra rất nhiều “thói hư, tật xấu” của người Việt và cái việc được xem là “mổ xẻ” đó cho tới tận ngày hôm nay vẫn có những người cặm cụi theo đuổi. Dân tộc nào cũng vậy, luôn có ưu điểm, nhược điểm và việc bồi dưỡng ưu điểm, khắc phục nhược điểm cũng chính là một quá trình xây dựng và phát triển văn hóa. Nhưng khi nhắc tới khái niệm “chấn hưng”, có nghĩa là không chỉ còn câu chuyện bồi dưỡng và khắc phục nữa. Nó còn có thể là cả những phục hồi lại những nét đẹp đã mất theo lốc cuốn của thời cuộc. Và nếu nhìn lại, so sánh lại người Việt hôm nay so với người Việt 20 năm trước, 40 năm trước…, chúng ta dễ nhận ra dù đời sống sung túc hơn nhưng lại có quá nhiều nét đẹp văn hóa đã mai một dần.

Và với riêng tôi, quan điểm cá nhân trong câu chuyện chấn hưng văn hóa này luôn sẽ tập trung vào công cuộc chấn hưng giáo dục. Cốt lõi của duy trì và phát triển văn hóa của mỗi quốc gia đều sẽ phải nằm từ giáo dục. Đơn giản, văn hóa là cả một quá trình tiếp nối của thế hệ sau với các thế hệ trước. Mờ nhạt tính kết nối chắc chắn sẽ dẫn tới mất đi rất nhiều đặc trưng văn hóa. Điều đó thể hiện khá rõ ở các bộ môn âm nhạc, sân khấu dân tộc. Lực lượng kế thừa ngày càng mỏng dần và nó đã và vẫn tạo ra một áp lực âu lo rất lớn đối với thế hệ đi trước trước nỗi sợ thất truyền.

Ứng xử của những thanh niên 18-20 của ngày hôm nay được hình thành từ chính môi trường chúng lớn lên, xây dựng tính cách. Môi trường ấy là gia đình, là học đường, là xóm giềng, bè bạn và cả thế giới mạng xã hội hiện đại. Văn hóa ứng xử thấp kém chắc chắn là hệ quả của một quá trình giáo dục thất bại. Và một khi, sự học hỏi, cộng hưởng lẫn nhau giữa những con người cùng một thế hệ là rất lớn, việc nhiều đứa trẻ thiếu một sự giáo dục chu đáo của cha mẹ, của nhà trường sẽ rất dễ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với nhau và vô tình tạo ra một diện mạo văn hóa của thế hệ khá kỳ dị so với thế hệ đi trước.

Có quá nhiều vấn đề về giáo dục vẫn được mang ra bàn luận suốt nhiều năm qua và nó cho thấy chúng ta chưa có một nền giáo dục thực sự hoàn thiện và có chất lượng. Sự tập trung quá mức vào đào tạo kiến thức mà thiếu đi đầu tư cho giáo dục nhân cách, niềm tin, ý thức liêm chính sẽ chỉ càng góp phần tạo ra những thế hệ méo mó và lệch lạc. Chính điều đó cuối cùng đang được phản ảnh rất chi tiết qua văn hóa mạng xã hội hiện nay. Và nếu chỉ hiệu chỉnh những sai lệch trong văn hóa mạng xã hội, sẽ không thể đủ để giải quyết tận gốc vấn đề nếu như thế hệ tiếp nối lại chuẩn bị “ra ràng” với một hành trang văn hóa vẫn nghèo nàn, thậm chí có thể nghèo nàn hơn.

Để chấn hưng văn hóa, 350 ngàn tỷ hay bao nhiêu đi nữa không phải là mấu chốt. Để chấn hưng văn hóa, một mình Bộ VH-TT&DL không thể nào kham nổi. Đó là cả một chiến lược lâu dài, mang tầm quốc gia, với sự tham gia của nhiều ngành, nghề, nhiều yếu tố. Nhược bằng không, thế hệ chúng ta sẽ chỉ có thể già đi và chứng kiến thế hệ sau với một dạng văn hóa khác và biết đâu đấy, ở trong tương lai, lại có những đề xuất khác với các con số khác cho một cuộc chấn hưng không có hồi kết khác.

Hà Quang Minh

.
.