Berlusconi - chữ tài cũng lắm, chữ tai cũng nhiều

Thứ Hai, 03/07/2023, 13:20

Ngày 12/6/2023, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã qua đời tại Bệnh viện San Raffaele ở Milan ở tuổi 87 sau nhiều tuần điều trị nhiễm trùng phổi liên quan đến bệnh ung thư bạch cầu. Cuộc đời Silvio Berlusconi là một chuỗi những câu chuyện gây tranh cãi khi từng là niềm tự hào với nỗ lực phấn đấu không ngừng và tài kinh doanh bậc thầy, song lại cũng là người khiến xã hội Italy phân cực chưa từng có với hàng loạt ồn ào và bê bối…

Người nhìn đâu cũng ra tiền

Silvio Berlusconi sinh ngày 29/9/1936 trong một gia đình trung lưu ở thành phố Milan, sớm thể hiện bản thân là người có đầu óc làm ăn và sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền, khiếu kinh doanh có lẽ được thừa hưởng từ người cha vốn là nhân viên ngân hàng.

Berlusconi-chữ tài cũng lắm, chữ tai cũng nhiều -0
Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi (Ảnh Reuters).

Tốt nghiệp ngành luật thương mại với tấm bằng giỏi của Đại học Milan năm 1961, giai đoạn Italy bắt đầu trải qua “phép màu kinh tế” thời hậu chiến, Berlusconi nhanh chóng dấn thân vào kinh doanh bất động sản và cho ra đời lần lượt các công ty Cantieri Riuniti Milanesi và Edilnord vào năm 1962 và 1963.

Dự án nổi bật, thậm chí có thể xem như mang tính cách mạng “Milano 2” hướng đến việc xây dựng khu dân cư ở ngoại ô phía Bắc Milan nhằm mang đến những ngôi nhà rộng rãi với chất lượng sống cao ở vùng ngoại ô, tránh xa vùng đô thị ngày càng chật chội và ô nhiễm. Thuận buồm xuôi gió, Berlusconi giành được nhiều dự án quan trọng, song cũng vướng vào không ít tai tiếng liên quan tới giới mafia dù ông luôn phủ nhận.

Berlusconi còn là thiên tài trên thương trường. Năm 1978, ông thành lập Fininvest, tập đoàn quản lý những tên tuổi nổi tiếng, trong đó có Mediaset với 3 kênh truyền hình và AC Milan, một trong những đội bóng hàng đầu thế giới.

Những năm 1970, khi phát sóng truyền hình bắt đầu được tư nhân hóa tại Italy, Silvio Berlusconi nhanh chóng chớp cơ hội đầu tư. Ông thành lập Công ty truyền thông MediaForEurope với quyền phát sóng 3 kênh truyền hình trên khắp cả nước gồm Canale 5, Italia 1 và Rete 4, nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh duy nhất của kênh truyền hình quốc gia Italy RAI. Mối quan hệ cá nhân với nhiều quan chức chính phủ, và nhiều ngôi sao truyền hình được cho là một trong những yếu tố tạo nên đế chế truyền thông Berlusconi.

Danh tiếng của Berlusconi đặc biệt nổi bật vào năm 1986 khi ông mua lại Câu lạc bộ AC Milan, giúp đội bóng thoát khỏi nguy cơ phá sản, một nước cờ chiến lược và căn cơ tại quốc gia đam mê bóng đá như Italy. Bệ phóng này đã giúp AC Milan trở thành một thương hiệu quốc tế và phải thừa nhận, hơn 30 năm thuộc về Berlusconi là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử AC Milan.

Berlusconi đã tham gia các ngành xây dựng, bảo hiểm ngân hàng, truyền hình, quảng cáo, xuất bản, siêu thị và thể thao và tạo dựng cả một đế chế kinh doanh. Trước khi qua đời, ông là một trong những người giàu nhất Italy, với khối tài sản gia đình trị giá hàng tỉ USD. Các con của ông đều tham gia điều hành các công ty mà ông sáng lập. Chỉ trong vài chục năm, ông đã biến Fininvest thành công ty lớn thứ 8 tại Italy xét về doanh số. Được Tạp chí Forbes bình chọn đứng đầu danh sách người giàu nhất Italy trong nhiều năm, đế chế của Berlusconi đã có những hào quang rực rỡ và đó cũng là lúc ông nghĩ tới sự nghiệp chính trị.

Dấu ấn trên chính trường

Năm 1994, Forza Italia được thành lập và với tiềm lực kinh tế mạnh, Berlusconi trở thành thủ tướng đầu tiên đắc cử mà chưa từng đảm đương qua các vị trí công quyền tại Italy. Tuy nhiên, liên minh gây cầm quyền tranh cãi với phe phát xít mới gồm Liên minh Quốc gia và Liên đoàn phương Bắc, khiến chính phủ sụp đổ trong vòng 7 tháng.

Không bỏ cuộc, năm 2001, Berlusconi tiếp tục giành chiến thắng sau chiến dịch vận động truyền thông quy mô và với nhiệm kỳ thứ hai kéo dài từ 2001-2006 khá yên bình, ông trở thành nhà lãnh đạo Italy cầm quyền lâu năm nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Dù vậy, cũng trong giai đoạn này, xã hội Italy bắt đầu nhận thấy những rạn nứt và phân cực rõ nét hơn về ông, khi một bên cho rằng ông là người thổi luồng gió mới và ổn định cho nền kinh tế và chính trị của đất nước, còn một bên lại cáo buộc chính ông là người đẩy Italy vào rối ren khi các chính sách kinh tế chỉ phục vụ giới chóp bu và đế chế Fininvest.

Bất chấp những ồn ào và mâu thuẫn, Berlusconi vẫn trở lại nắm quyền vào năm 2008 nhờ một chính đảng mới, đảng Tự do, song buộc phải từ chức vào năm 2011 trong bối cảnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng và những cáo buộc liên quan tới các bữa tiệc tình dục “bunga bunga” với các cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên, điều mà ông luôn bác bỏ. May mắn không mỉm cười lần nữa với “Hiệp sĩ cuối cùng của Italy” (Il Cavaliere) và ông rời chính trường trong sự phẫn nộ của người dân.

Tháng 10/2012, ông bị kết án 4 năm tù vì tội gian lận thuế và bị cấm giữ chức vụ nhà nước dù liên tục tuyên bố vô tội. Vì đã hơn 75 tuổi, Berlusconi được nhận hình phạt thay thế là phục vụ cộng đồng.

“Tôi không bao giờ từ bỏ”, một câu nói nổi tiếng của Berlusconi cho thấy ông là bậc thầy trong việc “hồi sinh” từ đống tro tàn. Lệnh cấm tranh cử đối với ông được dỡ bỏ đúng thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018, khi Forza Italia tham gia liên minh với Đảng Liên đoàn và Anh em Italy, song các đảng này không đạt được 40% cần thiết để cầm quyền. Cựu thủ tướng Italy sau đó đã ứng cử và thắng cử tại Nghị viện châu Âu. Năm 2022, ông được bầu vào Thượng viện Italy cùng với việc Forza Italia trở lại nắm quyền trong một liên minh do đảng Anh em Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni lãnh đạo.

“Tôi đâu phải là thánh”

Câu nói nổi tiếng của Berlusconi phần nào phản ánh nét cá tính và “chịu chơi” của nhân vật đặc biệt này. Cuộc đời ông nhiều thành tựu song cũng lắm bê bối, từ các vụ kiện tụng, cáo buộc gian lận thuế, lạm dụng quyền lực cho đến mua dâm gái vị thành niên… Có thống kê rằng ông đã xuất hiện trước tòa tới… 2.500 lần trong khoảng 109 vụ án.

Berlusconi được biết đến nhiều về đời sống riêng tư và ông cũng không ngần ngại khoe về việc quen nhiều phụ nữ trẻ tuổi hơn. Vụ bê bối thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận là các bữa tiệc “bunga bunga”, có sự tham dự của các vũ nữ, được cho là diễn ra tại biệt thự của vị cựu thủ tướng.

Khoảng giữa năm 2009-2010, khi Berlusconi còn là thủ tướng, các tờ báo Italy tràn ngập tin bài về các bữa tiệc có nhiều phụ nữ trẻ mà ông tổ chức, rồi tiếp đến là những câu chuyện về gái gọi cao cấp, những lời cáo buộc về những cô gái vị thành niên được trả tiền để quan hệ tình dục hoặc thậm chí là cả những tin câu khách như những phụ nữ trẻ ăn mặc như “bà già Noel gợi cảm”, múa cột cho Berlusconi và những người bạn của ông.

Berlusconi luôn khẳng định “bunga bunga” chỉ đơn giản là “những buổi dạ tiệc trang nhã” và không có điều gì xấu xa xảy ra. Ông nói với các nhà báo tập trung tại một khách sạn ở Rome vào một đêm tháng 4/2010: “Các bữa tiệc diễn ra lịch sự và đúng mực, các phòng chật kín khách và người phục vụ… Chúng tôi thậm chí có thể quay toàn bộ sự việc bằng camera, không có gì phải che giấu”.

Di sản nhiều tranh cãi

Không thể phủ nhận Berlusconi là chính trị gia có sức hút song lại bị cho là thiếu tầm nhìn lâu dài về quản trị và phát triển kinh tế. Trong thời gian ông nắm quyền, GDP của Italy ở mức đồng đều so với phần còn lại của châu Âu song năng lực cạnh tranh của đất nước, được xác định qua lĩnh vực xuất khẩu, liên tục suy giảm, trong khi chi tiêu công liên tục gia tăng.

Berlusconi cũng là nhân vật có nhiều quyết định gây tranh cãi. Một trong số đó có lẽ là việc tham chiến ở Iraq năm 2003 cùng với Tổng thống Mỹ George W Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair, một động thái mà đa số người Italy phản đối. Ở phương diện đối ngoại, ông ủng hộ nhiều chính sách của Mỹ, xích lại gần Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga. Ông có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng giống như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hoạt động chính trị của Berlusconi bị cáo buộc dính vào những xung đột lợi ích, khi ông vừa là thủ tướng vừa đứng đầu bộ máy kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình và quảng cáo.

Giữa những năm tháng cầm quyền đầy sóng gió, Berlusconi có rất nhiều lời hớ hênh, bình luận phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc. Tháng 9/2001, hai tuần sau vụ khủng bố 11/9 đẫm máu tại Mỹ, Berlusconi khiến thế giới Hồi giáo bất bình trong khi cho rằng phương Tây “nên tự tin về nền văn minh vượt trội”, và rằng phương Tây có một hệ giá trị “mang lại cho người dân ở những nước chấp nhận nó sự thịnh vượng, cũng như đảm bảo tôn trọng nhân quyền và tôn giáo, điều chắc chắn không tồn tại ở các nước Hồi giáo”.

Năm 2008, ông mô tả Barack Obama là “đẹp trai, trẻ trung và có làn da rám nắng”, ngay sau khi ông Obama được bầu làm tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Berlusconi còn được cho là từng có lời nói thiếu tế nhị về cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Silvio Berlusconi khẳng định: “Trong 20 năm hoạt động chính trị, tôi chưa từng xúc phạm ai”.

Một phát ngôn gây tranh cãi khác của Berlusconi về bản thân là vào tháng 6/2003 tại một phiên tòa xét xử cáo buộc tham nhũng ở Milan khi ông tuyên bố: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, song có lẽ tôi bình đẳng hơn một chút so với những người khác vì người Italy đã trao cho tôi trách nhiệm điều hành đất nước”.

Song dù sao đi nữa, Berlusconi đã sống một cuộc đời nổi bật và hiếm có, để lại một di sản đồ sộ. Sau khi Berlusconi qua đời, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã mô tả ông là “người cha, doanh nhân, thành viên Nghị viện châu Âu, Thủ tướng, nghị sĩ. Ông ấy đã để lại những dấu ấn không thể nào quên”.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thì khẳng định: “Silvio Berlusconi trên hết là một chiến binh, là người không bao giờ ngại bảo vệ niềm tin của mình. Chính sự dũng cảm, quyết tâm đó đã biến ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đất nước”.

Thái Hân
.
.