Câu chuyện cũ, với những trường đoạn mới
Đối với giới quan sát quốc tế, một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới là sự khơi lại cuộc “thương chiến Mỹ - Trung” từng làm cả guồng máy kinh tế thế giới lao đao. Nhưng, lần này, những hệ lụy từ cuộc chiến ấy sẽ còn được khuếch đại thêm, theo nhiều cấp độ.
Cuộc đối đầu toàn diện
"Thị trường đã lên tiếng!” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Lập Côn viết trên tài khoản Facebook của mình, kèm một tấm ảnh chụp đà lao dốc của thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 4/4, nghĩa là 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế quan mới.
Không có gì bất ngờ, khi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ bị áp đặt thêm 34% thuế suất, nâng tổng mức thuế trong năm nay lên 54%. Song song, ông chủ Nhà Trắng cũng đã đóng một “lỗ hổng thương mại” - điều cho phép các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ mà không phải chịu thuế (theo hãng tin Reuters).

Hiển nhiên, những động thái ấy thúc đẩy sự trả đũa toàn diện từ Trung Quốc. Ngày 4/4, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng 34% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc từ ngày 10/4. “Trung Quốc yêu cầu Mỹ lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết các bất động thương mại thông qua tham vấn theo cách bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi", Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo .
Tình hình ấy tạo điều kiện để ông Quách Lập Côn khẳng định: “Bây giờ là lúc Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ngừng hành động sai lầm, để có thể giải quyết những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua tham vấn bình đẳng".
Một số hiệp hội thương mại Trung Quốc, từ các ngành chăm sóc sức khỏe, dệt may, điện tử, cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi đoàn kết, nhằm khai phá các thị trường thay thế, đồng thời cảnh báo: Mức thuế quan sẽ làm lạm phát ở Mỹ tồi tệ hơn. Phòng Thương mại Trung Quốc, đại diện cho các thương nhân trong lĩnh vực sản phẩm thực phẩm, đã kêu gọi "ngành xuất nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Trung Quốc đoàn kết và tăng cường hợp tác để cùng nhau khai thác thị trường trong và ngoài nước". Phòng Thương mại kim loại và hóa chất Trung Quốc đánh giá: Mức thuế quan này "sẽ đẩy chi phí nhập khẩu cho các nhà nhập khẩu cũng như chi phí cho người tiêu dùng Mỹ lên cao, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trong nước, đồng thời làm tăng khả năng suy thoái kinh tế tại nước Mỹ".
Khi hai người khổng lồ một lần nữa va chạm, thị trường chứng khoán toàn cầu lập tức chấn động. Thực tế, mức thuế quan trả đũa 34% từ Bắc Kinh cao hơn so với dự báo của nhiều nhà phân tích. Nó được đánh giá là có thể định hình lại hoàn toàn mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế, cũng như dòng chảy thương mại trị giá hơn 500 tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc lẫn nhau.
Song, tất cả những diễn biến này chưa thể làm ông Donald Trump “sờn lòng”. Ngày 6/4, trả lời phỏng vấn báo giới ngay trên chuyên cơ Air Force 1, ông vẫn tỏ ra bình thản: “Tôi không muốn bất cứ điều gì đi xuống, nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa bệnh". Ông cũng không quên “nhấn nhá” lại rằng nước Mỹ đã bị đối xử bất công, và rằng đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo nước Mỹ nhiệm kỳ trước. Để rồi, ông khẳng định: “Tôi không thể nói điều gì sẽ xảy ra với thị trường, nhưng chúng ta mạnh hơn họ rất nhiều” và "Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề đó (giải quyết thâm hụt thương mại trong mối quan hệ kinh tế với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới), tôi sẽ không thực hiện thỏa thuận nào với họ (Bắc Kinh)".
Ngay cả sự cứng rắn này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, qua đó bảo vệ vị thế độc tôn của nước Mỹ, đã là lựa chọn của ông Donald Trump, kể từ lần “thương chiến Mỹ - Trung” trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, bất chấp việc cả thế giới cho rằng đó là cuộc đối đầu không có người chiến thắng và còn mang lại tổn hại cho tất cả.
Phần chìm của tảng băng trôi
Từ một số khía cạnh, có thể nói, hiện tại đang là thời điểm thích hợp nhất để ông Donald Trump đẩy cao căng thẳng thương mại với Trung Quốc - “kình địch số 1” được xác định bởi Tổng thống Mỹ và đảng Cộng hòa, bất kể việc không ít doanh nghiệp Mỹ - vốn phụ thuộc khá sâu sắc vào “công xưởng của thế giới” trong chuỗi cung ứng toàn cầu - sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng. Sau một quãng thời gian khá dài đóng cửa để phục vụ mục tiêu chống dịch COVID, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như vẫn chưa lấy lại được tốc độ tăng trưởng vũ bão trước thời gian diễn ra đại dịch. Quãng mất tốc độ đó cũng đã khiến không ít nhà sản xuất bắt buộc phải lựa chọn việc dời trụ sở kinh doanh của mình khỏi Trung Quốc, kéo theo những nguồn đầu tư quý báu. Không phải ngẫu nhiên, cho đến lúc này, Chính phủ Trung Quốc vẫn đang phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu.

Nhưng, hơn thế, điều Tổng thống Donald Trump hướng đến còn là bảo toàn vị thế dẫn đầu thế giới về các công nghệ lõi, đồng thời đưa những công đoạn giàu giá trị thặng dư nhất trong chuỗi cung ứng trở lại trong lãnh thổ Mỹ. Điều ông phát biểu trong buổi tuyên bố chính sách thuế quan mới: “Có rất nhiều công dân Mỹ, những người thợ lành nghề, những doanh nghiệp chân chính ở đây. Thời gian qua, họ đã phải chịu đựng không ít thiệt thòi”, có lẽ không chỉ là một diễn ngôn chính trị sáo rỗng, mà còn là cách Tổng thống Mỹ thể hiện rằng ông đang cố gắng làm tròn các cam kết từng được đưa ra trong cương lĩnh tranh cử.
Một cách ngắn gọn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa biệt lập chính là những phương tiện phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trên hết!”, là những tấm khiên chắn các áp lực cạnh tranh (nhất là cạnh tranh về giá) cho sản phẩm (đặc biệt là sản phẩm công nghệ) Mỹ. Chúng ta từng thấy tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei chật vật thế nào để đứng vững trước lệnh cấm vận công nghệ và linh kiện từ Mỹ. Điều này chắc chắn còn có thể tái diễn.
Không chỉ vậy, tình trạng “tạm nhập, tái xuất”, từ đó tạo cơ hội cho hàng hóa có nguyên gốc xuất xứ từ Trung Quốc “thay hình đổi dạng” để tiếp cận thị trường Mỹ (cụ thể là nhôm và thép) cũng là vấn đề mà ông chủ Nhà Trắng từng không ít lần đề cập, từ nhiệm kỳ trước tới nhiệm kỳ này. Có lẽ, chính bởi vậy, không ít nền kinh tế bị “vạ lây”, khi bị xem là “trợ thủ” của Bắc Kinh. Một thí dụ điển hình là Panama, với cáo buộc từ Washington rằng kênh đào Panama đã làm lợi quá nhiều cho Trung Quốc, trong khi vẫn thu những mức phí “cắt cổ” đối với doanh nghiệp logistic Mỹ. Do đó, khi công bố một chính sách thuế quan hà khắc mang màu sắc “đã mưa rào thì chỗ nào cũng ướt”, dường như Nhà Trắng đã âm thầm vạch ra một lằn ranh, ép các đối tác phải chọn đứng ở bên này hay bên kia.
Sau nữa, không thể không nói đến sức ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới của Nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi (BRICS) mở rộng (BRICS+), mà Trung Quốc là một trong những thành viên sáng lập, cũng là thành phần chủ chốt. Ngay từ trước khi chính thức tiếp nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 100% với bất cứ toan tính truất phế vị thế đồng USD nào - điều rõ ràng là nhắm đến BRICS cùng các ý tưởng xây dựng đồng tiền chung của BRICS nói chung và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc nói riêng. Kiềm tỏa BRICS+, với Trung Quốc là một trong những hạt nhân chính, không gì khác, là củng cố vị thế dẫn đầu của nền kinh tế Mỹ.
Một cách ngắn gọn, vì lợi ích của nước Mỹ - đang được bảo vệ bằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại, các mối quan hệ song phương cũng như tính biệt lập, ông chủ Nhà Trắng hiện tại đang thực hiện những chuyển dịch chiến lược quan trọng. Chiến lược đó được cụ thể hóa bằng cuộc đọ sức về kinh tế với Trung Quốc và được bổ trợ bằng cả một hệ thống thuế quan mang tính răn đe dành cho toàn thế giới.