Các Đại sứ nước ngoài kể chuyện ăn Tết Việt Nam
Từ ngạc nhiên, bỡ ngỡ khi lần đầu biết đến Tết cổ truyền Việt Nam, các Đại sứ nước ngoài ở Việt Nam dần trở nên quen thuộc với Tết âm lịch và luôn thích thú với những phong tục đón năm mới mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.
1. Tết Giáp Thìn là lần thứ hai ăn Tết cổ truyền Việt Nam nhưng Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya vẫn còn nhớ như in cảm giác hồi hộp trong cái Tết đầu tiên vào tháng 1/2023.
"Đó là sự háo hức, vui mừng và hy vọng cho một năm mới âm lịch. Một khởi đầu mới mẻ tất nhiên là cảm giác hạnh phúc, nguồn năng lượng mới và niềm lạc quan cho sự tiến bộ, thành công phía trước. Điều ấn tượng nhất đối với tôi là sự tương đồng về truyền thống và phong tục ở Ấn Độ và Việt Nam: âm lịch cho năm mới truyền thống, trọng tâm là tụ họp và cầu nguyện cho gia đình, các món ăn đặc biệt để đánh dấu lễ kỷ niệm, sử dụng nhang và dâng trái cây, hoa và hội họp với gia đình, họ hàng. Vì vậy, tôi rất thích tận hưởng năm mới truyền thống, dù là ở Việt Nam hay Ấn Độ", Đại sứ Sandeep Arya chia sẻ.
Bên cạnh nhiều điểm tương đồng trong lễ đón năm mới ở hai nước, có một điểm khác biệt là mỗi vùng đất khác nhau ở Ấn Độ lại đón năm mới vào những thời điểm khác nhau và các phong tục ăn mừng, ẩm thực và trang phục của các vùng miền Ấn Độ cũng khác nhau. Nhưng người Ấn Độ cũng giống người Việt Nam ở điểm luôn đi chùa cầu may mắn vào đầu năm. Cầu nguyện là một truyền thống quan trọng trong năm mới. Thông thường, những lời cầu nguyện đi kèm với việc thắp đèn, thắp hương bằng cách chắp tay, đọc kinh và cầu mong may mắn hoặc những lời cầu nguyện của cá nhân. Đại sứ Sandeep Arya cho biết, năm ngoái, vào mùng Một Tết, ông đã đi chùa cầu an và chuẩn bị một số món ăn đặc trưng Tết Việt mà ông ưa thích như nem rán và bánh chưng.
"Tôi đặc biệt thích việc được cùng gia đình tận hưởng ngày Tết thông qua các hoạt động chung và bầu không khí hạnh phúc, ăn mừng chung giúp nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình và làm trẻ hóa tinh thần. Sau lịch trình làm việc bận rộn trong năm, bản chất của việc gặp gỡ thân mật với đồng nghiệp trong văn phòng, gia đình và bạn bè bằng cách thăm hỏi và liên lạc với nhau là một khía cạnh rất mới mẻ của Tết cổ truyền Việt Nam", Đại sứ Sandeep Arya chia sẻ.
Nói về tầm nhìn phía trước, Đại sứ Sandeep Arya cho hay: "Đến Việt Nam hơn 2 năm, chúng tôi có kế hoạch tập trung hơn vào việc tăng cường quan hệ Ấn Độ-Việt Nam vào năm 2024. Khuôn khổ thông thường để phát triển quan hệ là tăng cường trao đổi chính trị, thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở rộng quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, các dự án cộng đồng và quan hệ văn hóa. Trong năm 2024, các hoạt động nhằm thúc đẩy những nỗ lực này sẽ diễn ra sôi nổi và tập trung vào lĩnh vực kinh tế, đồng thời các sáng kiến tăng cường thương mại và hợp tác sẽ mang tính định hướng hơn. Hợp tác công nghệ và mở rộng phạm vi tiếp cận tới các tỉnh là một phần tích cực hơn của những nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong năm 2024".
2. Cũng đón cái Tết cổ truyền thứ 2 ở Việt Nam sau khi tới Hà Nội vào tháng 9/2023, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken thích nhất là đi mua cành đào và may áo dài.
"Tết năm ngoái, chồng tôi mua một cành đào về cắm. Chúng tôi cũng trang trí cành đào nhưng theo cách chúng tôi hay làm ở Na Uy, đó là treo lên cành đào những tờ giấy đỏ trong đó có viết những lời chúc và những "nghị quyết" cho năm mới. Chúng tôi thích đào bích Việt Nam vì màu đỏ là tượng trưng cho may mắn và niềm vui. Áo dài Việt Nam rất đẹp. Năm ngoái, con gái tôi mua hai chiếc áo dài của Việt Nam, một chiếc theo kiểu truyền thống và một chiếc hiện đại hơn chút. Cô bé thích cả hai chiếc áo dài nhưng năm nay bạn ấy lớn nhanh quá nên chắc phải mua áo mới. May một chiếc áo dài cho tôi và mua một chiếc áo khác cho con gái tôi là một kế hoạch của tôi cho năm tới", Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken nói vui.
Theo Đại sứ Hilde Solbakken, người Na Uy thường kết hợp đón năm mới với kỳ nghỉ Giáng sinh. Giáng sinh đối với người Na Uy giống với Tết của người Việt và Tết cổ truyền của các nước châu Á ở chỗ, đây là dịp để đoàn tụ gia đình, kết nối lại với bạn bè và những người yêu thương. Lễ đón năm mới ở Na Uy thiên về tiệc tùng với bạn bè. Đối với nhiều người Na Uy, năm mới cũng là dịp để nhìn lại những thành tựu, thậm chí cả những điều chưa đạt được của năm cũ, và ra "nghị quyết" cho năm mới. Còn Việt Nam thì có nhiều lễ hội truyền thống trong và ngay sau Tết, nhiều lễ hội liên quan đến tín ngưỡng và văn hóa lúa nước của người Việt.
"Năm ngoái, gia đình tôi chỉ ở Hà Nội vì chúng tôi muốn thưởng thức không khí Tết. Hiếm khi thành phố vắng người và ít xe cộ như vậy nên chúng tôi tranh thủ dịp này đi dạo nhiều hơn ở khu vực Bờ Hồ và phố cổ. Chúng tôi chụp rất nhiều ảnh những con phố cổ ở Hà Nội. Chúng tôi đến thăm Văn Miếu, tìm hiểu về lịch sử trường Đại học đầu tiên của Việt Nam và truyền thống xin chữ. Chúng tôi gặp một thầy đồ rất trẻ và thầy đã tặng gia đình tôi chữ Hạnh Phúc. Năm nay, chúng tôi sẽ đi du lịch nhưng chắc chắn phải chuẩn bị và trang trí Tết cho nhà mình thật đẹp", Đại sứ Hilde Solbakken cười nói.
3. Với Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Tết là một thời điểm đặc biệt trong năm. Đây là một kỳ nghỉ rất riêng tư để mỗi người dành thời gian cho gia đình và bạn bè thân thiết.
"Năm ngoái, tôi may mắn được bạn bè Việt Nam mời đi ăn Tết để chia sẻ những lễ hội truyền thống của họ. Đây là Tết thứ hai của tôi tại Việt Nam với tư cách là Đại sứ và tôi mong muốn được chứng kiến và hiểu nhiều hơn nữa các giá trị truyền thống Việt Nam. Tôi thích ngắm Hà Nội vào dịp Tết, đặc biệt là khi mọi người chuẩn bị cây quất và hoa đào. Năm ngoái, tôi mua đồ trang trí ở phố Hàng Mã và một cây quất mà tôi vẫn đang chăm sóc. Tôi cũng rất vui khi được làm một chiếc bánh chưng nhân đậu xanh và thịt lợn. Bây giờ tôi biết có nhiều loại bánh chưng khác nhau và tôi hy vọng Tết này tôi sẽ có cơ hội được nếm thêm nhiều hương vị khác nữa", Đại sứ Andrew Goledzinowski tâm sự.
Nhận xét về năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ Việt Nam-Australia (1973-2023), Đại sứ Andrew Goledzinowski bày tỏ: "Tết hay năm mới là thời điểm để nhìn lại những thành tựu chúng ta đã đạt được trong một năm qua và có thể nói rằng năm 2023 là năm bận rộn nhất từ trước đến nay của Đại sứ quán Australia tại Hà Nội cùng Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh với các chuyến thăm cấp cao và các quan chức cấp cao, các sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Australia-Việt Nam. Tất cả những điều đó thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước chúng ta. Năm 2024 đang được định hình là một năm quan trọng nữa đối với mối quan hệ Australia-Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ hoàn tất việc nâng cấp mối quan hệ Australia-Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện trong nửa đầu năm nay. Tôi tin chắc rằng mối quan hệ Australia-Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển".