Biên tập văn chương: Bà đỡ mát tay hay “ông giời con”?

Thứ Bảy, 28/10/2023, 08:36

Biên tập viên có nhiều dạng khác nhau, nhưng ấn tượng nhất là họ như có “con mắt xanh”, như bà đỡ mát tay; còn ám ảnh nhất là họ như “ông kễnh”, “ông giời con”.

Nhà văn sáng tác xong tác phẩm nếu chỉ cất trong ngăn kéo thì coi như đứa con đến phút sinh giờ đẻ mà chưa ra đời. Gặp bà đỡ mát tay thạo nghề, thai ngôi ngược hay tràng hoa quấn cổ, ca đẻ khó đến mấy cũng khéo nâng, xoay, vỗ, dỗ yêu mẹ trẻ lấy hơi giữ nhịp để đứa trẻ chào đời, lau chùi, cắt rốn, quấn khăn giữ hơi ấm cho mẹ tròn con vuông, mẹ mạnh con khỏe. Gặp bà đỡ vườn vụng về, vô cảm thì có khi đứa trẻ bị tật nguyền, thậm chí tính mạng cũng khó bảo toàn. Ngày trước, các tác giả đều viết tay, bây giờ vẫn có người dùng bút mực bút bi sáng tác, có nhà văn lơ đãng gửi bản thảo đi mà không chép thêm một bản giữ lại. Độc bản vào tay ông biên tập vô trách nhiệm, hay cửa quyền thì sáng tác của bạn văn vào thùng rác, hoặc để thất lạc, có khi có tội với nền văn học vì hủy hoại một tác phẩm để đời.

Biên tập văn chương: Bà đỡ mát tay hay “ông giời con”? -0

Biên tập viên nâng lên hạ xuống, thêm bớt, vày vò, cắt xẻo đứa con tinh thần của bạn văn thì đến lượt mình sẽ bị người khác biên tập, hoặc gửi tác phẩm đến tòa soạn khác cũng phải chịu y như thế, chả trách được ai? Tôi viết truyện ngắn “Tiếng sét trên đỉnh núi”, nhà văn Khuất Quang Thụy là Trưởng ban Văn sửa lại là: “Tiếng sét trên triền núi”. Ông Thụy bảo: “Câu chuyện xảy ra trên triền núi, tiếng sét không chỉ là hiện tượng vật lý, mà còn là biểu tượng tinh thần, thì nó phải đánh vào chỗ có người và câu chuyện đang xảy ra”. Chịu! Không cãi được ông nhà văn nổi tiếng và lành nghề biên tập trước mình cả mấy chục năm. Tôi viết “Tiếng kêu từ vùng chiêm trũng Hà Nam” về cảnh khổ trần gian thiếu nước, khó khăn của một trại thương binh gửi Báo Quân đội nhân dân cuối tuần tham dự cuộc thi phóng sự. Nhà thơ Đỗ Trung Lai biên tập là “Tiếng gọi từ vùng chiêm trũng Hà Nam”. Ông thay mỗi chữ “kêu” thành chữ “gọi”. Là gọi thôi, gọi mọi người có lòng lành đến với thương binh nặng, ai lại nhân danh người lính đi qua chiến tranh thiệt thòi mất mát mà kêu khổ, kêu khó, gọi chứ cần gì phải kêu ca. Tôi cũng chịu lăn chịu lóc.

Lúc sinh thời, nhà văn Vũ Bằng viết rằng: Trong lúc Tiểu thuyết Thứ Bảy ra khổ lớn, nhà văn Nam Cao gửi mấy truyện đến, nhưng không được đăng. “Việc tòa soạn không đăng truyện không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện”, nhà văn của “Thương nhớ mười hai” giải thích. Cũng lúc đó, ông chủ bút Vũ Đình Long mời Vũ Bằng về làm thư ký tòa soạn thay nhà văn Ngọc Giao muốn đi miền Nam kinh doanh với bạn. Việc đầu tiên là Vũ Bằng khuân cả đống bài lai cảo ở tòa soạn về nhà đọc. Ông đã phát hiện ra mấy bản thảo của Nam Cao, rồi các tác phẩm bị hờ hững, bỏ rập rạ ấy đã chinh phục ông “và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ makét, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới…”. Có thể Vũ Bằng không mót lại trong đống bài lai cảo, không “lăng xê” một văn tài mới thì Nam Cao vẫn viết, vẫn lừng lững. Nhưng cái tâm của người biên tập, con mắt xanh của Vũ Bằng đã làm cho Nam Cao không lỡ chuyến đò dọc văn chương. May mắn cho Nam Cao, và cũng may mắn cho văn chương nước nhà.

Tháng 8/1992, tôi in truyện ngắn đầu tay “Nỗi đau dòng họ” trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước đó, gửi truyện này đi các báo, không một dòng hồi âm dù là tin nhắn trên hộp thư của tờ báo đang có cuộc thi. Nản quá! Cuối cùng đem gửi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tự nhủ lòng mình: nếu lần này không được in thì bỏ, không viết văn nữa. Thế rồi, bỗng một buổi sáng đẹp trời, nhận được thư của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông thông báo truyện ngắn “Nỗi đau của dòng họ” sẽ in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8, rồi động viên tôi viết tiếp. Ông viết rằng, ông biên tập chỉ bỏ một chữ “của” thành “Nỗi đau dòng họ”. Đúng là cô đọng, hàm súc hơn mà ngữ nghĩa không thay đổi. Dạo ấy, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đang rất nổi tiếng với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Bến không chồng” của Dương Hướng. Khỏi phải nói nỗi vui mừng của tôi lớn đến chừng nào. Người mới viết văn mà được in, in ở tạp chí chuyên ngành, lại được ông nhà văn lớn nổi danh viết thư về tận đơn vị thì có nỗi sung sướng nào hơn? Sau này, tôi mới biết các nhà văn Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… cũng đều có tấm lòng vàng biên tập như thế, tôi học các ông được rất nhiều điều trong biên tập, xử lý bản thảo. Thời gian trôi đi, các bạn văn trẻ như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy… lần lượt về tòa soạn làm biên tập cũng ứng xử với cộng tác viên theo cái nếp chân thành như vậy. 

*

Biên tập viên là bà đỡ mát tay nhưng cũng có biên tập viên là ông kễnh, ông giời con. Thực ra, không ai sinh ra đã là ông kễnh. Biên tập viên lúc đầu cũng rụt rè, cũng e ngại, cũng cẩn trọng và ý tứ khi xử lý bản thảo. Nhưng, nghề nghiệp làm cho biên tập viên trưởng thành theo thời gian. Thạo bút, cứng nghề, quan hệ rộng hơn, và cả “gần chùa gọi bụt bằng anh nữa”, đến một lúc nào đó tự thấy mình lớn lên, cao hơn, từ tự tin đến tự cao tự đại chỉ cách một sợi chỉ mỏng manh. Vả lại, cộng tác viên cũng lắm dạng. Có người bút sắc, tâm sáng, tầm cao và rất bản lĩnh viết ra không in chỗ này thì in chỗ khác, không in chỗ nào thì cất vào ngăn kéo chờ có dịp in được thì in. Nhưng, cũng có tác giả “chưa nóng nước đã đỏ gọng”, viết ào ào và cũng muốn in ào ào, lấy số lượng làm đầu theo kiểu “cá kể đầu rau kể bó”, thế là nịnh nọt, chèo kéo, săn đón mời chào, tung hô biên tập viên. Tự nhiên thấy mình quan trọng, thấy mình có “quyền sinh quyền sát”, in cái này bỏ cái kia, cửa quyền lúc nào cũng không biết. Lúc điện thoại, hoặc ngồi trước mặt cộng tác viên thì nói như thánh tướng, chê văn người này bỉ thơ người kia, rồi phán xét tác phẩm được giải thưởng của tờ báo bạn nếu gửi đến tòa soạn mình thì không qua “vòng gửi xe”. Thực ra, các tác giả có phần nào nhẫn nhịn để giữ hòa khí, để được in bài và lắng nghe là do cái chức vụ, cái ghế biên tập viên ấy, chứ không phải con người cụ thể đang ba hoa. Có một sự thật không hề nói quá rằng: Cũng kiến văn, tài văn, chất văn, thành tựu của một ông nhà văn sống và làm việc ở dưới huyện, ở một quân khu nào đó thì chẳng mấy ai biết, nhưng ông ấy về làm biên tập ở một tòa soạn văn chương nào đó thì giá trị tăng lên nhiều “chân kính”.  

Tôi cũng từng bị biên tập viên chữa mấy chữ “đào ngũ” thành “đảo ngũ” trong truyện ngắn “Mười ba bến nước”. Báo in ra, đọc mà buồn. Trao đổi lại, tôi nói: nhân vật lính của tôi bỏ đơn vị chạy về quê thì phải gọi là “đào ngũ”; còn “đảo ngũ” theo tôi phải là từ đơn vị này chuyển sang đơn vị kia. Chú biên tập viên trẻ trung mới vào nghề vẫn không chịu, bảo: em đọc truyện của bác cũng biết nhân vật bỏ đơn vị về nhà, quê em gọi thế là “đảo ngũ”. Viện dẫn phương ngữ quê em, mà không theo tính phổ quát, theo từ điển thì chịu rồi và cũng chỉ còn cười xòa với nhau.

 *

Biên tập càng lâu càng thạo nghề, càng có kinh nghiệm, sẽ đến lúc nhận ra: có những bác nhà văn tên tuổi thì rất to nhưng tác phẩm gửi đến thì chưa ổn. Điều này cũng là chuyện bình thường. Ngoại trừ các văn hào, thi hào thì cái gì viết ra cũng hay, còn hầu hết người sáng tác cả đời chỉ có vài tác phẩm hay và thật hay, thậm chí có người không viết nổi một tác phẩm hay nào. Người viết bình bình, tác phẩm đọc được và làng nhàng là phần nhiều. Cùng là bản thảo làng nhàng, bản thảo kém đến tay biên tập viên như cơm bữa, bỏ của tác giả bình thường, “vô danh” thì dễ, chả phải đắn đo nghĩ ngợi lắm, nhưng thử bỏ của ông nhà văn lớn nào đó xem? Bản thảo hay mà có vấn đề “đụng chạm” càng phải cân nhắc, nghĩ ngợi. Tôi tin rằng: không chỉ tôi mà thế hệ nhà văn bậc cha anh, và cả thế hệ nhà văn sau tôi cũng đã từng băn khoăn, nâng lên đặt xuống, ngại ngùng, đắn đo rồi mới quyết định in hay không in. Tôi cũng như họ đã bỏ không ít tác phẩm của các nhà văn thành danh chỉ vì nó làng nhàng, in cũng được mà không in cũng chẳng sao, hoặc in nhưng phải trao đổi với họ cắt chỗ này, làm nhuận sắc chỗ kia, viết lại đoạn kết, và cũng không ít trường hợp tự tin đổi tên tác phẩm giúp tác giả cho hay hơn.

Biên tập viên văn chương không chỉ cần năng lực trình độ chuyên môn, mà còn cần bản lĩnh, và nghệ thuật từ chối bản thảo không đạt chất lượng, không đáp ứng tiêu chí tòa soạn. Người sáng tác đổ mồ hôi sôi nước mắt sinh thành tác phẩm rồi mong muốn nó được trình làng, nhưng bị từ chối in là buồn, là nghĩ ngợi. Có người cho rằng biên tập viên hẹp hòi, đố kị, “dìm hàng”, có người thì cho rằng biên tập viên trình độ thấp, không có con mắt xanh, không cảm được cái mới cái lạ. Có người lại cho rằng biên tập viên cực đoan, gu thẩm mỹ hẹp, và lạc hậu với thời sự văn chương, bị cuộc sống bỏ rơi… Thế là bao nhiêu trách móc, dỗi hờn, thậm chí cạch mặt, bất hợp tác: “Nó còn làm biên tập ở đó thì đừng hòng tôi gửi bản thảo đến”… Cho nên nghề biên tập viên vui vẻ mà cũng nhiều khi buồn lặng, và đã là người sáng tác thì ít nhất trong đời văn sẽ đôi lần gặp ông biên tập như giời con, nhưng chắc chắn được may mắn, an ủi vài ba lần gặp bà đỡ mát tay, có con mắt xanh.

Sương Nguyệt Minh
.
.