Bệnh viện vạn tỷ bỏ hoang và chuyện đồng tiền ném lửa

Thứ Năm, 10/04/2025, 08:34

Ngót một vạn tỷ đã đổ xuống công trình xây dựng 2 cơ sở mang tên bệnh viện hàng đầu quốc gia và giờ đây, sau hơn 1 thập kỷ, Nhà nước lại phải rót thêm chi phí, công sức để giải quyết mà chưa biết hồi kết sẽ thế nào. Đồng tiền đổ ra để công trình “đắp chiếu”, sự lãng phí ghê gớm đó phải quy trách nhiệm cá nhân, không thể là câu chuyện “của chung không ai gánh”! 

Xót xa với số tiền đổ xuống dự án, tôi lại nhớ chuyện xưa kể về đồng tiền ném lửa. Chuyện rằng, hai ông bà nọ muộn con nên khi sinh được cậu con trai, cả hai đều chiều chuộng. Bởi sự chiều chuộng khiến cậu không biết làm gì, chỉ mặc sức ăn chơi, xài tiền bố mẹ không chút bận tâm.

Nhận thấy nếu kéo dài tình trạng đó sẽ khiến con hư hỏng, người chồng bàn với vợ phải cho con đi lao động kiếm tiền. Cậu ta khoác ba lô rời nhà đi, song vì mẹ thương con nên lén đưa cho con tiền. Ít ngày sau, về nhà, cậu đưa đồng tiền cho bố và nói dối “tiền con làm ra đây”. Ông bố cầm đồng tiền ném vào lửa, cậu ta khoanh tay đứng nhìn. Tức giận, bố lại yêu cầu cậu rời nhà đi lao động, song cũng như lần trước, người mẹ cầm tiền lén đưa cho con và khi về nhà, cậu tiếp tục nói dối bố là tiền mình làm ra.

Cũng như lần trước, khi ông bố ném tiền vào lửa, cậu vẫn khoanh tay đứng nhìn. Lần thứ ba, ông bố ngăn không để vợ đưa tiền cho con, đồng thời yêu cầu cậu con trai đi làm xa hơn, dài ngày hơn. Không còn tiền gia đình chu cấp, bấy giờ cậu phải rất vất vả để kiếm từng đồng nuôi sống bản thân. Khi trở về, cậu gầy đi trông thấy, móc vội đồng tiền kiếm được đưa cho bố. Cầm tiền, ông bố lại ném vào đống lửa. Nhưng, khác lần trước, không còn khoanh tay đứng nhìn mà bất chấp hiểm nguy, cậu đưa tay vào đống lửa đỏ rực để giật lại đồng tiền khiến cánh tay áo bị cháy. 

- Con trai, giờ thì đúng là đồng tiền con làm ra, con đã lao động mới có được. Không ai thản nhiên nhìn đồng tiền mình vất vả có được bị cháy như vậy - Ông bố hạnh phúc ôm chầm lấy con trai, đưa khăn lau vết cháy trên tay áo con. 

Bệnh viện vạn tỷ bỏ hoang và chuyện đồng tiền ném lửa -0
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn. Ảnh: VNE.

Câu chuyện ấy đã lâu lắm rồi, cũng không rõ in trên sách nào nhưng tôi thấm thía mãi. Lúc ông bố lau vết cháy trên áo cho con cũng chính là lúc ông hạnh phúc nhất, hạnh phúc khi nhìn thấy con trai mình đã trưởng thành, đã biết lao động, biết quý trọng đồng tiền do mồ hôi, công sức mình bỏ ra. “Không ai thản nhiên nhìn đồng tiền mình vất vả có được bị cháy như vậy”, điều ấy đúng ở bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào. Chỉ những đồng tiền “trên trời rơi xuống”, đồng tiền có được một cách dễ dãi hay phi pháp thì con người ta mới coi rẻ, mới mặc nhiên nhìn nó cháy mà khoanh tay đứng nhìn.  

Ngày nay, kinh tế nước nhà khá giả, dòng tiền và của cải vật chất trong xã hội vì vậy cũng dồi dào. Nhưng, bất luận hoàn cảnh nào, khi đồng tiền đó là trí tuệ, mồ hôi, công sức của mình bỏ ra thì dù giá trị nhỏ vẫn rất đáng quý, không ai tiêu xài lãng phí những đồng tiền như vậy. Còn những đồng tiền phi pháp, những đồng tiền có được do tham ô, nhận hối lộ, do bòn rút của công, do lừa đảo thì có thể hàng chục, hàng trăm tỷ, người ta vẫn phớt nhẹ như không. Trong bài trước, tôi có nói đến chi tiết “ngón trỏ triệu đô” của nữ cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Dù cả triệu đô la, vốn rất lớn với người dân, thì với cựu Bí thư Thúy Lan, nó cũng chỉ đơn giản là cái vẩy tay. 

Nay lại nghĩ đến những dự án, những công trình vạn tỷ, hàng chục vạn tỷ mà nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hay vốn vay, vốn huy động bằng nhiều nguồn lực. Vậy mà dự án vẽ lên, rót tiền, xây xong rồi bỏ hoang. Hãy nhớ rằng, với 1 vạn tỷ, chỉ tính riêng tiền lãi suất thì mỗi ngày đã lên tới bao nhiêu, huống gì kéo dài tới cả thập kỷ? Đặc biệt, có những hậu quả không đếm được bằng tiền. Những lần đi thăm người ốm ở bệnh viện, tôi đau đáu trước bao cảnh bệnh nhân nằm ghép trên những khung giường chật chội, cứ người quay đầu đằng này thì người kia phải xoay ngược lại mới có chỗ đặt lưng. Còn thân nhân người bệnh, họ thất thểu đứng ngồi trên những chiếc ghế tạm hoặc dựa hành lang.

Khung cảnh chật chội tứ bề ấy nguyên nhân không gì khác bởi cơ sở vật chất bệnh viện không theo kịp lượng bệnh nhân, đặc biệt tuyến y tế ở Trung ương. Bởi thế, khi có thông tin về việc Nhà nước đầu tư xây dựng 2 cơ sở của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam, tựa như làn gió mới trong đời sống y tế nước nhà.

Cơ sở mang tên bệnh viện uy tín bậc nhất cả nước, lại được đầu tư số vốn lên tới ngót nghét vạn tỷ cùng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ được tuyển lựa, người dân ngóng chờ “ngày hẹn” để ít nhất không khám, chữa bệnh thì cũng đến chiêm ngưỡng xem cái quy mô bệnh viện tân tiến đến cỡ nào. 
Nhưng...

Cái sự nhưng ấy không chỉ là một từ ngữ lý giải thông thường. Chữ “nhưng” ấy xoáy sâu, khắc khoải một chuỗi hệ lụy kéo dài cả thập niên. Chữ “nhưng” ấy trở thành nốt nghẽn trong dòng chảy của ngành y, vốn đang rất được kỳ vọng bứt phá.

Đọc lại kết luận của cơ quan chức năng, thấy rằng, nguyên nhân cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nam chưa hoạt động sau hơn 10 năm khởi công là do chủ đầu tư và nhà thầu “chưa lường hết khó khăn khi triển khai, chưa có kinh nghiệm”. Câu chữ lý giải nghe đơn giản vậy, còn hệ lụy ghê gớm thế nào.

Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngoài việc giảm tải, 2 dự án được đầu tư với mục tiêu trở thành các bệnh viện hiện đại, quản lý điều hành tiên tiến, trình độ khám, chữa bệnh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mỗi dự án có 1.000 giường bệnh theo quyết định đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014. Tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 4.990 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.500 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác.

Các dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015, dự kiến năm 2020 hoàn thành, sau đó được gia hạn đến năm 2024 song đến nay vẫn “treo” và mới hoàn thành trên 90% phần thi công phần hạ tầng, kiến trúc. Dự án được chia thành các gói thầu EPC (thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị), loại hợp đồng được điều chỉnh giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng, dẫn đến nhà thầu dừng thi công từ tháng 12/2020 đến nay.  

Lý giải việc chậm tiến độ, Bộ Y tế cho rằng có 3 nguyên nhân. Đầu tiên, đây là các dự án lớn của ngành y tế, lần đầu áp dụng hình thức EPC. Vì vậy, Bộ Y tế, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án theo hình thức này. Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; chưa hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật hợp đồng và chưa có kinh nghiệm quản lý hợp đồng EPC. Tiếp theo, từ năm 2019 đến năm 2022, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công.

Nguyên nhân cuối cùng, đó là các vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến chủ đầu tư không thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu. Những phần này gồm: Quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế để bổ sung một số khoa, phòng; thay đổi một số chức năng, kết cấu theo đề nghị của 2 bệnh viện; hợp đồng ký ban đầu chưa quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp và phạm vi điều chỉnh giá...

Một bác sĩ viết trên Facebook cá nhân kể rằng, năm đó (khoảng 2008-2009), ông tham gia nhiều cuộc họp với nội dung: Tỉnh Hà Nam chủ trương giành 200 ha đất để làm trường học, bệnh viện nhằm đưa Hà Nam thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, có môi trường sống hiện đại, văn minh, tiên tiến. Nhiều ý kiến thắc mắc về việc xây dựng bệnh viện “khủng” tại đây, song rốt cuộc, các dự án được mô tả “rất cấp thiết” đã hình thành.

“Bẵng đi một thời gian, tôi thấy im im rồi đùng một cái, trên lô đất ấy, mảnh đất ấy sinh ra 2 dự án Bệnh viện Việt Đức 2, Bệnh viện Bạch Mai 2 to đùng ngã ngửa, mỗi bệnh viện được thu xếp vốn tới 4.000-5.000 tỷ. Tôi choáng, kiểm tra lại thì thấy: Các dự án đó chỉ đơn thuần là 2 cái bệnh viện với đầy đủ trang, thiết bị hiện đại đắt tiền nhất mà không hề có các cụm công nghiệp hỗ trợ, không có cụm nhà ở dành thu hút nhân tài, nhân lực, không có cụm an sinh xã hội. Sống sao nổi, lấy đâu ra nhân lực mà điều hành bệnh viện. Bệnh viện có phải cái xe ô tô, cứ mua, cứ xây rồi đổ xăng dầu là chạy được đâu.

Tôi nghĩ, 2 bệnh viện to, thu hút hàng chục ngàn nhân lực, không nhà ở, không trường học, chợ búa... ai mà đến ở, đến làm việc... Y như rằng, 2 dự án bệnh viện đó trở thành 2 đại án. Xây xong mỗi bệnh viện 4.000-5.000 tỷ rồi bỏ hoang. Mỗi lần đi hết cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là một lần ứa nước mắt thương cho người lao động gom góp ngân sách để rồi...”, vị bác sĩ chua xót viết.  

Lại nghĩ, câu chuyện cậu bé khoanh tay nhìn đồng tiền bị bố ném trong lửa ngày nào. Cậu khoanh tay bởi tiền ấy cháy có phải do mình làm ra đâu. Nay, cả vạn tỷ đổ xuống rồi nằm đó, là đồng tiền thuế của dân, có khác gì bị “cháy” mà bao người vẫn khoanh tay đứng nhìn! 

Nhưng, lần này không thể khoanh là yên. “Hiệu lệnh” của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải làm rõ và xử lý nghiêm, vừa nhằm răn đe, cảnh tỉnh những ai quen thói ném tiền và khoanh tay!

Đăng Trường
.
.