Căn nguyên của niềm vui và nỗi buồn

Thứ Hai, 26/02/2024, 16:40

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cảm nhận rõ rệt ở hầu khắp mọi miền đất nước là tiết trời rất đẹp, người dân đón Tết trong an lành. Không chỉ vậy, trước, trong và sau Tết, có một dấu hiệu rất đáng mừng mà nếu để ý mỗi khi ra đường hoặc đến các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh… thì mỗi người đều có thêm niềm vui xen lẫn tự hào: chúng ta gặp rất nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà khách quốc tế đông hơn hẳn những năm trước.

Đủ các màu da và sắc tộc, song có lẽ nhiều nhất là khách châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này không chỉ do sự phục hồi của ngành du lịch thế giới sau đại dịch COVID-19 mà còn do chính sách kích cầu du lịch hiệu quả, do sự hấp dẫn của Việt Nam với không ít danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

untitled-1.jpg -0
Khách quốc tế du xuân tại Hà Nội.

1. Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 14/2/2024, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách du lịch nội địa đạt khoảng 10,5 triệu lượt (tăng gần 17% so với cùng kỳ 2023). Cũng theo thống kê này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ở nhiều địa phương so với Tết 2023 như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng; đặc biệt là tỉnh Kiên Giang ghi nhận mức tăng cao nhất với hơn 44.000 lượt, gấp gần 6 lần; tiếp đến là Ninh Bình với hơn 115.000 lượt, tăng gần 4 lần. Tỷ lệ thuận với lượng khách du lịch là doanh thu của mỗi địa phương ước đạt từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. 

Để đạt được kết quả nêu trên, trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết sách, đồng thời chỉ đạo các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ngành, địa phương chức năng. Nổi bật là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt, tập trung triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bám sát thực tiễn, ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đáng chú ý, trong khi dịch COVID-19 còn đang hoành hành ở một số nước, thì ngày 15/3/2022, Chính phủ quyết định mở lại các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia. Và sau đó, ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 7 nhóm giải pháp chủ yếu.

Đương nhiên, những "trái ngọt" du lịch cuối năm 2023 và quý I/2024 không thể đạt được nếu không có sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là của chính mỗi người dân làm dịch vụ du lịch, với sự thân thiện, ngày càng có ý thức giữ gìn hình ảnh một nước Việt Nam tươi đẹp, bình yên và mến khách.

2. Cũng trong tháng 1/2024, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch cũng ghi nhận nhiều tin vui. Theo Bộ Công thương, kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động xuất nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu đã nhộn nhịp trở lại. Riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), ngày 14/2 (mùng 5 Tết) chính thức mở cửa hoạt động trở lại và thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có đăng ký trước. Trong ngày 14/2 có 125 xe chở sầu riêng, thanh long, mít, dưa hấu thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Căn nguyên của niềm vui và nỗi buồn -0
Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua congtainer.

Một hình ảnh đáng lo ngại của nhiều năm trước là tình trạng những hàng dài, bãi rộng tới ngàn xe container bị ùn ứ tại nhiều cửa khẩu thường xuyên diễn ra. Có nhiều nguyên nhân cần khắc phục, tháo gỡ từ cấp cơ sở đến cấp cao, từ vi mô đến vĩ mô, trong nước, ngoài nước. Với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân; tình trạng trên đã cơ bản được khắc phục. Trong nhiều nguyên nhân đưa đến kết quả, chúng ta đã tuân thủ, "chơi đúng luật" thương mại quốc tế, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...

Không thể không nhắc đến ở tầm vĩ mô, đó là đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn nguy cơ với hòa bình, an ninh. Năm 2023 là năm Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện ngoại giao, đón nhiều đoàn nguyên thủ nước ngoài đến thăm chính thức. Nổi bật là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9/2023 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình tháng 12/2023. Kết quả hai chuyến thăm đã được khẳng định bằng nhiều nội dung cụ thể, trong đó có việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với 2 cường quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với Hoa Kỳ, mối quan hệ nâng lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững"; với Trung Quốc là "Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai".

Đó cũng là những căn nguyên sâu xa mở ra một chương mới với tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời cũng là cơ hội thúc đẩy quan hệ mọi mặt, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại với 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đúng như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí tại Hà Nội ngày 26/1/2024 đã khẳng định: "Trước bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã bám sát đường lối ngoại giao Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công tác đối ngoại còn góp phần kết nối kinh tế Việt Nam với thế giới, từ đó tranh thủ thêm nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội...”.

3. Trong những niềm vui, cũng không thể không nhắc đến nỗi buồn: dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc. Mới nhất và vô cùng đau xót là vụ xe ô tô 7 chỗ gặp nạn trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ khiến 3 người trong một gia đình tử vong, xảy ra ngày 18/2/2024. Hiện, Cơ quan công an chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng theo camera hành trình ghi lại, bên cạnh lỗi của tài xế xe 7 chỗ vượt ẩu, thì thiết kế đường có thể cũng là một nguyên nhân góp phần dẫn đến vụ việc.

Căn nguyên của niềm vui và nỗi buồn -0
Cao tốc  La Sơn - Cam Lộ với những nút thắt cổ chai tiềm ẩn nguy hiểm.

Tuyến Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe. Trên mạng xã hội, sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người tử vong sáng 18/2, nhiều tài xế cho rằng, bên cạnh nguyên nhân xe con 7 chỗ vượt ẩu, còn có nguyên nhân do thiết kế đoạn cao tốc tại vị trí tai nạn chưa hợp lý, tạo nút thắt cổ chai khi nhập làn. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến cao tốc này đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông làm 26 người chết và bị thương.

Dù Bộ Giao thông - Vận tải vẫn khẳng định, thiết kế tuyến đường này là đúng quy chuẩn, nhưng trước khi vụ tai nạn này xảy ra cả năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều phát biểu chỉ đạo về thiết kế, xây dựng đường cao tốc "phải đảm bảo 4 làn xe", trong khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km có nhiều đoạn quy mô 2 làn xe. Mới đây nhất là thông báo kết luận của Thủ tướng trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 15/2/2024 (trước khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm 3 ngày), có nội dung nhấn mạnh: "Quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100 km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự; tinh thần là qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm, qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát) và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng"...

Niềm vui, nỗi buồn nào cũng có căn nguyên sâu xa, mối quan hệ tác động qua lại. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nếu thấu hiểu và có quyết tâm thì sẽ tháo gỡ, giải quyết được hầu hết những bất cập để mọi việc tốt đẹp hơn, an toàn hơn.

Trần Duy Hiển
.
.