Bênh con như thế bằng mười hại con

Thứ Ba, 22/11/2022, 13:44

Câu chuyện người cha ở Hà Tĩnh vác dao xông vào trường của con, dọa chém thầy cô giáo, bắt hiệu trưởng phải quỳ xuống xin lỗi sau khi con của anh ta bị nêu tên trước trường khiến tôi chỉ biết thở dài.

Càng buồn hơn khi trên mạng xã hội, nhiều người làm cha, làm mẹ đăng đàn cho rằng: Người cha kia sai, nhưng thầy giáo kia càng sai hơn khi bêu tên trẻ trước trường. Rằng nhiều thầy cô cũng đáng bị đánh thật (!)

Ai động vào con tôi, sẽ biết tay

Không chỉ có giáo viên bị các phụ huynh hành hung đâu, cả các nhân viên y tế cũng là đối tượng bị người nhà bệnh nhân hành hung nữa. Như hàng loạt vụ phụ huynh xông vào trường tát giáo viên, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Có cả clip ghi lại cảnh một người cha trước mặt con mình đã đấm bác sĩ trực chỉ vì chậm trễ khám cho con anh ta. Giáo viên, nhân viên y tế quả thực là hai đối tượng nạn nhân của những ông bố, bà mẹ thuộc nhóm: Ai động vào con tôi, sẽ biết tay tôi.

142366_bao-luc-hoc-duong2-31310619.jpg -0
Đừng biến con thành kẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề (ảnh minh họa). Ảnh: S.t

Thường thì những vụ việc như thế khi lên báo, phần đa mọi người đều lên án các phụ huynh này. Nhưng vẫn còn đâu đó những ý kiến cho rằng bác sĩ cũng sai, giáo viên cũng sai sau khi thừa nhận cha mẹ sai khi hành hung người khác. Rằng không có lửa sao có khói? Rằng phải thấu cảm nỗi lòng cha mẹ. Cha mẹ thương con, sẵn sàng làm tất cả mọi điều để bảo vệ con thì đó cũng là lẽ thường tình.

Nhân danh lòng yêu con, có một bộ phận không nhỏ các cha mẹ bảo vệ những người cha, người mẹ sử dụng bạo lực, hành hung người khác như thế. Chúng ta không khó để bắt gặp những người cha, người mẹ "hổ báo" như vậy. Sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bất cứ ai đụng vào con cái của họ. Như những vụ va quệt ngoài đường, người cha sẵn sàng xông vào đánh kẻ gây ra tai nạn cho con của họ.

Cái lý lẽ "của đau con xót" khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua cho những vụ tấn công bạo lực đó. Nếu có trách, chúng ta chỉ trách nhẹ và đổ lỗi cho chính các nạn nhân bị tấn công. Như trường hợp ở Hà Tĩnh, "tại hiệu trưởng đã bêu tên học sinh trước toàn trường" và cho rằng đó là hành vi phản giáo dục, cũng đáng bị đánh. Như vụ người cha tấn công bác sĩ, "chắc bác sĩ vòi phong bì không được nên mặc đứa trẻ, bố nó mới điên lên đánh. Phải mình, mình cũng vậy. Con thì đang ốm đau quằn quại mà bác sĩ cứ thờ ơ, ai mà chịu nổi".

Và những đổ lỗi đó, kỳ lạ thay, luôn nhận được nhiều sự tán đồng. Họ kể tội các giáo viên và bác sĩ. Rằng hai nghề đó rất bạc, toàn bày trò ăn tiền. Giáo viên thì không có phong bì sẽ trù dập học sinh. Bác sĩ mà không có phong bì thì bỏ lơ bệnh nhân. Giáo viên và nhân viên y tế, những nạn nhân của các vụ hành hung chưa bao giờ được bảo vệ, bênh vực một cách trọn vẹn. Họ luôn bị gắn mác "phong bì" để giảm tội cho những phụ huynh bạo lực. Phải thế chăng mà thời gian vừa qua, giáo viên và bác sĩ là hai ngành nghề có số lượng nhân viên bỏ việc nhiều nhất? Làm giáo viên thời nay, nhân viên y tế thời nay vừa căng thẳng, lương kém lại còn dễ bị phụ huynh, người nhà bệnh nhân hành hung nhất. Nhưng từ từ đã nào, còn một nạn nhân nữa, im lìm chịu nhận về những tổn thương mà không ai trong chúng ta nói đến: Những đứa trẻ.

Con có cần được bố mẹ yêu như thế?

12 năm làm Chánh Văn, 23 năm làm báo cho học trò, tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ tổn thương nghiêm trọng khi có bố, có mẹ "hổ báo cáo chồn" như thế. Những đứa trẻ bị phạt và cha mẹ chúng bảo vệ chúng, tấn công kẻ đã phạt chúng. Chúng ta là người lớn, chúng ta nghĩ rằng con cái của chúng ta sẽ tự hào về bố lắm. Kiểu "ai động vào tôi, bố mẹ tôi sẽ xử đẹp chúng". Nhưng là người lớn chúng ta nghĩ vậy thôi. Lũ trẻ thì không.

Điều mà một đứa trẻ bình thường suy nghĩ lúc đó chỉ là "bố mẹ thật đáng sợ". Tôi nói là những đứa trẻ bình thường nhé! Chúng sẽ vô cùng sợ hãi khi thấy vẻ mặt dữ tợn của bố, sự hùng hổ kinh khủng của mẹ. Chúng tuyệt đối chẳng có chút tự hào hay hãnh diện gì đâu, nếu chúng là những đứa trẻ bình thường. Những bức thư của chúng gửi anh Chánh Văn tâm sự ấy khiến tôi xót xa. Bởi chính tôi cũng từng như các cha mẹ kia, nghĩ rằng ai động đến con mình thì mình sẵn sàng tất tay, tận mạng, chơi đến cùng với họ. Rằng như thế mới ra dáng làm cha. Rằng như thế mới thực là yêu con hơn cả sinh mạng của mình.

Cho đến khi tôi đọc được những tâm thư của lũ trẻ. Cho đến khi tôi được trò chuyện với lũ trẻ. Đúng, là những đứa trẻ bình thường có suy nghĩ bình thường, chúng không hề tự hào vì có bố, có mẹ như vậy đâu. Chúng không hề nghĩ, dù chỉ mảy may, rằng bố làm thế, mẹ dữ thế là vì bố mẹ quá yêu con. Với suy nghĩ của trẻ, chúng chưa đủ trải nghiệm cuộc đời để hiểu rằng cha mẹ làm vậy vì thương chúng, bảo vệ chúng.

Thứ chúng thấy chỉ là bố dữ tợn quá, mẹ dữ tợn quá. Chỉ có những đứa trẻ bất thường mới nghĩ khác. Nhưng chúng cũng nghĩ rất bất thường. Rằng cha mẹ là vũ khí của chúng. Chúng ghét bỏ bất cứ ai, chúng cũng đều có thể sử dụng vũ khí của chúng để tiêu diệt kẻ đó. Và tất nhiên, với lối suy nghĩ bất thường đó, chúng ta mong gì con cái chúng ta sẽ phát triển bình thường???

Cha mẹ khi "nổi cơn yêng hùng" quên nghĩ: Hệ lụy sau đó đến với con cái của mình. Không phải thầy cô sẽ trù dập chúng đâu (chẳng thầy cô nào muốn dây vào cha mẹ kiểu bặm trợn đó cả). Nhưng tệ hơn cả sự trù dập là sự xa lánh. Họ, những thầy cô đó, cũng phải lo cho bản thân mình chứ. Nên họ sẽ chọn cách không dính dáng đến con của bạn. Đứa trẻ sẽ mất đi kết nối với thầy cô. Giáo dục không có kết nối thì còn gì là giáo dục? Rồi những đứa bạn xung quanh đứa trẻ nữa. Cha mẹ có biết lũ trẻ sẽ nói về con bạn thế nào không? Là chính cha mẹ đã đẩy con cái mình vào sự ghẻ lạnh. Đúng! Bạn có thể chuyển trường cho con. Nhưng bạn sẽ chuyển con đi bao nhiêu ngôi trường? Nhất là mạng xã hội, một cái vỗ tay ở Sài Gòn cũng vang đến tận Hà Nội, dù bạn chuyển con đến ngôi trường nào đi nữa thì câu chuyện của bạn cũng sẽ theo con bạn suốt đời.

Thương tổn còn ám ảnh con bạn suốt đời. Nó sẽ không dám nói cho bạn biết nó bị xâm hại, bị đánh, bị bạo lực hay gặp bất kể chuyện gì. Vì chúng sợ. Chúng sợ nhìn thấy vẻ mặt gớm ghiếc của cha, sự ba máu sáu cơn của mẹ. Chính bạn đã khiến cho con thu mình trong vỏ ốc và gặp thêm nhiều bất hạnh khác trong đời chúng. Bạn bảo vệ con, bạn thương con nhưng bạn đâu sống thay con, sống cuộc đời của con được? Là còn chưa kể, nếu hành hung người khác đạt tỷ lệ thương tật đủ bị truy cứu hình sự thì đứa trẻ đó sẽ lại mang đầy mặc cảm tội lỗi rằng vì chúng mà cha mẹ đã phải ngồi tù.

Bạo lực luôn sai - Bênh con thế nào là đúng?

Chúng ta đang sống ở một xã hội có pháp luật. Bất kể bạn có tin vào pháp luật hay không thì bạn vẫn thuộc đối tượng bị pháp luật điều chỉnh. Thế nên, nếu bạn vi phạm pháp luật, bạn vẫn sẽ bị xử lý dù bạn coi thường nó hay không tin vào nó. Trường hợp người cha kia cũng vậy, công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã mở cuộc điều tra. Có thể người cha đó sẽ bị phạt hành chính về tội gây rối trật tự hoặc nặng hơn. Luật không có mục nào cho phép thương con, bảo vệ con thì được tấn công người khác cả. Không thể dùng nắm đấm để giải quyết bất cứ một mâu thuẫn nào, dù đó là vì bảo vệ con mình, trừ khi, đó là tự vệ trước sự tấn công của kẻ khác. Đến cả tự vệ, pháp luật cũng có khung hình phạt cho những hành động vượt quá sự tự vệ, như tiếp tục tấn công hoặc gây ra án mạng.

Vậy, chúng ta nên làm gì để bênh con cho đúng? Tôi nghĩ rằng giúp trẻ nhận ra bố mẹ luôn ở bên con là quan trọng nhất. Không phải dùng nắm đấm của mình đâu. Mà là dùng lòng tin của mình, sự vỗ về và có mặt của mình, bên con. Tôi cho rằng cha mẹ cần bình tĩnh và biết quản lý, kiểm soát cảm xúc của mình. Lắng nghe cả từ hai phía. Đánh giá đúng sai một cách tỉnh táo. Là luôn cho con thấy bạn tin con nhưng đồng thời phải phân tích được với con việc con đã sai ở đâu, cần sửa điều gì. Nếu thầy cô sai, người lớn kia sai, bạn có thể bảo vệ con mình nhưng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của con mình. Bằng việc đối thoại thay vì đối đầu.

Nếu đối thoại không được, hãy sử dụng những hỗ trợ. Như ban phụ huynh, như lên cấp cao hơn, ban giám hiệu, sở giáo dục, chính quyền sở tại. Chính cách mà chúng ta đang thực hiện sẽ là giáo trình dạy con cách xử lý vấn đề. Con sẽ học được từ cha mẹ cách bình tĩnh giải quyết vấn đề thay vì sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Đừng biến con thành kẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Thương con, bênh con thế nào cũng là cách để chúng ta muốn con thành người chứ không phải hóa thú dữ trong mắt con.

Hoàng Anh Tú
.
.