Bước tiến nguy hiểm và sự đáp trả cứng rắn

Thứ Ba, 11/04/2023, 12:55

Ngày 4/4, sau gần một năm chờ đợi, cuối cùng, lá quốc kỳ Phần Lan cũng đã được kéo lên bên ngoài trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Brussels (Bỉ), đánh dấu việc quốc gia Bắc Âu ấy chính thức trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức này.

Nhìn từ phía NATO, như Tổng Thư ký Jens Stoltenberg khẳng định: Đây là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối liên minh quân sự đó củng cố sức mạnh. Song, từ những phần còn lại của thế giới, không hẳn bước phát triển vừa được thực thi đã là một tín hiệu đáng mừng.

1. Phần Lan cùng người hàng xóm Thụy Điển mới chỉ nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 6/2022, tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức liên minh quân sự này. Ở cuộc họp đó, giữa những diễn biến bão táp trên bản đồ địa chính trị thế giới liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine, NATO đã đưa ra một số định hướng quan trọng, đặc biệt là khái niệm "Chiến lược mới".

Theo đó, khái niệm này của NATO xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực, nhằm vạch ra đường hướng giải quyết thách thức. Đây được xem là dấu mốc đánh dấu sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới, với sự gia tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao (lên mức hơn 300.000 quân). Và Phần Lan, cũng như Thụy Điển, vì những nguyên nhân gắn liền mật thiết với lợi ích cốt lõi của mình, đã "đảo chiều chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ" - như cách nhìn nhận của giới phân tích quốc tế.

Bước tiến nguy hiểm và sự đáp trả cứng rắn -0
Quốc kỳ Phần Lan tại trụ sở NATO.

Tiến trình kết nạp Phần Lan, có lẽ vì thế, đã đạt được một tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi nhìn lại bối cảnh họ đã vấp phải những rào cản không dễ vượt qua, với sự trì hoãn của một số nước thành viên NATO như Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia đến hiện tại vẫn chưa chấp thuận thông qua lá đơn xin gia nhập từ Thụy Điển).

Theo quy định của NATO, bất cứ thành viên mới nào, để được kết nạp chính thức, cũng phải nhận được sự đồng ý từ toàn bộ các quốc gia thành viên cũ. Bởi vậy, nếu các "chướng ngại vật" từng chắn trước con đường gia nhập NATO của Phần Lan (cũng như Thụy Điển) hé lộ các bất đồng hay nguy cơ chia rẽ trong nội bộ khối, thì cách mà Phần Lan "cán đích" lại cho thấy rằng tổ chức quân sự này cuối cùng cũng tìm được cách đạt được đồng thuận, với những động lực từ lợi ích chung vượt trên các vấn đề tồn tại riêng.

Cụ thể, từ đầu tháng 3/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã xác nhận sẽ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, sau khi nhận thấy quốc gia Bắc Âu đã có nhiều bước tiến thực chất trong cam kết an ninh với Ankara, trong đó có giải quyết mối lo về các nhóm ly khai lưu vong và bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng. Để rồi, ngày 1/4, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống Erdogan đã xác nhận quyết định của quốc hội nước này phê chuẩn Phần Lan gia nhập NATO. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ (và cả Hungary) chưa sẵn sàng thực hiện điều tương tự với Thụy Điển.

Ở đây, cũng cần làm rõ: Từ trước khi chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO, Phần Lan đã là đối tác gần gũi, chia sẻ các giá trị của NATO. Phần Lan có quân đội hiện đại, với các thiết bị tương thích với các hệ thống của NATO. Đầu năm 2022, quốc gia Bắc Âu này đã hoàn tất việc mua 64 máy bay chiến đấu F_35 từ Công ty Lockheed Martin của Mỹ. Và, quan trọng nhất, Phần Lan cũng đáp ứng mục tiêu của NATO về chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP hằng năm - điều mà không phải quốc gia thành viên hiện tại nào cũng đáp ứng đủ điều kiện (hoặc sẵn sàng đáp ứng).

2. NATO nói riêng cũng như giới chức lãnh đạo phương Tây nói chung coi việc Phần Lan chính thức được kết nạp là một thành công rực rỡ.

Đơn cử, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh: "Với việc nhận được văn kiện gia nhập này, giờ đây chúng tôi có thể tuyên bố rằng Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là một ngày lịch sử!" (ngày 4/4, theo hãng tin AFP). Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, bên cạnh kỳ vọng rằng Helsinki sẽ đưa "ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến" và "khả năng vượt trội" đến với liên minh, cũng đánh giá: "Đây sẽ là cột mốc tốt đẹp với an ninh của Phần Lan, khu vực Bắc Âu và toàn bộ khối".

Bước tiến nguy hiểm và sự đáp trả cứng rắn -0
Hành trình "Đông tiến" của NATO.

Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận: "Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng tôi đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu". Nói một cách ngắn gọn, các vận động địa chính trị dữ dội quanh chiến sự miền Đông Ukraine đã mở ra cho NATO "cơ hội vàng" để không chỉ "siết chặt lại hàng ngũ" (vốn đã từng trở nên rệu rã, đến độ đương kim Tổng thống Pháp Macron phát biểu "NATO là một tổ chức đã chết não” và cùng quốc gia chia sẻ nhiệm vụ lãnh đạo Liên minh châu Âu/EU với họ - Đức - xúc tiến thành lập một quân đội châu Âu riêng biệt, độc lập với NATO), mà còn có bước mở rộng chưa từng có trong lịch sử về phía khu vực Bắc Âu. Mặc dù vậy, theo cả hãng tin Reuters của phương Tây lẫn hãng tin TASS của Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng vẫn kìm giữ sự phấn khích ở lại sau những "lằn ranh đỏ".

Đề cập tới việc triển khai binh sĩ đến nước thành viên mới nhất của khối, ông nhấn mạnh: "Sẽ không có binh sĩ NATO ở Phần Lan, nếu Helsinki không đồng ý. Quyết định đó thuộc về họ", cho dù vẫn cam kết: Phần Lan sẽ được nhận sự bảo đảm an ninh chắc chắn từ Điều 5 của Hiệp ước, theo đó quy định về an ninh tập thể của tất cả các nước thành viên NATO trước bất cứ cuộc tấn công quân sự nào. Nghĩa là, cả NATO sẽ giáng trả bất cứ cuộc tiến công quân sự nào thực hiện nhắm vào Phần Lan.

3.Đây là sự phát triển mang tính đột phá của NATO về phía Bắc Âu và cũng là bước tiến tiếp theo của "liên minh phòng thủ quân sự" (theo cách họ tự gọi chính mình) này, trên một hành trình "Đông tiến" không mệt mỏi, kể từ ngày Chiến tranh Lạnh khép lại. Theo Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, NATO đang bước vào kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược với những thách thức hoàn toàn mới. Ngoài việc giữ nguyên mục tiêu chống khủng bố, NATO cũng đang tiến hành thực thi một chiến lược phòng thủ và răn đe mới, bao gồm cả các mối đe dọa hỗn hợp và không gian mạng.

Người đứng đầu NATO đánh giá: Việc kết nạp thêm thành viên giúp NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu_Đại Tây Dương ổn định hơn. Vấn đề là, từ lập trường của nước Nga, câu chuyện không đơn giản như vậy. Vẫn luôn kiên định và chưa từng thay đổi, quan điểm chính thống của Moscow cho rằng việc NATO mở rộng là sự uy hiếp đối với an ninh quốc gia của Nga. Lần lượt, đã có thêm 14 thành viên mới được NATO kết nạp kể từ ngày Liên bang Xôviết tan rã, ở phía Đông của Bức tường Berlin, bao gồm: Năm 1999: Ba Lan, Czech, Hungary; năm 2004: Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia; năm 2009: Croatia, Albania; năm 2017: Montenegro và năm 2020: Bắc Macedonia. Không gian ảnh hưởng truyền thống hậu Xôviết của nước Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, rõ ràng là càng lúc càng bị thu hẹp. Nói cách khác, NATO có thể cảm thấy an toàn hơn nhưng Moscow rõ ràng không có cùng cảm nhận.

Suốt từ năm 2008 (với cuộc đụng độ quân sự ở Georgia), qua năm 2014 (với các biến động chính trị tại Ukraine cùng các diễn biến tiếp nối) đến chiến dịch quân sự đặc biệt khởi đầu tháng 2/2022, từ cách tiếp cận vấn đề của mình, Điện Kremlin đã ra những quyết định cứng rắn, nhằm đối chọi với cảm giác bất an mà họ chứng kiến mỗi khi nhìn vào bản đồ thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên, ngay trong ngày 4/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố: Nga sẽ tăng cường lực lượng ở các quân khu biên giới phía Tây và Tây Bắc. Động thái này gợi lại rằng, vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng cho biết: Nga đang thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp và sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn ở quân khu phía Tây. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quá trình mở rộng NATO diễn ra như thế nào. Để rồi, cùng ngày 4/4/2023, ông Sergei Shoigu tuyên bố: Việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng đây là hành động "xâm phạm" an ninh Nga và Moscow sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đối phó" diễn biến mới nhất này, theo hãng tin RIA. Ở một số trường hợp, có thể "Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (Si vis pacem, para bellum - ngạn ngữ Latin cổ) là một lựa chọn hợp lý. Song, cũng có những trường hợp khác, khi mà mỗi bước tiến của phía này lại trở thành sự thôi thúc phía kia đáp trả tương ứng. Và, cùng tác động tương hỗ đến nhau, chúng khiến những viễn cảnh hòa bình - ổn định - phát triển chung lại chìm sâu hơn dưới những lớp sương mờ.

Đông Phong
.
.