Chậm lại để Sống

Thứ Ba, 14/03/2023, 11:28

LTS: Sống chậm lâu nay đã là một xu thế ngày càng lan rộng. Nhưng, đó chỉ là khía cạnh tận hưởng cuộc sống mà thôi. Còn chậm lại để sống, đúng nghĩa là sống sót trước khi nghĩ đến tăng trưởng, lại là chủ đề ANTG muốn nói tới trong trào lưu “Sợ lỡ cơ hội” (FOMO) đang khiến nhiều người mất mát quá nhiều bởi các quyết định vội vã của mình.

Gạn lọc sự đổi mới

Tháng 2 vừa rồi, trước khi lần đầu đặt chân đến Sydney, nơi được coi là thủ phủ công nghệ của Australia, tôi cứ nghĩ rằng nhịp sống ở đây hẳn phải gấp gáp lắm.

Chậm lại để Sống -0
Khu phố cổ The Rocks.

1. “Ngay ở con phố này, các bạn có thể vô tình bắt gặp bất cứ CEO hoặc giám đốc một doanh nghiệp công nghệ nào đó, với mức thu nhập vài trăm ngàn đến hàng triệu đôla Australia một năm, đang đứng chờ tàu điện” - chị Huỳnh Mỹ An, hướng dẫn viên du lịch của đoàn báo chí tôi tham gia theo lời mời từ bang New South Wales, tiết lộ, sau khi đưa tay chỉ vào đám đông đang đứng chờ light rail (tàu điện trọng tải nhẹ) đi qua giữa ô bàn cờ của khu phố cổ The Rocks.

Không phải vì các triệu phú ấy giản dị. Họ chọn phương tiện công cộng thay vì ngày nào cũng lái xe riêng đến chỗ làm vì... phí đỗ xe quá đắt, chưa kể tiền đóng cho các trạm thu phí khi muốn đi vào trung tâm thành phố. “Con số có thể lên đến cả trăm ngàn đô Australia một năm” - chị An nhấn mạnh. Một thách thức ngay cả với những người giàu.

Đi dạo ở khu The Rocks thực sự là trải nghiệm dễ chịu. Hơn 2 thế kỷ trước, những người Anh đầu tiên đã định cư tại khu này và cho đến ngày nay, rất nhiều tòa nhà có tuổi đời gần 200 năm vẫn tồn tại, mọc bên cạnh những trụ sở công ty công nghệ và cửa hàng đồ hiệu.

Không có xe cộ đỗ tràn lan lòng đường. Không có những công trường xâm lấn các di tích. Ngoài chi phí đỗ xe thì giá bất động sản ở đây đắt đến “không tưởng” (lời chị An) và những người đã chọn nhà ở đây cũng không được phép sửa chữa quá nhiều. Những ai muốn động vào cái cũ đều sẽ phải trả những cái giá rất đắt, theo nghĩa đen.

Nhưng, giữ thái độ bảo tồn này không có nghĩa là phủ nhận sự đổi mới. Ngược lại là đằng khác. Australia hiện đang nằm trong nhóm những quốc gia khởi nghiệp hàng đầu, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ. Trí tuệ nhân tạo (AI), một lĩnh vực “khó nhằn”, dự kiến sẽ đóng góp vào nền kinh tế Australia hơn 200 tỷ USD và tạo ra thêm khoảng 16 ngàn việc làm từ nay cho đến 2028.

2. Trong vòng một tháng qua, tôi đọc được ít nhất vài chục bài báo Việt về việc ứng dụng ChatGPT, một sản phẩm AI đang làm mưa làm gió khắp thế giới, vào đủ các lĩnh vực, từ văn hóa, kinh tế, cho đến... làm trợ lý ảo cho lãnh đạo.

Vào thời điểm giá Bitcoin gây sốt, một Hiệp hội blockchain cũng ra đời, dưới sự quản lý Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học & Công nghệ. Đầu tháng 3 vừa rồi, hiệp hội này công bố một danh sách 20 dự án blockchain có dấu hiệu lừa đảo và 70% số này có tác giả là các... lập trình viên Việt Nam.

Một doanh nhân có tiếng khắp cả nước, thậm chí cũng dính vào lùm xùm với một đồng tiền mã hóa mất gần 100% giá trị sau khi lên sàn giao dịch. Ông này lập ngay một “quỹ đầu tư vào công nghệ chuỗi khối” được quảng cáo là có quy mô lên đến 50 triệu USD nhưng tất cả những gì quỹ này làm được cho đến giờ chỉ là một dự án tai tiếng.

Trong những ngày hưng phấn, hai cụm từ “blockchain” và “chuyển đổi số” đã được nhắc đến như những slogan quốc gia. Nhưng, công nghệ không phải chuyện cứ nói nhiều một điều gì đó là nó sẽ trở thành sự thật. Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2022 cho thấy Việt Nam chỉ xếp thứ 48/132 quốc gia, tụt 4 bậc so với 2021. Về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 55 và chỉ đứng thứ 6/10 quốc gia trong ASEAN.

3. Phải đến cuối năm ngoái, chính quyền bang New South Wales mới phê duyệt một dự án khổng lồ (có mức đầu tư 2 tỷ USD) để thành lập trung tâm công nghệ quốc gia kiểu thung lũng Silicon của Mỹ ở Sydney. Ý tưởng này chỉ đến sau khi rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, CSC... đặt trụ sở tại đây và bang New South Wales nói chung cũng có một số lượng lớn doanh nghiệp công nghệ, chiếm gần 40% tại Australia.

Bạn hãy thử đặt vào một bối cảnh khác, để thấy rằng những dự án kiểu này có thể được vẽ ra nhanh chóng thế nào chỉ bởi một cơn sốt đổi mới vu vơ. Những người vẽ ra chúng chẳng ngại gì chuyện này, vì họ không mất gì cả, trong khi có thể được rất nhiều.

Tôi nghĩ về tinh thần đã đề cập ở đầu bài viết: Thực ra thì giữ thái độ bảo tồn (maintenance) không hề mâu thuẫn với sự đổi mới (innovation). Thậm chí là ngược lại. Việc cố gắng tạo ra thật nhanh các “bánh vẽ” dễ dãi để đua theo xu hướng chính là giết chết sự đổi mới từ trong trứng.

Tôi không biết có gì liên quan giữa cách người Australia bảo tồn vẻ đẹp quá khứ ở khu phố cổ và kết hợp hài hòa với tinh thần đổi mới hay không, nhưng có một điều tôi nghĩ là hợp logic với bối cảnh của chúng ta: những hành động (ra vẻ) đổi mới xuất hiện tràn lan đơn giản vì người ta không phải trả một chi phí nào cho nó, thậm chí còn có thể hưởng lợi từ những cơn hưng phấn bồng bột.

Đấy có thể là cách để chúng ta đổi mới thực sự, chứ không chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Hãy đặt những cái giá thật cao để gạn lọc sự đổi mới. Nếu sống gấp mà chưa thể tử tế được thì sống chậm lại một chút cũng không phải lựa chọn tồi.

Phạm An

Những người đu “trend”

ChatGPT là “phong trào” mới nhất của giới công nghệ. Nó trở thành ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Cả thế giới hào hứng khám phá tiềm năng của một trí tuệ nhân tạo - thứ có thể viết email, viết bài luận, trả lời các câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên. Thậm chí, giới học thuật lo rằng với “trình độ” của ChatGPT thì việc viết luận của sinh viên trong trường đại học sẽ trở nên vô nghĩa. Cứ nhờ ChatGPT là xong.

Chậm lại để Sống -0
ChatGPT là “phong trào” mới nhất của giới công nghệ.

Trong làn sóng đó, chính quyền một tỉnh nọ bèn tuyên bố: Nghiên cứu ứng dụng ChatGPT làm giúp việc cho lãnh đạo.

Giới chuyên gia công nghệ ngay lập tức chỉ ra các điểm hài hước của ý tưởng này. Thứ nhất là không có chuyện nước Mỹ cho phép xuất khẩu mã nguồn của một trí tuệ nhân tạo sang nước khác. Mà nếu không có mã nguồn, chỉ định dùng ứng dụng của nước bạn thì các vị định tải văn bản nhà nước lên máy chủ của một công ty nước ngoài hay sao?

Việc các cơ quan nhà nước nhanh chóng đuổi kịp xu thế là điều đáng khích lệ. Nhưng, nếu người ta đuổi theo phong trào mà không dành đủ thời gian tìm hiểu điều đó có phù hợp với mình không - sẽ tạo thành thứ mà giới trẻ ngày nay gọi là “đu trend”, hay tệ hơn, là “đú đởn”.

Ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dạo nọ có phong trào trồng cây bời lời. Xã có đến quá nửa là hộ nghèo, thuộc diện nghèo nhất tỉnh, và cây bời lời được đưa về khuyến khích trồng thành phong trào để giúp người dân thoát nghèo.

Cây bời lời mất 10 năm mới cho thu hoạch, 5 năm sau vỏ mới tái sinh, mới cho thu hoạch lại. Người dân chờ tới gần hai chục năm mới tới thời kỳ thu hoạch ổn định, thì giá bời lời còn có 5.000 đồng/kg - không thể giúp họ thoát nghèo được nữa. Năm 2008, tỷ lệ nghèo đói ở Hướng Lập là hơn 60%. Trong 12 năm kinh tế cả nước tăng trưởng ngoạn mục, tỷ lệ này chỉ giảm được có hơn 10%, vẫn chiếm một nửa dân số.

“Chính quyền vận động, đừng chặt mà phí, rồi giá lên cao lại thôi. Nhưng, mãi giá bời lời chưa lên lại”, chị Hồ Thị Chưng kể với báo chí cách đây mấy năm. Hồi đó, chị Chưng xin xã Hướng Lập cho mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị vẫn nghèo theo mọi nghĩa của từ này: Thiếu đất sản xuất, nhà chỉ là một cái lều ghép tạm bằng tre nứa, trong nhà có người đau ốm là phải vay nợ - mấy chục triệu trả gần chục năm mới hết. Tài sản đáng kể nhất trong nhà của chị Chưng chỉ có 3 bao thóc dự trữ để phòng thân.

Nhưng, Hướng Lập nghèo đến mức mà một người nghèo khi nhìn ra xung quanh cũng không còn thấy mình... nghèo nữa. Chị Chưng ra xã, xin được trả lại sổ hộ nghèo. “Tôi nhường cho những người khác khó khăn, bệnh tật hơn tôi” - chị nói khi chính quyền tỏ ý ngạc nhiên.

Cây bời lời có thể giúp người dân thoát nghèo theo nghĩa mỉa mai nhất của từ này: Nghèo lâu đến mức không còn cảm thấy mình nghèo nữa.

Và, nếu một canh bạc 20 năm trả ra kết quả sai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Có lẽ là không có ai.

Trên mặt báo, hằng ngày, bạn bắt gặp rất nhiều phong trào. Nào là ứng dụng công nghệ này, nào là nhân rộng con giống kia, đều mang màu sắc cấp tiến và một thái độ sốt sắng cho phát triển. Nhưng, đến cuối, sau những câu chuyện như Hướng Lập, sau những câu chuyện như rừng mía hoang vu và nông dân bỏ xứ ở Sóc Trăng, người ta phải tự hỏi rằng làm thế nào để phân biệt những phong trào: Cái nào là sự tiến bộ, cái nào là “đu trend”?

Một cuộc “đu trend” từ cấp độ quản lý nhà nước sẽ tạo ra thảm họa lên cả một cộng đồng. Đơn giản là vì mục tiêu sai. Mục tiêu của nhiều phong trào là “tỏ ra cấp tiến” chứ không phải “cấp tiến” thật. Người ta chưa chuẩn bị sẵn tri thức và nền tảng nghiên cứu để theo đuổi một xu hướng cho đàng hoàng.

Trên mặt báo, hằng ngày, bạn sẽ thấy một vị lãnh đạo đứng lên và nói về một xu hướng công nghệ nào đó cần được ứng dụng. Sang năm, không ai nói đến cái xu hướng đó nữa và cũng chẳng ai buồn trả lời rằng cái phong trào năm nọ đã đi đến đâu hay bị bỏ phí (cùng ngân sách) rồi.

Trên mặt báo, hằng ngày, bạn sẽ thấy một chuyên gia đứng lên và khuyến khích một giải pháp xã hội nào đó (về giao thông, về giáo dục và tất nhiên là về sản xuất nông nghiệp). Ở nước ngoài người ta đang làm rất tốt, luận điểm thường là như thế.

Bỗng nhiên, bạn nhớ ra rằng có thời ốc bươu vàng cũng được giới thiệu như một loại giải pháp. Trước khi nó trở thành đại dịch của nền nông nghiệp. Như bời lời, như mía đường và có thể rồi blockchain hay trí tuệ nhân tạo rồi cũng sẽ thành một thứ trào lưu không kết quả như thế không?

Khi ai cũng đang nói đến một chủ đề, khi người Mỹ, người Trung Quốc và người Singapore cùng nói về một giải pháp, hiển nhiên người ta sẽ nghĩ rằng đó là cái đúng. Nhưng, cái đúng là cái phù hợp. Và, cái phù hợp chỉ được tạo ra khi người ta thực sự quan tâm đến bối cảnh, đến đời sống nhân dân, đến trách nhiệm được giao.

Câu hỏi trước mỗi lần chính quyền cấp nào đó đưa ra một giải pháp thời thượng: Cái đó là vì lợi ích cho danh tiếng của bản thân, hay thực sự được đặt vấn đề vì lợi ích của nhân dân?

Đức Hoàng

Giấc mộng kỳ lân

H. là một nữ lãnh đạo cấp cao của một quỹ đầu tư khá lừng danh. Sau gần 15 năm cặm cụi trong vai trò quản lý nhân sự, cô dành dụm được kha khá. Số tiền đã tích lũy chưa đủ để H. được xem là người giàu nhưng nếu chỉ gửi tiết kiệm lĩnh lãi hằng năm, H. đủ sống một đời sống sung túc của một bà mẹ đơn thân nuôi con học trường quốc tế. Và, trong xu hướng sống chậm được xem là “hưởng thụ cuộc sống ý nghĩa”, H. xin thôi việc. Cô chia đôi số tích lũy của mình thành 2 phần, nửa gửi tiết kiệm để lĩnh lãi đảm bảo đời sống an nhàn; nửa dành cho những đầu tư khi có cơ hội.

Chậm lại để Sống -0

Sau đại dịch, một cuộc sống như H. lựa chọn thực sự là lý tưởng. Túc tắc, đơn giản nhưng không phải dè sẻn, H. trải qua những tháng đầu tiên trong sự ngưỡng mộ của bạn bè. Thậm chí, họ coi đó là một hình mẫu thành đạt lý tưởng đối với phụ nữ U40. Nhưng rồi biến cố xảy ra, theo đúng cách của nó, cả chủ quan lẫn khách quan. H. nghe theo tiếng gọi của cuộc chơi tiền ảo (crypto) với những hứa hẹn nhân đôi, nhân ba tài khoản. Cô ước ao mình có thể thay căn hộ mà hai mẹ con đang sống bằng một biệt thự đáng sống. Nhìn quanh, thấy những người quen bỗng chốc giàu lên nhờ crypto, H. quyết định ném nửa số tiền dành để đầu tư vào đó. Mất sạch. Nhưng, cũng còn may là cô không có vay nợ nào. Song, bi kịch đến từ sau tai nạn giao thông mà H. phải trải qua. Gãy 2 xương sườn, xương gãy đâm thủng phổi, H. nằm viện kéo dài cả tháng. Cô may mắn qua khỏi nguy kịch nhưng bác sĩ dự đoán để trở lại sinh hoạt bình thường cũng mất 2 năm. Số tiền gửi tiết kiệm cũng vơi đi theo nỗi lo của cô. Và, trước mắt, cô nghĩ ngay đến chuyện nộp đơn xin việc để “bắt đầu lại từ đầu”.

Câu chuyện của H. thực tế là chuyện phổ biến của nhiều cá nhân trong mấy năm qua. Cơn sốt tiền ảo đã khiến không ít cá nhân tán gia bại sản. Họ tham? Sẽ có người nói như vậy nhưng ham muốn làm giàu đâu có gì là sai trái. Cơ bản, họ sợ mình trượt ra khỏi một xu hướng tân thời và mất đi cơ hội ban đầu. Tình trạng này cũng y như thời thị trường chứng khoán Việt Nam mới sôi động. Cái giàu tốc độ của vài cá thể ít ỏi đã tạo nên một cơn say tập thể. Trong cơn say ấy, số “bị thương” nhiều hơn số may mắn “sống sót” bao nhiêu lần.

Còn nhớ, cữ 2006-2010 là giai đoạn hoàng kim của những thương hiệu bản địa khi hàng loạt quỹ đầu tư nhảy vào mua lại. Có những thương hiệu bé nhỏ bỗng dưng nổi lên như một hiện tượng đầu tư và khi vốn hóa, những sáng lập viên của các thương hiệu đó bỗng chốc trở thành triệu phú USD. P. là một thương hiệu như thế, được thành lập bởi một công ty gia đình với thành viên là 6 anh em ruột. Sau khi bán thương hiệu P. cho một quỹ đầu tư, anh em nhà họ đã hoạch định kế hoạch “nghỉ hưu sớm” mà đa số họ lựa chọn sẽ định cư ở nước ngoài. Nhưng, đời không như là mơ. Vụ chuyển nhượng ấy bị cơ quan thuế sờ gáy, buộc truy nộp những khoản chưa hoàn thành trách nhiệm, bao gồm cả thuế chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần. Kế hoạch nghỉ hưu bị ảnh hưởng, phải kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Gia tộc đó quyết định chơi canh bạc tiếp theo, vội vã đầu tư một chuỗi thương hiệu ẩm thực khác theo đúng hướng mà thương hiệu P. từng đi. Điểm khác biệt chỉ là lần này là một thương hiệu xa xỉ hơn, cao cấp hơn. Xa xỉ hơn thì đầu tư phải lớn hơn nhưng họ kỳ vọng giá bán cũng sẽ “gấp thếp”. Kết cục, thua lỗ, cộng hưởng với ảnh hưởng của COVID-19, mọi sự không như ý. Nhưng, cơ bản, sau cơn sốt ban đầu, các quỹ đầu tư cũng bắt đầu giãn dần với việc mua lại những thương hiệu bản địa. Giấc mơ về hưu non coi như không còn.

Nhiều doanh nghiệp Việt ôm giấc mộng kỳ lân, tức là đạt giá trị vốn hóa 1 tỷ USD. Đó là giấc mộng đẹp và chính đáng. Nhưng, họ xây dựng kế hoạch như thế nào để giấc mơ trở thành hiện thực đây? Đ., ông chủ của một tập đoàn khá lớn, từng công khai giấc mơ kỳ lân với mục tiêu đặt ra là biến doanh nghiệp của mình trở thành hàng đầu ở lĩnh vực “mediatech” (truyền thông công nghệ). Loay hoay gần 10 năm trời, họ chỉ giậm chân tại chỗ, thậm chí cũng bắt đầu yếu đi ở các mảng truyền thống của mình. Lý do rất cơ bản, muốn trở thành mediatech khi chưa mạnh về công nghệ (tech) là bất khả. Phải trở thành một công ty công nghệ hàng đầu trước đã thì mới có thể mơ đến chuyện là ngọn cờ mediatech Việt Nam. Tất nhiên, mộng kỳ lân vẫn chưa thành.

Trong khoảng hơn 5 năm qua, hai tiếng “startup” (khởi nghiệp) gần như là nỗi ám ảnh đối với những người Việt trẻ. Nhưng, có một thực tế đáng buồn là số lượng khởi nghiệp trong ngành sản xuất lại chiếm chưa tới 1%. Sản xuất thường đòi hỏi bền bỉ, đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng và khả năng bật vọt thành kỳ lân là cực khó. Trong 99% khởi nghiệp còn lại, tỷ trọng cho ứng dụng công nghệ là bao nhiêu, chúng ta chưa có con số thống kê. Song, có lẽ, mô hình ấy chiếm đa số. Và, trong đa số đó, sự na ná nhau là dễ thấy. Dễ hiểu, thói quen của nhiều người là thấy người khác thành công, mình cũng bắt chước con đường đó, với suy nghĩ “đi sớm hơn thì còn dư địa khai thác”. Để rồi, gần như là tất cả các khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cùng vận hành trên một mô hình kinh doanh (business model) đã được xác lập như bắt buộc phải tuân theo từ các đại gia thế giới như Google (với Google Ads), Facebook... Trong khi đó, tất cả đều bỏ qua một yếu tố quan trọng nhất: Một trong những thứ quan trọng nhất tạo ra giá trị quốc gia đến từ sản xuất.

Chúng ta nhiều năm nay đã quen với những “kế hoạch 5 năm” hay “tầm nhìn 20xx”. 5 năm, 10 năm tưởng là dài nhưng thực chất lại quá ngắn cho một tầm nhìn lớn. Nghị quyết Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi có một yếu tố mà có lẽ chúng ta nên giật mình. Họ đánh giá rằng kế hoạch 100 năm lần thứ nhất của họ đã sắp hoàn thành và đang chuẩn bị cho kế hoạch 100 năm lần 2. Cái nhìn trăm năm mới là cái nhìn mà một quốc gia cần có. Từ cái nhìn dài ấy, cộng đồng cũng sẽ làm quen dần với tập quán nhìn xa, trông rộng hơn. Chính sự nhìn xa, trông rộng mới khiến hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) được hóa giải và sự chậm lại trong cách đánh giá sẽ khiến các quyết định đầu tư cá nhân hoặc tổ chức cũng trở nên sáng suốt hơn.

Cơ hội không thể bị bỏ lỡ nhưng nhìn thấy cơ hội khác với nắm được cơ hội trong tay. Muốn nắm cơ hội trong tay, cần sự hiểu biết, tỉnh táo và đòi hỏi một quá trình đào sâu nghiên cứu. Để làm được điều đó, nhất thiết cần sự chậm lại trong đánh giá. Đó chính là chậm lại để sống chứ không phải như những câu chuyện phim cowboys kiểu “rút súng nhanh hay là chết”.

Hà Quang Minh

.
.