Bầu cử Tổng thống Mỹ: Đêm dài lắm mộng
Một bản án "chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ" đã và đang được tiếp nối bằng những động thái cũng hết sức khó lường. Khi 34 tội danh hình sự được tuyên bởi Bồi thẩm đoàn Tòa án Tối cao Manhattan chưa thể hoàn toàn đánh gục được cựu Tổng thống Donald Trump, giới quan sát quốc tế sẽ tiếp tục chờ đợi các đòn phản kích từ đảng Cộng hòa, trong cuộc "long tranh hổ đấu" vốn không có chỗ cho sự khoan nhượng, của hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Hào quang người ngã ngựa
"16 nghìn người đã sôi sục, khi ông Donald J. Trump bước vào Trung tâm Prudential ở Newark lúc 10 giờ tối thứ Bảy (1/6), để tham dự một trận đấu của Giải vô địch đấu võ đài UFC" - tờ The New York Times miêu tả, ngày 2/6 - "Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông ta, kể từ khi bị tuyên 34 tội hình sự (về các cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền "bịt miệng" ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, trước thềm cuộc bầu cử năm 2016) 2 ngày trước đó. Ông bước ra trong âm điệu bài "American Bad Ass" của Kid Rock, bài hát đã trở thành nhạc nền không chính thức cho mọi nỗ lực chiếm lại Nhà Trắng của ông".
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một màn xuất hiện trước đám đông đầy tính toán. Võ đài UFC luôn được công chúng Mỹ xem là nơi hội tụ đỉnh cao của nam tính, cơ bắp, sự tàn khốc cũng như sức chiến đấu, trong khi các ca từ của bản nhạc, rõ ràng, là sự cất cao một thông điệp ngạo nghễ: "Chosen one, I'm the living proof.../ I jabbed and stabbed and knocked critics back” (Người được chọn, ta là bằng chứng sống.../ Ta hất tung và đánh bật mọi lời chỉ trích).
Và, The New York Times đánh giá: "Sau nhiều ngày ẩn náu trong thành phố đã kết án mình, ông Trump thiết kế lại hình ảnh cá nhân vào hôm đó, như một sự thay đổi - điều tốn ít chi phí hơn so với việc tổ chức một cuộc vận động tranh cử, nhưng có thể mang lại hiệu quả tương đương, trong việc biến ông thành một vị anh hùng bị đàn áp".
Một ngày trước đó, 31/5, phát biểu trước báo giới, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - ông Chris LaCivita thông báo: Chỉ vài phút sau khi Tòa án Tối cao Manhattan (New York, Mỹ) ra phán quyết, người ủng hộ đã làm quá tải hệ thống quyên góp trực tuyến của nhóm vận động tranh cử. Dù gặp tình trạng tắc nghẽn vì lượng truy cập quá lớn này, chiến dịch vẫn thu về 52,8 triệu USD từ các nhà tài trợ. Đây là mức quyên góp kỷ lục trong một ngày, tương đương hơn 2 triệu USD đổ về mỗi giờ. Trong số này, hơn 30% số tiền đến từ các nhà tài trợ mới.
Diễn biến này nói lên điều gì? Nó khẳng định rằng, trên thực tế, có không ít người trong giới cử tri Mỹ không tin vào phán quyết của Bồi thẩm đoàn Tòa án Tối cao Manhattan (nếu không muốn nói rằng họ đồng tình với ông Donald Trump, khi xem phán quyết đó là "không công bằng, nhục nhã, gian lận" và chỉ là một ngón đòn chính trị nhằm mục đích cản trở nỗ lực trở lại Nhà Trắng của ông, trong bài phát biểu dài 33 phút không chuẩn bị ngay thời điểm vừa bước ra khỏi phiên tòa).
Trong một diễn biến liên quan, kết quả của cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện đối với 2.556 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc trong ngày 30 và 31/5 cho thấy 10% tổng số cử tri đăng ký ủng hộ đảng Cộng hòa tỏ ra ít có khả năng bỏ phiếu cho ông Trump sau phán quyết nêu trên. Song, trái lại, 56% khẳng định vụ việc không ảnh hưởng tới lá phiếu của họ và 35% nhiều khả năng vẫn bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Đối với các cử tri trung lập, vẫn có lần lượt 18% khẳng định nhiều khả năng sẽ ủng hộ, cùng 56% giữ nguyên quyết định bỏ phiếu cho ông.
Và, ông Trump đã ở lại đến cuối trận đấu UFC, tới tận 1h15 ngày 2/6. Người chiến thắng, võ sĩ Kevin Holland, đã xuống khỏi võ đài để tới bắt tay ông. Rồi đám đông gầm lên, khi hình ảnh hai người ghé sát vào nhau được chiếu lên màn hình lớn. Còn hệ thống âm thanh thì rít vang những ca từ giận dữ của ban nhạc The White Stripes: "I'm gonna fight 'em off. A seven nation army couldn't hold me back. They're gonna rip it off. Takin' their time right behind my back” (Ta sẽ đánh bại chúng. Quân đội của bảy quốc gia cũng không thể ngăn ta lại. Chúng sẽ bị xé nát và nhận lấy phần mình sau lưng ta).
Quang cảnh ấy là cả một thùng thuốc súng. Không có gì ngạc nhiên, khi đám đông phát cuồng đồng thanh đứng dậy hô vang "USA! USA!", lúc ông Trump quay lại, giơ cao nắm đấm.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu
Chưa từng có cựu tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ bị kết án hình sự. Và, đến ngày 11/7, nghĩa là chỉ 3 ngày trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, nếu phiên tuyên án giữ nguyên phán quyết của Bồi thẩm đoàn Manhattan, ông Donald Trump có thể đối mặt với bản án từ 16 tháng tới 4 năm tù. Cũng có thể, do tuổi tác và lý lịch trong sạch, ông Trump sẽ thụ án trong thời gian ngắn hơn hoặc không bị giam giữ. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là một cú đòn tối tăm mặt mũi giáng vào chiến dịch tranh cử của cá nhân ông, cũng như của đảng Cộng hòa.
Do đó, hiển nhiên, cũng như việc ông Donald Trump chắc chắn sẽ kháng cáo, đảng Cộng hòa sẽ không "bó tay chịu trói". Họ, như cách nói của tờ Politico ngày 2/6, đã "xếp hàng để bảo vệ ông Trump và vạch kế hoạch công kích các công tố viên liên quan đến phiên tòa lịch sử".
Cụ thể, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cáo buộc Tòa án Tối cao Manhattan "vũ khí hóa chính phủ liên bang" và thề sẽ "đấu trả" bằng "mọi thứ trong kho vũ khí của chúng tôi... trong giới hạn của các quy tắc pháp lý", thí dụ như phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp dự kiến diễn ra ngày 13/6, nơi các nghị sĩ Cộng hòa dự định thẩm vấn Biện lý quận Manhattan Alvin Bragg cũng như Matthew Colangelo, một trong những công tố viên đã xét xử vụ án. "Mục đích của phiên điều trần là để điều tra những gì các công tố viên này đang làm ở cấp tiểu bang và liên bang, nhằm sử dụng biện pháp trừng phạt chính trị trong hệ thống tòa án để truy lùng các đối thủ chính trị, các quan chức liên bang như ông Donald Trump", ông nói với Fox News Sunday.
Không chỉ vậy, ông Mike Johnson còn cho biết thêm, các nhà lập pháp cũng sẽ "xem xét" luật sư Jack Smith, người đang dẫn đầu các cuộc điều tra về cáo buộc xử lý sai tài liệu mật của ông Trump sau khi ông rời Nhà Trắng, cũng như vụ án ngày 6/1, cùng những nỗ lực bị cáo buộc nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020. Đảng Cộng hòa cho rằng Smith đang "lạm dụng quyền lực" và các thành viên Hạ viện sẽ tiến hành giám sát, "để người dân Mỹ thấy rằng chúng tôi sẽ không dung thứ cho điều này".
Chỉ vài ngày sau phiên tòa "địa chấn" dành cho ông Donald Trump, đến lượt Hunter Biden (con trai đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden) trở thành con của một tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị đưa ra xét xử, với cáo buộc không tiết lộ việc sử dụng ma túy khi mua súng vào năm 2018.
Nhưng, quan trọng nhất, theo Politico, "Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng ý rằng cuối cùng, cuộc bầu cử ngày 5/11 sẽ quyết định số phận chính trị của ông Trump, vì ông vẫn có thể tranh cử tổng thống, bất kể điều gì". Bởi, như The New York Times giải thích: Hiến pháp Mỹ không có quy định nào cấm một công dân phạm tội hình sự tham gia bầu cử. "Về mặt pháp lý, không có gì thay đổi với tư cách ứng cử viên của ông Trump" - ông Richard L. Hasen, giáo sư luật tại Đại học California, cho biết vào ngày 30/5. Trong khi đó, theo Elie Honig, nhà phân tích pháp lý cấp cao của CNN: Hầu hết các tội danh loại E, loại tội hình sự ít nghiêm trọng nhất ở New York, đều dẫn đến các bản án không phải tù giam - thường là sự kết hợp giữa quản chế, phạt tiền và phục vụ cộng đồng.
Như vậy, chuỗi diễn biến - mà theo đánh giá của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov: "Thực tế hiển nhiên là họ đang loại bỏ các đối thủ chính trị bằng mọi biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp. Cả thế giới đều thấy (điều đó) một cách rõ ràng" - có lẽ cũng mới chỉ bắt đầu, từ cả phía đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Phiên tòa chấn động hiện tại mới chỉ là một trong số những cáo buộc hoàn toàn có thể trở thành rào cản chắn trước con đường trở lại đỉnh cao của vị cựu tổng thống. Ngược lại, như chính ông tự tin phát ngôn trên CBS: "Người dân Mỹ sẽ trở lại với những vấn đề thực sự ảnh hưởng tới đời sống của mình. Còn phiên tòa này thì chẳng liên quan gì đến họ".
Cơ sở của sự tự tin ấy, cũng sẽ chính là nền tảng để đảng Cộng hòa công kích chính quyền đương nhiệm, được Thượng nghị sĩ Tim Scott nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi biết về 4 năm dưới thời Donald Trump là tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp, sự nhiệt tình cao, luật pháp và trật tự trên các đường phố. Và, chúng ta đã có điều hoàn toàn ngược lại dưới thời Joe Biden".
Có điều, dù ai thắng ai bại, sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ dường như sẽ hằn sâu thêm...