Cai nghiện xe máy

Thứ Năm, 09/12/2021, 11:09

Từ 12/11/2021, Sở Tài nguyên - Môi trường và Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai chiến dịch thí điểm kiểm tra khí thải của 3.000-5.000 xe máy. Việc đo khí thải xe máy sẽ được triển khai trong khoảng một tháng.

Xe đăng ký trước 2017 sẽ được tặng dầu nhớt, trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn sẽ được tặng gói bảo dưỡng 200.000 đồng. Xe đăng ký lần đầu trước năm 2002 sẽ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng để mua xe mới.

Vậy là sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã bắt đầu triển khai chương trình này nhằm chuẩn bị cho những đề xuất chính sách, giải pháp kiểm soát khí thải cho TP Hà Nội. Cùng với những nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường như công nghiệp, đốt sinh khối thì hoạt động của xe gắn máy, xe cơ giới cũng góp phần phát thải lớn. Thống kê đến hết quý 1 năm 2019, Hà Nội có 5,7 triệu xe máy trong đó hơn 2 triệu xe cũ.

Cai nghiện xe máy -0

Không khó nếu chúng ta lượn một vòng trên phố, qua những khu lao động hoặc những nơi tập kết vận chuyển hàng hóa, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc “xe máy cởi truồng”. Đó là những chiếc xe máy chỉ còn duy nhất chức năng… chạy và chở. Không xi nhan, không cả chắn bùn. Những chiếc xe rỉ sét và tàn tạ đến mức không nhận ra nổi nhãn hiệu của xe. Nó được dùng để chuyên chở mọi thứ lớn hơn nó nhiều lần, cồng kềnh và gây nguy hiểm trên đường phố. Và tôi cũng đã chứng kiến nhiều lần, cảnh sát giao thông nhìn thấy những chiếc xe đó và ngó lên trời làm lơ dù họ vừa phạt một chiếc xe đời mới không gương hoặc quên bật đèn pha lúc tối trời. Là cảnh sát giao thông cũng chán không muốn thổi còi phạt. Bởi những chiếc xe đó nếu có thổi phạt thì cảnh sát giao thông cũng phải vác xe về kho bãi khi chủ của nó tình nguyện đi bộ về.

Thế nên khi Hà Nội triển khai chiến dịch với dự kiến xe đăng ký lần đầu trước năm 2002 sẽ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng để mua xe mới, tôi đã hy vọng các chủ xe đó biết và mang xe đi… bán. Với 4 triệu, đó là giá bán quá hời. Nhưng khi tôi nói ra chuyện đó với một cậu thanh niên đang sở hữu chiếc “xe máy cởi truồng” chở vật liệu xây dựng thì cậu phá lên cười. Cậu bảo: Có hỗ trợ em đến 10 triệu em cũng không bán đâu. Con xe này có giá hơn nhiều anh ạ. Em có thể chở bất cứ thứ gì miễn là không phải hàng cấm, đi qua chốt công an thoải mái, có thể vứt giữa đường mà không thằng trộm nào muốn lấy. Rõ ràng, tôi đang nhìn thế giới này màu hồng rồi. Thế giới thực nó có màu khói xe và bụi mù cơ.

Hà Nội, và cả TP Hồ Chí Minh đã từng đưa ra quyết tâm 2030 sẽ cấm xe máy. Ít nhất là cấm xe máy vào nội đô. Rồi đặt ra mục tiêu tàu điện trên cao chạy đến đâu, dọc hai bên đường của nó sẽ không còn xe máy nữa. Tôi đã từng hứng khởi với quyết tâm đó của Hà Nội và khoe nó trên trang cá nhân của mình. Tàu điện trên cao Cát Linh Hà Đông đã bắt đầu chạy, mục tiêu năm nào ai từng đưa ra giờ người đó ở đâu? Dự kiến 2030 cấm xe máy vào nội đô có còn nữa không hay nói lúc đó rồi thôi?

Một trong những rào cản của việc đề xuất thu phí ôtô vào nội đô (đã chính thức được hoãn trình lên HĐND Hà Nội mấy hôm trước) là vấn đề hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được. Nó giống hệt với việc đề xuất cấm xe máy vào năm 2030. Câu hỏi của người dân vẫn là cấm xe máy, tôi đi bằng gì? Cái nghèo và những câu chuyện mưu sinh lại được đặt ra. Nhưng khi thành phố hỗ trợ 4 triệu đồng để mua một chiếc xe máy mới thì ai sẽ mang xe ra đổi? Và giờ đây, khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu triển khai, hệ thống xe buýt kết nối dọc tuyến này cũng đã được hình thành, liệu Hà Nội có cấm xe máy dọc tuyến đường này không? Bởi nếu không cấm, sẽ chẳng ai từ Văn Quán đến Phùng Khoang mua một món đồ mà lại leo lên tàu. Người dân vẫn cứ chọn xe máy để đi thay vì tàu điện trên cao dù hiện nay nó có miễn phí. Người dân nô nức lên tàu mấy ngày qua chỉ là để thỏa mãn hiếu kỳ. Đó cũng là lý do tuyến buýt nhanh BRT “chết”.

Cai nghiện xe máy -0

Câu hỏi được đặt ra: Chúng ta sẽ giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường thế nào khi tâm lý sống chung với xe máy suốt đời đã ăn sâu vào rất nhiều người dân 2 đô thị lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sống chung với xe máy suốt đời vì họ đã phụ thuộc vào xe máy. Ngay trong khu đô thị nơi tôi sống, từ đầu khu đến cuối khu, tôi đếm trong những buổi tối đi tập thể dục là chưa đến 4.000 bước chân (đồng hồ tôi báo vậy). Nhưng các bà các mẹ lẫn các anh các chị cư dân trong khu tôi vẫn dùng xe máy để đi ra đầu khu mua hộp sữa, vẫn tậu thêm xe scooter chạy điện để đi siêu thị chỉ cách 3 tòa nhà, vẫn than phiền và lên án ban quản lý khi vì đảm bảo phòng chống COVID đã lập chốt không cho giao hàng tại sảnh mà bắt ra cổng khu (chưa đến 500m) để nhận hàng. Rồi lũ trẻ dù mới lớp 8 đã được cha mẹ tậu cho chiếc xe điện để tiện đi học… ở đầu khu, lũ trẻ lên lớp 10 được bố mẹ tặng xe máy như phần thưởng. Chúng ta đang phụ thuộc vào xe máy đến mức nếu cấm xe máy, nhiều người có thể sẽ không bao giờ thèm ra đường nữa vậy.

Trở lại với chiến dịch thí điểm kiểm tra khí thải của Hà Nội, tôi mong chờ những con số. Không chỉ là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn phải là để bắt đầu cho việc “cai nghiện xe máy”. Chúng ta đang đầu độc chính con em của chúng ta bằng khói xe máy như thế nào? Đặc biệt với hơn 2 triệu chiếc xe máy cũ vẫn nẹt pô ầm ĩ ngoài kia. Thu phí xe ô tô vào nội đô không phải lấy của người giàu chia cho người nghèo. Chưa kể nguy cơ giảm ô tô vào nội đô sẽ tăng số lượng xe máy cà tàng chuyên chở mọi thứ mà trước đây chỉ cần một chuyến ôtô là chở đủ. Tôi đồng tình rằng việc phát thải không chỉ lỗi ở xe máy mà còn rất nhiều những chiếc ôtô, xe cải tiến và kể cả những chiếc ôtô đời mới nữa, dù chúng đều được kiểm định khí thải tiêu chuẩn Châu Âu, Mỹ. Nhưng kiểm tra xong chúng ta sẽ làm gì mới là điều quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Minh Mười, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nói “Để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, cần thiết ban hành quy định đối với xe máy. Kế hoạch thí điểm đo kiểm khí thải xe máy là cơ sở thực tiễn để đề xuất chính sách, giải pháp kiểm soát khí thải, thu hồi xe máy cho TP Hà Nội". Tôi không mong việc này chỉ nhằm mục đích thay mới 2 triệu xe cũ. Điều đó có thể khiến thế lực thù địch nói rằng Hà Nội đang bắt tay với các hãng sản xuất xe máy đưa ra tiêu chuẩn khí thải để thúc đẩy bán xe máy mới.

Vì hỗ trợ 4 triệu đồng mua xe mới chỉ tương đương với chưa đến 30% giá xe mới. Sẽ thành vòng luẩn quẩn khi với 4 triệu đồng đó, những người dân sẽ đi mua một chiếc xe cũ khác, những chiếc xe cũng được sản xuất năm 2006 đang rao bán trên mạng. Vòng luẩn quẩn ấy thật không khác nào việc tặng voucher 40 triệu đồng để mua căn chung cư giá trị từ 2 tỷ trở lên.

Ừ thì vẫn là quà tặng đấy nhưng lấy đâu ra 1 tỷ 960 triệu để mua nhà thì không ai cho. Tôi thật lòng mong rằng đã đến lúc chúng ta cần phải triển khai chiến dịch cai nghiện xe máy. Bắt đầu bằng mở rộng phố đi bộ nhiều hơn, vùng đi bộ bắt buộc. Là những nơi xe buýt nhanh BRT hoạt động, những lộ trình có thể thay thế bằng phương tiện công cộng, những khu chung cư có mật độ cư dân đông. Cai nghiện xe máy chính là bước đầu tiên phải làm trước khi cấm xe máy.

Hoàng Anh Tú
.
.