Cán bộ xã thời nay

Thứ Năm, 10/07/2025, 10:19

Suối thời gian dài, cán bộ xã, trong đó các chức danh chủ chốt như Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND được bổ nhiệm mà không nặng về bằng cấp, trình độ. Cán bộ xã đi làm cũng tư tưởng thong dong, nhiều nơi vừa làm vừa tranh thủ cày ruộng, trồng rau, việc gì khó thì... chờ huyện. Phong cách ấy tồn tại lâu thành lệ nhưng giờ là lúc tất cả phải thay đổi.

Những năm 1990, thế hệ 7X như chúng tôi trải qua quá trình học tập ở các trường đại học, cao đẳng tại thành phố lớn đều không thể quên mỗi bận về xã làm lý lịch, xin xác nhận từ giấy khai sinh, hộ khẩu đến các thủ tục hồ sơ khác. Có cậu sinh viên ở miền Trung kể hành trình về quê đi xin xác nhận hồ sơ như tiểu thuyết chương, hồi. Ấy là khi kê khai hồ sơ xong, ngày đó không có điện thoại nên sáng hôm sau lên trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, việc đầu tiên là phải tìm người phụ trách văn phòng. Bởi, không quy định giờ giấc chặt chẽ như ngày nay nên khi đến trụ sở thấy cổng mở, không bảo vệ nên cứ thế đạp xe vào. Lượn một vòng các phòng thì chỉ thấy có 2-3 phòng cửa mở nhưng khi hỏi người phụ trách văn phòng, họ bảo "sáng nay không thấy lên, chiều chị quay lại xem sao".

Chiều tất tả lên, gặp được chị phụ trách song chị lắc đầu "Bí thư Đảng ủy xã hôm nay nhà có giỗ, không thấy lên, có gì sáng mai em quay lại". Sáng mai lên gặp được Bí thư, tuy nhiên khi có chữ ký rồi thì đi tìm người quản lý con dấu, lại thấy... cửa đóng im ỉm! Lại tìm đến nhà cũng không gặp, đành "xin chờ hôm sau"...

Cán bộ xã thời nay -0
Tập huấn hoạt động tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp xã mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Thời trước, chuyện trong giờ hành chính nhưng phải đi gặp cán bộ xã ở... đám giỗ hay tại bìa rừng chẳng có gì lạ cả. Điện thoại không có, muốn gặp chỉ còn cách nhờ người này, người kia truyền tin, nếu đến được tai cán bộ thì tốt, nhược bằng chưa đến được thì phải tiếp tục chờ. Trụ sở xã là những ngôi nhà cấp 4, thường được xây dựng từ những năm bao cấp, cũng tường gạch, lợp ngói nhưng cơ sở vật chất rất giản đơn. Nhiều nơi sáng cán bộ dậy sớm vác cày lùa trâu ra ruộng, trưa về ăn giỗ, chiều đạp xe lên trụ sở pha ấm chè xanh, đàm đạo mấy chuyện tiếu là đến lúc tắt mặt trời. 

Bởi, quan niệm cán bộ xã chỉ là cấp cơ sở, kể cả những chức danh chủ chốt như Bí thư, Chủ tịch thì vấn đề bằng cấp, trình độ cũng không quá nặng nề. Chẳng hạn, tại Quyết định 04/2004/BNV của Bộ Nội vụ (ban hành năm 2004) quy định, các chức vụ như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND, Chi ủy, Thường trực Đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ cần học vấn trình độ tốt nghiệp THPT; lý luận chính trị trình độ trung cấp trở lên. Về chuyên môn, nghiệp vụ, ở khu vực đồng bằng và đô thị, có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; ở khu vực miền núi chỉ cần bồi dưỡng kiến thức chuyên môn (tương đương trình độ sơ cấp trở lên).

Các chức danh khác ở cấp xã như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thì học vấn chỉ cần có trình độ tốt nghiệp THCS trở lên (ở khu vực đồng bằng), tốt nghiệp tiểu học trở lên (ở khu vực miền núi); lý luận chính trị trình độ sơ cấp và tương đương trở lên. Như vậy, theo quyết định nói trên thì chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT là có thể được bổ nhiệm chức vụ chủ chốt như Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, trong khi các chức vụ như Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn, kế toán trưởng... lại chỉ cần bằng tốt nghiệp THCS. Cần biết rằng, Quyết định 04 ban hành năm 2004, tức là những năm đầu thiên niên kỷ mới, khi chúng ta đang tập trung xây dựng bộ máy, tổ chức cấp ủy, chính quyền cơ sở vững mạnh song quy định nói trên cho thấy, vấn đề bằng cấp, trình độ còn rất "nhẹ nhàng".

Bởi thế, trong giai đoạn này, cán bộ cấp xã ngay cả khi được bổ nhiệm Bí thư, Chủ tịch thì phần nhiều vẫn là bà con nông dân cư trú trong xã, họ không đi học đâu cao xa mà chỉ tốt nghiệp phổ thông về làm nông hay buôn bán nhỏ. Nhiều nơi, tập quán "lệ làng" vẫn ảnh hưởng nặng nề dẫn tới khi bố nghỉ hưu, thôi chức Chủ tịch thì "dìu" ngay con cái mình lên, rồi cơ cấu con cháu, họ hàng làm chức này, việc kia trong trụ sở cấp ủy, chính quyền xã.

Còn những người có trình độ đại học trở lên, được đào tạo bài bản thì sao? Do quan niệm cán bộ xã chỉ "loanh quanh lũy tre làng" nên những người được đào tạo bài bản như vậy không mặn mà gì khi đầu quân vào làm cán bộ xã. Phụ cấp cán bộ xã, nếu tính ra khó đủ ăn uống, chi tiêu ngay tại khu vực nông thôn. Trước đây, cán bộ cấp xã được trả sinh hoạt phí chứ không tính bằng lương. Theo Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ thì mức sinh hoạt phí đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã là 200.000 đồng/tháng (thời điểm đó, lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng). Trong khi đó, thói quen làm việc ở xã thường theo lệ, theo phong tục, tập quán, lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng họ hàng, làng xã nên nếu cán bộ có trình độ học vấn cao mà về xã cũng khó có nơi thể hiện, thậm chí bị tẩy chay. 

Chúng ta xây dựng chính quyền lấy dân làm gốc, mà cấp xã là cấp sát dân nhất. Kéo dài tình trạng bố trí cán bộ xã theo tập tục, lệ làng, theo dòng tộc, họ hàng mà xem nhẹ trình độ, kỷ luật, kỷ cương như vậy thì hệ lụy không phải là chuyện ngắn hạn. Để đưa đất nước phát triển thì ngay từ làng xã phải đổi mới, phát triển, phải thay đổi cách nghĩ, cách bố trí, sắp xếp và làm việc đối với cấp ủy, chính quyền xã. Không thể cứ bố trí cán bộ xã với quan niệm, cứ làm rồi việc gì khó có huyện lo, khó nữa có tỉnh lo! Xã là nơi triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đưa các nghị quyết, chỉ thị vào đời sống thực tiễn. Vậy thì cán bộ xã phải được hoàn chỉnh bởi các quy định luật pháp và quy định của Đảng một cách khoa học, chặt chẽ.  

Và, bây giờ, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp chính là lúc thích hợp nhất để cơ cấu, bố trí lại đội ngũ cán bộ cấp xã một cách bài bản, đồng thời chỉnh lý các quy định luật pháp liên quan để cấp xã thực sự là bộ máy năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Trung ương, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; đồng thời có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về xã. Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã (Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch HĐND, UBND; Phó Chủ tịch HĐND và UBND) được thực hiện theo các kết luận hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương về phương án nhân sự khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

Theo đó, khi không tổ chức chính quyền cấp huyện thì các chức danh như Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện trước đây được bố trí giữ các chức danh chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã. Đối với công chức cấp xã (gồm công chức giữ chức danh Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; công chức chuyên môn, nghiệp vụ) phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Có trình độ chuyên môn đại học trở lên cơ bản phù hợp lĩnh vực công tác; có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương.

Tại Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn của cấp ủy ở xã, phường, trong đó nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn như có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và của thành phố. Các chức danh như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã cũng phải tốt nghiệp đại học trở lên. Theo Công văn 03/CV-BCĐ thì sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kể từ ngày 1/8/2025. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.

Như vậy, trong bối cảnh cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, nhân lực lãnh đạo quản lý cấp xã nổi lên như một ưu tiên chiến lược quyết định sự thành công của việc bỏ cấp huyện. Đây cũng là lúc gác lại những thói quen, tập tục tổ chức, bố trí cán bộ xã theo tập tục, lệ làng, họ hàng dòng tộc và chấm dứt cách làm việc kiểu tùy hứng, suy nghĩ "việc khó đã có huyện".

Trước đây, cấp huyện giữ vai trò điều phối các chính sách, kế hoạch từ tỉnh xuống xã, đảm bảo hệ thống quản lý vận hành thông suốt. Khi cấp huyện không còn, cán bộ cấp xã sẽ phải trực tiếp đảm nhiệm các nhiệm vụ quản lý như đất đai, tài chính-ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Điều này yêu cầu đội ngũ lãnh đạo cấp xã phải được nâng cao về năng lực, chuyên môn và kỹ năng quản lý. Đội ngũ cán bộ cấp xã cần phải chuyển đổi từ tư duy hành chính đơn thuần sang tư duy quản trị phục vụ, đòi hỏi sự sáng tạo, chủ động và áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý.

Đăng Trường
.
.