Bê bối pháp lý của Johnson & Johnson: Câu chuyện về trách nhiệm và niềm tin bị mất

Thứ Sáu, 11/04/2025, 09:36

Johnson & Johnson, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, vốn đã xây dựng danh tiếng lâu dài về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm an toàn, đang phải đối mặt với hàng loạt bê bối pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan đến các sản phẩm phấn rôm, thuốc giảm đau nhóm opioid và các chiến dịch tiếp thị không minh bạch.

Những vụ kiện này không chỉ làm tổn hại đến tài chính của công ty, mà còn làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với một thương hiệu vốn đã có mặt trong mỗi gia đình trên thế giới.

Những cáo buộc ung thư từ phấn rôm

Phấn rôm Johnson’s Baby Powder là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Johnson & Johnson, gắn liền với hình ảnh chăm sóc sức khỏe an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, từ đầu những năm 2010, công ty này đã phải đối mặt với một loạt vụ kiện với cáo buộc sản phẩm này gây ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô do bị nhiễm amiăng.

Các nguyên đơn cho rằng, công ty đã biết từ lâu bột phấn rôm có chứa amiăng, một chất gây ung thư đã được khoa học chứng minh, nhưng lại không đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng. Mặc dù Johnson & Johnson khẳng định các sản phẩm của mình không chứa amiăng và không gây ung thư, nhưng những cáo buộc này đã không ngừng gia tăng.

Bê bối pháp lý của Johnson & Johnson: Câu chuyện về trách nhiệm và niềm tin bị mất -0
Johnson & Johnson phải đối mặt với nhiều vụ kiện. Ảnh: Reuters.

Tại Mỹ, các vụ kiện tụng đã lên đến 60.000 vụ, trong đó có những phán quyết buộc công ty phải bồi thường hàng tỷ đô la. Điển hình là vụ kiện năm 2018, khi một bồi thẩm đoàn tại bang Missouri tuyên phạt công ty 4,7 tỷ USD vì đã tiếp thị sản phẩm bột phấn rôm gây ung thư cho 22 nguyên đơn. Một số nguyên đơn cho biết họ đã mắc bệnh ung thư sau khi sử dụng phấn rôm của Johnson & Johnson trong nhiều năm. Một nghiên cứu công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa việc sử dụng phấn rôm và ung thư buồng trứng, mặc dù công ty vẫn kiên quyết phủ nhận.

Tại Anh, công ty cũng phải đối mặt với thách thức pháp lý khi số lượng người yêu cầu bồi thường tăng từ 1.900 người vào tháng 11/2024 lên 3.500 người vào năm nay. Phần lớn khách hàng ở Anh cáo buộc Johnson & Johnson đã không cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ ung thư do amiăng trong sản phẩm phấn rôm. Hiện vụ kiện này ở Anh đã được xem là một trong những vụ kiện tập thể lớn nhất trong lịch sử pháp lý của xứ sở sương mù. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của bê bối và sự mở rộng ảnh hưởng của nó trên toàn cầu. Những người kiện cáo buộc rằng công ty đã tiếp tục bán sản phẩm phấn rôm nhiễm amiăng cho đến năm 2022, mặc dù biết rõ về các mối nguy hại từ những năm 1970.

Bê bối pháp lý của Johnson & Johnson: Câu chuyện về trách nhiệm và niềm tin bị mất -0
Một chai phấn rôm trẻ em Johnson's Baby Powder. Hiện công ty đã ngừng bán phấn rôm trẻ em trên khắp Canada và Mỹ. Ảnh: Reuters.

Chiến lược phá sản trị giá 10 tỷ USD

Trước sức ép từ hàng nghìn vụ kiện, Johnson & Johnson đã tìm cách sử dụng chiến lược phá sản của một công ty con để giải quyết các khiếu nại. Đây là một chiến thuật pháp lý trong đó công ty con LTL Management chịu trách nhiệm dàn xếp các vụ kiện, giúp công ty mẹ tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Tuy nhiên, chiến lược này đã bị bác bỏ hai lần bởi các tòa án Mỹ. Johnson & Johnson đã thử lại lần thứ ba vào đầu năm 2025 nhưng cũng không thành công.

Tin từ hãng Reuters cho hay, hôm 31/3, thẩm phán Christopher Lopez tại Houston (Mỹ) đã bác bỏ đề xuất, khẳng định công ty này không thuộc diện phá sản. "Mặc dù quyết định của tòa án không dễ dàng, nhưng đó là quyết định đúng đắn", thẩm phán Christopher Lopez viết và cho biết thêm rằng, thỏa thuận dàn xếp mà Johnson & Johnson đề xuất không nhận được đủ sự ủng hộ từ những người phụ nữ cáo buộc các sản phẩm công ty gây ra bệnh ung thư cho họ. Nó cũng đi quá xa khi đưa ra các khiếu nại pháp lý chống lại các thực thể không tự nộp đơn xin phá sản, bao gồm các nhà bán lẻ bán sản phẩm của Johnson & Johnson và Kenvue, một doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng mà Johnson & Johnson đã tách ra vào năm 2023.

Bê bối pháp lý của Johnson & Johnson: Câu chuyện về trách nhiệm và niềm tin bị mất -0
Luật sư Andy Birchfield, người luôn phản đối thỏa thuận phá sản của Johnson & Johnson. Ảnh: Getty.

Đồng thời, thẩm phán Christopher Lopez cũng chỉ trích các phiếu ủng hộ mà Johnson & Johnson thu thập được từ luật sư của các nguyên đơn, nói rằng có những sai sót nghiêm trọng trong các phiếu ủng hộ này. Johnson & Johnson thu thập được 90.000 phiếu ủng hộ, nói rằng họ có 83% sự ủng hộ của nguyên đơn, nhưng thẩm phán Christopher Lopez đã chỉ ra rằng, "ít nhất một nửa số phiếu bầu không được tính".

“Một số luật sư đã bỏ phiếu thay mặt cho khách hàng của họ mà không có thẩm quyền rõ ràng để làm như vậy và những người khác nói rằng họ đã có được sự đồng ý của khách hàng nhưng không đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã nói chuyện với họ”, thẩm phán Christopher Lopez cho biết. Chưa hết, một số luật sư của nguyên đơn còn sẵn sàng làm chứng rằng họ bị buộc phải bỏ phiếu thay mặt cho khách hàng của mình thay vì cho phép họ bỏ phiếu trực tiếp.

Andy Birchfield, một luật sư đại diện cho các nguyên đơn phản đối thỏa thuận phá sản, cho biết chiến lược phá sản của Johnson & Johnson "không gì khác hơn là một động thái gian dối nhằm tránh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn". "Với phán quyết này, chúng tôi hiện đang tiến hành các thủ tục đề nghị xét xử, nơi khách hàng của chúng tôi cuối cùng sẽ có cơ hội trình bày vụ án của mình trước bồi thẩm đoàn và giành được công lý mà họ xứng đáng được hưởng", luật sư Andy Birchfield nói.

Johnson & Johnson cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ không kháng cáo, nhưng cũng không có ý định giải quyết các khiếu nại và thay vào đó sẽ "quay trở lại hệ thống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và bác bỏ các khiếu nại vô căn cứ về bột phấn rôm". Cụ thể, bệnh nhân ung thư buồng trứng có thể sẽ nhận được từ 75.000-150.000 USD theo thỏa thuận giải quyết.

Những câu hỏi về hoạt động kinh doanh và tiếp thị bất hợp pháp

Song vận đen đối với Johnson & Johnson vẫn chưa chấm dứt. Một tiết lộ gần đây đã thu hút sự chú ý đến kem chống nắng của công ty. Vào năm 2021, các cuộc thử nghiệm đã phát hiện ra rằng, 27% kem chống nắng dạng xịt của Johnson & Johnson với các thương hiệu nổi tiếng như Aveeno và Neutrogena… có chứa benzen - một hóa chất gây ung thư có liên quan đến ung thư máu. Sau phát hiện này, công ty đã buộc phải thu hồi các sản phẩm bị nhiễm bẩn và tuyên bố rằng sẽ rà soát lại quy trình kiểm tra chất lượng để đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vụ bê bối này càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của người tiêu dùng về khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm của công ty.

Bê bối pháp lý của Johnson & Johnson: Câu chuyện về trách nhiệm và niềm tin bị mất -0
Thuốc điều trị tâm thần phân liệt risperdal là trọng tâm trong cuộc điều tra của Mỹ về hoạt động tiếp thị không phù hợp kéo dài hơn một thập kỷ. Ảnh: Getty.

Một cáo buộc khác đối với Johnson & Johnson liên quan đến thuốc giảm đau. Năm 2019, công ty bị kết tội tiếp thị và phân phối thuốc giảm đau nhóm opioid như OxyContin và Duragesic mà không cảnh báo đúng mức về nguy cơ nghiện ngập. Sự lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng tại Mỹ. Tòa án Oklahoma đã tuyên phạt Johnson & Johnson 572 triệu USD trong một vụ kiện liên quan đến việc tiếp thị thuốc giảm đau nhóm opioid cho các bác sĩ và bệnh nhân mà không có đủ cảnh báo về nguy cơ nghiện.

Sau đó, năm 2021, Johnson & Johnson đồng ý chi trả 5 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện liên quan đến giảm đau nhóm opioid tại Mỹ. Các luật sư cho biết rằng công ty đã phớt lờ các cảnh báo và cố tình quảng bá sản phẩm như một giải pháp an toàn trong khi thực tế, thuốc giảm đau nhóm opioid có khả năng gây nghiện rất cao.

Một bê bối lớn khác liên quan đến Johnson & Johnson là risperdal, một loại thuốc chống loạn thần được phát triển bởi công ty này. Risperdal được phê duyệt để điều trị rối loạn tâm thần, nhưng công ty đã bị cáo buộc tiếp thị thuốc này cho các đối tượng không được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi bị mất trí nhớ. Điều này đã dẫn đến hàng nghìn vụ kiện liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có chứng vú to ở nam giới.

Năm 2013, Johnson & Johnson phải trả 2,2 tỷ USD trong một thỏa thuận dàn xếp liên quan đến việc tiếp thị risperdal cho những đối tượng không được phê duyệt. Sau đó, vào năm 2019, một bồi thẩm đoàn tại Philadelphia tuyên phạt công ty 8 tỷ USD vì tiếp thị risperdal không đúng cách, dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng cho người sử dụng.

Bê bối này một lần nữa cho thấy Johnson & Johnson đã không tuân thủ các quy định pháp lý về tiếp thị thuốc và chăm sóc sức khỏe, gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu người dân. Những bê bối liên tiếp trong những năm qua đã đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của Johnson & Johnson. Một công ty có lịch sử hơn 130 năm và từng được người tiêu dùng tin tưởng, giờ đây phải đối mặt với sự mất niềm tin sâu sắc. Mặc dù công ty đã đồng ý chi trả hàng tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện, nhưng tổn thất về uy tín và niềm tin có thể sẽ là thứ khó có thể khôi phục

Chu Nguyễn
.
.