Buôn Đôn lặng lẽ voi già

Chủ Nhật, 09/04/2023, 09:45

Tháng ba bụi đỏ. Bảy chú voi chậm rãi rảo bước trên đường làng nắng cháy chang chang, theo người nài đi ra sông tắm táp sau mùa hội. HKhơi nhìn theo chú voi mất hút cuối đường làng, tiếng thở dài tan trong nắng quái: “Rồi đến lúc Buôn Đôn sẽ chẳng còn con voi nào nữa!”.

1. Hội voi Buôn Đôn 2023 (diễn ra tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là một hội voi khác lạ. Khách thập phương ngạc nhiên khi chữ “đua” trong cụm từ “Hội đua voi” quen thuộc bị bỏ hẳn. Voi chẳng còn chạy đua, cũng không còn trò voi đá bóng, voi thi bơi, voi kéo co với người…

Bây giờ, sau những nghi thức quen thuộc của buôn làng như lễ cúng sức khỏe cho voi, tắm voi thì voi ra sân bãi chỉ được trang điểm, diễu hành chào khán giả rồi ăn tiệc buffet với đủ thứ trái cây yêu thích như chuối, mía, dưa hấu, dứa… là xong. Hội tan. Một hội voi lặng lẽ.

1 hoi voi.jpg -0
Hội voi Buôn Đôn bỏ hẳn các cuộc thi thể lực mà chỉ để khán giả ngắm voi

Trong Lễ hội Đường phố thuộc khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, voi cũng không còn diễu hành trên đường phố đông đúc. Số voi tham dự lễ hội giảm sút dần qua các mùa. Từ khoảng 20 con hồi năm 2016, rồi cứ thế vắng dần, vắng dần. Mùa hội này chỉ còn đúng bảy chú góp mặt.

Được mệnh danh là xứ sở của voi nhưng Buôn Đôn bây giờ thưa thớt voi nhà. Bà HKhơi, cháu ngoại của “vua săn voi” Ama Kông buồn bã bảo rằng cả buôn giờ chưa đến 10 con voi. Dù là hậu duệ của dòng họ có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nhưng đến nay gia đình bà cũng không còn nuôi dưỡng con voi nào. Nhớ về voi, chỉ còn là những ký ức mơ hồ thuở bé. “Hồi ấy buôn này nhiều voi lắm, lên tới hàng trăm con. Nhà nào cũng phải nuôi một con để kéo gỗ, thồ hàng. Nhà tôi nuôi ba, bốn con. Tôi coi chúng như đứa bạn trong nhà. Voi hiền và lanh lợi lắm. Khi voi động dục, ông ngoại đem nó vào rừng để nó tìm bạn. Có khi cả tháng ông mới vào rừng tìm nó về”, ánh mắt HKhơi trĩu nặng khi nhìn những kỷ vật của ông ngoại trong gian nhà sàn hơn trăm tuổi.

Nhưng khi H'Khơi bước vào tuổi cập kê thì những chú voi vắng bóng dần. Đa số chúng chết vì bệnh tật, già yếu. Từ đó đến nay gia đình bà không nuôi thêm con voi nào nữa. Bà than thở: “Dù Nhà nước có chế độ hỗ trợ cho gia đình nào có voi nhà sinh sản; nhưng chuyện đẻ của voi khó lắm. Người làng cũng tìm cách thả nó vào rừng tìm bạn. Nhưng rừng bị tàn phá ghê quá, thiếu chỗ yêu đương, nó ăn còn không no thì lấy đâu sức mà đậu thai. Chưa kể nó còn bị voi rừng đánh, bị bọn xấu giết hại để lấy ngà, chặt đuôi, lấy lông, lấy xương. Cái bụng bọn nó ác lắm”. Nạn chặt trộm đuôi voi khiến tính mạng chúng bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế voi ở Buôn Đôn đuôi đều trụi lủi, sứt sẹo. Dân làng phải cắt trụi, hơ lửa cho lông không mọc để bọn trộm không còn tơ tưởng đến sợi lông mà lắm người sùng bái là may mắn, lợi lộc. Voi chết, người ta xây mộ đàng hoàng nhưng bọn hám lợi đâu để yên. Thậm chí, có mộ xây kỹ càng bằng xi măng vẫn bị quật phá để lấy xương cốt, cặp ngà. Đến mức này, nhiều người không dám chôn voi nữa, họ hỏa thiêu để đưa “ông Bồ” về với thác suối đại ngàn.

Buôn Đôn lặng lẽ voi già -0
Số lượng voi nhà ở huyện Buôn Đôn sụt giảm nghiêm trọng vì già yếu, không sinh sản

2. Nhà Y Dĩ (người Êđê) cũng chỉ còn duy nhất chú voi Khăm Sinh. Nó là voi đực, đã hơn 40 tuổi. Những năm trước, dù xót xa khi người bạn thân thiết của mình phải chở khách, “quay tua” liên tục, nhưng cậu bé cũng bấm bụng vì voi không chở khách thì kiếm đâu ra tiền. Đoàn khách du lịch vắt vẻo trên lưng voi, cười sung sướng, ngạo nghễ đâu hiểu rằng thân hình đồ sộ kia đang vắt kiệt sức để kiếm tiền cho chủ. Rồi kéo gỗ, thồ hàng... Bữa ăn của nó chỉ là mấy khúc mía, dăm nải chuối du khách cho. Y Dĩ biết Khăm Sinh mệt. Đôi mắt nó buồn, ướt nước trên đường nắng. Mùa khô, cỏ cháy, thức ăn cho voi càng khan hiếm. Những nhà nghèo như nhà Y Dĩ thì voi càng đói. Vào mùa hội đua voi trước đây, dù cậu và những người có voi thi đều cố gắng thả chúng vào rừng nghỉ dưỡng, bồi bổ cả tháng ròng nhưng thức ăn, nước uống mùa hạn đâu thể đủ. Vậy mà voi vẫn cứ phải chạy đua, rồi thi đá bóng, thi bơi…

Voi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh đại ngàn của đồng bào Tây Nguyên. Voi đối với người Tây Nguyên như người bạn đầy tình cảm. Y Dĩ bảo mỗi lần đi rừng, nếu gặp chuyện gì nguy hiểm hoặc vấp ngã, voi liền cụp hai tai to lớn của mình giữ chân cho chủ an toàn.

Bà H'Mekrynia (người Mnông) nhớ ngày còn nhỏ, ông ngoại cho người đưa hai con voi ra Hà Nội dự lễ hội. Nhưng mới đi nửa đường, chúng lồng lên, đập phá nát cửa kính xe ôtô. Người ta phải đưa ông đi cùng thì chúng mới yên. Ông hiểu cái bụng tụi nó nhớ buôn làng. Lần khác, con voi đực ông hết sức yêu chiều lên cơn động dục, nó kêu rống, quật phá cây cối đồ đạc. Và nó quật chết ông. Chủ vừa tắt thở, nó choàng tỉnh. Con cháu điên tiết đấm đánh, nó lặng im chịu trận. Rồi người ta bán nó. Ngày người mua đến, nó đứng ỳ không đi. Đôi mắt van lơn ngoái trông mái nhà, nhìn chủ của con voi tội nghiệp làm cô bé H'Mekrynia ngày đó sững sờ.

Nhìn chú voi già lặng lẽ thả bộ trên đường làng, giật mình tự nhủ những chú voi còn lại của buôn, rồi cũng đến lúc yếu tàn gửi thân về bụi đỏ. Buôn làng vắng lặng, trống hoác những mắt nhà sàn chong gió. Khi ấy, một mai nào ghé lên Buôn Đôn, câu hát “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên bỗng tự dưng trở nên xa lạ, chênh chao…

3. Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, hiện tỉnh chỉ còn 36 con voi nhà và khoảng 80 đến 100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980. Số voi nhà đều trên 40 tuổi, mất khả năng sinh sản. Từ khi Nhà nước cấm bắt và thuần dưỡng voi rừng thì số voi nhà càng giảm theo năm. Ngoài ra gần 40 năm nay, voi nhà không sinh sản được voi con nào. Cùng với chính sách hỗ trợ và nâng cao ý thức, người nuôi voi Đắk Lắk còn được tạo điều kiện thả voi về rừng hay ghép đôi để chúng giao phối nhưng việc tăng giống loài của động vật quý hiếm này vẫn giậm chân tại chỗ. Theo đại diện Trung tâm, nguyên nhân voi nhà không thể sinh sản là do môi trường nuôi nhốt, phục vụ du lịch quá sức, già yếu…

Nỗ lực đổi mới của tỉnh Đắk Lắk tại Hội voi Buôn Đôn cũng như tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhằm bảo vệ sức khỏe cho voi, đúng với nội dung cam kết giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á (AAF). Năm ngoái, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng phê duyệt dự án hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện. Mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà ở địa phương. Ngoài Hội voi, trước đó, bắt đầu từ ngày 10/2/2023, dịch vụ du lịch cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn chính thức chấm dứt. Những chú voi hạnh phúc và khỏe mạnh là tiền đề đầu tiên để chuẩn bị những chú voi con ra đời.

Không ít người cảm thấy hụt hẫng khi không khí náo nhiệt của hội đua voi thường niên chỉ còn là quá khứ. Tiếng voi chạy rầm rập, tiếng la hét của nài voi, tiếng hò reo cổ vũ của đám đông… giờ đã là dĩ vãng. Nhưng số đông du khách yêu động vật đều đồng tình với sự đổi mới này. Bà Nguyễn Linh Trang, du khách từ Hà Nội, rất ủng hộ những đổi mới tích cực. “Du lịch cưỡi voi hay hội đua voi đều là đặc sản của người dân Tây Nguyên. Dẫu bỏ đi cái cũ khiến người ta luyến tiếc nhưng tôi rất vui mừng với chủ trương đối xử với voi thân thiện, bỏ đua voi, cấm săn bắt voi rừng giúp bảo vệ và nhân giống loài động vật quý hiếm này tốt hơn” - bà nói.

Đàn voi già yếu không còn phải vắt kiệt sức để chở khách. Đôi chân chúng không còn rát bỏng khi bị nài voi bắt diễu hành trên đường nhựa nắng chang chang. Và đôi tai chúng cũng chẳng còn bị rách tươm, tứa máu bởi cây kreo sắt nhọn móc vào khi quản tượng điều khiển trong hội đua… Mùa hội năm nay, Khăm Sinh không còn nhọc mệt, hốt hoảng giữa đường đua bị vây kín bởi rừng khán giả giương máy ảnh hiếu kỳ. Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, chú voi già nhẹ nhàng vào hội rồi chén bữa tiệc buffet ngon lành.

Tháng ba, trời Tây Nguyên bỗng xanh hơn, dẫu nỗi lo sợ rằng đến một ngày Buôn Đôn vĩnh viễn khuất bóng voi nhà vẫn hiện hữu đâu đây…

Mai Quỳnh Nga
.
.