Câu chuyện phát triển của những trung tâm tài chính quốc tế

Chủ Nhật, 13/04/2025, 12:23

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các trung tâm tài chính quốc tế đã và đang đóng vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng các hoạt động tài chính. Không chỉ là mục tiêu của các quốc gia phát triển, nhiều nền kinh tế mới nổi cũng đang nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế như một phần trong chiến lược tăng trưởng bền vững. Tại nhiều nơi, phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được xác định là định hướng lớn của quốc gia, không chỉ là quyết sách của chính phủ mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Thượng Hải - trọng điểm đầu tư chiến lược

Sự hình thành Trung tâm tài chính Thượng Hải phản ánh quyết tâm chính trị lớn từ chính quyền trung ương đến địa phương, phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội với nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử và định hướng phát triển dài hạn của thành phố. Thượng Hải vốn là một thương cảng sầm uất từ thế kỷ XX nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống cảng biển lớn.

Sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978, thành phố này bắt đầu chuyển mình để trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm và từng bước vươn lên là trung tâm tài chính quốc gia. Quá trình phát triển Trung tâm tài chính Thượng Hải trải qua 3 giai đoạn rõ rệt.

Câu chuyện phát triển  của những trung tâm  tài chính quốc tế -0
Một góc thành phố Thượng Hải.

Giai đoạn 1980 - 2000, Thượng Hải được trao nhiều đặc quyền về chính trị và kinh tế nhằm xây dựng vị thế trung tâm tài chính quốc gia. Chính phủ trung ương liên tục ban hành các chính sách ưu đãi, đặc biệt tập trung phát triển khu vực Phố Đông và Khu Lục Gia Thủy, tái lập Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, hình thành hạt nhân cho thị trường vốn nội địa hiện đại.

Giai đoạn 2000 - 2020 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Thượng Hải thành trung tâm tài chính khu vực. Chính phủ đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và quản trị đô thị. Năm 2009, Quốc vụ viện phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh phát triển Thượng Hải trở thành Trung tâm tài chính và Trung tâm hàng hải quốc tế, đặt mục tiêu đưa Thượng Hải trở thành Trung tâm tài chính quốc tế gắn với phát triển tiềm lực kinh tế của Trung Quốc và vị thế của đồng Nhân dân tệ (NDT) trên trường quốc tế đến năm 2020.

Đặc biệt, năm 2013, Khu Thương mại Tự do Thí điểm đầu tiên tại Trung Quốc được thành lập ở Thượng Hải, với nhiều khu chức năng thương mại, logistics và cảng biển quan trọng như Khu thương mại Tự do Waigaoqiao (Ngoại Cao Kiều), Khu Logistics Thương mại Tự do Waigaoqiao, Khu Cảng biển Thương mại tự do Yangshan (Dương Sơn) và Cảng Hàng không thương mại Tự do Phố Đông.

Giai đoạn thứ ba, từ sau 2020 đến nay, là giai đoạn chính phủ định hướng đến năm 2035, Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế trên nền tảng phát huy các yếu tố nền tảng của trung tâm tài chính khu vực. Năm 2023, Thượng Hải đã ban hành một loạt chính sách quan trọng để thúc đẩy chương trình thí điểm cải cách toàn diện tại Khu vực mới Phố Đông. Thành phố cũng siết chặt việc tuân thủ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, thúc đẩy việc mở cửa thể chế cấp cao của Khu thương mại tự do thí điểm Trung Quốc, tạo động lực đáng kể cho sáng kiến Trung tâm tài chính quốc tế của Thượng Hải.

Hiện nay, Thượng Hải có một trong những hệ thống thị trường tài chính toàn diện nhất thế giới, với những yếu tố tài chính mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng quan trọng tích hợp như đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ các sản phẩm tài chính. Nền tảng này đảm bảo việc phát hành, định giá, giao dịch, thanh toán, quyết toán và quản lý rủi ro của các tài sản tài chính được định giá bằng đồng NDT.

Câu chuyện phát triển  của những trung tâm  tài chính quốc tế -0
Vịnh Marina, biểu tượng cho chiến lược thức thời của Singapore.

Cốt lõi thành công và những thách thức phía trước

Năm 2024, tổng doanh thu của các thị trường tài chính Thượng Hải đạt 3.650 nghìn tỷ NDT, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự đa dạng của các tổ chức tài chính Trung Quốc và nước ngoài tại Thượng Hải thúc đẩy sự phát triển tài chính bền vững và chất lượng cao. Đến cuối năm 2024, Thượng Hải có 1.782 tổ chức tài chính được cấp phép. Tổng tiền gửi bằng nội tệ và ngoại tệ của thành phố tăng 7,7% lên 22,01 nghìn tỷ NDT.

Trung tâm khu vực Thượng Hải của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Sàn giao dịch tái bảo hiểm quốc tế Thượng Hải cũng vừa được thành lập vào năm 2024. Tháng 3/2024, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã ra mắt một hội đồng đặc biệt dành cho các công ty chuyên về các thị trường ngách, nắm giữ thị phần lớn với năng lực đổi mới mạnh mẽ. Thượng Hải có số lượng công ty quản lý tài sản ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán, công ty quỹ và công ty kinh doanh hợp đồng tương lai lớn nhất tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài chiếm hơn 30% trong số tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã đăng ký tại thành phố.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý và giám sát tài chính, Thượng Hải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính. Các doanh nghiệp fintech tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain... được tạo điều kiện hoạt động tại đây, từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính hiện đại.

Tại Thượng Hải, mức độ và phạm vi cởi mở về tài chính không ngừng mở rộng, với các thỏa thuận thể chế lớn và các sản phẩm tài chính được ra mắt và mở cửa cho các nhà đầu tư quốc tế. Thượng Hải cũng đã ra mắt nền tảng dịch vụ tài chính xanh, củng cố vị thế là trung tâm tài chính xanh quốc tế. Tổng số tiền cho vay vi mô toàn diện đạt 1.300 tỷ NDT, tăng 15%.

Thượng Hải đã đi đầu trong việc khám phá các cải cách tài chính phục vụ thương mại tự do thí điểm, củng cố vị thế là trung tâm NDT xuyên biên giới. Môi trường kinh doanh của Thượng Hải đối với lĩnh vực tài chính liên tục được tối ưu hóa và hiện cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các tổ chức tài chính. Những nỗ lực nhằm tăng cường pháp quyền trong lĩnh vực tài chính đã được tăng cường, trong khi các hệ thống tín dụng và bảo vệ người tiêu dùng liên tục được cải thiện. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng được hưởng lợi từ sự tiện lợi hơn trong thanh toán. Sự phát triển của trung tâm tài chính Thượng Hải đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, trong khi việc thành lập các sàn giao dịch như STAR Market đã hỗ trợ các công ty công nghệ và khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ trong nước.

Với tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Thượng Hải đang phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ các thành phố đã có nền tảng lâu đời và hệ sinh thái tài chính ổn định như Hong Kong, nơi vẫn giữ vai trò là cửa ngõ tài chính kết nối Trung Quốc với thế giới. Bất chấp tác động từ yếu tố chính trị và quy định mới, Hong Kong vẫn được đánh giá cao về mức độ tự do tài chính, hệ thống luật pháp theo chuẩn quốc tế và tính minh bạch. Trong khi đó, với môi trường pháp lý minh bạch, chính sách thuế hấp dẫn và khả năng thích ứng nhanh, Singapore đã xây dựng thành công một hệ sinh thái fintech mạnh, trở thành điểm đến ưa thích của các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản. Tokyo dù bị đánh giá là thiếu linh hoạt hơn, nhưng vẫn giữ vị trí hàng đầu ở Đông Bắc Á về quy mô thị trường và công nghệ tài chính.

Ở cấp độ quốc tế, căng thẳng thương mại với Mỹ và các nền kinh tế phương Tây đã tạo ra áp lực lên môi trường đầu tư tại Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng. Trong thời kỳ hậu COVID-19, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và hoạt động tài chính ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro cũng là một thách thức chiến lược dài hạn cho Thượng Hải nếu muốn giữ chân và mở rộng sự hiện diện của các tổ chức tài chính toàn cầu.

Câu chuyện phát triển  của những trung tâm  tài chính quốc tế -0
Một góc Hong Kong, nơi những tòa nhà chọc trời là biểu tượng của trung tâm tài chính quốc tế.

Singapore - bài học của sự “đi lên”

Hơn 30 năm là chặng đường đưa Singapore từ một nước nghèo thuộc “thế giới thứ ba”, trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu và giữ phong độ đến ngày nay. Trong cuốn hồi ký của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có một câu chuyện về nguồn cảm hứng mang tính “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để Singapore vươn lên vị thế này.

Năm 1968, Tiến sĩ Albert Winsemius, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Singapore theo lời Van Oenen, Phó Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Mỹ tại Singapore, đã tới London, Anh với tham vọng đưa “Singapore thành trung tâm tài chính của Đông Nam Á trong 10 năm nữa”. Van Oenen đã đưa Tiến sĩ Albert Winsemius đến trước một quả địa cầu lớn đặt trong phòng họp ban giám đốc và giải thích rằng thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich. Các ngân hàng Zurich mở cửa lúc 9 giờ sáng, rồi đến Frankfurt, và London. Buổi chiều Zurich đóng cửa, lần lượt lại là Frankfurt, rồi London.

Trong lúc ấy New York bắt đầu mở cửa và London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Buổi chiều, New York đóng cửa và chuyển giao dịch sang San Francisco. Điều đáng nói là khi San Francisco đóng cửa, thế giới chìm trong màn đêm. Van Oenen đã có một gợi ý tuyệt vời: “Không có gì xảy ra mãi cho đến 9 giờ sáng hôm sau (giờ Thụy Sĩ), khi các ngân hàng Thụy Sĩ mở cửa. Nếu đặt Singapore vào khoảng giữa đó, trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nắm quyền kiểm soát”.

Nghe câu chuyện từ Tiến sĩ Albert Winsemius, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhận ra mình phải làm gì. Ông viết trong hồi ký: “Không giống Hong Kong, Singapore không thể dựa trên danh tiếng của thành phố London là một trung tâm tài chính có lịch sử ngân hàng lâu đời, cũng như không thể dựa vào sự giúp đỡ của Ngân hàng Anh vốn tiêu biểu cho sự dày dạn kinh nghiệm, độ tin cậy và uy tín về mặt tài chính. Năm 1968, Singapore là một nước thuộc Thế giới thứ Ba”.

Điểm khác biệt của Singapore nằm ở chỗ ngay từ đầu họ không coi ngành dịch vụ tài chính chỉ là một phương tiện hỗ trợ sự phát triển của các ngành khác, mà là một trụ cột tăng trưởng. Cách tiếp cận được Thủ tướng Lý Quang Diệu sử dụng là “nhà nước kiến tạo phát triển”, xác định các ngành then chốt có thể đóng góp vào GDP và ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ các ngành nghề đó.

Không hề chậm trễ, ngay trong năm 1968, Singapore thành lập Thị trường đô la châu Á (Asian Dollar Market - ADM), thị trường vốn và tiền tệ quốc tế, hoạt động tương tự thị trường đô la châu Âu, với chức năng giao dịch nhiều ngoại tệ mạnh song song với với Đơn vị tiền tệ châu Á (Asian Currency Unit - ACU), cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài tham gia lĩnh vực dịch vụ tài chính của Singapore. Để kích thích hai sáng kiến này, chính phủ tung ra hàng loạt biện pháp khuyến khích và ưu đãi về thuế.

Khởi điểm từ thị trường liên ngân hàng, có khả năng nắm giữ các quỹ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài rồi cho các ngân hàng trong khu vực vay và ngược lại. ADM sau đó mua bán ngoại hối và những phát sinh tài chính bằng ngoại tệ (trái khoản), cho vay, phát hành trái phiếu và quản lý vốn. Tới năm 1997, ADM phát triển vượt hơn 500 tỷ USD, xấp xỉ gấp 3 lần quy mô thị trường ngân hàng nội địa.

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) ra đời năm 1971 để phù hợp nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận đồng bộ thống nhất trong quản lý và điều tiết ngành, thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ tài chính của Singapore. Cơ quan này đóng hai vai trò là ngân hàng trung ương và quản lý tài chính.

Tiếp đến năm 1973, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SES) được thành lập. Trên đà phát triển, SES hợp nhất với Sở Giao dịch Tiền tệ Quốc tế Singapore thành Sở Giao dịch Singapore (SGX) để đáp ứng sự đa dạng ngày càng tăng của thị trường vốn.

Những năm 1980 và 1990 là giai đoạn Singapore trải qua thời kỳ quốc tế hóa và đa dạng hóa mạnh mẽ, chứng kiến sự hình thành thêm một số cơ quan tài chính quan trọng.

 “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Tận dụng lợi thế sau cú sốc tài chính năm 1971 khi Mỹ tách USD khỏi vàng, Singapore đã nhanh chóng định vị mục tiêu trở thành trung tâm ngoại hối khu vực thông qua hệ thống ADM và ACU. Chính sách miễn thuế lợi tức đối với khoản lãi gửi của người không cư trú cùng việc nới lỏng dự trữ bắt buộc đã giúp quốc đảo thu hút hàng loạt tổ chức tài chính quốc tế. Trong hồi ký, Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh từ 1968-1985, Singapore gần như giữ thế độc quyền khu vực nhờ nền tảng luật pháp vững chắc, tư pháp độc lập và một chính phủ trong sạch, ổn định. Đồng đôla Singapore ổn định, tỷ giá linh hoạt giúp quốc gia này gần như miễn nhiễm với các cơn sốt lạm phát toàn cầu và tránh được hàng loạt vụ bê bối tài chính suốt nhiều thập niên.

Để tăng sức cạnh tranh, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã chủ trương hợp nhất hệ thống ngân hàng nội địa, hình thành nhóm “Big 4” - những ngân hàng sau này được hãng tín dụng Moodys xếp hạng đầu tư cao. Dù bị so sánh là có sự kiểm soát quá mức so với Hong Kong, Singapore chọn con đường độc lập, bền vững và dài hạn để xây dựng uy tín tài chính.

Từ cuối thập niên 1970, Singapore tăng cường đầu tư bài bản cho hạ tầng tài chính. Dự án Vịnh Marina rộng 360 ha ra đời để thay thế Khu thương mại Trung tâm đã quá tải. Sau hơn một thập kỷ cải tạo, Vịnh Marina trở thành điểm hội tụ các cao ốc văn phòng, trung tâm tài chính, hội nghị và bán lẻ lớn. Đây là bước đệm để Singapore thích ứng nhanh với làn sóng tài chính toàn cầu cuối những năm 1990.

Đến năm 2014, Singapore đã vươn lên vị trí trung tâm ngoại hối lớn thứ tư thế giới, chỉ sau London, New York và Tokyo. Dưới thời ông Lý Hiển Long làm Chủ tịch MAS từ năm 1998, quốc gia này tiếp tục cải cách sâu rộng khi quốc tế hóa đồng đôla Singapore, tự do hóa ngân hàng nội địa, thúc đẩy sáp nhập các sàn giao dịch chứng khoán và kỳ hạn, mở cửa thị trường cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Singapore thành công nhờ cách tiếp cận có hệ thống, với chính sách vĩ mô ổn định, giám sát tài chính chặt chẽ và môi trường đầu tư minh bạch. Chính phủ trong sạch, pháp quyền mạnh mẽ và nhận thức cao của người dân về phòng chống tham nhũng là trụ cột đảm bảo niềm tin thị trường. Về nhân lực, Singapore sở hữu đội ngũ chuyên gia tài chính trình độ cao, phản ánh chiến lược đầu tư dài hạn vào giáo dục và kỹ năng. Mặc dù là quốc gia đắt đỏ, chi phí thuê văn phòng tại đây vẫn thấp hơn nhiều trung tâm tài chính lớn khác, đi kèm hệ thống hạ tầng giao thông, công nghệ và logistic hiện đại.

Chính sách thuế của Singapore cũng là điểm cộng không thể không nhắc đến. Thuế thu nhập doanh nghiệp duy trì ở mức 17%, với nhiều ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp mới và vừa. Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển năng động, với 440 triệu USD được cam kết đầu tư trong năm 2024 để thu hút vốn mạo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore đã huy động được 4,05 tỷ USD qua 369 thương vụ, chiếm 68% tổng giá trị đầu tư mạo hiểm toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – khẳng định vai trò đầu tàu khu vực.

Theo GFCI 34 (9/2023), Singapore xếp thứ 3 toàn cầu, vượt Hong Kong để dẫn đầu châu Á. Hạ tầng vượt trội, môi trường chính sách ổn định và hệ sinh thái sáng tạo biến quốc đảo này thành “bệ phóng” cho các doanh nghiệp châu Á vươn ra toàn cầu, đặc biệt trong hành trình niêm yết tại Mỹ.

Những mô hình tiềm năng

Bên cạnh những tên tuổi đã được khẳng định trên trường quốc tế, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã và đang theo đuổi tham vọng xây dựng các trung tâm tài chính tầm vóc. Trong đó, Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, UAE), Kuala Lumpur (Malaysia) và Seoul (Hàn Quốc) là 3điểm sáng đáng chú ý nhờ những nỗ lực quyết liệt trong quy hoạch, thể chế và áp dụng các chính sách đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa hành chính nhà nước và nhu cầu phát triển thị trường.

Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) được thành lập năm 2004 với hệ thống luật riêng hoàn toàn, tách biệt với hệ thống pháp luật quốc gia. Dựa trên nền tảng Thông luật (Common Law, hệ thống pháp luật được phát triển chủ yếu thông qua các quyết định và tiền lệ tư pháp) DIFC cho phép các doanh nghiệp hoạt động với mức độ minh bạch cao, đồng thời hưởng lợi từ cơ chế thuế ưu đãi và thủ tục hành chính tinh gọn. Với hơn 440 tổ chức đã đăng ký và hơn 600 tổ chức đang hoạt động được liên kết với các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân giàu có hàng đầu, các nhà quản lý DIFC nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc quản lý tài sản gia đình. DIFC đã trở thành điểm đến hàng đầu của hơn 120 gia đình sở hữu tài sản ròng vượt 1.000 tỷ USD, chứng minh sức hút của một thể chế ổn định và cam kết ngay cả tại khu vực bất định như Trung Đông.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, tận dụng vị trí thuận lợi, Malaysia không chỉ đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực mà còn muốn thúc đẩy quá trình đổi mới gắn với tăng trưởng khối doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Trong lĩnh vực fintech, Kuala Lumpur đang làm tốt vai trò cầu nối giữa hệ sinh thái công nghệ ASEAN và hệ thống tài chính truyền thống.

Với các khu fintech sandbox (với khung pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới) được triển khai quy mô rộng, các chính sách đầu tư linh hoạt, Malaysia thu hút được nhiều startup trong khu vực đặt trụ sở tại Kuala Lumpur, vươn lên dẫn dắt xu hướng đổi mới số trong tài chính khu vực. Môi trường Malaysia gần gũi với Việt Nam về điểm xuất phát, trình độ hệ thống tài chính và chiến lược đầu tư, do đó hoàn toàn có thể trở thành tham chiếu gần cho Việt Nam trong việc xây dựng trung tâm tài chính tương lai.

Khác với hình ảnh ồn ào của các sàn giao dịch, Seoul đang là trung tâm tài chính đầy nội lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy tài chính số, đổi mới và các chính sách nhằm giảm phụ thuộc vào tổ chức tài chính nước ngoài. Tháng 3/2024, theo Báo cáo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu lần thứ 35 của Z/Yen Group, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, phối hợp với Viện Phát triển Trung Quốc, đánh giá khả năng cạnh tranh tài chính quốc tế của các thành phố trên toàn cầu, Seoul được đánh giá là trung tâm tài chính lớn thứ 10 thế giới. New York vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, tiếp theo là London, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Trong nhiều năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra nhiều khu vực tài chính đặc thù, nghiên cứu fintech và trung tâm đào tạo nhân lực, qua đó tăng cường tính tự chủ đối với hệ sinh thái tài chính quốc gia.

Câu chuyện phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế là minh chứng sống động cho một thực tế khó phủ nhận là để vươn lên vị thế toàn cầu, không thể chỉ dựa vào vị trí địa lý hay nguồn lực tài chính, mà cần có một chiến lược quốc gia bền bỉ, nhất quán và tầm nhìn dài hạn. Đối với những quốc gia đang tìm hướng đi riêng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, bài học từ các trung tâm tài chính này rất đáng để phân tích và nghiên cứu nhằm chuyển hóa khát vọng phát triển thành thực tiễn.

Thái Hân
.
.